Bài dự thi: Con gái của bố

remember1 remember1 @remember1

Bài dự thi: Con gái của bố

Người đàn ông với mái tóc hoa râm, ngồi tựa lưng vào chiếc ghế đẩu, nhâm nhi chén trà móc, chút chút lại chép miệng, mắt đăm đăm buông cái nhìn ra xa, mơ màng.

02/08/2016 06:49 PM
471

Soi vào ông, tôi thấy mình hiển hiện. Tôi gọi ông với tất cả niềm thương yêu, kính trọng: Bố!

Những ngày thơ ấu của tôi, bố luôn là người thầy nghiêm khắc. Bài học trên lớp của tôi thường được bố giảng lại rồi truy bài khi về nhà. Tôi nhớ hồi còn học lớp một, một mình tôi bên cây đèn dầu và trang sách với dòng chữ “cỏ, đỏ, đọ”, đọc đi đọc lại vẫn sai dấu thanh. Như đã thỏa thuận, tôi bị bố cho ăn mấy roi tre vào mông cùng lời nhắc nhở: Con đọc đến khi nào không sai nữa mới được lên giường đi ngủ nghe chưa! Nước mắt dàn dụa, tôi thấy ghét bố nhưng vẫn tiếp tục đọc bài rồi thiếp đi khi nào chẳng biết. Sáng ra, nghe tiếng bố gọi dậy đi học, tôi choàng mở mắt, ngạc nhiên khi thấy mình nằm trong chăn ấm. Tôi thấy hối hận vì đã trách bố. Bố tôi ít nói. Có thể tình thương của bố dành cho chị em tôi gửi trong những lo toan, nhất là những trận đòn roi, những nội quy và nguyên tắc bất di bất dịch khi chúng tôi phạm sai lầm. Tôi thương bố. Tình thương của đứa con chưa biết làm ra những đồng tiền để giúp bố chèo chống con thuyền gia đình qua những khó khăn, chật vật. Những ngày mưa tầm tã, bố thường ở nhà, ngồi một mình nhâm nhi chén trà, mắt xa xăm nghĩ ngợi. Tôi chẳng thể nào đoán biết được ý nghĩ ẩn khuất đằng sau đôi mắt trầm tư ấy, nhưng mấy chị em tôi lại thấy vui vì bố được nghỉ ngơi, được ở nhà với chúng tôi.

  Bài dự thi: Con gái của bố - Ảnh 1

Bố tôi là người rất dễ xúc động. Ngày tôi thi trượt đại học rồi vào Gia Lai với cô tôi, tôi chẳng thể chịu được cảm giác nhớ nhà, nên đã xin cô cho về. Bố lại bắt tôi trở vào, phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần vì muốn tôi được học tiếp, quan trọng hơn nữa, bố muốn tôi có thời gian để tự ôn thi cho năm tới. Tôi lại xách ba lô lên và đi. Sáng sớm hôm ấy, bố giận chẳng nói với tôi một lời. Tôi khóc vì thương bố, lí nhí trong miệng: con đi nhé bố, lần này con sẽ không đòi về nữa. Bố chẳng nói, chỉ nhìn tôi giọt ngắn giọt dài. Rồi tôi đậu đại học, bố dẫn tôi vào trường nhập học. Mọi giấy tờ, đồ đạc, nơi ở, bố đều một tay lo cho tôi hết. Buổi tối hôm đó, bố một mình nằm dưới ghế đá của trường, còn tôi thì ngủ ngon lành trong phòng ký túc xá sau một ngày chạy đi chạy lại. Tôi biết bố không ngủ được, vì mới 5 giờ sáng, bố đã lên phòng dặn dò tôi để ra bắt xe về cho kịp, hai mắt bố thâm quầng, sâu hõm, dáng vẻ mệt mỏi in hằn trên dáng người cao mảnh khảnh nhưng vẫn nở nụ cười để tôi vui.

Bốn chị em tôi cùng đi học, gia đình khó khăn khiến bố phải xa nhà vào Sài Gòn làm thuê. Công việc của bố là ngồi từ sáng đến tối trông xe cho công nhân làm việc. Vì sợ chúng tôi lo lắng, mỗi khi gọi điện về nhà, bố đều giấu mẹ, bố nói vẫn khỏe, công việc nhàn hạ. Cho đến khi tôi và em trai có dịp vào thăm bố mới hay bố sống tạm bợ, chẳng dám sắm sanh, đau ốm không chịu mua thuốc vì sợ tốn kém. Gặp bố, chị em tôi không kìm được nước mắt bởi nhìn bố gầy rộc, tóc bạc đi nhiều. Thương bố, chúng tôi chỉ tự dặn lòng hãy cố gắng học tập. Vì công ty làm ăn thua lỗ, người ta nợ lương đến 3,4 tháng, bố lại xin sang xưởng gỗ làm. Nhưng việc thì ít mà đồng lương lại chẳng đủ thuê nhà, bố đành về quê nhận chạy xe thuê cho người ta. Xe chủ yếu chở hàng nông sản, hết mùa vụ là hết việc. Bố lại ngược lên Thái Nguyên nhận trông cửa hàng bán đồ gốm sứ cho người Tàu. Tiền chẳng đủ cho chúng tôi ăn học, bố lại xin nghỉ, rồi ra Quảng Ninh nhờ người quen xin cho trông coi vật liệu, máy móc cho xưởng than. Suốt bốn năm rong ruổi với đủ công việc, có những khi mệt mỏi tưởng như không thể tự mình gắng gượng, bố tôi đều tự động viên mình cố gắng vì các con. Mẹ nói, có hôm đi làm về, bố ho ra máu, thế là phải nhập viện suốt một tuần để điều trị. Rồi chứng giãn dây chằng, đau nhức xương khớp lại xuất hiện bởi bố bưng bê quá nặng. Thế nhưng bố vẫn mỉm cười. Ngày tôi cưới, bố khóc hết nước mắt. Mấy bác nói: Nó đi lấy chồng chứ có bị làm sao đâu mà phải khóc. Tôi cũng chẳng biết, nhưng cứ ôm lấy bố khóc nức nở trong cái lắc đầu của mọi người. Tôi biết, dù đã lớn nhưng tôi vẫn bé bỏng trong mắt bố, vẫn thơ dại, non nớt và cần được bố chở che.

Những tháng ngày gian nan, cơ cực của bố tôi vẫn còn nhiều lắm. Những tưởng nó sẽ dần nhẹ đi để giảm bớt nỗi nhọc nhằn trên vai bố, thế mà… tôi lại là người đem đến cho bố thêm nhiều khổ đau, dằn vặt. Bố quyết định bắt xe từ quê vào Bình Định sau khi nghe điện thoại của em gái tôi. Tôi nói bố đừng vào và tìm đủ mọi lí do để bố hiểu nhưng vẫn không thể ngăn cản sự quyết tâm của bố. Gần 20 tiếng đồng hồ trên xe khách, bố không thể chợp mắt. Bao nhiêu suy nghĩ, bao câu hỏi cứ trở đi trở lại làm đầu óc ông điên đảo. Đứa con gái mà ông thương yêu và kì vọng nhất, lại là chị cả trong nhà, niềm hãnh diện của bố mẹ mỗi khi được nói về con cùng xóm giềng, vậy mà… cứ nghĩ đến đấy thôi, nước mắt ông lại trào ra. Đáp xe xuống ngõ, vừa bước chân vào nhà con gái, ông đã nói trong tiếng nấc. Thương bố bao nhiêu, tôi thấy tự khinh bỉ mình bấy nhiêu. Tôi cũng không biết vì sao mình lại trở nên xấu xa như vậy. Tôi nhận lỗi với bố, tôi xin bố bỏ qua lỗi lầm cho đứa con có lớn mà chẳng có khôn này. Ở lại hai ngày, bố chỉ đi ra rồi đi vào, đôi mắt xa xăm cứ đăm đăm nhìn vào cõi hư không, tôi cảm nhận được một nỗi đau tột cùng của bậc sinh thành đang đè nặng lên người ông. Người ta thường nói, nếu bạn sai lầm, điều quan trọng là bạn đã biết sửa sai và tiếp tục đứng dậy bước về phía trước. Tôi mong rằng, một ngày nào đó bố sẽ hiểu và tha thứ cho lỗi lầm của tôi.

Chiều nay, tôi gọi điện về thăm bố, giọng ông vẫn thế, nhẹ nhàng, thủ thỉ nhưng đầy hàm ý nhắn nhủ. Ông cười nói, hỏi han con cháu để tôi biết mình cần phải sống như thế nào cho hiện tại. Trước mắt tôi lại hiển hiện hình ảnh người đàn ông mái tóc hoa râm ngồi tựa lưng trên chiếc ghế đẩu, nhâm nhi chén trà móc, nhìn xa xăm như muốn buông xả và giấu đi tất cả nỗi lòng của một người cha hơn nửa đời người lo cho con cái. Tôi tưởng thấy ông đang mỉm cười, nụ cười phảng phất khiến khuôn mặt vốn dĩ đăm chiêu, khó gần bỗng trở nên giãn nở, hé mở niềm hy vọng. Ngay lúc này, tôi ước được sà vào lòng ông, nhẹ nhàng hôn lên gò má đen sạm vì sương gió, hôn lên vầng trán đã hằn vô số vệt ngang dọc vì tôi, nắm lấy đôi bàn tay sần sùi, chai sạn của ông mà thủ thỉ: Xin bố hãy là bố của con trọn đời bố nhé!

Xanh Nguyên

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý