Ai chịu trách nhiệm công ty ma tổ chức hội thảo “chui” tại Ủy ban xã?

daikieu daikieu @daikieu

Ai chịu trách nhiệm công ty ma tổ chức hội thảo “chui” tại Ủy ban xã?

(ĐSPL) Qua mặt chính quyền cấp xã, ông Linh đã tổ chức hội thảo “chui” thu hút sự tham gia của hàng trăm người dân.

02/01/2017 09:49 AM
162

(ĐSPL) - Qua mặt chính quyền cấp xã, ông Linh đã tổ chức hội thảo “chui” thu hút sự tham gia của hàng trăm người dân.

Tại buổi hội thảo, ông Linh “khua môi múa mép” vẽ ra một viễn cảnh hoàn mỹ về giống cây mới sachi “vua của các loại hạt”, lợi nhuận kinh tế cao, bao tiêu toàn bộ đầu ra. Nhiều người dân “sướng tai”, trót tin lời đường mật của ông Linh để rồi dở khóc dở cười tay trắng bởi giống cây “dỏm” kém chất lượng. PV báo ĐS&PL đã tìm đến địa chỉ công ty tại Hà Nội, nhưng tại địa chỉ này hoàn toàn không có công ty trên tồn tại.

Dễ dàng qua mặt chính quyền địa phương?

Những ngày này, người dân tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) xôn xao, bàn tán về việc, vừa qua, cán bộ xã đến từng gia đình vận động bà con tham dự hội thảo về giống cây trồng mới, cây sachi của một công ty lớn có trụ sở tại Hà Nội. Hiện, công ty này đang tìm đối tác nhằm phát triển thị trường cây giống mới cho lợi nhuận “siêu kinh tế”. Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ (địa chỉ số 1, ngõ 75, Tân Triều, Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) đưa ra nhiều lời đề nghị hấp dẫn.

Ông Linh mời gọi, cây sachi “vua của các loại hạt” dễ trồng, thích hợp với mọi địa hình, khí hậu, đặc biệt mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Nếu bà con nào hợp tác xuống giống cây sachi, công ty sẽ hỗ trợ 50% chi phí (50% còn lại sẽ thu khi bà con thu hoạch sản phẩm), đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch.

Nhiều người dân, sau khi tham dự hội nghị thấy “mát tai”, mạnh dạn vay mượn mua giống của công ty về trồng, với mong muốn được làm giàu. Tuy nhiên, không giống như những gì vị giám đốc cam kết, đa phần những hộ dân mua giống của công ty về thì cây chết dần chết mòn, số sống sót thì còi cọc không phát triển. Đến khi sự việc vỡ lở, nhiều bà con mới vỡ lẽ đã mua phải giống cây sachi “dỏm”, kém chất lượng.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, PV tìm đến nhà ông Vũ Văn Khuyến (SN 1962, ngụ thôn E Cha Wu). Ông Khuyến cho biết: “Những năm qua, phần đa các hộ dân chúng tôi sinh sống ở đây canh tác cây mì, mía... nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thấy cán bộ xã đến nhà vận động tham dự hội nghị giống cây mới “vua của các loại hạt”, hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi rất phấn khởi. Tại hội nghị, ông giám đốc “hót” rất hay giá hạt dao động 30- 40 nghìn đồng/kg, dễ trồng, 3 tháng ra hoa, 6 tháng thu hoạch thời gian khai thác 30 năm. Công ty dõng dạc cam kết hợp đồng giấy trắng mực đen hỗ trợ 50% vốn, bao tiêu đầu ra nên bà con nghe rất “sướng tai”. Sau hội thảo, có nhiều gia đình bà con “hả hê” rủ nhau đầu tư trải nghiệm giống cây mới. Gia đình tôi vay mượn đầu tư hệ thống giàn, lưới, cọc trên diện tích 7 sào tốn kém cả trăm triệu”.

Ai chịu trách nhiệm cty ma tổ chức hội thảo “chui” tại UB xã bán giống cây rởm? - Ảnh 1

Bà Lưu Thị Thịnh (vợ ông Khuyến) bên gốc cây sachi còi cọc xuống giống đã lâu.

Ông Khuyến ngao ngán: “Thực tế, không như nhưng gì phía công ty cam kết. Họ không hỗ trợ gia đình chúng tôi một đồng nào. Sau khi chở giống đến truy thu 10 ngàn đồng/cây, lấy đủ tiền, họ bỏ đi mất tăm, bỏ mặc chúng tôi muốn làm gì thì làm. Tôi trồng 7 sào, không biết kỹ thuật, cách chăm bón, số cây chết hơn nửa vườn, số còn lại thì còi cọc, không phát triển. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều vườn cây của các gia đình lân cận cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Người dân chúng tôi học hành không đến nơi, ít hiểu biết, tin tưởng lãnh đạo xã. Chúng tôi đã mừng thầm vì mời được công ty lớn tận Hà Nội giúp bà con tìm hướng đi mới trong nông nghiệp, ai ngờ... Cán bộ xã không biết họ là ai, kỹ thuật gieo trồng cây sachi thế nào thì dân chúng tôi sao lường trước được”.

PV tiếp tục tìm đến gia đình ông Hoàng Văn Chi (SN 1967, trú thôn Kinh Môn). Theo quan sát, vườn cây sachi của ông Chi cằn cỗi, lèo tèo vài ngọn cây xanh còi cọc, nghiêng ngả trước gió, nhiều cây héo quắt, chết khô còn trơ lại mỗi cọc gỗ.

Ông Chi cho hay: “Tôi dự tính trồng 1ha nhưng ông Linh đưa cây giống không đủ nên mới trồng được trên dưới 5 sào. Tuy nhiên, sau khi xuống giống, cây chết rất nhiều, phát triển rất kém. Tôi thắc mắc, ông Linh giải thích đó là cây giống quá lứa nên một số cây đã bị cắt phần ngọn khiến cây chết. Thật sự tôi cũng chưa biết gì về cây này chỉ nghe qua công ty giới thiệu tại hội thảo. Chúng tôi là nông dân thấy họ về xã hội thảo quảng bá rầm rộ cây cho năng suất cao, dễ trồng, hơn nữa lại có cán bộ xã hậu thuẫn, thấy an tâm nên mạnh dạn làm thử. Thật không ngờ “tiền mất tật mang” mai mốt biết tin tưởng vào ai nữa”.

Trụ sở công ty là nơi bán lông gà, lông vịt…

Để tìm hiểu thực hư công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ có địa chỉ tại số 1, ngõ 75, đường Tân Triều, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội, PV báo ĐS&PL tìm đến địa chỉ trên. Tuy nhiên, tại TP.Hà Nội có duy nhất đường Tân Triều thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì chứ phường Kim Giang, quận Thanh Xuân không có đường trên.

PV có mặt tại nhà số 1, ngõ 75, đường Tân Triều là một gia đình người dân bình thường, không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Bà chủ nhà cho biết: “Nhà tôi từ trước đến nay chỉ buôn lông gà, lông vịt chứ có lập công ty gì đâu. Hơn nữa, nhà tôi cũng không có công ty nào thuê, cái tên công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ tôi chưa nghe bao giờ”.

Trả lời câu hỏi của PV gia đình có quen ai tên là Nguyễn Hoàng Linh (người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ) không, để chắc chắn, bà chủ nhà số 1 hỏi các con về người có tên trên có ai quen không và khẳng định: “Nhà tôi không ai quen ông Nguyễn Hoàng Linh. Đường Tân Triều chỉ có một ngõ 75 và ngõ này chỉ có một số 1 là nhà tôi, bởi vậy chắc họ đăng ký địa chỉ nhầm”.

PV đến UBND xã Tân Triều thì được chị Hoa, cán bộ phụ trách các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã khẳng định: “Trên địa bàn xã Tân Triều không có công ty nào là công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ. Tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xã có treo biển công ty và hoạt động ra sao trên địa bàn. Tôi cũng chưa nghe nói đến công ty này bao giờ. Trên địa bàn xã chỉ có duy nhất đường Tân Triều và một ngõ 75, nhà số 1 là một hộ gia đình chứ không có công ty nào cả”.

PV tiếp tục đến phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) cách đó không xa. Ông Nguyễn Chu Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Giang nhìn địa chỉ trên lắc đầu cho biết: “Phường Kim Giang không có đường Tân Triều, đường này ở xã Tân Triều thuộc huyện Thanh Trì cách đây chỉ hơn 1km. Tôi sẽ cho cán bộ phụ trách mảng doanh nghiệp kiểm tra trên địa bàn phường xem có công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ hay không”.

Chỉ ít phút sau, ông Nguyễn Chu Hùng khẳng định: “Cán bộ phụ trách của phường đã tra danh bạ và xem lại sổ ghi chép, trên địa bàn phường không có công ty nào như trên”.

Gần như thông tin về công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ rất mù mờ. Để tiếp tục làm rõ, PV đã tìm đến chi cục Thuế quận Thanh Xuân để tìm hiểu về hoạt động kinh doanh, kê khai thuế của công ty này. Ông Trịnh Nam Sơn, Đội trưởng đội kiểm tra (chi cục Thuế quận Thanh Xuân), sau khi kiểm tra mã số thuế đã cung cấp cho PV tờ kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý của công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ. Theo đó, công ty này hoạt động từ đầu tháng 5/2015 đến nay. Ông Trịnh Nam Sơn cho biết: “Qua thông tin dữ liệu cũng như tờ khai có thể khẳng định hoạt động của công ty này không có gì phát sinh, luôn luôn bằng 0. Vốn điều lệ công ty này cũng bằng 0, họ lập nên công ty này chỉ để có tư cách pháp nhân là công ty. Hàng quý họ vẫn nộp tờ khai thuế đầy đủ dù không có phát sinh gì. Về quy định hàng quý nếu công ty không kê khai thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế đã làm việc, thậm chí có thể đề nghị sở Kế hoạch và Đầu tư rút giấy phép kinh doanh. Nhưng trong trường hợp này công ty vẫn kê khai bình thường dù không có phát sinh”.

PV cũng nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Linh, công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ, tuy nhiên khi PV vừa ngỏ ý muốn mua cây giống thì đầu dây bên kia tắt phụt máy.

Thông tin bất ngờ từ ông Phó phòng Nông nghiệp huyện

Tiếp tục làm rõ vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương để việc công ty “dỏm” về địa phương bán giống cây kém chất lượng, PV đã có cuộc trao đổi với ông Mai Ngọc Qúy, Phó phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện.

Là cơ quan giám sát, quản lý hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương, ông có nắm được hoạt động của công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ bán giống cây tại địa phương?

Chúng tôi đã nhận được đơn xin phép đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ. Phòng Nông nghiệp đã xin ý kiến của UBND huyện đồng ý cho đơn vị trên tiến hành khảo nghiệm cây sachi trên địa bàn. Sau khi có kết quả thử nghiệm, cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá xác nhận kết quả, nếu phù hợp và hiệu quả thì lúc đó công ty mới được phép tiến hành các thủ tục xin phép đầu tư theo quy trình.

UBND huyện mới cho khảo nghiệm, chưa có kết quả kiểm nghiệm, công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ đã bán giống cây tràn lan cho bà con?

Vấn đề này cơ quan chức năng đã có văn bản kết luận cụ thể: Vườn cây giống của ông Linh không rõ nguồn gốc, chúng tôi đã tiến hành lập biên bản yêu cầu ông Linh giữ nguyên hiện trạng vườn ươm không được phân phối ra thị trường. Thế nhưng, ông Linh vẫn cố tình rao bán, cung cấp cây giống cho bà con. Cách làm ăn đó rất chộp giật, coi thường pháp luật. Tôi sẽ cho người kiểm tra cụ thể số lượng cây giống ông Linh đã tuồn ra thị trường là bao nhiêu đồng thời báo cáo UBND huyện có biện pháp xử lý.

Ông nghĩ sao khi cán bộ xã không biết cây sachi là cây gì, quy trình chăm sóc cây, thu hoạch như thế nào và cũng không biết ông Linh là ai nhưng lại vận động bà con tham dự thội thảo?

Nếu có sự việc như vậy thì thật là vô lý. Cán bộ xã mà phát ngôn như vậy thì thử hỏi trách nhiệm của các ông ấy để ở đâu. Chính những người làm công tác cán bộ hướng dẫn, định hướng cho người dân còn không biết cây sachi là loại cây gì, quy trình chăm bón như thế nào, càng không biết tay giám đốc là ai mà “liều lĩnh” vận động hàng trăm bà con đến tham sự hội thảo quả thật quá thờ ơ, vô trách nhiệm. Tôi ví dụ, hôm bà con đến dự hội thảo họ tuyên truyền, xúi giục bà con trồng cây bị cấm thì làm thế nào. Hội thảo giữa xã và ông Linh hợp tác “ngầm” vận động bà con đến tham dự chúng tôi không hề hay biết, cũng không cho phép cách làm ăn bất minh như vậy.

Hiện đã có nhiều người dân ký kết hợp đồng mua giống cây sachi kém chất lượng của công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ dẫn đến việc sau khi xuống giống thì lâm vào tình trạng dở khóc dở cười, nguy cơ trắng tay. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm, thưa ông?

Vấn đề này tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri chúng tôi đã nghe người dân phản ánh rất nhiều. Qua đó, tôi xin thông tin rõ trường hợp người dân ở địa phương nào lỡ mua giống của công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ “tiền mất tật mang” thì người đứng đầu xã đó phải chịu trách nhiệm chính. Điển hình như xã Chư A Thai tự đứng ra tổ chức hội thảo, huy động bà con đến tham dự hội thảo trong khi ngay cả cán bộ cũng không biết, không rõ thì người dân làm sao biết được. Người dân thì tin tưởng vào chính quyền, nghe người công ty “hót” êm tai rủ nhau thử nghiệm bỏ cả đống tiền, giờ cây chết. Xảy ra cơ sự này, trách nhiệm giám sát, quản lý của lãnh đạo xã đặt ở đâu, “phủi tay” đổ lỗi do chủ quan chỉ là bao biện. Tôi sẽ cho anh em xuống kiểm tra ngay đồng thời làm việc với xã và báo cáo UBND huyện có biện pháp xử lý kịp thời.

Trước cửa UBND xã Chư A Thai, công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ đang trong giai đoạn khảo sát nhưng đặt một biển quảng cáo hình ảnh đang triển khai dự án 1.000ha sachi trên địa bàn huyện Phú Thiện, thực hư dự án “khủng” này như thế nào?

Không thể có chuyện đó, tôi sẽ cho người xuống kiểm tra ngay. của công ty TNHH Hoàng Ninh Xứ Nghệ.

HỒ NAM - VŨ PHƯƠNG

Đăng lại báo giấy số 155

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý