Ai dễ bị viêm đường tiết niệu?

trungthanh trungthanh @trungthanh

Ai dễ bị viêm đường tiết niệu?

(Đất Việt) Viêm tiết niệu dễ làm hỏng thận. Nam giới bị các bệnh về tuyến tiền liệt, phụ nữ có thai, những người sinh hoạt tình dục bừa bãi rất dễ mắc bệnh.

01/07/2012 08:31 AM
1,923

Hệ tiết niệu từ trên xuống dưới gồm: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Bình thường, hệ tiết niệu có cấu tạo không cho vi khuẩn xâm nhập. Nước tiểu cũng có tính kháng khuẩn ức chế sự sinh sản của vi khuẩn. Nhiễm khuẩn tiết niệu thường xảy ra khi vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào đường tiết niệu, thường gặp qua niệu đạo.

90% do vi khuẩn E.coli

Một số nghiên cứu cho thấy hơn 90% trường hợp viêm bàng quang là do Escherichia coli (E.coli), một loài vi khuẩn có nhiều ở đường tiêu hóa. Niệu đạo của phụ nữ nằm gần âm đạo, các bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục như virus Herpes và Chlamydia cũng dễ gây viêm niệu đạo. Ở nam giới, viêm niệu đạo thường là do quan hệ tình dục nhưng vệ sinh kém mà lây bệnh chủ yếu là lậu, giang mai, Chlamydia, tạp khuẩn.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ dùng màng ngăn âm đạo để tránh thai có nguy cơ cao nhiễm khuẩn tiết niệu. Khi mãn kinh, mô âm đạo, niệu đạo và đáy bàng quang trở nên mỏng hơn và dễ rách hơn do mất estrogen nên phụ nữ cũng dễ bị bệnh. Các trường hợp ngăn cản dòng nước tiểu như u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc sỏi thận cũng dễ bị bệnh do ứ trệ dòng nước tiểu, vi khuẩn dễ xâm nhập ngược dòng gây viêm nhiễm. Bệnh nhân tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh do nồng độ đường trong máu và nước tiểu cao, vi khuẩn dễ phát triển.

Tư vấn cách tránh nhiễm khuẩn tiết niệu khi mang thai. Ảnh: P.Ninh.


Theo BS Nguyễn Bạch Đằng, Học viện Quân y, thời gian mang thai được coi là một yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ. Nguy hiểm hơn là có  5% - 10% thai phụ mắc bệnh nhưng không có dấu hiệu lâm sàng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả người mẹ và thai nhi. Vì thế, ngay từ lần khám thai đầu tiên phải bắt buộc lấy nước tiểu và sau đó từ tuần thứ 12 - 16 của thai kỳ phải xét nghiệm lặp lại để tìm vi khuẩn.

Dễ làm hỏng thận

Hầu hết bệnh nhân khi bị nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ có cảm giác mót tiểu mạnh, đái dắt, muốn đi tiểu nhiều lần trong một ngày. Nếu để ý sẽ thấy nước tiểu có lẫn máu, vẩn đục hoặc có mùi hôi. Ngoài ra, mỗi loại bệnh lại gây ra những triệu chứng đặc trưng khác. Khi bị viêm thận bể thận cấp sẽ bị đau mạng sườn, sốt cao, rét run, buồn nôn hoặc nôn. Nếu viêm bàng quang sẽ thấy tức vùng bụng dưới và nước tiểu hôi. Trường hợp viêm niệu đạo, nước tiểu có mủ. Ở nam giới, viêm niệu đạo có thể gây chảy mủ ở dương vật.

Khi không được điều trị, nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng như: viêm thận bể thận cấp hoặc mạn tính, gây tổn thương thận vĩnh viễn, trong đó trẻ em và người già rất dễ bị tổn thương thận vì triệu chứng thường bị bỏ qua hoặc nhầm với các chứng bệnh khác.

Việc phòng bệnh sẽ có hiệu quả nếu thực hiện tốt các biện pháp như uống nhiều nước. Khi cảm thấy buồn tiểu thì nên đi ngay và tránh nhịn tiểu quá lâu. Vệ sinh khi đi ngoài phải chú ý rửa hoặc lau chùi từ trước ra sau để tránh cho vi khuẩn từ hậu môn lan sang âm đạo và niệu đạo. Nên tắm vòi hoa sen thay cho ngâm người trong bồn tắm.   

Thanh An

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý