Bài dự thi: Hai người bố

mesu mesu @mesu

Bài dự thi: Hai người bố

Má hay mắng yêu: “Tụi bây lúc nào cũng ba. Làm như tụi bây là con riêng của ổng vậy!”. Má nói vậy vì từ nhỏ, tôi và con Út thích chơi, thích gần gũi với ba hơn.

01/09/2016 05:19 PM
306

Này nhé, nhỏ thì chơi trò cưỡi ngựa nhong nhong, lớn chút xíu thì ba làm diều, dẫn ra cánh đồng thả. Hồi đó, tôi và con Út thích nhất là tiết mục buổi tối trải chiếu ra giữa sân nằm đếm sao rồi nghe ba kể chuyện. Ba tôi biết nhiều chuyện lắm. Ba kể chuyện những cô tiên, ông bụt, kể về những ngày ở rừng, về những người bạn đội mũ in hình ngôi sao. Nằm nghe ba rì rầm kể, ngủ quên hồi nào không hay biết. Ba sẽ nhẹ nhàng bế từng đứa vào giường móc mùng, đắp chăn. Hồi đó điện đóm không có, nếu đêm oi nồng nóng bức, ba sẽ phành phạch quạt cho chị em tôi ngủ.

Tôi học cấp hai, tập làm văn là môn học mà tôi sợ nhất. Tôi viết văn rất yếu. Tới tiết trả bài, lần nào bài tôi cũng sẽ là một điển hình về lỗi chính tả và cách hành văn. Ba kêu tôi rèn chữ, chỉnh sửa tư thế ngồi. Tối tối, ba bắt tôi đọc sách: "Đọc nhiều sách con sẽ thuộc mặt chữ, khó sai chính tả". Khi học văn miêu tả, ba bắt con gà trống bỏ giữa sân và yêu cầu tôi ngồi nhìn ở nhiều góc khác nhau. Ba không quên nhắc tôi so sánh, liên tưởng mỗi khi miêu tả. Nếu tả bác nông dân, ba sẽ xắn quần cõng tôi ra đồng nhìn bác nông dân cày ruộng và tôi sẽ phải hình dung những gì mình thấy, sẽ phác họa lại bằng ngôn ngữ. Ba sửa bài tôi rất cụ thể, rất chi tiết. Ba là thầy giáo vĩ đại của tôi đấy.

Tôi bị tai nạn giao thông nặng, mắt bị lác trong và nhược thị. Có bận, tôi về thăm ba, ngồi tức tưởi khóc: - Con không muốn đi dạy nữa! - Sao vậy con? Tôi nói trong nghẹn ngào: - Người ta nói cô giáo mà có đôi mắt như con thì làm giám thị coi thi là tốt nhất. "Nhìn bụi ớt chết bụi cà". Họ trêu vui thôi, đừng tự ái vặt như thế, hư! – ba tôi bảo vậy.

Tôi muốn đi phẫu thuật chỉnh hình. Thế nhưng, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, tôi cạn kiệt tài chính. Rồi có một ngày mẹ kêu tôi về cho tiền, bảo đi mổ mắt đi. Tôi hỏi tiền ở đâu mẹ có nhiều thế, mẹ bảo tiền bán bò, tính đi lột mộng thịt vì mắt ba yếu lắm rồi nhưng ba nhất quyết không đi. Tôi ngây ngô thắc mắc. Mẹ nói: - Ổng bảo ổng già rồi, sáng tối có quan trọng gì, con gái cần hơn.

2.

“Con gái là tình nhân kiếp trước của bố”, tôi tin câu này đúng, ít ra là với tôi. Má tôi nẹt, gái lớn phải lấy chồng, định ở vậy theo ba nhõng nhẻo miết hả? Không lấy chồng, ba là người đàn ông của đời con.

Hồi đó chưa biết hẹn hò yêu đương gì thì mạnh miệng nói chắc nụi vậy. Tôi đâu có hình dung chuyện gì xa hơn khi được sống dưới vòm tay yêu thương, che chở của ba. Tôi đâu có hình dung ra cảnh cây lớn thì trổ hoa, đò đầy phải rời bến. Ra trường đi dạy, ông Tơ dắt đến trước mặt một nửa của mình, vậy là tôi quyết định theo chàng về dinh.

Tôi lấy chồng xa. Ngày tiễn con gái về nhà chồng, lúc họ gái chuẩn bị ra về, ba tôi lại cầm chặt tay dặn: “Con gái cố gắng làm vợ, làm dâu ngoan để hạnh phúc nghen!”. Ba bước lên xe, tôi đứng nhìn theo, nước mắt rơi lã chã, thấy mình bơ vơ khủng khiếp, cái cảm giác sẽ một mình trên đất khách làm tôi hoảng.

Làm dâu đất khách, thiệt tình là ban đầu trong bụng thấy sợ sợ. Rồi tôi cũng bắt nhịp với cuộc sống mới. Làm dâu khi mới 21 tuổi, tôi vẫn vô tư nói cười. Ba chồng chưa từng để cho tôi nấu một ấm nước, không có cơ hội pha một tách trà.

Ngày tôi “vượt cạn”, ba lo lắng đi ngoài hành lang. Nhìn thấy đứa nhỏ đỏ hỏn ba mừng lắm, đôi mắt sâu quắm ngấn giọt nước mắt, ôm thằng bé vào lòng, ba nói:
- Ba cảm ơn vì con đã cho ba một “chiếc gậy” về già!
Ba có ước muốn được đặt tên cho cháu đích tôn nhưng khi tôi thỏ thẻ bảo rằng, đã chuẩn bị tên cho bé rồi thế là ba vui vẻ với cái tên tôi đã chọn.

Mỗi khi làm về, ba hối hả gom quần áo tất tã của bé ra giặt. Khi Bảo Kha đã đứng được trên chiếc xe để ăn thì tôi đỡ nhọc hơn nhưng cháu hay ị ra xe. Mỗi lần như vậy, tôi đẩy xe vào góc nhà, chưa kịp đem đi chà rửa thì ba đã làm phần việc đó. Chiều nào ba cũng hái lá chanh, bưởi, xả… nấu nước cho con dâu tắm. Biết tôi thích đọc sách, mỗi bận đi đâu ba thường mang về đưa tôi một cuốn sách có đề dòng chữ: “Yêu quý tặng con dâu của ba!”. Những việc làm lặng lẽ và tự nhiên như thế khiến con dâu vô cùng cảm kích…

Vợ chồng trẻ lời qua tiếng lại, ba chồng luôn đứng về phía con dâu. Em gái anh sơ ý nói một lời bất nhã, ba sẽ la ngay lập tức khiến “bà cô bên chồng” nhảy nhồng lên nũng:
- Con dâu mà thương hơn con gái luôn!

Cuộc sống hôn nhân chưa đủ dài, chồng đạp đổ mái ấm bằng một tờ đơn tại tòa. Ngày có quyết định ly hôn, tôi gần xa nói ý định sẽ rời bỏ ngôi nhà và chuyển công tác, lý do muốn quên quá khứ và làm lại từ đầu.
- Ba không có quyền ngăn cản con một điều gì nhưng ba nghĩ chạy trốn không phải là giải pháp hay. Con cứ sống ở đây, sẽ thuận tiện cho công việc. Đêm qua mưa rất to con có nghe thấy không? Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng!
- Nhưng hai mẹ con sẽ sống thế nào trên đất khách ạ?
- Còn có ba mà!

Chỉ một câu đó thôi, tôi thấy mình không cô lẻ.
Cuộc sống của một gia đình không có đàn ông thật đáng sợ nhưng mẹ con tôi không phải lo gì hết, vì đã có ba. Cái cửa sứt chốt, bóng điện bị hỏng, máy bơm nước hư, dắt xe máy ra vào … ba đều làm hết. Con nhỏ đi trường Mẫu giáo, ông nội đưa đón hằng ngày, nếu mẹ công tác vắng nhà, nội chăm bẵm cháu kĩ càng, tôi luôn an tâm công tác.

Tuần rồi tôi bị bệnh. Dời nổi hết bắp đùi, lên cả lưng. Toàn thân đau nhức, cứ trăn trở ngồi không được đứng không xong, dời phỏng lây lan, làm nóng lạnh, chạy hạch. Những nốt dời hành hạ, tôi ngồi một chỗ nhăn nhó ...

Ba lo lắng chạy xuống phố mua một tuýp thuốc mỡ vì có người mách đó là thuốc đặc trị, bôi vào sẽ hết. Vẫn không khỏi, ba hỏi thăm rồi hằng ngày chở tôi đến nhà một người rất giỏi bắt dời. Đi đâu một lát ba cũng ghé nhà hỏi tôi có bớt đau nhức chưa.

Một buổi sáng, khi tôi còn nằm rên rỉ với mấy nốt dời quái ác thì đã nghe dưới bếp có tiếng lạch cạch, tôi nghĩ con trai đang tha hồ phá phách khi mẹ không thể la hét. Đang nẫu ruột nghĩ đến cảnh hết bệnh sẽ phải thu dọn chiến trường mà cậu nhóc bày ra thì bất ngờ khi nghe ba nói: “Ba đã nấu xong nồi cháo rồi đó, con dậy ăn cho nóng”. Cầm tô cháo ăn, chỗ dời bỏng rộp vẫn đau nhức nhưng lòng thấy dễ chịu vô cùng.

***
Tôi ba mươi bốn tuổi. Cuộc đời có quá nhiều những biến cố. Người xung quanh thấy tội nghiệp, họ nghĩ tôi bất hạnh nhiều. Còn tôi, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Hạnh phúc vì định mệnh quá ưu ái, đã cho tôi tới hai người bố để được yêu thương./.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý