An toàn hồ, đập ở Tây Nguyên: Lại âu lo mùa bão lũ

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

An toàn hồ, đập ở Tây Nguyên: Lại âu lo mùa bão lũ

Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa mưa lũ, người dân sống phía hạ du các hồ, đập ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum lại lo nơm nớp. Bởi lẽ, trên địa bàn các tỉnh này còn có hàng chục hồ, đập xuống cấp, hư hỏng nặng chưa kịp sửa chữa, có nguy cơ gây mất an toàn.

22/07/2014 05:30 PM
1,023

Nỗi lo mùa lũ

Đã hơn 1 năm trôi qua, kể từ khi công trình thủy điện Ia Krêl 2, đứng chân trên địa bàn xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) xảy ra sự cố vỡ đập khi đang trong quá trình xây dựng, nhưng những người dân sống ở vùng hạ du của huyện vẫn chưa hết bàng hoàng. Tuy may mắn không bị thiệt hại về người, nhưng hàng trăm hécta cây trồng sắp đến ngày thu hoạch đã bị nước cuốn trôi. Công sức sau bao tháng ngày vất vả của người dân phút chốc đã tiêu tan theo dòng nước dữ. Hơn 100 hộ gia đình đã đối mặt với khó khăn sau khi dòng nước rút đi, thậm chí một số hộ lâm vào cảnh thiếu ăn.

Ông Rơ Lan Thíp ở làng Bi, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố vỡ đập, than thở: “Sau khi đập thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ, bà con mình khó khăn lắm, cơm không có ăn, cây mì, cây lúa đang đến kỳ chưa kịp thu hoạch đã bị trôi hết. Mặc dù sau đó phía thủy điện có đền bù nhưng cũng không bù đắp hết những mất mát của bà con. Giờ mùa mưa lũ lại đang đến, dân làng mình không khỏi lo lắng vì nếu xảy ra vỡ đập lần nữa thì nguy hiểm lắm. Làm sao để thủy điện được đảm bảo, cho bà con mình được yên tâm”.

Ngày 12/6/2013, đập dâng của thủy điện Ia Krêl 2, do Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long (Gia Lai) làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 5,5MW đã bị vỡ phần cống dẫn dòng, khiến hơn 5 triệu m3 nước tích trong lòng hồ đổ xuống hạ nguồn, tạo cơn “đại hồng thủy” quét dọc tuyến suối Ia Krêl đến sông Sê San, với chiều dài hơn 10km. Hàng chục người bị nước lũ cuốn trôi, nhưng may mắn không có ai thiệt mạng. Tuy nhiên, hơn 200 hécta cây trồng, hoa màu cùng nhiều tài sản của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã bị dòng nước dữ cuốn trôi, với tổng giá trị thiệt hại hơn 3,6 tỷ đồng.

Ngay sau khi  xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra nguyên nhân. Theo đó, nguyên nhân cơ bản của sự cố vỡ đập là do công trình đang thi công dở dang, đập chưa thi công hoàn chỉnh. Chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình, chưa bám sát nội dung dự án đã phê duyệt, thiếu kiểm tra và giám sát thường xuyên trong quá trình thi công. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình ở địa phương còn thiếu kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình…

Không những Gia Lai mà người dân phía hạ du hồ, đập ở Kon Tum cũng bất an  khi mùa mưa lũ đã đến. Người dân ở đây lo xa, bởi trong thực tế họ đã từng chứng kiến một vụ vỡ đập thủy điện với nhiều tình tiết “không tưởng”. Mặc dù may mắn là sự cố chưa gây ra hậu quả quá nghiêm trọng, nhưng cũng từ đây người dân luôn sống thom thóp khi mà chất lượng các công trình thủy lợi, thủy điện và trách nhiệm của chủ đầu tư, những nhà quản lý luôn khiến họ hoài nghi.

Đó là vụ vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 (thuộc xã Đăk Choong, Đăk Glei, Kon Tum) do Công ty CP Hồng Phát Đăk Mek là chủ đầu tư, bắt đầu thi công vào năm 2009, dự kiến đến quý I năm 2013 hoàn thành. Đập có chiều dài khoảng 80m với chiều cao 20m, thành bức tường dày 1,6-1,8m. Với hình thức khá kiên cố như thế này, những tưởng sau đó vài tháng đập thủy điện này sẽ được hoàn thành và đi vào phát điện. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thi công, đến chiều ngày 22/11/2012, một sự cố hi hữu đã xảy ra khi chiếc xe ben va vào bờ đập phía thượng lưu làm khoảng 60m tường của công trình bị vỡ hoàn toàn. Sự cố này đã làm một anh công nhân tử nạn khi đang thi công trên thành đập. Sau sự cố vỡ thành đập, nhiều người dân ở xã Đăk Choong không khỏi bàng hoàng. Nếu không có chuyện chiếc xe ben đụng làm vỡ đập, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi thủy điện Đăk Mek 3 hoàn thành và tích nước. Bởi sau đó, Sở Xây dựng, Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã kiểm tra và phát hiện thân đập chỉ toàn đất, cát và đá.

Nguy cơ vỡ đập

Theo thống kê, tỉnh Gia Lai có 99 hồ chứa nước thủy lợi, 39 hồ chứa nước thủy điện. Trong đó, có 18 hồ chứa có dung tích lớn hơn 10 triệu m3, 13 hồ chứa có dung tích 1-10 triệu m3, 107 hồ chứa có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3. Mặc dù các cấp chính quyền luôn kịp thời chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác và cơ quan chuyên môn phải có sự quan tâm hợp lý tới công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện như kiểm tra, đánh giá chất lượng xây dựng công trình, kiểm định an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ đập, phương án phòng-chống lũ lụt vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập… song thực tế, vẫn còn một số chủ đập buông lỏng công tác đảm bảo an toàn hồ chứa. Đến nay, còn tới gần 10 hồ chứa thủy điện và cũng con số đó hồ chứa thủy lợi có dung tích hồ chứa hơn 1 triệu m3, chưa đăng ký an toàn đập. Nhiều hồ chứa thủy điện và thủy lợi đến thời kỳ kiểm định theo quy định nhưng chưa được kiểm định. Còn tỉnh Kon Tum hiện có hơn 520 công trình thủy lợi (trong đó có 70 hồ chứa, gần 450 đập dâng và 8 trạm bơm), bước vào mùa mưa lũ năm 2014, có gần 20 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 7 công trình có nguy cơ cao. Trong khi đó, phần lớn cán bộ vận hành các công trình thủy lợi do cấp huyện quản lý đều chưa qua đào tạo và chỉ có 4/70 hồ chứa xây dựng được quy trình vận hành, điều tiết..., gây mất an toàn của các hồ đập.

Tây Nguyên đang vào mùa mưa, nguy cơ vỡ đập và mất an toàn từ các hồ chứa nước đang tiềm ẩn. Vấn đề an toàn hồ đập càng “nóng” hơn khi trong Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, diễn ra tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) nhiều đại biểu đã đưa ra mổ xẻ. Qua đó, các đại biểu cho rằng, cần có những chế tài hợp lý đối với các chủ hồ, đập không đảm bảo an toàn hồ chứa khi sự cố xảy ra là cần thiết, ngoài việc phải đền bù những thiệt hại gây ra cho người dân bị ảnh hưởng. Nhiều hạng mục trong các khu tái định cư thủy điện kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu. Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Tây Nguyên có gần 1.400 hồ đập và tỷ lệ mất an toàn khá cao". Lý giải nhận định này, ông Thắng cho rằng hệ thống hồ đập được xây dựng trong giai đoạn đất nước còn khó khăn. Lúc đó, nhiều hồ đập nhỏ là do các hợp tác xã xây dựng cho nên chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật không đảm bảo và nguy cơ mất an toàn rất cao. An toàn hồ đập không chỉ là nâng cấp các hồ đập, mà còn phải nâng cao năng lực quản lý. "Cần tăng cường quản lý an toàn hồ đập trong năm nay, vì năm 2013 nguy cơ hồ đập bộc lộ rất lớn”, ông Hoàng Văn Thắng đề nghị.

Tình trạng xuống cấp, thậm chí hư hỏng nghiêm trọng các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trước mùa mưa bão 2014 đang khiến các cơ quan quản lý tại các tỉnh Tây Nguyên đau đầu và người dân lo lắng. Giải pháp cấp bách là các địa phương, đơn vị quản lý hồ đập, công trình thủy lợi, thủy điện phải xây dựng phương án để bảo vệ các công trình và sự an toàn của người dân vào mùa mưa bão.

Theo Tainguyenmoitruong.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý