Ấn tượng với chiến sỹ "hai màu áo" nơi đảo xa!

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Ấn tượng với chiến sỹ "hai màu áo" nơi đảo xa!

(ĐSPL) Đó là tiếng gọi thân thương mà người dân trên huyện đảo Trường Sa vẫn nói về những người lính quân y đang làm nhiệm vụ nơi hải đảo xa xôi.

11/02/2016 02:19 PM
12

(ĐSPL) - Đó là tiếng gọi thân thương mà người dân trên huyện đảo Trường Sa vẫn nói về những người lính quân y đang làm nhiệm vụ nơi hải đảo xa xôi. Cách đất liền hàng trăm hải lý, câu chuyện về những người thầy thuốc khoác trên mình “hai màu áo” cũng thật đặc biệt…

Chiến sỹ “hai màu áo”

Sau hải trình dài hơn 200 hải lý trên biển cùng với sự háo hức đến nôn nao của một PV lần đầu được đến với Trường Sa, tàu hải quân mang số hiệu HQ 950 đưa đoàn PV chúng tôi cập cảng tàu Trường Sa Lớn. Phải nói rằng, chuyến công tác Trường Sa lần này gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi. Dân miền biển vẫn thường nói với nhau “tháng Ba bà già đi biển”, ấy vậy mà, thời điểm đoàn công tác của chúng tôi đi lại trúng vào mùa biển động.

Ấn tượng với chiến sỹ "hai màu áo" nơi đảo xa! - Ảnh 1Phóng to

Các cán bộ chiến sỹ đang vận chuyển thiết bị y tế bổ sung theo định kỳ cho đảo Trường Sa Lớn.

Đó là vào tháng Chín. Lần đầu tiên, tôi biết đến việc say sóng biển. Say đến kinh khủng dù trước đó được các “đàn anh, đàn chị” từng nhiều lần ra đảo truyền đạt kinh nghiệm chống say sóng khi đi tàu ra đảo. Nào là uống thuốc chống say, ăn ít trước khi lên tàu... nào là chọn ngủ trên võng ở khoang dưới tàu... Ấy vậy mà, chỉ cần khi con tàu chạy ra biển vài hải lý trước những cơn sóng dồn cũng đủ khiến cho gần nửa PV trong đoàn say “điên đảo”...

Tàu cập cầu cảng Trường Sa Lớn, mỗi PV theo nhiệm vụ phân công trước đó cứ tỏa ra các mảng để tác nghiệp. Phải nói trước rằng, đoàn công tác lần này chúng tôi hầu như không được ở qua đêm trên đảo. Lệnh chỉ được tác nghiệp trong một thời gian nhất định, kết thúc sẽ nghỉ ngơi trên tàu lớn đậu ở cầu cảng. Cũng có lẽ, một may mắn cho riêng vùng tác nghiệp của tôi khi thời điểm tàu cập cầu cảng cũng là thời điểm tàu HQ561 – tàu bệnh viện chuyên dụng, chuyên đi khám sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, các cán bộ nhà giàn DK1 và lực lượng tàu trực... cập cảng. Sau gần nửa ngày tàu cập cảng, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ, chúng tôi cũng “tỉnh dần”...

Biết trưởng đoàn công tác tàu quân y tại đảo Trường Sa Lớn có mặt và chỉ đạo trên tàu, tôi nhanh chóng tiếp cận và... “khai thác” thông tin. Đại tá, bác sỹ Khương Văn Trữ – Phó chủ nhiệm quân y (Quân chủng Hải quân) làm Trưởng đoàn công tác tàu quân y tại đảo Trường Sa Lớn. Thời điểm đó, anh cùng đoàn đã đi được 20 ngày trên biển và khám cho 14 nhà giàn, 9 điểm đảo. Hành trình của chuyến đi lần này kéo dài 40 ngày và qua 34 điểm đảo.

Đại tá Trữ cho biết, đây là năm đầu tiên Quân chủng Hải quân sử dụng tàu HQ561 làm tàu bệnh viện chuyên dụng để đi khám sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, các cán bộ nhà giàn DK1 và lực lượng tàu trực... Việc tổ chức tàu bệnh viện đi khám sức khỏe định kỳ, theo Đại tá Trữ không chỉ với mục đích chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân ở các vùng biển đảo mà quan trọng hơn là tạo niềm tin, tạo sự yên tâm cho họ.

Bởi vậy, mỗi chuyến tàu quân y đều phải thực hiện nhiều chức năng trong một. Ngoài mục đích chính là khám sức khỏe, tàu còn cấp hàng hậu cần cho các đảo, cấp và sửa chữa trang thiết bị y tế trên các đảo, huấn luyện mổ cho các kíp mổ khi tàu hành trình trên biển... Chẳng vậy mà công việc của những người thầy thuốc áo trắng đi biển như các anh cũng đa dạng vô cùng. Có khi là một kỹ thuật viên sửa chữa trang thiết bị y tế trên các đảo với màu áo lính hải quân nhưng có khi lại là người thầy thuốc vật lộn với những ca phẫu thuật, cấp cứu để cứu chữa cho bệnh nhân trên biển. Chẳng thế mà các anh còn được mọi người gọi bằng cái tên: Chiến sỹ “hai màu áo”...

Ấn tượng với chiến sỹ "hai màu áo" nơi đảo xa! - Ảnh 2Phóng to

Các bác sỹ của tàu bệnh viện HQ 561 đang tiến hành làm xét nghiệm máu cho các chiến sỹ trên đ���o Trường Sa Lớn.

Đại tá Trữ cho biết, đoàn công tác có 40 người thì có đến 33 người là cán bộ chuyên môn. Đây đều là các bác sỹ có chuyên môn tốt của viện Y học Hải quân (Hải Phòng), bệnh viện 87 Hải quân (Khánh Hòa) và đội Điều trị 486 Vùng 4 Hải quân. “Bởi vậy mỗi chuyến đi như thế này, đoàn mang rất nhiều trọng trách và sứ mệnh. Người đi biển bị nạn nhìn thấy tàu quân y, như người chết đuối gặp được phao cứu hộ. Bởi vậy, gặp bất cứ trường hợp bị nạn nào trên biển, của bộ đội hay ngư dân, đoàn cũng đều phải cố gắng hết sức để cứu chữa kịp thời cho người bệnh...”, Đại tá Trữ tâm sự.

Những ca cấp cứu trực tuyến nơi đảo xa

Bệnh xá Trường Sa Lớn là một trong những bệnh xá hiện đại nhất trên quần đảo này. Bệnh xá được cung cấp trang thiết bị y tế hiện đại với quân số 3 bác sỹ, 7 y sỹ. Các bác sỹ cũng kiêm nhiều nhiệm vụ: Khám cho quân và dân trên thị trấn đảo, cấp cứu ngư dân trên vùng biển đảo, chỉ đạo và nhận cấp cứu từ các đảo chìm đến...

Với những điều kiện hiện có trên đảo thì việc khám chữa bệnh dù là nhỏ nhất cũng đầy áp lực, khó khăn. Mỗi ca cứu chữa người bệnh tại nơi đảo xa này không đơn thuần chỉ là quân nhân, ngư dân hay người dân đều là chiến công thầm lặng. Trong một câu chuyện được ghi nhận, Trung tá, bác sỹ Đặng Minh Đức - Chủ nhiệm khoa Ngoại không thể quên ca phẫu thuật cho chiến sỹ Tăng Văn Lâm công tác trên đảo Sơn Ca năm 2000 khi công tác trên đảo.

Anh Lâm được đưa đến bệnh xá trong tình trạng đau bụng dữ dội và được xác định viêm ruột thừa cấp, chỉ định phẫu thuật. Anh Đức kể: Khi mọi công tác chuẩn bị cho ca phẫu thuật đã xong, bất ngờ phát hiện bệnh nhân bỏ trốn do quá sợ phẫu thuật. Bệnh xá đã huy động thêm nhiều chiến sỹ khác đi khắp đảo mới tìm thấy bệnh nhân đang trốn trong hầm, chịu đựng cơn đau hành hạ. Kiên trì vận động, giải thích, bệnh nhân mới đồng ý để đồng đội đưa về bệnh xá phẫu thuật. Ca mổ thành công không chỉ giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mà còn giải tỏa tâm lý lo sợ của bệnh nhân và các cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên đảo trước những thiếu thốn của bệnh xá.

Với Thiếu tá, bác sỹ điều trị khoa Ngoại Vũ Văn Đại thì ca cấp cứu thành công cho một ngư dân bị cá đuối đâm thấu ngực năm 2011 là ca bệnh anh nhớ nhất trong 1 năm công tác tại đảo Sơn Ca. Anh kể, trong một ngày mưa bão, nhận được tin báo về trường hợp một ngư dân trong lúc đánh bắt bị một con cá đuối trên 50kg đâm thấu ngực, cả bệnh xá đội mưa ra bến cảng đón bệnh nhân.

“Lúc đó, sóng, gió cấp 7, cấp 8, con thuyền nhỏ đưa bệnh nhân vào đảo lúc ẩn, lúc hiện khiến các bác sỹ không khỏi lo lắng. Mất cả giờ đồng hồ, bệnh nhân mới đến đảo trong tình trạng bị đuôi cá đâm thấu ngực và tràn máu qua màng phổi. “Nhanh chóng, chúng tôi xử lý vết thương và từ từ rút đuôi cá với nhiều ngạnh sắc nhọn ra khỏi cơ thể ngư dân. Ca cấp cứu thành công, sau đó, bệnh nhân được chuyển đến trạm quân y trên đảo lớn hơn với nhiều trang thiết bị hiện đại để tiếp tục hồi sức, điều trị”, bác sỹ Đại nhớ lại. 

Lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, một trong những hình ảnh khiến chúng tôi khắc cốt ghi tâm chính là những chiến sỹ “hai màu áo”. Tại nơi cách đất liền hàng trăm hải lý, các anh, các chị luôn tận tâm, nhiệt huyết, là chỗ dựa vững trãi cho những ngư dân, cán bộ, chiến sỹ đang công tác và sinh sống tại nơi máu thịt của Tổ quốc.

Ghi chép của Vi Hậu

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý