25 năm làm nghề xe ôm của bốn chị em gái ở Sài Gòn

mesu mesu @mesu

25 năm làm nghề xe ôm của bốn chị em gái ở Sài Gòn

Ngay giữa trung tâm một thành phố lớn như Sài Gòn, một gia đình có tới bốn chị em mưu sinh bằng nghề xe ôm – công việc gần như mặc định cho cánh mày râu.

24/09/2014 06:35 AM
2,994

Nghề chọn mình, mình chọn nghề?

Buổi chiều trời mưa lác đác, chúng tôi tìm đến căn nhà của chị Nguyễn Thị Liễu (40 tuổi) ngụ tại đường Nơ Trang Long, P.13. Q.Bình Thạnh, Tp. HCM . Lúc đó, chị Tuyết vừa mới nhận được điện thoại trở khách đi đâu đó. Còn chị Đen và chị Loan cũng đang chở khách chưa về điểm tập kết (nhà chị Liễu). “Các chị ấy đi khách miết, em muốn gặp cũng khó lắm đấy. Nếu muốn, buổi tối em mới gặp được thôi”, chị Liễu chia sẻ với chúng tôi.

Qua trò chuyện với chị Liễu, chúng tôi được biết, chị là em út trong gia đình có 4 chị em gái ruột:  chị hai Nguyễn Thị Đen (50 tuổi), chị ba Nguyễn Thị Tuyết (47 tuổi), chị Tư Nguyễn Thị Hồng Loan (43 tuổi) và cuối cùng là chị Liễu. Cả 4 chị em đều làm nghề xe ôm hơn 20 năm nay. Do gia đình nghèo khó, ba mẹ mất sớm, tài sản ba mẹ để lại cho bốn chị em là căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm cùng với hai chiếc xe máy cũ cà tàng. Hoàn cảnh khó khăn, không học hành đến nơi đến chốn nên bốn chị em bỏ dở việc học để đi làm công nhân kiếm tiền mưu sinh. Ban đầu, cả 4 chị em gái đều xin vào công ty sơn gần nhà để làm. Được một thời gian, thấy sự độc hại của hóa chất, nên cả 4 chị em nghỉ việc để xin công việc khác không độc hại.

Làm công nhân cũng đủ ăn qua ngày, chứ không mấy dư dả nhiều, 4 chị em chị Liễu ở nhà mấy tháng liền mà không kiếm được việc làm. Lúc đó, mấy chị em mới nảy ra ý định, chưa xin được việc thì tận dụng tài sản của ba mẹ để lại là hai chiếc xe máy đó để chạy xe ôm. Cả bốn chị em gái ngồi lại bàn bạc, tính toán chi ly từng việc, họ đều biết nghề này chỉ có đàn ông mới làm, hiếm có người phụ nữ nào làm nghề này, bởi vì xe ôm là một nghề mang lại nhiều mối nguy hiểm cho bản thân. Dù đã định hình những mối nguy hiểm trước nhưng cả bốn chị đều cố gắng làm để nuôi bản thân trước mắt, còn về lâu dài thì các chị tính sau.

 - Ảnh 1

Chị Liễu (người em út trong gia đình) chia sẻ về nghề lái xe ôm của các chị em trong gia đình.

Đó là sự lựa chọn khá táo bạo của 4 chị em chị Liễu, hàng xóm xung quanh ai nấy cũng đều khuyên nhủ bỏ nghề xe ôm, kiếm công việc khác để làm, vì họ ít thấy phụ nữ làm nghề này, rồi khách khứ đâu có tin tưởng để yên tâm giao tính mạng cho thân “liễu yếu đào tơ”. Nhưng bốn chị em vẫn quyết định khởi nghiệp với nghề này.

“Lúc đầu chỉ có hai cái xe máy do ba mẹ để lại, bốn chị em phân nhau ra chạy. Hai người chạy, còn hai người kia ở nhà lo việc cơm nước, khi hai người kia về ăn uống thì hai người này lại tiếp tục cuộc hành trình mới. Cuộc sống cứ thế kéo dài gần 10 năm thì mấy chị em cũng lập gia đình. Trước lúc lập gia đình, mấy chị em đều chia sẻ, sau khi có gia đình sẽ bỏ nghề xe ôm, làm việc khác để có thời gian phụ giúp gia đình, nhưng cuối cùng cái nghề đó nó bám lấy 4 chị em tôi đến nay đã gần 25 năm, đấy là cái duyên trời định hay sao ấy chú ạ”, chị Liễu cười, cho biết thêm.

 - Ảnh 2

“Bọn chị đến với nghề như một cái duyên ấy. Ban đầu là vì cuộc sống mưu sinh, vì cơm áo gạo tiền, phần khác vì không biết việc gì khác ngoài nó, nhưng miết rồi cũng quen. Những khó khăn ban đầu rồi cũng trôi đi. Rồi mình yêu nghề xe ôm này từ bao giờ và cứ muốn trung thành với nó. Ban đầu vào nghề thì khó khăn đủ kiểu, nào là người ta chưa tin tưởng vào tay lái phụ nữ, họ sẽ yên tâm hơn nếu ngồi sau xe đàn ông, nào là vì người chạy xe ôm cũng quá nhiều. Gần như cứ vài ba chục mét lại có một tài xế xe ôm đứng. Nhưng rồi qua một khoảng thời gian, bọn chị cũng đã tạo được niềm tin trong lòng mọi người và bọn chị đã làm đến được ngày hôm nay”, chị Liễu chia sẻ thêm.

“Gia đình xe ôm” tin cậy của khu phố

Là phận nữ lại ở cái tuổi thanh niên đẹp đẽ, vậy mà bốn chị em chị Liễu đã chọn  nghề xe ôm, gây ngạc nhiên cho bao nhiêu người. Những tưởng sẽ dừng công việc ấy sau khi lấy chồng, nhưng cái duyên nghề nó cứ bám đến tận ngày hôm nay. Nếu làm việc công chức, với hơn 20 năm trong nghề như vậy, chắc rằng lương thưởng của các chị giờ đây đã ổn định lắm, nhưng cuộc sống của các chị giờ đây vẫn còn bấp bênh như ngày mới vào nghề vậy. Điều duy nhất các chị nhận được là danh hiệu “gia đình xe ôm” của khu phố. Còn thực tế đến giờ các chị đang phải sống nhờ vào lòng tin, tình thương của bà con lối xóm.

Không như ngày mới vào nghề, giờ đây bốn chị em ai cũng có mái ấm riêng của mình. Ai ở nhà người ấy, không như ngày còn trẻ mấy chị em sống chung nữa. Chị Đen lập gia đình và có hai người con (một người làm thợ uốn tốc, còn một người làm nghề bán quần áo dạo). “Gia cảnh mình nghèo, đâu có tiền để mở tiệm hả em, phải chịu kiếp làm thuê cho người ta để kiếm tiền sinh hoạt trong ngày thôi. Không may cho chị là chồng mất sớm, rồi chị ở vậy, chạy xe ôm nuôi con đến giờ. Chị ba thì có hai con trai đã lớn. Chị Loan được một cháu gái, nay đã đi làm công ty phụ giúp bố mẹ”.

 - Ảnh 3

Chị Nguyễn Thị Tuyết thì vừa về tới nhà chưa kịp dùng cơm tối lại đi chở khách tiếp vì khách quen gọi.

Nói về bản thân, chị Liễu cùng chồng ngậm ngùi chia sẻ, anh chị lấy nhau đã mười mấy năm nhưng hiện giờ vẫn chưa có con. Bọn chị thương nhau từ thời còn làm xe ôm với nhau. Rồi khi cưới nhau, cả hai đều hăm hở, mong ngóng có một đứa con. “Đứa con là niềm vui của bất kỳ cặp vợ chồng nào, anh chị cũng vậy. Thế nhưng chị bị bệnh u nang buồng trứng và đã mổ hai lần, thế nên chị không thể có con được”. Qua quan sát, chúng tôi thấy, có đứa con của hàng xóm thường xuyên đến chơi, chị quý nó như con của chị vậy. Chị chăm bẵm cháu, chơi đùa, mua quà bánh cho cháu. Cháu cũng quấn quýt chị như mẹ đẻ vậy.

Hai vợ chồng cũng ao ước có một đứa con để động viên tinh thần sau những ngày chạy xe ôm vất vả, nhưng mọi cố gắng đều không mang lại kết quả. “Dù đều là chị em hành nghề xe ôm, khó khăn vất vả như nhau nhưng chị Đen, chị Hồng, chị Tuyết thì hạnh phúc hơn vì các chị ấy đều có con cả, riêng chị thì không được may mắn như thế”, chị Liễu tâm sự trước khi dắt chiếc xe để chở đứa bé trong khu phố đi học. Làm nghề chạy xe ôm mấy chục năm, phần lớn thời gian chị làm tài xế giúp các ông bố, bà mẹ trong khu xóm việc đưa rước con em của họ. Chị coi chúng như những đứa con của chị, bà con hàng xóm rất tin cẩn và giao phó con mình cho chị.

Xem thêm video: Hàng trăm trẻ lên 3 huyện Thạch Thất đột ngột phải nghỉ học.

Chị Yến Linh - một hàng xóm chia sẻ: “Tôi quê ở Đồng Nai, lên đây đã được mấy năm rồi. Nhưng từ bấy đến nay, tôi vẫn thấy các chị làm một nghề chạy xe ôm này. Vì biết hoàn cảnh khó khăn của các chị , hơn nữa cũng là chòm xóm trong khu phố với nhau, mọi người biết các chị cẩn thận nên họ rất tin tưởng giao con cho các chị đưa rước. Cũng có nhiều gia đình tự mình đưa rước các con đi học, nhưng khi có việc gì đột xuất, họ cũng yên tâm vì ở khu phố đã có các chị. Chỉ cần một cú điện thoại là các chị sẵn lòng có mặt đúng giờ để đồng hành với các em đến trường hoặc từ trường về nhà. Có các chị là bố mẹ các em đã rất yên tâm rồi”.

Bán trái cây ở cổng chùa Pháp Đình đi vào, chị Thắm dừng tay chia sẻ với chúng tôi: “Một ngày, tôi phải gặp các chị ấy chạy qua đây ít nhất 20 lần. Các chị chở các cháu đi học, hay khi nào bà con trong khu phố có công việc gì, họ lại gọi các chị”. Bởi khi gửi các con hay có việc gì đi đâu, bà con khu phố cũng đều yên tâm vì được bảo vệ, che chắn như khi ngồi trong taxi vậy.

Thành Giáp

Xem thêm video clip : Thâm nhập đường dây buôn bán thận xuyên quốc gia

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý