Bài dự thi: Gửi cô gái Việt Nam

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Bài dự thi: Gửi cô gái Việt Nam

Cha về, nhưng không về với gia đình chúng tôi. Cha lập gia đình mới, rồi cứ thế mà xa quá khứ.

28/07/2016 04:49 PM
413

“Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi…”

Những câu thơ từ một trái tim nhân ái – nhà thơ Hồ Dzếnh – viết cho Phụ nữ Việt Nam mang một nỗi cảm thương sâu sắc nhưng rơi vào bế tắc, nhưng tôi cứ ngỡ như viết riêng cho mẹ tôi. Mẹ là một trong những cô gái Việt Nam như thế.

Năm đó là năm cha và mẹ không còn sống chung trong một mái nhà. Có những nỗi dằn vặt mà bản thân con người tưởng có thể sống chung với nó, để rồi lại bị chính nó giết dần giết mòn trong chịu đựng. Khi chuyện xảy ra, mẹ và anh hai tôi đều lấy đó là nhẹ nhõm, trông chờ vào sự giải thoát, chỉ mỗi mình tôi là hoang mang trong cái độ tuổi chưa định hình được suy nghĩ. Quá nhỏ ở độ tuổi 11, tôi ngây thơ với cái suy nghĩ là cha chỉ đi xa thôi, rồi cha sẽ về.

  Bài dự thi: Gửi cô gái Việt Nam - Ảnh 1

Cha về, nhưng không về với gia đình chúng tôi. Cha lập gia đình mới, rồi cứ thế mà xa quá khứ. Vì niềm kiêu hãnh, mẹ tôi kiên quyết từ chối mọi khoản cấp dưỡng, hay vì mẹ tôi nhìn thấy trước cái mối liên hệ phức tạp sau này giữa gia đình sau của cha tôi và không muốn kéo dài mọi mối liên hệ? Khi đó, ba mẹ con tôi sống tạm trong nhà công vụ. Ngày ngày nơm nớp nỗi lo người ta đòi phòng lại. Trong khoảng thời gian đó, tôi thắt lòng nhìn vầng trán mẹ hằn sâu nỗi khó nhọc, thành hình vết nhăn mà mãi sau này vẫn không hết được. Tôi không thể nào quên được hình ảnh khi ngoại lên thăm hai cháu, ngoại nhìn tóc mẹ bạc dần, rồi hai mẹ con nước mắt quanh tròng. Chỉ có thế, tôi không nhìn thấy mẹ khóc nhiều. Vì như mẹ nói, khóc là thỏa hiệp, mẹ không muốn thỏa hiệp, mẹ chỉ muốn vượt qua. Đó là bài học đường đời đầu tiên của tôi: “không thỏa hiệp với khó khăn”. Khi đó, tôi học lớp 5, còn anh hai đang trong kì thi tốt nghiệp cấp III.

Những ngày tiếp theo đến cùng mùa hè tháng 7, năm 1999. Trước đó, mẹ đã bao đêm thức trắng với cái nỗi lo sợ anh tôi sẽ không đậu nổi kỳ thi phổ thông trung học. Ấy vậy mà như một phép lạ, anh hai nghiễm nhiên tốt nghiệp cấp III trong cái năm đầy biến động. Rồi cả nhà dắt díu nhau lên Sài Gòn, đưa anh tôi đi thi Đại Học. Ít tiền thì đi quá giang xe, ở nhờ trường Đảng. Sáng mặt trời chưa dậy đã lụi cụi đón xe ôm do trường thi ở tận Thủ Đức. Mẹ thường đùa là “cả nhà đi thi đại học, chứ hông chỉ riêng thằng anh mày đi thi”. Sáng bánh mì, trưa chiều cũng bánh mì. Nhưng tối đến, mẹ lại dẫn tôi và anh đi ăn kem, cho biết “mùi Sài Gòn”. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi biết ăn kem ký là như thế nào. Khi đó tôi nghĩ rằng mẹ “chơi sang”, gọi một dĩa kem nhiều đến vậy. Sau này mới biết là kem ký rẻ hơn kem ly, lại được ăn nhiều, gọi một dĩa là ba mẹ con ăn mệt xỉu.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Tôi vẫn biết, so với nhiều cảnh đời khác, thì nhà tôi thời bấy giờ chưa thể xem là nghèo rớt mồng tơi như ông bà mình hay nói. Nhưng, thật, lúc đó nhà tôi nghèo lắm. Cái nghèo vật chất đeo đẳng cùng nỗi đau tinh thần ám ảnh. Tôi vẫn không chấp nhận cái sự thật rằng tôi không còn là “cô công chúa” trong lòng cha tôi nữa. Mẹ đã vừa là cha, vừa là mẹ của tôi, bằng những cách rất riêng của mẹ. Tôi nhớ những đêm cúp điện. Ở thành phố lớn như Cần Thơ, mỗi lần cúp điện là cả thành phố chìm trong bóng tối. Riêng nhà tôi chìm trong ánh trăng, và tôi chìm trong tiếng thơ của mẹ. Mẹ thuộc nguyên cả quyển Truyện Kiều, mỗi đêm như thế, mẹ - tôi nằm dưới gạch, lẫn trong tiếng mẹ ngâm Kiều là tiếng muỗi vo ve, tay mẹ quạt, miệng mẹ ngâm thơ, tôi tưởng trong cuộc đời không gì ngọt ngào hơn thế.

Anh và tôi lớn dần trong tình yêu của mẹ. Hai chúng tôi đều tốt nghiệp Đại học, anh trở thành huấn luyện viên ngành bóng rổ, còn tôi cũng ổn định công việc. Đó chỉ là điều nhỏ nhoi nhất mà tôi và anh có thể làm để trả công ơn trời biển. Cần mẫn như một người làm vườn, mẹ chăm hai cây non bền bỉ. Giai đoạn khó khăn đã trở thành ký ức, không phải ngọt ngào gì, nhưng cũng không phải để quên đi. Giờ nghĩ lại, tôi cảm ơn cái khoảng thời gian đó, vì nhờ đó mà tôi trưởng thành, giúp tôi hiểu thành công không đến với những người thiếu nghị lực. Và hơn tất cả, nhờ đó tôi cảm nhận sâu sắc hơn nỗi gian truân của mẹ. Lặng lẽ với niềm kiêu hãnh của mình, mẹ chống chọi với dư luận, với cái khó, cái nghèo. Mẹ là một người như vậy, giàu nghị lực và thách thức với khó khăn.

Khi lớn lên, tôi hiểu cuộc sống vốn có nhiều biến động và mỗi người đều có quyền lựa chọn cuộc đời cho riêng mình. Do vậy, tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với cha tôi, vẫn yêu thương và kính trọng người. Tuy nhiên đối với bài viết này, tôi xin được dành trọn cảm xúc cho Mẹ. Viết về mẹ không có nghĩa là tôi ko yêu thương Cha, mà vì trong lòng tôi, Mẹ là người tôi tôn thờ, ngưỡng mộ và tác động rất lớn đến cuộc đời tôi.

Xin phép mượn những câu thơ của Hồ Dzếnh để kết thúc bài viết. Tôi viết bài này như một cách trải lòng, viết những lời văn mà, có lẽ, tôi sẽ không bao giờ dám nói thành lời khi đứng trước mẹ, đứng trước Cô gái Việt Nam của trái tim tôi…

“…. Cô gái Việt Nam ơi!

Nếu chữ hy sinh có ở đời,

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi…”

Bùi Thị Thu Thảo

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý