Bài dự thi: Người một nhà

mesu mesu @mesu

Bài dự thi: Người một nhà

Chúng ta ai cũng mong một tình yêu bất diệt, một cuộc hôn nhân dài từ lúc biết nắm tay nhau tới khi đã nằm lại trong lòng đất.

29/06/2016 09:49 AM
393

Nhưng cuộc sống vốn nhiều điều trái ngang, gia đình là nơi yêu thương nhưng cũng dễ bão giông, người thì vắn số, người chỉ có phận làm vợ sau, người thì trót lỡ lầm thương thêm kẻ khác… Những lúc ấy chúng ta phải làm gì? Những gì thuộc về pháp luật có thể cân pháp luật xử lý nhưng nếu trái tim ta có thể mang yêu thương tha thứ, cảm thông ra cư xử, cuộc sống có thể tốt đẹp hơn. Và tôi thường lấy cuộc đời của bà ngoại mình làm bài học cho chính mình.

Khi ngoại làm vợ của người đã “qua một lần đò”

Tôi vẫn thường theo bà ngoại đến nhà ông Q ăn cỗ, và tôi đinh ninh rằng ông Q là anh trai ruột của bà ngoại tôi. Cho tới khi tôi lớn, bố tôi bảo “Bà ngoại và ông Q không có quan hệ huyết thống gì cả. Ông Q là anh trai của vợ cả của ông ngoại con đó”. Nghĩa là bà ngoại lấy ông tôi sau khi em gái ông Q qua đời, quê tôi sẽ gọi bà ngoại là “em gái kế” của ông Q. Cuộc hôn nhân của ông ngoại và người vợ đầu chỉ được vài tháng rồi bà bị bệnh qua đời.

Sau đó thì ông lấy bà ngoại tôi. Theo nếp nghĩ ở quê tôi, thì người vợ sau nếu chân thành tốt bụng nên tạo mối quan hệ với gia đình vợ trước, nhưng không mấy ai tạo được sự thân thiết, mà chỉ cư xử đúng nghĩa vụ là tốt lắm rồi. Đặc biệt những người vợ trước mà chết trẻ, chết sớm, chết khi chưa có con thì đôi khi chàng rể còn bỏ mối quan hệ, người vợ sau gần như không quan tâm gia đình vợ trước… Nhưng mối quan hệ giữa bà ngoại tôi và gia đình vợ cả của ông ngoại trở nên thân thiết, đến nỗi tôi tưởng họ là ruột thịt của ngoại. Mối quan hệ đó, duy trì đến cả khi ông ngoại tôi qua đời, rồi tới khi bà ngoại tôi về trời, và tới bây giờ chúng tôi vẫn giữ gìn mối quan hệ đó. Tình yêu thương đã khiến những con người xa lạ, thậm chí những con người vốn biết nhau trong một mối quan hệ nhạy cảm – lại trở thành người thân, và chúng tôi gọi là người một nhà.

Ngoại mất khi tôi còn tuổi thiếu niên, nên ngoại chưa kịp dạy tôi nhiều điều về cuộc sống này. Nhưng khi nhớ về chuyện đó, tôi luôn thấy mình phải học được cách yêu thương như ngoại, phải sống với mọi người bằng cả chân thành chứ không chỉ là những nghĩa vụ. Bạn có thể tặng cho mình một gia đình, một mối quan hệ “cùng nhà” dù trong đó toàn là những người không quen thuộc, không chung huyết thống, thậm chí giữa họ và bạn có điểm xuất phát hờn ghen. Nếu bạn đủ yêu thương, thì những mối quan hệ miễn cưỡng có thể được biến thành món quà vô cùng quý giá.

Khi chồng trót thương thêm người khác

Cuộc đời ngoại tôi không chỉ có thế. Ngoại đã vượt qua được nỗi tủi hờn khi là người đến sau, bằng tình yêu thương, để ngoại có thêm một gia đình, có những người thân thiết mới. Sau đó, bà ngoại lại phải vượt qua chặng đường tủi giận, hờn ghen khi ông có thêm một người phụ nữ khác (xin gọi là bà Ba, bà Cả là em gái ông Q, ngoại tôi là bà Hai).

Bà sinh được mẹ tôi thì sau đó bà Ba sinh được một người con trai. Vợ bé mà lại có con trai trước thì đó là cả áp lực lớn. Bà Ba lại xinh đẹp hơn bà ngoại tôi nhiều lần. Nhưng khi tôi ra đời thì trong mắt tôi, bà ngoại và bà Ba đều là ngoại của tôi cả. Lúc bé tôi lại lầm lẫn tưởng bà ngoại và bà Ba là chị em gái, chứ không hiểu rõ rằng đó là hai người phụ nữ chung chồng. Khi lớn hơn tôi hiểu mẹ mình và các cậu là chị em cùng cha khác mẹ, và hiểu bà ngoại là bà ngoại ruột, còn bà Ba là bà ngoại kế. Lúc ấy tôi hỏi bố “Thế hai bà có từng đánh ghen, cãi chửi nhau, tranh giành nhau không?”. Bố tôi cười bảo “Tất nhiên chung chồng có mấy ai vui nhưng chuyện đã rồi, hai bà cư xử với nhau có tình người, chứ không cứ tranh giành…”.

Tôi có nghe kể rằng bà ngoại tôi thì chăm làm hơn, làm ra tiền. Còn bà Ba thì đông con hơn nên túng đói hơn. Thế nên bà ngoại cứ phần cơm đó, thế là ông lại quay về nhà bà ngoại. Tất nhiên giữa hai bà, ai cũng mong được chồng quan tâm hơn. Nhưng những người con của hai bà thì không được/bị “dạy” cách ghét nhau, phân biệt thân phận con cả, con kế.

Khi tôi ra đời thì ông ngoại đã mất rồi. Thế nên tôi chỉ thấy hai bà ngồi ăn trầu với nhau, đi đám cỗ với nhau, cưới đứa cháu nào thì hai bà ngồi têm trầu với nhau. Mỗi lần chúng tôi về thăm bà ngoại thì đều sang thăm bà Ba như vậy, kể cả biếu quà, biếu tiền cũng như nhau. Tôi không thấy ở bà ngoại có chút ghen nào cả. Tôi không biết cuộc tranh giành kết thúc vì ông tôi đã nằm xuống hay vì bản thân hai bà đã hóa giải được với nhau, cảm thông cho nhau bởi “phận đàn bà”. Nhưng tôi tin một điều rằng, nếu là những người ích kỷ, giữ lòng thù hằn thì cho dù ông tôi đã nằm xuống, cho dù khi họ đã già đi, họ cũng chẳng thể nguôi ngoai, chẳng thể vui vẻ ngồi têm trầu với nhau, ăn cơm với nhau. Và con của hai bà chẳng thể xem nhau như anh em ruột, thậm chí còn có giận hờn “vì mẹ mày, vì chúng mày mà tao…”. Mỗi khi có việc chung của gia đình, tôi thấy các cậu đều tụ họp về nhà tổ, nghe lời anh trưởng giống nhau. Mẹ tôi đối xử với các cậu (là em ruột cùng cha cùng mẹ), với các cậu là em cùng cha khác mẹ cũng như nhau.

Bà Hai mất trước bà Ba vài năm. Nhưng đến khi cải táng thì mộ hai bà thì được các cậu xây chung một chỗ, giống như những ngôi mộ đôi cho các cặp vợ chồng khác ở quê. Đôi lúc dở miệng con trẻ, tôi nói với bố “Ngày xưa hai bà đã chung chồng, giờ mất đi, các cậu lại ép hai bà chung một mộ thế này, khác nào bảo kiếp sau, họ lại chung chồng”. Bố tôi cười!

Chồng có vợ bé, con riêng là một sự vi phạm của luật hôn nhân gia đình. Điều gì thuộc về luật pháp, nếu cần luật pháp giải quyết thì xin cứ theo luật. Nhưng không phải mọi vấn đề chúng ta đều mang đi thưa kiện và đổ gánh nặng lên người hành pháp. Chuyện ông ngoại có thêm vợ bé, có lẽ với bà ngoại vẫn là một sự tổn thương cả đời. Bà Ba và các cậu, nếu được ước, hẳn là họ cũng ước họ là người đến trước. Nhưng tất cả những ấm ức, tủi hận ấy đã được nén lại, thay vì ganh ghét nhau, nói xấu, hằn học, họ đã nắm tay nhau vì chữ “một nhà”.

Tình yêu có sự tôn nghiêm của tình yêu, lời thề hôn phối có sự thiêng thiêng của lời thề, gia phong có nề nếp gia phong. Thế nên tôi nghĩ theo một cách nào đó, ông ngoại đã nhận từ bà Hai sự trừng phạt với tư cách một người vợ. Bà Ba cũng đã nhận về những tủi hờn khi làm vợ bé. Nhưng cuối cùng, sau trừng phạt, tình yêu thương đã mang đến sự cứu rỗi, thứ tha, cảm thông lẫn nhau, để đưa nhau về một nhà, để khắc phục những lầm lỗi của đời người. Đặc biệt mẹ tôi và các cậu được dạy rằng chuyện ông và bà Hai, bà Ba là chuyện người lớn, người lớn tự giải quyết, còn mẹ tôi và các cậu là chị em, có chung nhau nửa dòng máu huyết, anh chị em thì không thể “đá” nhau…

Những lỗi lầm nếu được tha thứ và khắc phục bằng tình người có lẽ sẽ bớt thương đau hơn là khi phải đưa nhau ra tòa án. Nhất là với những con người có chung trong mình một chút máu huyết thì càng cần tha thứ, bao dung.

Thế nên chúng tôi đã trở thành người một nhà như thế.

Như Bình

https://www.facebook.com/cuocthivietvegiadinh/

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý