10 điều ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ

ez ez @ez

10 điều ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ

Làm cha mẹ, hẳn bạn đã đọc nhiều tài liệu và bài viết về cách giúp con thông minh, khỏe mạnh, hạnh phúc hơn. Giữa bể thông tin khổng lồ, bạn có chắc mình đã tìm được những bí quyết hữu ích và dễ áp dụng vào thực tiễn nhất? Nếu bạn vẫn còn bối rối, hãy tham khảo 10 điều khoa học đã chứng minh là sẽ giúp trẻ từ tuổi sơ sinh đến khi dậy thì thông minh hơn dưới đây.

23/01/2015 04:12 AM
3,658

1. Học nhạc

Năm 2003, Giáo sư tâm lý học Glenn Schellenberg thuộc Đại học Toronto, Canada đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy việc được học nhạc từ nhỏ sẽ giúp trẻ em phát triển trí tuệ.

Giáo sư đã thí nghiệm với hai nhóm trẻ em, một nhóm được học nhạc (hát, chơi nhạc cụ), một nhóm học kịch nói hoặc không học bất cứ môn năng khiếu nào. Kết quả là sau cuộc thí nghiệm, điểm trắc nghiệm IQ của nhóm trẻ được học nhạc tăng vọt lên so với trước đó. Ngoài ra, nhóm trẻ này cũng có kết quả học tập nói chung tốt hơn nhóm không được học nhạc.

Trên thực tế, cuộc sống gắn liền với âm nhạc có ích cho tất cả chúng ta, bất kể già hay trẻ.

Các nhà khoa học từ lâu đã chỉ rằng bài học âm nhạc có thể giúp sinh viên đại học tập trung và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Mới đây, trường Đại học Northwestern lại tiến hành một nghiên cứu cho thấy âm nhạc có khả năng chống lại một số tác động của sự lão hóa đối với người ở tuổi trung niên và người già.

2. Tập thể dục

Chúng ta thường có xu hướng cho rằng chỉ những trẻ vùi đầu vào sách vở và dành nhiều thời gian ở thư viện thì mới đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Nhưng sự thật là gì?

Năm 2007, trong một nghiên cứu về con người, các nhà khoa học Đức đã phát hiện ra rằng sau khi tập thể dục hoặc vận động thể lực, chúng ta sẽ ghi nhớ từ vựng nhanh hơn 20%. Nghiên cứu cũng cho thấy một chế độ tập luyện khoa học và đều đặn trong suốt 3 tháng sẽ giúp bạn tăng khả năng ghi nhớ và học tập lên tới 30%.

Nhà tâm thần học Scott Small – trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Nếu bạn muốn học giỏi hơn và thông minh hơn, đừng ngồi lì ở bàn học hoặc chúi mũi vào sách cả ngày mà hãy chịu khó vận động cơ thể nhiều hơn”.

3. Đọc sách cùng trẻ chứ không phải đọc cho trẻ nghe

Nếu bạn có một em bé đang đến tuổi học đọc, đừng để con phụ thuộc hoàn toàn vào mình bằng cách đọc và chỉ cho trẻ xem tranh.

Nghiên cứu cho thấy càng làm quen với ngôn ngữ sớm thì kỹ năng đọc của trẻ sẽ càng nhanh hoàn thiện và có nhiều tiềm năng phát triển hơn. Khi bạn tập cho con đánh vần và cùng đọc với trẻ, con sẽ có động lực để trau dồi kiến thức mới mẻ này. Ngoài ra, đây cũng là cách tốt để thắt chặt mối liên kết giữa cha mẹ và trẻ.

4. Ngủ đầy đủ

Nghiên cứu khoa học đã phát hiện một sự thật gây sốc: chỉ cần thiếu một giờ ngủ mỗi ngày cũng đủ để khiến não bộ của học sinh lớp 6 biến thành não bộ của học sinh lớp 4.

Tiến sĩ Avi Sadeh, hiện đang giảng dạy tại Đại học Tel Aviv đã thực hiện một nghiên cứu về giấc ngủ và đưa ra kết luận: "Mất một giờ ngủ là mất hai năm trưởng thành và phát triển nhận thức”.

Trên thực tế, giấc ngủ có thể tác động mạnh lên kết quả học tập của thanh thiếu niên. Một cuộc khảo sát ở Mỹ cho thấy những học sinh cấp ba được điểm A (điểm cao nhất trong thang điểm của Mỹ) thì cũng ngủ nhiều hơn trung bình 15 phút so với các học sinh khác.

5. Chỉ số IQ không quan trọng bằng tính kỷ luật

Kỷ luật và sự tự giác đánh bại chỉ số IQ trong việc dự đoán ai sẽ là người thành công trong cuộc sống.

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy sức mạnh ý chí chính là thói quen sống quan trọng nhất giúp một người vươn tới thành công. Học sinh có nghị lực mạnh mẽ thường là người đạt điểm cao trong lớp và được chọn vào các trường chất lượng cao. Họ ít khi bỏ học, ít xem ti vi và dành nhiều thời gian làm bài tập hơn các bạn đồng lứa.

Tác giả đã đoạt giải Pulitzer - Charles Duhigg đã viết trong cuốn sách nổi tiếng Power of Habit của mình rằng: "Học sinh có tính tự kỷ luật cao thường tỏ ra vượt trội hơn các bạn đồng lứa trên mọi lĩnh vực học thuật. Tính tự kỷ luật có thể giúp dự đoán kết quả học tập tốt hơn chỉ số IQ. Tính tự kỷ luật cũng cho biết học sinh nào sẽ tiến vào top đầu của lớp trong một học kỳ, trong khi chỉ số IQ không thể làm được... Tóm lại, tính tự kỷ luật có sức ảnh hưởng lớn lên thành tích học tập hơn tài năng trí tuệ thiên bẩm".

Làm thế nào bạn biết được con mình có thể thành công trong tương lai hay không? Đừng quá đề cao điểm trắc nghiệm IQ mà hãy chú ý đến những yếu tố sau đây: sự tận tâm, sự can đảm và tính hiếu kỳ.

Trong đó, sự tận tâm là yếu tố quan trọng nhất giúp dự đoán thành công trong công việc. Các kết quả khảo sát cho thấy người tận tâm thường đạt điểm cao ở trường đại học, ít phạm pháp hơn và có hôn nhân lâu bền hơn. Ngoài ra, họ còn ít lạm dụng chất kích thích/gây nghiện như rượu, thuốc lá, ma túy hơn nên cũng có tuổi thọ cao hơn.

Vậy sự can đảm và hiếu kỳ có ý nghĩa gì? Đó là hai yếu tố quan trọng để dự báo thành công trong cuộc sống. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ sở hữu sự hiếu kỳ đối với thế giới và sự can đảm để tìm hiểu, chinh phục những điều hóc búa thì cũng thường trở thành những người lớn thành công. Sự can đảm và hiếu kỳ sẽ giúp trẻ từ từ hình thành được hai tố chất khác cũng rất quan trọng trong cuộc sống là kiên trì và say mê.

6. Học tập phải là một quá trình chủ động

Dan Coyle, tác giả cuốn sách nổi tiếng về giáo dục trẻ sớm The Talent Code đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy những trò chơi phát triển trí tuệ như Baby Einstein thực ra không có ích gì với trẻ, nếu không nói là còn khiến trẻ ngô nghê hơn.

Các em bé từ 17 đến 24 tháng tuổi hoàn toàn không phát triển được khả năng tiếp thu và ghi nhớ từ vựng khi được cho xem DVD dạy ngôn ngữ. Trên thực tế, những bé phải xem DVD này đều đặn một tiếng/ngày còn nhớ ít hơn trung bình 6 – 8 từ vựng so với các bé không xem. Nghiên cứu này cho thấy, việc học tập và lĩnh hội kiến thức phải được tiến hành một cách chủ động. Việc bắt trẻ thụ động ngồi trước màn hình TV để nghe dạy học không có ích gì cả.

Tác giả Dan Coyle nói: “Não của chúng ta tiến hóa bằng cách làm việc chứ không phải nghe về công việc. Vì thế, nếu bạn muốn con thực sự phát triển được trí tuệ thì hãy hướng con dành 2/3 thời gian vào việc thực hành lý thuyết. Tôi gọi đây là quy luật 2/3. Nếu bạn muốn ghi nhớ được một mẫu câu, chỉ nên dành 30% thời gian để học thuộc nó, 70% còn lại hãy dành cho việc sử dụng nó để giao tiếp thật. Bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng hơn nhiều”.

7. Ăn vặt đôi khi rất có ích

Tất nhiên, phụ huynh nào cũng biết rằng trẻ sẽ phát triển tốt hơn nếu luôn có một chế độ ăn uống bổ dưỡng và cân bằng. Nhưng không may, nhiều phụ huynh vẫn còn hiểu lầm về từ “bổ dưỡng” và thường cho con ăn sai thực phẩm vào những thời điểm quan trọng mà không hề hay biết.

Bạn nghiêm cấm con ăn vặt (uống nước ngọt, ăn bánh kẹo…) và cố gắng “nhồi nhét” cho trẻ ăn càng nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng càng tốt? Có lẽ bạn nên suy nghĩ lại. Trong một cuộc thí nghiệm, 16 sinh viên đại học đã ăn theo chế độ giàu lipit và protein (nhiều thịt, trứng, sữa, pho mát…) và ít đường trong suốt 5 ngày. Kết quả là hiệu suất làm việc, khả năng tập trung và tư duy của họ giảm sút hẳn so với trước đó.

Bạn có thể tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng để hỏi, tất cả họ đều sẽ nói với bạn rằng nên cho con ăn thức ăn giàu Carb, giàu chất xơ để giúp não bộ hoạt động tốt nhất, đặc biệt là trong ngày có cuộc thi lớn.

Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu còn cho thấy Caffeine và đường có thể là “tên lửa” thúc đẩy hoạt động của não bộ. Sự kết hợp giữa Caffeine và đường như trong một cốc cà phê sữa rất có ích cho khả năng tư duy, khả năng tập trung và trí nhớ của con người.

Vì vậy, đôi khi bạn có thể “nhắm mắt làm lơ” cho trẻ uống một cốc nước ngọt và ăn loại kẹo yêu thích. Tốt hơn, bạn có thể biến những loại thực phẩm này thành phần thưởng cho trẻ nếu đạt được một thành tích tốt trong học tập và cuộc sống.

8. Trẻ em càng hạnh phúc thì càng có nhiều khả năng thành công

Đây có lẽ không phải thông tin mới, nhưng luôn cần được nhắc lại nhiều lần với các vị phụ huynh: hãy cho con một ấu thơ hạnh phúc nếu bạn muốn trẻ thành công trong tương lai.

Thế giới có thể thay đổi, tư tưởng của con người có thể thay đổi theo chiều dài lịch sử, nhưng có một điều vĩnh viễn không thể thay đổi – mưu cầu hạnh phúc. Có một cuộc sống hạnh phúc từ thuở ấu thơ là lợi thế rất lớn cho bất kỳ con người nào. Những đứa trẻ hạnh phúc sẽ có cái nhìn tích cực và lạc quan hơn vào cuộc sống, nhờ đó mà các bé sẽ lớn lên tự tin, dạn dĩ và dám sẵn sàng theo đuổi ước mơ. Nhiều cuộc khảo sát đã cho thấy người hạnh phúc thành công hơn trong cả cuộc sống lẫn tình cảm. Họ cũng có trung bình thu nhập cao hơn và có hôn nhân bền vững hơn.

Điều quan trọng nhất mà bạn cần ghi nhớ là nếu muốn con cái hạnh phúc, trước hết cha mẹ cũng phải hạnh phúc. Vì thế, hãy tập sống lạc quan và tươi cười nhiều hơn mỗi ngày. Tâm trạng của bạn sẽ tác động mạnh lên con trẻ.

9. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

Nghiên cứu của tác giả cuốn sách The Tipping Point: How Little Things Can Make a Big Difference - Malcolm Gladwell đã chỉ ra rằng gien di truyền quan trọng hơn cách nuôi dạy trong việc dự đoán trí thông minh của trẻ.

Malcolm Gladwell nói: “Con cái thường có khả năng trí tuệ và một số đặc điểm tính cách tương tự như cha mẹ đẻ của mình. Trong khi đó, con nuôi thường không có nét gì chung với cha mẹ nuôi dù đó là những người đã nuôi dạy, chăm sóc và yêu thương trẻ trong suốt gần hai mươi năm cuộc đời”.

Tuy nhiên, Malcolm cũng khẳng định rằng gen di truyền không phải yếu tố quan trọng duy nhất quyết định khả năng thành công của trẻ. Có một yếu tố khác cũng quan trọng không kém – môi trường sống.

Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được sống trong một môi trường lành mạnh từ nhà ở cho đến trường học, được vây quanh bởi những bạn bè tốt bụng và thông minh thì cũng có xu hướng phát triển nhân cách tương tự như vậy.

Một nghiên cứu khác của nhà kinh tế học Bruce Sacerdote đã chứng minh tính đúng đắn của lý thuyết trên. Ông phát hiện ra rằng những sinh viên thường xuyên bị điểm thấp sẽ cải thiện được điểm số sau một thời gian ở chung phòng với sinh viên giỏi. Bruce nói: "Những người đồng lứa khi ở gần nhau thì rất dễ ‘nhiễm’ các thói quen của nhau, cả tốt và xấu. Tuy nhiên, người nào có tính cách mạnh mẽ và ưu điểm vượt trội hơn sẽ lôi cuốn người kia hơn. Đó là lý do sinh viên học yếu sẽ tiến bộ hơn nếu được ở cùng những người học giỏi”.

10. Được cha mẹ và thầy cô tin tưởng

Khi phụ huynh, giáo viên tin tưởng vào khả năng của một đứa trẻ và giúp bé cũng có được niềm tin đó, sẽ có những điều kỳ diệu xuất hiện.

Hai nhà khoa học Robert Rosenthal and Lenore Jacobson Pygmalion đã thực hiện nghiên cứu tại một lớp học cho thấy lời khen của giáo viên tác động rất lớn đến kết quả học tập của học trò. Giáo viên được yêu cầu chọn một nhóm học sinh ngẫu nhiên (có cả học lực giỏi, khá và trung bình) và nói với họ rằng: “Trò đã làm rất tốt. Tôi tin là trò sẽ tiến bộ hơn nữa”. Kết quả là hầu hết số học sinh này đều thật sự có tiến bộ trong việc học tập.

Điều này cũng đúng với các vị phụ huynh. Sự nghiêm khắc tất nhiên là cần thiết trong việc giáo dục con, nhưng đôi khi bạn nên thoải mái hơn và dành cho con những lời khen nhiệt thành khi bé đạt được một thành tích nào đó. Sự tin tưởng của phụ huynh sẽ giúp trẻ có động lực để cố gắng hơn nữa vì không muốn gây ra nỗi thất vọng cho cha mẹ.

Theo PNGD

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý