Ăn xin 2014: Chia ca trực, trả lương tháng, những chuyện kinh hãi

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Ăn xin 2014: Chia ca trực, trả lương tháng, những chuyện kinh hãi

Lần theo địa chỉ mà người dân cung cấp, PV được dịp mục sở thị khu nhà trọ mà những kẻ chăn dắt người ăn xin làm nơi trú ngụ.

19/04/2014 06:34 AM
3,524

Tại đây, các “thủ pháp” mà những kẻ “chăn dắt” lợi dụng người già, kẻ tàn tật đi kiếm bạc triệu mỗi ngày cho chúng dần bộc lộ rõ...

“Thủ phủ” của “trùm chăn dắt”

Trong vai người muốn đi thuê nhà, chúng tôi đã tiếp cận khu nhà trọ số 293/36 đường 30 tháng 4, khu phố 5, phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) của bà Thúy “mập”. Đây được xem là “thủ phủ” của những kẻ “” giới ăn xin là người già, người tàn tật.

 - Ảnh 1

Dãy nhà trọ của “trùm chăn dắt” người ăn xin.

Như đã được thông tin từ trước, căn phòng trọ của những kẻ ăn xin nằm ở phòng số hai, phía bên phải (tính từ ngoài cổng vào) và thêm một phòng ở dãy đối diện. Đó là hai căn phòng của gia đình bà Trịnh Thị Thanh và ông Nguyễn Đình Lạc, gồm ba người (chồng bà Thanh, bà Thanh và người con trai Nguyễn Đình Đông, quê ở Bình Phước) thuê, để “chăn dắt” ba người già gầy yếu và một người phụ nữ tàn tật (họ đều được bà Thanh đem từ quê lên).

Theo quan sát của PV, họ cực kỳ cảnh giác với người lạ, căn phòng của họ luôn đóng cửa cài then mỗi khi có sự xuất hiện của người lạ. Những người khác sống trong dãy trọ chủ yếu làm nghề nhặt lượm ve chai và bán hàng rong. Chính vì thế, mặc dù chứng kiến và bất bình trước việc gia đình bà Thanh “chăn dắt” người già, người tàn tật đi ăn xin và bóc lột sức lao động của họ nhưng những người trong xóm trọ vẫn phải làm ngơ vì sợ bị trả thù.

Chị H. (34 tuổi, người sống trong xóm trọ) cho biết: “Chúng tôi sống ở đây, rất bất bình khi thấy gia đình bà Thúy bóc lột sức lao động của người già, người tàn tật để về làm giàu. Nhưng chúng tôi thấp cổ bé họng nên chẳng biết phải làm gì. Không khéo, xen vào chuyện của họ, họ đánh cho vỡ mặt. Thấy cảnh những người già tàn tật lọ mọ đi xin tiền đến khuya mới về rồi nộp tiền cho bọn chúng, tôi thương lắm!”.

Cũng theo chị H., người dân trong xóm trọ đều là dân tứ xứ, cuộc sống quá khó khăn, người già cũng dắt díu vào đây kiếm sống. Người già thì không có, kẻ tàn tật thì không có ai thuê. Chính vì thế, những kẻ thích chơi, lười làm đã lợi dụng điều này để thuê những người tàn tật này đi ăn xin và nộp tiền cho chúng.

Hằng ngày, ba người trong gia đình bà Thanh sẽ cải trang cho những người già, tàn tật trong bộ áo quần màu nâu cũ lam lũ, rồi chở đám người này ra các khu vực đông dân như bến xe, chợ, bệnh viện... để xin tiền. Những người già, tàn tật sẽ phải lê lết dưới trời nắng cũng như trời mưa, để kêu gọi lòng thương hại của người đời làm sao có thể xin được càng nhiều tiền càng tốt.

Để tránh trường hợp những người ăn xin bỏ tiền túi riêng, kẻ “chăn dắt” sẽ đóng vai người bán hàng rong đứng bán gần đó theo dõi. Chúng sẽ trả công cho người ăn xin tiền lương theo tháng, bao tiền ăn ở.

Theo tìm hiểu của PV, giá nhà trọ ở đây nếu tính chung cả tiền điện nước thì chỉ khoảng 700.000 đồng/tháng. Gia đình bà Thanh thuê hai phòng cho bảy người ở và trả cho những người đi ăn xin khoảng 1.000.000 đồng/người. Đổi lại, những người già, tàn tật này sẽ đi ăn xin theo các địa điểm đông người mà những kẻ “chăn dắt” chỉ điểm.

Mỗi ngày ít nhất, người hành khất này cũng kiếm được 300.000 đồng/ngày. Thời gian làm việc từ 5h sáng đến 22h tối. Vị chi, mỗi tháng, mỗi người cũng kiếm về cho các “ông trùm” cỡ gần chục triệu đồng!

Màn kịch giả nghèo khổ kiếm “bộn” tiền

Sau nhiều lần tìm hiểu quy luật hoạt động của gia đình bà Thanh “chăn dắt” người ăn xin, chúng tôi biết được, người thường xuyên chở nhóm hành khất ra địa điểm ăn xin chính là Nguyễn Đình Đông (con trai của bà Thanh). Đông có nhiệm vụ chở bà Nguyễn Thị Hằng (người phụ nữ bị cụt tay) cùng ông già trong trang phục rách rưới, cũ kỹ ra bến xe Bình Dương và chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) để ăn xin.

 - Ảnh 2

Ông già ngồi lăn trước cổng bến xe để xin tiền theo chỉ dẫn của bọn “chăn dắt”.

Ngoài ra, Đông còn chịu trách nhiệm bán hàng rong như kéo, bấm, bông ngoáy tai... gần đó để giám sát và chờ đến giờ chở họ về nhà. Hai người còn lại được ông Lạc (chồng bà Thanh) làm nhiệm vụ chở đi và giám sát.

Nhiều lần theo dõi, thời gian làm việc của những kẻ “chăn dắt” và người già, tàn tật ăn xin được chia làm hai ca: Ca sáng từ 5h cho đến 12h, sau đó họ được về nghỉ; ca chiều bắt đầu từ 14h đến 22h.

Biết lịch làm việc của những kẻ “chăn dắt”, nên khoảng 13h, chúng tôi đã đến dãy nhà trọ để được dịp tận mắt chứng kiến màn hóa trang và theo chân kẻ “chăn dắt” chở người ăn xin ra địa điểm.

Trong bộ áo quần nâu rách cũ, ông già chống nạng mang theo bao bị rách rưới, còn người phụ nữ bị cụt tay thì mang chiếc áo rách để lộ chiếc tay phải bị cụt. Tuy nhiên, khi thấy nhà trọ có người lạ đứng ở ngoài cổng, họ quay ngược trở vào và khoác thêm chiếc áo khoác lành lặn bên ngoài để che mắt người xung quanh.

Địa điểm mà Đông chở người ăn xin tới chính là bến xe khách Bình Dương và chợ Thủ Dầu Một... Gần đến bến xe khách, Đông để ông già xuống đường và tiếp tục chở bà Hằng ra chợ. Sau đó, Đông về nhà lấy hàng dạo đến cùng địa điểm trên để bán hàng.

Không giống người bán hàng rong, Đông mặc áo quần đẹp, sạch sẽ và xách hàng kéo, kẹp đứng gần đó. Sau khi được thả xuống, ông già trong vai người đi xin một lượt, tới đoạn trước cổng bến xe khách Bình Dương, ông già đột ngột ngã lăn nằm xuống đường và đau co giật.

Mọi người thấy trời nắng, một ông già bị bệnh nằm lăn lóc xin tiền giữa đường, ai cũng thấy thương. Rất nhiều người gần đó chạy đến cho tiền, người thì cho 10.000 đồng, người cho 20.000 đồng, có người cho tới 50.000 đồng... Được một lúc, ông già ngồi dậy và đi tiếp sang chỗ khác và tiếp tục chiêu trò co giật như vậy để xin tiền.

Anh T. (ngụ cùng xóm trọ “ông trùm chăn dắt”) cho hay: “Ở xóm trọ này, ai cũng biết gia đình bà Thanh “chăn dắt” người ăn xin, nhưng mỗi người một nghề để kiếm sống nên ít ai có ý kiến. Chúng tôi là hàng xóm cùng nhau, nếu họ biết chuyện tôi cung cấp tin như thế này thì chắc chắn họ sẽ không để tôi yên. Vì thế, bấy lâu nay, chúng tôi đành im lặng.

Tôi cũng bán hàng dạo như họ, nên tôi biết những người đi ăn xin trên địa bàn này đều có người “chăn dắt”. Mỗi tối họ đi làm về, tôi thường thấy họ ngồi đếm tiền, chí ít cũng xin được 300.000 đồng/ngày. Dạo trước, có người còn rủ tôi cùng đi ăn xin, kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng những người ăn xin có được hưởng đâu. Người già, kẻ khuyết tật thật tội nghiệp, họ phải lăn lóc ngoài đường ăn xin, còn những kẻ chăn dắt thì phè phỡn ăn chơi”.

Theo nhiều nguồn tin mà chúng tôi thu thập được, ngoài gia đình bà Thanh hành nghề “chăn dắt” người ăn xin, còn có nhiều nhóm người trong khu nhà trọ này cũng đang hành nghề ăn xin dưới sự “chăn dắt” của một số “trùm chăn dắt” khác. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này.

Sẽ kiểm tra, xử lý “trùm chăn dắt”

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (Trưởng phòng LĐ-TB&XH phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết: “Những năm trước, trên địa bàn phường cũng như thành phố xuất hiện rất nhiều người ăn xin và những kẻ “chăn dắt”. Vì thế, phường Chánh Nghĩa cũng đã tăng cường kiểm tra và phối hợp với công an phường bắt và xử lý nhiều vụ chăn dắt người ăn xin. Hễ thấy người ăn xin nào tụ tập ở những nơi đông người thì chúng tôi đều đưa về phường xét hỏi và yêu cầu họ trở về quê hương hoặc vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Sự việc gia đình bà Trịnh Thị Thanh ở xóm trọ nhà bà Thúy “mập” “chăn dắt” người ăn xin, đến nay chúng tôi mới biết. Tôi đã cho người theo sát và quyết sẽ xử lý nghiêm vụ việc này”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Hạ Du

Xem thêm clip: Cảnh sát nổ súng trấn áp kẻ ‘ngáo đá’

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý