Băng rừng tìm hạt ươi vì thông tin chế thần dược trị gai cột sống

mesu mesu @mesu

Băng rừng tìm hạt ươi vì thông tin chế thần dược trị gai cột sống

Những ngày qua, thương lái Trung Quốc đã biến hạt ươi tại một số huyện của tỉnh Kon Tum trở thành mặt hàng nông sản nóng bỏng.

26/05/2015 08:09 AM
223

Khi nguyên nhân của sự “thổi giá” hạt ươi chưa được phía thu mua bật mí, tin đồn thương lái Trung Quốc ồ ạt mua với số lượng lớn để chế thuốc trị gai cột sống được người dân lan truyền. Đằng sau câu chuyện này là gì, tại sao những câu chuyện “sặc mùi âm mưu” này vẫn tái diễn?

Lại một “âm mưu” của thương lái Trung Quốc?

Nhiều tuần qua, thông tin hạt ươi trở thành mặt hàng nóng bỏng, thu hút hàng trăm người dân tại các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum khiến họ luồn rừng, thậm chí ra biên giới săn tìm, thu lượm hạt này về bán. Tại huyện Sa Thầy, người dân địa phương cho biết, giá hạt ươi tươi hiện thời vào khoảng 200.000 - 250.000đồng/kg.

Sự nóng bỏng của hạt ươi không chỉ đến từ cái giá ngất trời, vượt xa nhiều mặt hàng nông sản khác mà còn thể hiện trong việc nhiều thương lái trong, ngoài nước ồ ạt đến địa phương đặt hàng, thu mua. Tại huyện Sa Thầy, người dân địa phương cho biết tin tức, ngoài các thương lái bản địa, nhiều chủ hàng từ TP. HCM, Hà Nội cũng có mặt tại các chợ huyện, vựa nông sản để đặt vấn đề thu mua hạt ươi.

   - Ảnh 1

Nhiều người tích trữ hạt ươi chờ thời điểm khan hiếm để ép bán với giá cao hơn.

Ngoài thương lái người Việt, hiện nay, thương lái người Trung Quốc cũng đã có mặt, rao giá cao hơn thương lái bản địa. Ông B.T.M. (50 tuổi), chủ vựa thu mua nông sản tại huyện Sa Thầy cho biết: “Trước đây, chúng tôi chủ yếu bán hạt ươi cho thương lái từ các tỉnh thành khác trong nước với giá vài chục ngàn đồng một ký. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, hạt ươi càng ngày càng được nhiều thương lái tìm mua. Hôm trước, có cả người Trung Quốc đi ô tô vào tận đây đặt hàng.

Mấy người này đặt lên đến vài tấn với giá 250.000 đồng/kg”. Cũng theo ông M., chưa bao giờ giá hạt ươi lại được đẩy cao tạo thành cơn sốt như vậy. Hơn thế, sự khan hiếm của hạt ươi lại càng khiến loại hạt này được thương lái chú ý, ồ ạt, tranh giành đặt hàng với nhiều hộ nông dân.

Ông M. cho biết: “Những năm trước cũng có hạt ươi nhưng rất ít. Năm nay là năm nhuận nên ươi mới vào chính vụ. Không phải năm nào cũng có ươi, cây ươi mọc thành rừng, cao lớn nhưng bốn năm mới ra hoa, kết trái một lần nên khá khan hiếm. Sức thu mua với giá cao của thương lái ngoại tỉnh, đặc biệt là thương lái Trung Quốc làm cho bà con rất phấn khởi.

Nhiều hộ gia đình đã tìm cách vào rừng nhặt, hái ươi, thậm chí, không chỉ có thanh niên trai tráng mà người có tuổi, trẻ nhỏ cũng được một số gia đình dẫn đi nhặt ươi để thỏa mãn sức mua của thương lái”. Tuy nhiên, việc hái, lượm hạt ươi cũng trở nên hết sức khó khăn do diện tích rừng không còn lớn như nhiều năm về trước. Do đó, để có ươi bán, nhiều người phải luồn rừng, băng núi, thậm chí ra các khu vực rừng giáp ranh Campuchia để săn tìm.

“Biết là xa, khó khăn, thậm chí mất nhiều ngày đường nhưng nếu hái được nhiều ươi về bán thì khá hơn nhiều so với trồng hoa màu. Với giá hiện thời do người Trung Quốc đặt mua, nếu thu hái được nhiều, chỉ cần một mùa ươi này, số tiền bán ươi bằng cả năm thu nhập từ nương rẫy.

Do đó, người ta đi đông lắm. Đang lúc ươi có giá, mấy ngày nay người ta đeo gùi, vác bao vào rừng nhặt ươi như đi hội, đông vui lắm”, anh C.M.H., (45 tuổi, ngụ xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết.

Ai tạo ra cơn sốt?

Nguyên nhân đằng sau cơn sốt hạt ươi này đang đặt ra những câu hỏi cho dư luận. Người dân cho biết, trước đây chỉ biết hạt ươi có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, thanh lọc cơ thể,... Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người truyền tai ngoài công dụng trên, hạt ươi còn có tác dụng chữa khỏi bệnh gai cột sống. “Rất có thể người ta, nhất là người Trung Quốc thu mua hạt này về bào chế thành thuốc chữa gai cột sống. Tôi nghe người ta đồn như vậy. Chỉ có để làm thuốc, trở thành thuốc quý người ta mới thu mua ồ ạt như thế”, anh H. cho biết.

   - Ảnh 2

Người dân đổ xô vào rừng thu lượm, thậm chí chặt hạ cây ươi để lấy hạt về bán với giá khủng.

Theo người dân địa phương, mặc dù các thương lái không công khai nguyên do thu mua ồ ạt hạt ươi với giá cao, nhưng rất nhiều người tin rằng những người này mua hạt ươi về để bào chế thuốc chữa gai cột sống. Thông tin mập mờ, chưa được kiểm chứng trên được người dân tin tưởng, mơ về “đầu ra” ổn định, có giá cao cho loại hạt cây rừng nói trên. Bất chấp những khó khăn, nhiều người, hàng ngày vẫn vượt qua hàng chục km đường rừng, thậm chí ăn ngủ trong rừng để nhặt được ươi về bán.

Ông M. nhận định: “Tôi không phải thầy thuốc nhưng nhiều năm thu mua loại hạt này cũng biết chút ít về công dụng của nó. Hạt ươi được coi là một loại thuốc bổ mát, có thể dùng nhiều hay dùng luôn, không hại. Thường ngày có thể dùng vài ba hạt cho vào cốc nước nóng ngâm một lúc cho hạt nở ra rồi thêm đường vào cho đủ ngọt uống giải khát và trừ các bệnh nhiệt, trị các chứng đau ruột và các bệnh về đường tiêu hoá”.

“Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, tôi nghe người ta đồn về bài thuốc chữa hết bệnh gai cột sống bằng loại hạt này. Nghe nói, hạt này chữa gai cột sống hay lắm. Bây giờ người mắc bệnh này nhiều, đặc biệt là giới nhà giàu, dân văn phòng, ngồi nhiều, không có thời gian vận động.

Tôi cũng nghe nói bệnh gai cột sống khó chữa, phải đi mổ nhưng mổ rồi gai cũng mọc lại. Duy chỉ có trị bằng hạt ươi lại rất hữu hiệu. Do đó, nhiều người nghĩ rằng thương lái đổ xô lên đây mua hạt ươi về làm thuốc, bán cho các nhà thuốc đông y lấy lời”, ông M. cho biết thêm.

Tuy nhiên, việc thổi giá hạt ươi khiến người dân đổ xô vào rừng săn tìm loại hạt cây rừng nói trên cũng làm cho chính quyền địa phương lo lắng. Theo các cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy, hạt ươi là lâm sản phụ, chỉ mọc trong rừng. Việc thu gom hạt ươi rơi rớt không đủ để bán cho thương lái nên đã xuất hiện tình trạng chặt hạ cây để hái ươi, ảnh hưởng đến công tác quản lý rừng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó phòng Thanh tra pháp chế, chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, hiện chưa phát hiện trường hợp người dân vào rừng chặt hạ cây ươi nào. “Hạt ươi là lâm sản phụ nên người dân có thể vào rừng nhặt những hạt rụng nhưng nghiêm cấm việc chặt hạ cây để lấy hạt. Hiện, Chi cục chưa nhận được phản ánh nào về việc người dân vào rừng chặt hạ cây ươi. Nếu nhận được thông tin sẽ yêu cầu ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn”, ông Bình cho biết.

Kiên quyết không để người dân vào rừng chặt cây để lấy hạt ươi

Ông Nguyễn Hữu Quý, Phó văn phòng UBND huyện Sa Thầy cho biết: “Sau khi nhận được thông tin các thương lái ồ ạt đến huyện thu mua hạt ươi, chúng tôi đã cùng đội Quản lý thị trường đi kiểm tra và chưa phát hiện trường hợp nào. Hơn nữa, hiện đã vào mùa mưa, khi gặp mưa, hạt ươi sẽ bị hỏng, không sử dụng được nên cũng sẽ hạn chế tình trạng người dân đổ xô vào rừng hái ươi.

Bốn năm hạt ươi mới xuất hiện một lần, đặc biệt vào những năm nhuận. Do đó, trước đây khi có thương lái thu mua, người dân thường vào rừng chủ yếu là chặt hạ cây để lấy trái về bán làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, những năm trở lại đây, Ủy ban nhận chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, kiên quyết không để tình trạng người dân vào rừng chặt hạ cây ươi để lấy hạt”.

Hà Nguyễn – Ngọc Lài

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý