Bài dự thi: Mảng ký ức màu xám

biettuot biettuot @biettuot

Bài dự thi: Mảng ký ức màu xám

Từ hồi còn nhỏ xíu tôi đã được truyền đạt cho những ý niệm vô cùng tốt đẹp, thiêng liêng về khái niệm gia đình.

27/06/2016 05:19 PM
316

Khoảng thời gian từ lúc chào đời cho đến khi học lớp hai tôi thấy được sinh ra có đủ cả bố cả mẹ đúng là thật là may mắn. Nhưng sau khoảng thời gian quý giá hiếm hoi đó, tấm gương phản chiếu sự ấm cúng của gia đình tôi bất chợt vỡ vụn ra chỉ trong một cái chớp mắt.

Hiện tại tôi không còn nhớ quá rõ sự thay đổi tiêu cực trong gia đình tôi bắt đầu từ khi nào chỉ ngỡ rằng quá đột ngột, quá nhanh chóng những vẫn kịp quết lên tâm hồn tôi một mảng đen kịt đáng sợ. Lần đầu tiên, trong kí ức tôi là một buổi chiều không rõ giờ giấc, không rõ xuân hạ thu đông, chỉ nhớ rằng nơi mẹ tôi ngồi viết đơn li hôn là nơi hàng ngày tôi ngồi học bài, cũng là chỗ mà tôi dán mắt vào từng trang thơ “ Góc sân và khoảng trời” thật trong sáng, bình yên.

Có thể nói đó là nơi tôi bắt đầu nhận ra gia đình mình không còn yên bình như trước nữa. Bàn học của tôi không được sáng cho lắm, ánh đèn tuýp mắc gần trần nhà đập vào mắt tôi chói lọi nhưng khi ánh sáng hắt xuống lại như như màn sương trắng nhờ bao trùm toàn bộ nội dung lá đơn li hôn mẹ viết trong kí ức của tôi.

  Bài dự thi: Mảng ký ức màu xám - Ảnh 1

Mẹ tôi chậm rãi viết từng chữ thật nắn nót, in hằn lên trang giấy dòng kẻ màu tím hồng. Những tia nắng không được dịu dàng cho lắm đang len lỏi qua cửa nhà nhưng không thể vươn tới nơi mẹ tôi ngồi viết, nó cũng không đủ mạnh mẽ xé ngang tấm màn sáng mờ ảo để tôi có thể nhớ kĩ chi tiết nội dung lá đơn li hôn. Tôi không thể nhớ rõ mẹ tôi đang viết gì.

Tôi tò mò, tôi khó chịu, tôi bực tức, tôi tha thiết nhớ lại nhưng bất lực, chỉ có thể nhớ được rõ nét dòng “Đơn li hôn” được viết in hoa trên cùng bằng loại bút bi ngòi to xanh đậm.

Li hôn cũng tốt, à không phải li hôn rất tốt! Tôi sẽ được tự do hơn không phải sao, tôi chỉ phải ở với một người là bố hoặc mẹ, bớt thêm một người quản tôi có đi chơi hay không, đi chơi ở đâu, làm bài tập hay đọc truyện tranh, ha ha ha, không ai quan tâm nữa rồi.

Mà thực ra muốn cũng không được bởi bố tôi thường đi làm từ sáng đến tối, mẹ tôi cũng chẳng khả quan hơn, điều quan trọng nhất mà tôi có được khi bố mẹ tôi li hôn là không cần chứng kiến mỗi ngày cuộc cãi vã của họ nữa. Nói thật chứ tôi bức bối lắm rồi! Bố tôi cũng không cần nghe mẹ tôi mắng mỏ, mẹ tôi cũng không cần nhìn thấy bố tôi để rồi mỗi ngày đều khóc.

Đó thấy chưa li hôn có gì không tốt nào! Thật kì lạ, tôi thường nghe bà ngoại khuyên mẹ tôi rằng: “Con hãy cố gắng chịu đựng vì con cái, khi gia đình đổ vỡ chỉ những đứa con trong gia đình đó phải chịu thiệt thòi nhất!”. Sao lúc đó tôi không thấy vậy nhỉ! Tôi háo hức, háo hức đến ngày bố mẹ tôi thôi dày vò đối phương nữa.

Dù tôi thấy hướng tích cực của việc li hôn nhưng có vẻ mọi người không thấy vậy nên lần li hôn thứ nhất của bố mẹ tôi không thành công.

Nhưng ngay sau đó bố tôi lại tái phạm. Trời tối rồi, vào cái giờ mà nhà nhà quây quần bên mâm cơm, mẹ tôi ngồi trên ghế bành đen trong ánh sáng trắng mờ mờ, mẹ khóc, mẹ kể lể những lỗi lầm bố mắc phải, hậu quả mà bố gây ra, mẹ đay nghiến, chửi rủa, chưa bao giờ tôi thấy mẹ như vậy.

Bố tôi lại bỏ đi mặc mẹ khóc, mẹ nói, bố tôi không nói lại nửa từ. Mẹ tôi vẫn ngồi đó không khóc nữa, cũng không ăn cơm, không gian yên tĩnh hẳn.

Tôi tự hỏi: “Sao bố mẹ không li hôn nhanh đi”. Từ tối đó bố mẹ tôi chuyển ra nằm riêng, tôi ngủ với mẹ bên dưới, em tôi ngủ với bố trên gác. Cứ tối đến khi đã yên vị chăn ấm nệm êm trên giường đi ngủ, mẹ tôi lại tiếp tục kể lại một cách chi tiết những lỗi lầm mà bố tôi hết lần này đến lần khác phạm phải.

Tiếng mẹ vang vọng trong đêm, dội vào óc tôi hết đợt này đến đợt khác. Mẹ tôi liên tục nói, không ngừng nghỉ một giây phút nào, đôi lúc ngắt quãng đôi chút bởi những tiếng nấc nghẹn ngào.

Có lẽ, nỗi đau từ việc ngoại tình của bố tôi đã trở thành một ấu trùng xấu xí đang ngoe nguẩy chui rúc gặm nhấm từng chút một trái tim của mẹ, khiến mẹ luôn nhức nhối không yên, khao khát muốn diệt tận gốc ấu trùng đó nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải từ bỏ luôn cả trái tim của mình.

Có lẽ, khi đó mẹ tôi đã không biết phải xoay xở ra sao với nỗi đau đó nên chỉ còn cách nói thật to những lời cay nghiệt đó cho người gây ra, khiến người đó luôn ám ảnh về lỗi lầm của mình, để đến cả giấc ngủ của người đó cũng không được yên ổn, để người đó phần nào cũng phải hứng chịu nỗi đau tinh thần mà mẹ phải chịu đựng hết lần này đến lần khác.

Nhưng tôi băn khoăn rằng, tại sao chị em tôi cũng phải chịu những lời lẽ cay nghiệt gây ra những vết thương đau đớn như dao lam mài sắc khứa từng nhát vào da thịt mình? Tại sao tôi phải nghe rõ ràng và rành rọt từng những thứ không hay đó? Rốt cục trong chuyện bố tôi ngoại tình tôi cũng có lỗi hay sao? Không phải nên để mình bố tôi chịu hình phạt hay sao? Đã hơn một giờ sáng, tôi vẫn thức và vẫn không nghe được gì khác ngoài thứ âm thanh đáng sợ thoát ra từ miệng mẹ tôi.

Sáu giờ sáng mai tôi còn phải đi học mà, tôi thực sự không chịu nổi. Tôi thấy như có tiếng sấm ầm ầm trong đầu cứ vang lên không dứt khiến óc tôi cứ căng phồng như quả bóng bay bị bơm vượt giới hạn. Tôi bứt dứt.

Tôi muốn vùng dậy, muốn hét lên thật to: “Không ai cần ngủ à, thôi đi đừng nói nữa, mẹ đừng nói nữa, con không muốn nghe, làm ơn đừng nói nữa mà.” Nhưng tôi không làm vậy, tôi vẫn nằm im, mắt nhắm nghiền, tự nhủ “ Không sao đem nay rồi cũng sẽ qua thôi, không sao hết”.

Bỗng, có tiếng chân người chạy huỳnh huỵch ngày càng gần, đèn sáng choang, chói lòa trên con dao to bản bố tôi cầm trên tay. Mẹ tôi hét lên: “Con ơi cứu mẹ với…….” .

Tôi không nghe rõ, tôi cũng không còn nhớ rõ sau đó thế nào, những lúc đó tôi biết chắc rằng bố tôi chỉ muốn dọa mẹ, muốn mẹ ngừng nói thôi, bởi quả bóng của bố bị vỡ mất rồi. Tôi ngồi yên trên giường, không cử động, cũng không có bất cứ âm thanh nào thoát ra được khỏi cái cổ họng cứng ngắc của tôi. Bố tôi bỏ lên gác, mẹ tôi nằm xuống ngủ.

Ánh đèn tắt lịm trả lại cho tôi không gian đen đặc quánh cuộn lấy tôi. Tôi cũng nằm xuống nhưng không ngủ được, mắt tôi cay xè, tôi như nuốt phải một nắm cơm quá to khiến cổ họng nghẹn bứ lại. Tôi không khóc nhưng tôi thấy khó thở quá! Nước mắt nước mũi chảy dàn dụa làm tôi không thở được, mặt tôi co rúm lại, nhăn nhó đến khó coi. Tôi phải thở bằng miệng một cách khó nhọc, nhưng tuyệt nhiên không có lấy một âm thanh nhỏ bé nào phát ra từ tôi. Cứ thế tôi nhắm nghiền mắt lại mặc cho nước mắt lăn thầm lặng từ khóe mắt qua tai rơi vào gối. Lúc đó tôi học lớp bốn.

Mấy ngày sau tôi nhận ra trong hộc kéo tủ kê cái ti vi màu nhà tôi có một sấp giấy dày, nội dung trong tờ giấy đó giống y chang nhau, đều là đơn li hôn đã được in sẵn. Vâng, đơn li hôn mà mẹ tôi chuẩn bị sẵn cho những lần “chiến tranh” với bố tiện lấy ra dùng dần. Từ khi nào mẹ tôi lại biến cuộc sống thành nỗi đau triền miên không thể chấm dứt thế này!

Phim vẫn rất hay, truyện cổ tích cũng vậy, hầu như ngoài thời gian ở trường thì tôi luôn gắn bó với chúng. Chúng giúp tôi thoát khỏi thực tại gia đình không mấy tốt đẹp. Và dần dần tôi bắt đầu ngừng bộc lộ cảm xúc của bản thân cho mọi người biết. Mỗi ngày, khi phải chứng kiến bố mẹ tôi cãi nhau, là tôi muốn lấy một cái túi thật to, nhét tất cả quần áo vào bọc lại rồi chạy thật nhanh ra khỏi nơi đó, hay có thể có đôi giày thần kì của Đô Rê Mon bước vào bất cứ câu chuyện nào mà mình muốn, sao đó tôi sẽ quăng ngay đôi giày thần kì đi để ở lại mãi mãi trong câu chuyện cổ tích đó. Tôi khép mình lại, sống trong thế giới mộng tưởng của riêng mình, không bạn bè, không bố mẹ, không họ hàng, không có cả những nỗi đau họ gây ra cho tôi, ở trong đó tôi có thể cười vui vẻ.

Rồi xấp giấy đơn li hôn cũng hết, bố mẹ tôi ra tòa để kết thúc hợp pháp mối quan hệ vợ chồng. Tôi ước gì họ kết thúc sớm hơn một chút! Tôi cứ nghĩ li dị sẽ chấm dứt được những gì tôi đang gặp phải, nhưng sau đó còn là cả một quãng thời gian kinh khủng hơn nữa đối với tôi, đối với tất cả mọi người liên quan mật thiết đến gia đình tôi.

Bây giờ bất chợt bắt gặp một gia đình hạnh phúc cùng cô con gái nhỏ đáng yêu dạo bước trên đường, kí ức chợt hiển hiện rõ nét khiến tôi nhức nhối. Nhưng tất cả đã là quá khứ, tôi đã bước qua nó bằng cách tốt nhất có thể, dần dần tự chữa lành những vết thương của một gia đình không yên ấm. Tôi phải sống đúng nghĩa vì tương lai, vì hạnh phúc của chính mình, vì những thứ mình yêu quý, vì cả những người không cố ý đã làm tôi tổn thương nhưng họ yêu tôi, Bố và Mẹ đều yêu tôi! Sau tất cả tôi cũng vẫn thật sự yêu quý Bố Mẹ mình một cách tuyệt đối!

Vũ Thị Phương Khanh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý