Ai là vị tướng số 2 ở Việt Nam sau tướng Giáp?

mesu mesu @mesu

Ai là vị tướng số 2 ở Việt Nam sau tướng Giáp?

Đó là vị tướng đã vào bắt sống De Castries năm 1954, đã chỉ huy chiến dịch giải phóng Huế rồi tiến vào Sài Gòn từ hướng Đông. Người đó không ai khác, chính là cố Đại tướng Lê Trọng Tấn.

01/10/2014 04:58 PM
2,738

Nói về tướng Tấn, lúc sinh thời, khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo, cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã xếp ông ở vị trí thứ 2 sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cụ thể, khi trả lời câu hỏi về các tướng giỏi nhất của Việt Nam hiện đại, tướng Thảo nói đại ý: “Đầu tiên tất nhiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thứ hai là tướng Lê Trọng Tấn, thứ ba là tướng Hoàng Văn Thái và thứ tư là tướng Nguyễn Hữu An”.

Dù đây chỉ là một đánh giá của cá nhân tướng Thảo nhưng nhìn lại cuộc đời binh nghiệp của tướng Tấn, sự sắp xếp của tướng Thảo hoàn toàn có cơ sở. Tướng Tấn bắt đầu tham gia công tác quân sự từ năm 1946. Cho đến năm 1986 khi mất, ông là người có mặt ở hầu hết các chiến dịch quan trọng của quân đội ta.

 - Ảnh 1

Tướng Lê Trọng Tấn và tướng Võ Nguyên Giáp trong một cuộc trao đổi tình hình.

Ông cũng rất được tướng Giáp quý trọng và tin tưởng. Tướng Giáp từng nói: “Trận nào có anh Tấn đốc chiến thì mình đã yên tâm 50% rồi”.

Trong hàng chục chiến dịch mà tướng Tấn là Tư lệnh chiến dịch, tài năng của ông được thể hiện rất rõ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin lược một vài mẩu chuyện khi ông là Tư lệnh mặt trận Quảng Đà năm 1975.

3 ngày đánh tan 100.000 quân VNCH

Trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, tướng Lê Trọng Tấn là Tư lệnh mặt trận Quảng Đà. Ông đã thể hiện phẩm chất một vị tướng tài trong chỉ đạo và điều động các lực lượng.

Ngay khi chiến sự ở Quảng Trị còn đang tiếp diễn ông đã gửi điện cho Quân đoàn 2 yêu cầu chuẩn bị hỏa lực đánh Đà Nẵng. Bức điện viết: “Quân đoàn 2 phải nhanh chóng tiêu diệt quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt đường số 1. Tập trung sử dụng cả hai sư đoàn (324, 325). Phải gấp rút chuẩn bị hỏa lực đánh Đà Nẵng”.

Không dừng ở đó, đích thân ông đã lập phương án tiến công thành phố lớn thứ 2 miền Nam này từ. Khi tướng Giáp nhóm họp các sĩ quan của mặt trận Quảng Đà để bàn việc giải phóng Đà Nẵng, tướng Tấn đã có một phương án hoàn chỉnh để trình bày.

Theo cuốn hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 26/3/1975, tướng Tấn, tướng Nguyễn Bá Phát, Cao Văn Khánh và một số sĩ quan cao cấp khác được triệu tập để bàn kế hoạch giải phóng Đà Nẵng.

Dựa trên lực lượng địch dồn về Đà Nẵng và lời hô hào “tử thủ” của Sài Gòn, tướng Tấn đã trình bày một kế hoạch hiệp đồng binh chủng để tấn công. Thời gian chuẩn bị phải mất 5 ngày.

Tuy nhiên lúc đó tướng Giáp cho rằng khả năng địch tử thủ thật sự khó xảy ra nên ông lệnh cho Cục Quân báo nghiên cứu nếu địch rút Đà Nẵng thì rút nhanh nhất trong mấy ngày để hôm sau báo cáo.

Ngày 27/3 các sĩ quan liên quan lại họp tại sở chỉ huy. Cục Quân báo báo cáo khả năng địch rút khỏi Đà Nẵng nhanh nhất là trong 3 ngày. Tướng Giáp quyết định phải chuẩn bị phương án đánh trong 3 ngày phòng trường hợp địch rút vào phía trong.

Mặc dù lệnh trên khác với kế hoạch của mình, tướng Tấn vẫn nghiêm chỉnh chấp hành. Ông đã nhanh chóng bay vào Gio Linh rồi đi ô tô đến Sở chỉ huy Quân đoàn 2 và đặt sở chỉ huy ở phía Tây Đà Nẵng.

Cũng theo hồi ký của tướng Giáp, trong bức điện gửi tướng Chu Huy Mân – Chính ủy mặt trận Quảng Đà, tướng Tấn viết: “Đánh Đà Nẵng nên: Hướng An (Nguyễn Hữu An) sẽ tiến công phía Bắc và tây bắc theo đường số 1 qua đường 14. 711 (mật danh Sư đoàn 304) từ tây nam lên, trước mắt diệt Lữ 369. Đề nghị anh chuẩn bị cho Sư 2 và Lữ 52 đánh theo đường số 1 về Mỹ Khê (Đông Đà Nẵng) bịt đường rút lui bằng đường thủy của địch”.

Bức điện cho thấy ngay trong khi các phương án đánh Đà Nẵng chưa được thống nhất, tướng Tấn vẫn theo dõi sát và chỉ đạo chiến trường để siết chặt vòng vây.

Diễn biến chiến sự Đà Nẵng sau đó đã diễn ra trong đúng 3 ngày như yêu cầu của tướng Giáp. Lực lượng ta gồm Quân đoàn 2, Quân khu Trị Thiên và Quân khu 5 trong thời gian ngắn đã tiến công quyết liệt làm tan rã hơn 100.000 quân địch với đủ loại binh chủng.

Chiến thắng của chiến dịch Huế - Đà Nẵng cũng làm cho thế và lực của quân ta phát triển vượt bậc còn địch thì mất hết miền Trung.

Cánh quân duyên hải

Một dấu ấn nữa của tướng Tấn trong đại thắng 1975 là việc thuyết phục Quân ủy Trung ương cho Quân đoàn 2 tấn công thẳng theo trục đường 1 vào Nam. Việc này được tướng Nguyễn Hữu An thuật lại trong hồi ký Chiến trường mới như sau:

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 4/4/1975, tướng Lê Trọng Tấn vào họp với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tại Phước Tượng. Lúc này Bộ Quốc phòng gửi một mệnh lệnh cho Quân đoàn 2 yêu cầu quân đoàn chuẩn bị cho Sư đoàn 325, Lữ đoàn thiết giáp 203 và một trung đoàn phòng không sẵn sàng cơ động vào Nam tăng cường cho Quân đoàn 1.

 - Ảnh 2

Tướng Lê Trọng Tấn ở chiến khu miền Đông Nam Bộ năm 1965.

Lúc này, Quân đoàn 2 cho rằng địch củng cố tuyến phòng thủ mạnh từ Phan Rang, Phan Thiết trở vào, Quân đoàn 4 đang gặp khó khăn chưa dứt điểm được Xuân Lộc. Quân đoàn 2 có khả năng cơ động cao, tại sao không đưa toàn bộ quân đoàn 2 theo đường 1 đánh phá hệ thống phòng thủ của địch ở miền duyên hải để chia lửa cho Quân đoàn 4 và nếu phá vỡ sự phòng thủ của địch ở phía duyên hải, địch sẽ cơ bản mất khả năng tử thủ Sài Gòn.

Với nhận định như vậy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 do tướng Nguyễn Hữu An dẫn đầu đã đến gặp tướng Tấn để trình bày. Hồi ký của tướng An viết: “Anh Tấn đang ngồi trầm tư, tay cầm điếu thuốc cháy dở, mắt đăm đăm nhìn ra cửa. Thấy chúng tôi lục tục kéo đến, anh mỉm cười. – Có chuyện gì thế… mời ngồi.

Tôi thay mặt anh em trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn phát biểu: Về việc trên điều động Sư đoàn 325, Lữ đoàn xe tăng 203, trung đoàn phòng không của quân đoàn tôi cho Quân đoàn 1. Nếu chúng tôi đề đạt phương án khác sợ làm đảo lộn ý định của cấp trên. Tôi nghĩ trong chiến tranh khó tránh khỏi có sự đảo lộn…”.

Được tướng Tấn khuyến khích, tướng Nguyễn Hữu An trình bày tâm tư của cán bộ chiến sĩ trong Quân đoàn 2 một mạch. Nghe xong, tướng Tấn tươi cười đáp: “Ý kiến của các cậu rất đúng. Mình cũng nghĩ thế. Được tớ sẽ ra ngay Hà Nội báo cáo với anh Văn. Nếu anh Văn đồng ý mình sẽ điện ngay”.

Ngay chiều 5/4, Quân đoàn 2 nhận được 1 bức điện rất ngắn: “Quân ủy Trung ương đồng ý. Ký tên: Tấn”.

Tướng Tấn đã thuyết phục tướng Giáp như thế nào để thay đổi quyết định điều động Sư đoàn 325 thì chưa biết. Nhưng thực tế chiến sự sau đó đã cho thấy đây là một quyết định đúng đắn. Quân đoàn 2 đã tiến công trong hành tiến trên trục đường 1 từ Đà Nẵng vào Phan Rang. Ngày 16/4, với lực lượng Sư đoàn 3 và 2 trung đoàn của Sư 325 được pháo binh và thiết giáp yểm trợ, quân ta đã đánh tan 1 vạn quân địch phòng thủ Phan Rang. Mộng “tử thủ Phan Rang” để giữ phần đất còn lại chờ cứu viện của Nguyễn Văn Thiệu tan thành mây khói.

Cũng phải nói thêm, sau khi giải phóng Phan Rang, cánh quân duyên hải của tướng Tấn nhập vào đội hình chiến dịch Hồ Chí Minh. Tướng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh phụ trách hướng Đông gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4.

Một lần nữa, tướng Tấn lại là người về đích sớm nhất khi mũi cơ giới thọc sâu của Quân đoàn 2 là đơn vị vào được dinh Độc Lập đầu tiên.

Trần Vũ

Xem thêm video clip : Bộ vũ khí chủ lực của Hải, Lục, Không quân Việt Nam

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý