Bài dự thi: Nhớ

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Bài dự thi: Nhớ

Vậy là chẳng còn bao lâu nữa hè đến, trong lớp lũ học sinh đã bắt đầu nhốn nháo, những tiết học cuối cùng cũng không thể làm cho chúng tập trung được.

27/07/2016 03:19 PM
277

Sáng, từ trên tầng ba thoáng nhìn xuống sân trường. Phượng đã thắp lửa từ bao giờ. Hai cây phượng được trồng ngay cổng trường, sừng sững như những chú lính canh vui tính đang khoe nốt cái vẻ đẹp kiều diễm trong cái nắng sớm oi ả, cái vẻ đẹp lạ lùng đó đã khiến bao thế hệ học phải nôn nao, có cái gì đó buồn buồn khi mỗi độ phượng nở.

Vậy là chẳng còn bao lâu nữa hè đến, trong lớp lũ học sinh đã bắt đầu nhốn nháo, những tiết học cuối cùng cũng không thể làm cho chúng tập trung được. Đứa thì lơ đãng ngắm những cánh phượng chao nghiêng trong gió, nhiều đứa tụm năm tụm ba thì thầm trao đổi điều gì đó không rõ, vài lá thư giấy thi thoảng lại bay vèo vèo trước mặt cũng chẳng khiến nó để tâm. Tụi học trò tròn xoe đôi mắt, ngạc nhiên không hiểu cô giáo chúng làm sao mà hôm nay tâm trạng thế. Phải, nó buồn. Chẳng biết vì sao nữa, do hè sắp đến hay vì những bộn bề trong lòng chưa biết nói cùng ai?

  Bài dự thi: Nhớ - Ảnh 1

Nó, một đứa con gái vì ước mơ đã chấp nhận xa quê làm ăn, rồi chấp nhận vì công việc mà ở lại nơi mảnh đất này. Với những ai sống xa quê thì mới thấu hiểu được cái cảm giác cô đơn ở một nơi lạnh lẽo, ở nơi đó chúng ta không thể tìm nổi một bờ vai, một cái siết tay nhè nhẹ khiến nó yên lòng giữa chông chênh bộn bề của cuộc sống. Mùa hè, nó nhớ quay quắt những cơn gió lào hun hút ngày đêm, những cơn gió từng khiến da nó bỏng rát, cái ran rát mặn mòi của người dân miền Trung nghèo khó lam lũ ấy đã từng nuôi nó khôn lớn.

Nó nhớ cái nắng như đổ lửa, nhớ những con đường đất ngổn ngang đầy những sợi rơm khô trải dày như tấm nệm mà mỗi lần đạp xe qua chúng cứ thi nhau bám riết vào bánh xe như muốn níu chân người ta, mùi thơm nồng nồng của rơm, mùi mằn mặn cay cay của mồ hôi thấm vào mắt, vào môi thật không dễ gì ta quên được. Nhớ những buổi trưa hè ngủ gà ngủ gật bên sân thóc, hết cào bên này lại đảo sang bên kia cho thóc ráo vỏ, buồn ngủ lắm mà chẳng dám đánh thức bố. Bởi giấc ngủ trưa là thứ không thể thiếu của ông, nhìn tấm lưng trần bóng nhẫy mướt mát mồ hôi, chốc chốc lại trở mình vì cái nóng khiến khóe mắt nó như có ai xát muối. Tuổi thơ nó mặn nồng, khét lẹt, vất vả vì thiếu thốn trăm bề, mẹ mất từ bé, một mình bố nuôi bốn chị em nó. Nhìn chúng nó ai cũng ái ngại, thương xót, cái xót xa thương cảm của những người nghèo dành cho nhau khiến bao đêm nó thổn thức, day dứt.

Ừ, không xót xa sao được, nó nhớ như in cái ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời, ngày đó nhà nhà, người người đều đang tấp nập nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày vui nhất của năm: Tết nguyên đán. Không khí xuân tưng bừng, cả đất trời mở hội lớn, trẻ con thì hớn hở, háo hức, còn người lớn laị bận rộn với đủ thứ việc. Nhưng trong căn nhà lụp xụp đã bao phen bị bão bùng quật ngã kia, người ta đang nhốn nháo lên vì chuyện gì đó vừa xảy ra. Chiều hôm đó, nó đi xay mấy cân thóc nếp mà mự (mợ) nó cho hôm trước để về gói bánh chưng cho các em. Chiều cuối năm, lòng nó nặng trĩu, có cái gì đó sắp xảy ra khiến nó thấp thỏm không yên. Vừa lấy bọc gạo nếp ra khỏi xe đã nghe tiếng bố mếu máo gọi:

- Chạy ra gọi ông nội vô đây mau. Mẹ mi…

Nó bần thần người, trân trân nhìn. Trên chiếc giường tre ọp ẹp, trong tay bố, mẹ đang cố thều thào điều gì không rõ, mắt mẹ chong chong nhìn nó như muốn nói điều gì đó mà không thể thốt thành lời được. Lại một tiếng ho xé gan, xé ruột, cơn ho dường như muốn lấy hết mọi sức lực cuối cùng của mẹ nó. Trong những giấc mơ, đã bao lần nó tưởng tượng tới cảnh mẹ phải xa chị em nó nhưng nó thực sự không muốn thấy điều đó xảy ra. Chị em nó còn bé lắm mà, nó mới học lớp 7 thôi, còn đứa em út bé bỏng kia nó chỉ vừa đi mẫu giáo được mấy tháng nay thôi…sao mẹ nó nỡ bỏ chúng nó được chứ? Một cơn ớn lạnh khiến toàn thân nó co rúm, run rẩy. Thấy nó chưa đi, bố quát mà hai mắt đỏ hoe nghẹn ngào: “Đi đi”. Giật mình, nó lao vút đi gọi ông nội.

Thấy nó mặt lấm lem nước mắt, mếu máo không ra lời: “Mẹ…con…”, ông với ngay chiếc xe đạp phóng đi. Mưa bắt đầu rơi, lạnh buốt.

Chạy về đến nhà nó cũng chỉ kịp nghe mẹ nấc lên mấy tiếng rồi đi. Sự ra đi của mẹ đã được dự báo từ trước, bởi căn bệnh suy tim đã lấy đi hết cả sức lực và niềm tin vào cuộc sống của người. Nhưng không ai nghĩ mẹ nó lại chọn ngày cuối cùng của năm để mà đi về cõi vĩnh hằng. Phải chăng mẹ không muốn ai quên mình? Hay mẹ giận chúng tôi không ngoan nên mới đi vào cái ngày này? Bao năm nay, với chị em chúng tôi, dường như tết không còn ý nghĩa gì nữa. Không có mẹ thì tết có còn vui nữa đâu.

Vậy là cũng đã hơn 15 năm bố một mình nuôi chị em nó. So với những đứa trẻ khác thì chị em nó thiếu thốn đủ điều, nhưng trong thâm tâm thì đó là quãng thời gian thật hạnh phúc. Một bữa cơm đạm bạc, hôm chỉ có mớ rau muống luộc, hôm chỉ có đĩa cá khô cứng như que củi, thỉnh thoảng cải thiện được bữa cá đồng kho nước cà muối, cái mằn mặn, đăng đắng của những con cá chưa làm sạch ruột khiến nó nhớ mãi. Bây giờ trong bữa ăn mỗi ngày đều có 2 – 3 món, dù không thuộc hạng sang trọng nhưng cũng khá đầy đủ chất nhưng nó lại cảm thấy nhàn nhạt, có cái gì đó thiêu thiếu. Phải chăng là thiếu mùi của quê hương? Mùi cùa gia đình?

Mưa, một cơn mưa giữa mùa hạ xối xả như muốn rót vào lòng nó những cái mát lành của đất trời. Mùi nồng nồng của đất xông xốc vào mũi. Có cái gì đó rưng rưng. Ở quê nhà có mưa không?

Nguyễn Thị Hoài

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý