15 Luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

15 Luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến

Phiên họp thứ 31 kéo dài 10 ngày (22/9– 2/10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào sáng mai 22/9. Phần lớn thời gian phiên họp sẽ dành để thảo luận và cho ý kiến về 15 dự án Luật, Luật (sửa đổi).

21/09/2014 11:35 PM
651

15 dự án Luật và Luật (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận, cho ý kiến trình tự theo các ngày làm việc, bao gồm: Bộ Luật dân sự (sửa đổi); Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật tổ chức TAND (sửa đổi); Luật tổ chức VKSND (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và Luật Công an Nhân dân (sửa đổi).

Dự án Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Một trong những nội dung quan trọng khác trong phiên họp lần này của Ủy ban thường vụ Quốc hội là sẽ nghe, cho ý kiến về báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014.

Dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới; việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn và Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND cũng được cho ý kiến tại phiên họp lần này.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dành thời gian cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Đoàn giám sát sẽ báo cáo và Chính phủ cũng sẽ báo cáo bổ sung về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Chiếm thời gian không dài nhưng được nhiều người mong chờ theo dõi trong phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình sẽ giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả xử lý nợ xấu, kiềm chế lạm phát trong thời gian vừa qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Thống đốc làm rõ việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và việc cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế trong hai năm 2014-2015.

Đối với Bộ trưởng Tài nguyên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu ông Nguyễn Minh Quang trả lời về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Bộ trưởng cũng phải làm rõ về tiến độ thực hiện quy hoạch đất đai, việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt, tình trạng sử dụng đất lãng phí, xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ là câu hỏi trọng tâm dành cho Bộ trưởng Tài nguyên.

Các Bộ trưởng Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch đầu tư, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ cùng với Thống đốc và Bộ trưởng Tài nguyên làm rõ các vấn đề trên.

Phần chất vấn được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành và được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Theo Vnexpress.net

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý