6 tàu chiến Molniya sẽ được Việt Nam hoàn thành vào năm 2017

mesu mesu @mesu

6 tàu chiến Molniya sẽ được Việt Nam hoàn thành vào năm 2017

(Quốc phòng) Từ năm 2007 đến nay, Tổng công ty Ba Son đã cử gần 30 đoàn với hơn 200 cán bộ, công nhân viên tới Nga học và tiếp thu công nghệ đóng tàu quân sự.

23/09/2014 02:17 PM
822

Mới đây, báo Quân đội Nhân dân đăng tải trong bài viết "Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh làm việc với Tổng công ty Ba Son". Theo bài báo, Tổng công ty Ba Son dự kiến sẽ hoàn thành việc chế tạo 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya vào năm 2017.

Bài viết cũng cho biết, "từ năm 2007 đến nay, Tổng công ty Ba Son đã cử gần 30 đoàn với hơn 200 cán bộ, công nhân viên đi công tác Liên bang Nga để học tập, tiếp thu công nghệ đóng tàu quân sự. Cán bộ, công nhân viên quan hệ, tiếp xúc, làm việc với đối tác, chuyên gia nước ngoài luôn chấp hành nghiêm các quy chế, quy định về công tác đối ngoại quân sự. Theo Đại tá Phạm Ngọc Thiện – Tổng Giám đốc công ty Ba Son, thông qua hợp tác với đối tác Nga, đội ngũ cán bộ, công nhân viên có điều kiện học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, từng bước làm chủ công nghệ đóng và sửa chữa tàu hiện đại".

Theo các thông tin đã được công bố, trong số 6 tàu này, nhà máy Ba Son đã chuyển giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam 2 tàu chiến Molniya đầu tiên, mang phiên hiệu HQ-377 và HQ-378 vào ngày 28/6/2014.

tàu tên lửa

Nhà máy Ba Son đã chuyển giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam 2 tàu chiến Molniya đầu tiên, mang phiên hiệu HQ-377 và HQ-378 vào ngày 28/6/2014.

Tàu HQ-377, HQ-378 là cặp tàu tên lửa đa năng, hiện đại nhất được Việt Nam tự đóng. Tàu thuộc lớp Molniya Project 12418 được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương.

Đây là loại tàu tên lửa đa năng, cơ động, hiện đại nhất được đóng ở trong nước và kịp thời trang bị bổ sung cho Quân chủng Hải quân, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực hiện bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

tàu biển

Chuẩn bị hạ thủy tàu tên lửa Molniya.

Hai tàu tiếp theo được đặt số hiệu tạm thời là M3, M4 đã được hạ thủy hôm 24/6/2014, cùng với đó chiếc thứ 5 trong cặp tàu thứ 3 (2 chiếc cuối trong 6 chiếc) đã được đấu giáp thành công. Dự kiến, Tổng công ty Ba Son sẽ bàn giao 2 tàu tên lửa M3, M4 cho Hải quân Việt Nam vào quý I năm 2015.

Trong quá trình thực hiện đóng loạt tàu này, Tổng công ty Ba Son đã tập trung mọi nguồn lực, hoàn thành đúng tiến độ, bàn giao đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng của từng con tàu và cả loạt tàu; thực hiện tốt việc học tập, chuyển giao công nghệ đóng tàu tên lửa hiện đại và chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, các điều kiện, yếu tố bảo đảm sản xuất.

Project 12418 Molniya được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương. Molniya có lượng giãn nước toàn tải 510 tấn, dài 56,9m, rộng 10,20m, mới nước (toàn tải) 2,5m. Thủy thủ đoàn vận hành tàu khoảng 40 người.

Tàu được trang bị hỏa lực mạnh mẽ gồm: 16 tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E (theo lý thuyết thì một quả có thể đánh chìm tàu cỡ 5.000 tấn); một bệ pháo lớn 76,2mm; 2 bệ pháo phòng không AK-630 và tên lửa phòng không tầm thấp Igla.

Tổng cộng Việt Nam có kế hoạch xây dựng 10 tàu Project 12418 Molniya, hợp đồng đóng 6 chiếc trong số đó có giá trị 30 triệu USD.

Trước đó, Việt Nam đã nhập khẩu 2 tàu tên lửa Molniya từ Nga và hiện chúng biên chế tại lữ đoàn tàu chiến 167, vùng 2 Hải quân.

Tổng công ty Ba Son là một doanh nghiệp quốc phòng an ninh được hình thành từ một cơ sở đóng và sửa chữa tàu do Pháp xây dựng, đưa vào hoạt động từ năm 1863.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý