10 món chè ngon - mát - bổ mùa hè

tamchuyen tamchuyen @tamchuyen

10 món chè ngon - mát - bổ mùa hè

Mùa hè oi nóng sẽ trở nên dễ chịu hơn nếu bạn được thưởng thức những ly chè mát lạnh. Không chỉ cung cấp thêm sinh tố cho cơ thể những chất từ đỗ xanh, hạt sen, cốt dừa … các món chè còn có tác dụng giải nhiệt và bồi bổ sức khỏe.

12/06/2010 09:29 AM
95,922

1. Chè khoai lang

Nguyên liệu:

Khoai lang tím 300g
Nước cốt dừa 100g
Bột béo 20g
Đường 100g
 


Cách làm:

Khoai lang tím gọt vỏ, cắt vuông quân cờ. Đem một nửa số khoai lang luộc chín, nghiền mịn. Nửa còn lại luộc chín tới rồi cho vào hỗn hợp khoai đã nghiền. Cho đường vào cùng với khoai, bắc lên bếp đun sôi. Bột béo hòa nước, đổ từ từ vào chè khuấy đều cho đến khi chè quánh lại. Cho tiếp nước cốt dừa vào, khuấy đều rồi bắc xuống.

Múc chè ra bát, trang trí bát chè bằng cách rưới nước cốt dừa lên trên rồi vẽ hình hoa.
 
2. Chè đậu xanh khoai môn

Nguyên liệu:

Đậu xanh 300g
Khoai môn 200g
Đường, nước dừa.
Nước cốt dừa
 


Cách làm:

Cho 1 phần nước dừa tươi cùng 2 phần nước lọc đun sôi, sau đó cho đậu xanh vào đun 10 phút. Cho tiếp khoai môn vào đun đến khi chín. Cho đường nêm vừa độ ngọt, có một chút nước cốt dừa vào đun 2 phút bắc xuống. Khi ăn cho chè ra ly hoặc chén, rưới chút nước cốt dừa lên trên.
 
3. Chè bà ba 

Nguyên liệu:

Đậu trắng 50g
Đậu đen 50g
Đậu đỏ 50g
Đậu xanh 40g
Rong biển 30g
Nước cốt dừa, nước dừa, đường trắng, 1 quả chuối chín bóc vỏ, 1 củ khoai lang chín, lạc rang
 


Cách làm:

Cho 1 phần nước dừa, 2 phần nước lọc đun sôi, cho tất cả các loại đậu vào đun đến khi đậu chín. Cho đường vừa ăn sau đó cho chuối và khoai lang cắt khúc vào và cuối cùng cho nước cốt dừa, nêm cho vừa độ ngọt. Khi ăn, múc chè ra chén, cho một đậu phộng và nước cốt dừa lên trên. Bạn có thể ăn nóng hoặc ăn lạnh cùng với đá tùy theo sở thích.

4. Chè nếp cẩm

Nguyên liệu:

Nếp cẩm 150g

Nước cốt dừa 100g

Đường 100g

Dầu chuối 5ml

 
Cách làm:

Nếp cẩm vo sạch, sau đó cho vào nồi ninh với lửa nhỏ. Khi nếp cẩm chín nhừ, cho đường và nước cốt dừa vào khuấy đều, đun sôi trở lại, cho thêm dầu chuối rồi bắc ra.

Múc chè ra từng bát, trang trí cho bát chè bằng cách tưới nước cốt dừa lên trên, dùng một chiếc tăm nhỏ vẽ nước cốt dừa thành hình bông hoa.
 
5. Chè vừng đen

Nguyên liệu:

100g vừng đen

Bột nếp 50g

Đường

Sữa (tùy chọn)
 

Cách làm:

Vừng đen nhặt sạch sạn, cho lên chảo rang thơm. Cho vừng đen vào máy xay khô, xay mịn như bột.

Bột gạo nếp cũng cho lên chảo rang, để lửa nhỏ, đảo đều tay đến khi bột vàng và thơm.

Trộn bột nếp với bột vừng đen, nếu cẩn thận có thể lọc qua một cái rây cho hỗn hợp bột thật mịn. Sau đó thêm 1 lượng đường tùy độ ngọt mà bạn mong muốn. Trộn đều lên.

Khi ăn chỉ việc  lấy 1 – 2 thìa bột vừng này cho vào bát, thêm nước sôi quậy đều tay đến khi bột quánh lại là được.

Phần hỗn hợp bột khô có thể cho vào lọ, đậy thật kín để ăn dần, rất tiện.

Nếu muốn thêm hương vị cho món chè vừng này bạn có thể quậy bột với nước trên bếp đến khi gần chín thì cho ½ cốc sữa vào, ngoáy đều, khi sôi thì tắt bếp. Vậy là bạn có chè vừng sữa tươi thơm ngon bổ dưỡng.

Trong trường hợp máy xay nhà bạn không có chức năng xay khô thì bạn có thể cho bột nếp, vừng đen, đường và 1 bát nước vào máy xay, nhấn nút xay trong một phút cho vừng mịn. Sau đó cho nước bột vừng này lên bếp, để lửa trung bình, đun đến khi hỗn hợp sánh lại là được, thêm chút sữa nếu muốn.

Cách này cho thành phẩm chè không hề khác gì và thậm chí còn đỡ mất thời gian hơn, nhưng lại không chế biến được bột vừng để ăn dần như cách xay khô.

6. Chè sữa đu đủ

Món chè đu đủ sữa tươi vô cùng dễ làm, là thức tráng miệng bổ dưỡng ngon miệng. Đu đủ rất giàu vitamin A, C, E, tốt cho mắt, tăng cường sức đề kháng và giúp tiêu hóa tốt hơn.

Nguyên liệu:

Đu đủ nửa quả. Không nên chọn đu đủ chín quá sẽ bị nát

Đường

Sữa tươi 3 cốc
 

Cách làm:

Đu đủ thái miếng to

Cho sữa vào nồi, đặt lên bếp đun nóng, cho đường vào ngoáy đến khi tan, lượng đường tùy độ ngọt bạn muốn. Nếu sữa tươi đã ngọt thì có thể không cho thêm hoặc giảm bớt đường.

Đun sữa sôi, cho đu đủ vào đun sôi trong 1 phút nữa rồi tắt bếp.

Múc chè ra bát, để nguội bớt rồi thưởng thức. Mùa hè bạn có thể cho vào tủ lạnh hoặc đập đá vào ăn mát lạnh rất thích.

7. Chè trân châu cùi dừa

Nguyên liệu:
 
2 chén nước, ½ chén trân châu khô, 1/3 chén đường, 1/3 chén cốt dừa, 1/3 chén cùi dừa non nạo, 2 thìa bột sắn.
 

Thực hiện: 

Cùi dừa non nạo mỏng

Trân châu khô ngâm 15 phút trong nước.

Đun nước sôi rồi cho trân châu khô vào, nhỏ lửa và đảo đều để các hạt trân châu khi nở ra không dính vào nhau và không dính dưới đáy nồi.

Khi các hạt trân châu chuyển sang trong suốt là được.

Cho đường vào nồi trân châu, độ ngọt là tùy theo sở thích của bạn.

Hòa tan 2 thìa bột sắn với một chút nước, từ từ cho bột vào nồi, vừa xuống bột vừa ngoáy đều để bột không vón. Chỉ nên cho một chút bột để chè có độ sánh vừa, đặc quá sẽ không ngon.

Cho cùi dừa non vào nồi, đảo đều rồi tắt bếp.

Nhấc nồi xuống cho nguội, nếu bạn muốn chè nguội nhanh thì ngâm nồi vào chậu nước lạnh.

Khi chè nguội cho vào tủ lạnh, khi ăn rưới nước cốt dừa lên trên, trộn đều và thưởng thức, thêm đá nếu bạn thích.

Bát chè có độ sánh vừa, trân châu chín tới, không bị nát.

Những miếng dừa non mềm và bùi quyện với nước cốt dừa thơm ngon.

Vẫn là chè trân châu cùi dừa nhưng thêm vài lát chuối, món chè càng hấp dẫn hơn.

8. Chè bưởi

Nguyên liệu: 

Bưởi 1 quả (hoặc cùi bưởi đã sấy khô trong siêu thị), đường cát 500g, bột năng 100g, đậu xanh 250g, tinh dầu bưởi 1 thìa, lạc rang 100 g, dừa tươi nạo sợi 500 g, lá dứa.
 

Thực hiện:

Bưởi gọt vỏ bỏ lớp xanh, chỉ lấy phần vỏ xốp trắng bên trong, cắt hạt lựu rồi ngâm qua nước muối đậm đặc, bóp và xả kỹ bằng nước lạnh cho hết vị đắng và mặn. Nếu nước sôi với ít phèn chua, cho vỏ bưởi vào luộc sôi, vớt ra xả sạch vắt ráo nước. Trộn vỏ bưởi đã sơ chế với đường rồi đảo trên lửa nhỏ cho đến khi khô lại. Đun sôi nước, cho đường vào khuấy tan, cho lá dứa vào để tăng mùi hương, sôi thì vớt lá ra. Pha bột năng rồi rót từ từ vào nồi nước đường, đun khoảng 2 phút với lửa nhỏ cho có độ sánh. Cho vỏ bưởi vào nồi, trộn đều rồi cho tiếp đậu xanh đã hấp chín vào. Dừa tươi vắt lấy nước để lấy 1 ly nước cốt, đun với nước đường, muối, bột gạo rồi khuấy đều. Khi ăn cho chè ra cốc rồi rưới nước cốt dừa lên trên, ăn kèm với đá xay nhỏ.

9. Chè xoài chân trâu

Nguyên liệu:

½ chén trân châu khô (loại này có thể mua ở chợ, tại các quầy hàng khô, hàng tạp hóa), 2 quả xoài chín, 3 cốc nước, 3 thìa đường đỏ, 1 hộp cốt dừa, ¼ thìa muối.

Ngoài nguyên liệu chính là xoài bạn hãy chọn thêm một loại quả nữa thể theo sở thích, có thể là: chuối, đu đủ, kiwi hay khế…

Món chè này ăn kèm với kem và thạch nữa cũng rất ngon.
 

Thực hiện:

Lấy ½ chén hạt trân châu khô, ngâm nước cho ngấm trong 15 – 20 phút sau đó đổ nước đi để ráo và cho vào trong nồi.

Cho 2 chén nước và ¼ thìa muối vào nồi trân châu. Bật bếp đun sôi rồi nhỏ lửa, khoấy nhẹ để các hạt không bị dính vào nhau. Đến khi thấy các hạt trở nên trong suốt là được. Không nên đun lâu quá, trân châu sẽ nát.

Đổ nước đi và cho hạt trân châu ra bát để nguội

Xoài chín gọt vỏ

Thái miếng và cho vào máy xay sinh tố.

Cho 3 thìa đường đỏ và ¼ chén nước vào máy xay cùng, xay đến khi hỗn hợp nước, xoài và đường mịn và sánh. Ở bước này bạn có thể nếm xem độ ngọt đã vừa chưa, thêm đường nếu bạn muốn. Còn nếu đặc quá bạn có thể thêm nước và tiếp tục xay.

Khi hỗn hợp đã đạt yêu cầu, cho xoài xay ra các cốc to, hoặc bát.

Cắt miếng một quả xoài khác, cắt thêm một ít chuối hoặc vải (hoặc bất cứ loại trái cây nào mà bạn thích: đu đủ, kiwi…)

Chia đều phần trân châu đã đun chín lúc nãy vào bát xoài (lúc này trân châu hơi dính và đặc lại)

Thêm các loại quả khác lên trên. Rót nước cốt dừa lên trên cùng

Ăn luôn hoặc thêm đá bào và thưởng thức

Vị trái cây quyện với vị cốt dừa thơm ngậy

Nếu không muốn thêm đá, bạn trộn đều xoài, cốt dừa  và trân châu, đặt vài lát hoa quả lên trên rồi cho vào tủ lạnh

Thêm tào phớ vào ăn rất lạ mà ngon

Cho vào các cốc nhựa đậy nắp, mang theo ăn tráng miệng sau bữa cơm trưa văn phòng.

10. Chè vải rau câu

Nguyên liệu:

1 hộp trái vải hoặc trái vải tươi tách hạt (khoảng 500g)

50g bột rau câu

5g bột hạnh nhân

300ml nước dừa tươi, 200g đường cát
 

Thực hiện:

Nấu tan 150g đường, cho trái vải vào rim đường khoảng 20 phút, nhấc xuống, để nguội.

Hòa tan rau câu với nước dừa tươi, thêm 50g đường, cho bột hạnh nhân vào, nấu sôi

Khi thấy rau câu hơi sánh thì nhấc xuống cho vào khuôn, để nguội thì đặt vào ngăn mát trong tủ lạnh, đợi đôg, lấy ra cắt hạt lựu.

Trộn chung trái vải với rau câu, cho vào tủ lạnh ăn rất mát.

Mách nhỏ:

Bột hạnh nhân sẽ giúp rau câu thơm hơn. Nước dữa đã ngọt sẵn nên không cần cho nhiều đường. Nếu thích có thể hêm vào chè nhiều loại trái cây tùy ý.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý