Anh hùng duy nhất được đặt tên đường khi còn sống

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Anh hùng duy nhất được đặt tên đường khi còn sống

Lịch sử ghi tên Anh hùng, Đại tá La Văn Cầu (SN 1932 tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) với hành động chặt cánh tay phá đồn địch ở trận đánh cứ điểm Đông.

04/06/2016 07:18 AM
156

(ĐSPL) - Lịch sử ghi tên Anh hùng, Đại tá La Văn Cầu (SN 1932 tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) với hành động chặt cánh tay phá đồn địch ở trận đánh cứ điểm Đông Khê trong chiến dịch Biên giới 1950 - kháng chiến chống Pháp.

Không chỉ vậy, người anh hùng này còn được biết đến là người Việt Nam duy nhất được đặt tên đường khi còn sống. Tiếp xúc với ông, thế hệ trẻ chúng tôi mới biết về những tâm tư thầm kín để đời của người lính già vẫn đầy xúc động, rất được trân trọng.

Anh hùng duy nhất được đặt tên đường khi còn sống - Ảnh 1Phóng to

Anh hùng LLVT La Văn Cầu (ở giữa)

Vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen

Ở cái tuổi cắp sách đến trường, thế hệ 8X của chúng tôi biết đến tên tuổi của Anh hùng La Văn Cầu qua những câu chuyện, trang sách lịch sử ghi lại. Mỗi lần nhắc đến tên ông là nhiều ký ức về một thuở cắp sách đến trường trong tôi lại ùa về. Thuở đó, nhiều trường THCS thường lấy tên một Anh hùng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ để đặt tên cho từng chi đội. Và, lớp tôi vinh dự được mang tên Anh hùng, Đại tá La Văn Cầu..

Trong căn nhà nhỏ ở phố Tây Sơn, Hà Nội, người anh hùng đã từng xuất hiện trong những bài giảng lịch sử giờ hiện hữu trước mắt PV giản dị, gần gũi và rất mực thân thương. Ông nở nụ cười hiền hậu rồi kể cho tôi nghe về cuộc đời binh nghiệp, về một thời kỳ khoác áo lính cùng những chàng trai “vệ túm”, “vệ trọc” trong kháng chiến chống Pháp.

Anh hùng La Văn Cầu kể rằng, ông vốn họ Sầm, quê gốc Cao Bằng. Bố ông đi phu cho thực dân Pháp, bị bóc lột rồi sinh bệnh mất. Mẹ ông khi ấy còn trẻ nên đã đi bước nữa. Bà kết duyên với một người họ Lã. Theo phong tục tập quán thì ông Cầu phải mang họ của bố dượng. Sau này khi nhập ngũ người ta ghi nhầm từ “Lã” thành “La” nên ông có tên là La Văn Cầu.

Người bố dượng của ông sau đó vì quá uất ức trước sự bóc lột, chèn ép của thực dân Pháp cũng sinh bệnh mà chết. Chính hoàn cảnh bi thương của gia đình, nỗi hận đối với thực dân nên 16 tuổi, ông xung phong đi bộ đội. Mặc dù là người con duy nhất trong gia đình nhưng mẹ ông rất ủng hộ con trai theo cách mạng. Bà cũng hiểu rằng, chỉ có độc lập mới cứu sống được gia đình, mới mang lại tự do hạnh phúc cho mỗi người.

Kể từ đó, ông trở thành người lính trong kháng chiến chống Pháp. Trải qua nhiều trận đánh nhưng ký ức sâu đậm nhất của Anh hùng La Văn Cầu đó chính là trận đánh cứ điểm Đông Khê năm 1950. Nói về trận đánh này, Anh hùng La Văn Cầu kể lại: “Trận đánh Đông Khê là một phần của chiến dịch Biên giới 1950. Đây là chiến dịch vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lần đó, đích thân Bác Hồ ra trận địa để động viên, chỉ đạo chiến đấu. Khoảng 6h sáng ngày 16/9/1950, những loạt đạn, pháo vang rền mở màn cho trận Đông Khê bắt đầu. Cả ngày 16/9, phía ta và địch giằng co nhau quyết liệt. Sau nhiều thương vong, quân ta chỉ mới chiếm được 1/3 trận địa”.

Việc đánh phá lô cốt, mở đường thọc sâu vào trong cứ điểm được giao cho 25 chiến sỹ tiểu đội bộc phá, trong đó có chiến sỹ La Văn Cầu. Đến ngày 17/9, tổ bộc phá của chiến sỹ La Văn Cầu bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Việc tiếp cận, mang bộc phá đánh phá lô cốt là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Khoảng 10h đêm 17/9, ông được lệnh dùng bộc phá đánh vào “lô cốt mẹ” của cứ điểm. Khi đang chuẩn bị mang bộc phá bên hào giao thông, ông nghe tiếng đạn bom vang lên chát chúa rồi ngất lịm. Khi tỉnh dậy, mặc dù đầu còn đau, cơ thể rã rời nhưng ông nghĩ ngay tới nhiệm vụ phải phá bằng được lô cốt. Thậm chí, cổ tay ông bị giập nát không còn cử động được, một bên má phải cũng bị thương, chỉ còn tay trái có thể cử động.

“Tôi quờ tay tìm quả bộc phá rồi ôm chặt nó trườn lên phía trước. Nhưng khó quá vì cánh tay phải lủng lẳng vướng víu. Lúc đó, tôi đã nhờ Tiểu đội trưởng Nông Văn Thêu chặt giúp cánh tay bị thương. Tôi phải ngậm gạc băng trong miệng vì sợ đau quá mà cắn lưỡi. Người Tiểu đội trưởng hiểu được ý chí của tôi nên đã cầm lưỡi kiếm Nhật chặt phăng cổ tay phải bị gãy của tôi rồi băng bó lại. Sau đó, một mình tôi ôm quả bộc phá 12kg bằng tay trái, leo dốc, áp vào lô cốt giặc, dùng hết sức giật cả hai kíp ném vào lô cốt rồi quay người lăn xuống dốc. Do lăn xuống dưới bị va đập quá mạnh nên tôi lại bị ngất”, ông La Văn Cầu nhớ lại giây phút sinh tử đó.

Khi tỉnh lại, nghe tiếng hô xung phong của đồng đội, ông mới biết mình còn sống. Sau này, tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ Nhất - tháng 5/1952, chiến sỹ La Văn Cầu được phong tặng danh hiệu Anh hùng yêu nước (Anh hùng LLVT). Tổng kết chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sỹ trẻ La Văn Cầu là một trong những "lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công". Sau đó, ông cùng một số chiến sỹ thi đua được vinh dự gặp Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc.

Bất ngờ khi tên mình được đặt làm tên phố

Kể về việc tên của ông được lấy để đặt cho một đường phố ở Hà Nội, Anh hùng La Văn Cầu tỏ vẻ hết sức khiêm nhường. Trong ký ức của ông, đó là vào một buổi sáng, khi ông còn công tác tại Tổng cục Chính trị. Ông đi bộ và gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - khi ấy là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã hỏi ý kiến của ông về việc UBND TP. Hà Nội đề nghị với Tổng cục Chính trị lấy tên Anh hùng La Văn Cầu đặt tên cho một con đường hoặc một ngôi trường ở Thủ đô.

Thông tin đến với ông rất bất ngờ. Khi ấy, ông cũng có nhiều băn khoăn. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, ông mạnh dạn trả lời: “Báo cáo anh, trước hết qua Tổng cục Chính trị cho em gửi lời cảm ơn nhân dân Thủ đô Hà Nội đã muốn chọn tên em đặt cho con đường, ngôi trường. Nhưng, em nghĩ nên lấy tên của những đồng chí đã khuất thì hay hơn. Em còn sống và em cảm thấy mình chưa xứng đáng với tấm lòng đó của bà con. Hơn nữa, nếu có điều gì không phải với bà con thì em rất áy náy”.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, tên của ông vẫn được đặt cho một đường phố Hà Nội. Nhiều người đến chúc mừng và chia sẻ với ông niềm vinh dự lớn này. Đại tá Cầu kể rằng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có hỏi: “Chú nghĩ sao khi không đồng ý nhưng vẫn có con đường được đặt bằng tên của mình”. Ông liền trả lời rằng: “Thưa Đại tướng, nói thực ra đây là vinh dự lớn, nhưng lập trường kiên định của tôi thì vẫn không thay đổi. Tôi cho rằng, không nên lấy tên tôi đặt tên đường, vì tôi thấy mình chưa xứng đáng...”.

Hiện nay, tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và TP.Nam Định, tỉnh Nam Định... vẫn có những con đường mang tên La Văn Cầu. Việc được đặt tên đường khi còn sống là điều đặc biệt, vinh dự mà không phải ai cũng có được.

TRINH PHÚC

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý