“Bánh đúc có xương” đẩy lùi mặc cảm… “mẹ ghẻ con chồng"

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

“Bánh đúc có xương” đẩy lùi mặc cảm… “mẹ ghẻ con chồng"

Vào một ngày giáp Tết, cũng trời mưa lâm thâm như thế này. Người vợ cũ của chồng chị về thăm con gái sau cả năm trời “mất hút” chả đoái hoài gì.

12/02/2016 10:19 PM
77

(ĐSPL) - Vào một ngày giáp Tết, cũng trời mưa lâm thâm như thế này. Người vợ cũ của chồng chị về thăm con gái sau cả năm trời “mất hút” chả đoái hoài gì.
Chị ta tỏ rõ sự khó chịu khi thấy con gái mình quấn quýt và gọi mẹ kế bằng tiếng mẹ yêu thương nên ghen ghét quyết giành lại quyền nuôi con bằng được. Trái ngược với lẽ “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” tình cảm chân thật của chị Loan với người con chồng khiến ai cũng cảm thấy xúc động và ấm lòng.

Trắc trở “gái tân” lấy “trai lần đò”

Thiếu phụ trẻ ngập ngừng xin gặp Thẩm phán để trình bày nguyện vọng muốn được giành quyền nuôi con. Thoạt nghe, ai cũng tưởng bé gái là con đẻ của chị, nhưng hóa ra lại là con của chồng. “Thú thật là nếu không phải nuôi cháu, vợ chồng tôi cũng bớt được một phần gánh nặng kinh tế. Nhưng để cháu về ở với mẹ đẻ, tôi thực sự không yên tâm. Cháu đã ở với chồng tôi từ bé, hơn nữa cháu là con gái nên dù sao ở với mẹ kế vẫn còn tốt hơn là ở cùng cha dượng…” - chị bày tỏ nỗi lo lắng của mình bằng tâm trạng lo âu, thấp thỏm.

Chị Hoàng Hoài Loan (27 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) kết hôn với anh Nguyễn Đình Tùng (32 tuổi, cùng quê) khi anh này đang trong cảnh "gà trống nuôi con", cô con gái 8 tuổi. Chị Loan không biết cặn kẽ nguyên nhân vì sao chồng mình và người vợ cũ ly hôn, chị cũng không cố đào bới chuyện cũ quá nhiều, biết đâu lại vô tình làm tổn thương người khác thì không hay, chỉ nghe nói là tính tình không hợp. Sau này cha mẹ chồng chị nói rằng vợ cũ của anh Tùng ngoại tình với người khác, bỏ chồng con đi theo tình nhân, dù cho anh đã từng cho chị ta cơ hội quay lại với con nhưng đều vô nghĩa trước tham vọng tình yêu mù quáng.

Khi ly hôn, người vợ cũ bỏ lại đứa con gái khi đó mới 4 tuổi cho anh Tùng nuôi để chung sống cùng người mới. Nghe nói người đó cũng không đàng hoàng, tử tế, hai người cứ ở với nhau rông dài như vậy không có hôn thú gì. Về phần anh Tùng, có lẽ quá thương con gái nên anh chấp nhận cảnh “gà trống nuôi con” một thời gian dài. Phải đến nhiều năm sau ngày hôn nhân tan vỡ, anh mới kết hôn với người mới, đó là chị.

Hồi đó, khi biết chị là gái tân mà phải lấy chồng đã sang “tập hai”, đã thế lại có thêm đứa con gái riêng của chồng đang tuổi ẩm ương, cha mẹ chị không tác thành vì e ngại cuộc sống mẹ kế - con chồng, con chung - con riêng phức tạp. Ngay cả bản thân chị cũng thấy băn khoăn, suy nghĩ mãi vì biết đâu có những mâu thuẫn khó nói mà chị dù muốn cũng chẳng thể lường trước được. Rồi nhiều người, đến cả những người không quen biết nghe phong thanh cô gái trẻ đẹp, học hành đàng hoàng, dân làng biết bao chàng trai khỏe mạnh điều kiện tốt theo đuổi nhưng không ưng, lại ưng “trai đã từng có vợ” thì thấy xót và tiếc cho lắm. Nhưng vì tình yêu chị vẫn quyết tâm lấy anh và sự chân thành của chị đã cảm hóa được đứa con chồng, cô bé đã tự nguyện gọi chị bằng mẹ. Tiếng mẹ thiêng liêng tự đáy lòng khiến chị cảm động trào nước mắt. Ngày chị lên xe hoa, chính cô nhóc này đã nâng váy cho mẹ kế vào tận phòng tân hôn.

Thẩm phán kể về cổ tích “bánh đúc có xương” đẩy lùi mặc cảm… “mẹ ghẻ con chồng” - Ảnh 1Phóng to

.

Cổ tích “bánh đúc có xương”?

Cuộc sống của chị yên ấm không được bao lâu thì bị xáo trộn vào một ngày giáp Tết, người vợ cũ của chồng chị về thăm con gái sau cả năm trời chả đoái hoài gì. Chị ta tỏ rõ sự khó chịu khi thấy con gái mình gọi mẹ kế bằng tiếng mẹ yêu thương. Chị ta thẳng thừng cấm con gái không được gọi chị là mẹ nhưng cô bé không chịu. Vì ghen tức, sau đó ra Giêng chị ta khởi kiện ra tòa án xin thay đổi người nuôi con với lý do cháu bé phải sống cảnh mẹ ghẻ - con chồng nhiều hệ lụy phức tạp, thậm chí chị ấy còn vu khống, kể xấu rằng Loan đối xử không ra gì với con riêng cô ấy.

Khi bị vợ cũ giành quyền nuôi con, chồng chị muốn giữ con ở lại với mình nhưng anh e ngại. Nếu con ở cùng anh chị nghĩa là anh buộc vợ mình phải san sẻ gánh nặng kinh tế trong việc nuôi con, điều đó có vẻ không công bằng với chị. Anh chị cũng chỉ là công nhân nghèo, ăn bữa trước dành bữa sau, hiện chị lại đang mang bầu đứa con chung của hai người. Bố mẹ anh thì chỉ biết thở ngắn than dài vì biết trước việc để cháu bé ở với mẹ và cha dượng là điều không ổn. Nhưng ông bà đành tự an ủi rằng, mai mốt chị sinh con, kinh tế sẽ khó khăn, eo hẹp nên để cháu bé ở với mẹ đẻ cũng là hợp lý. Biết vậy mà trong lòng chị cứ cảm thấy áy náy khôn nguôi…

Chị Loan nhỏ nhẹ giãi bày: Vợ chồng chị đều là công nhân, lương “ba cọc ba đồng”, gia đình nội, ngoại cũng chẳng lấy gì làm khá giả. Quả thật, nếu không phải nuôi con chồng thì hàng tháng chị sẽ đỡ được một khoản tiền kha khá. Nhưng thật lòng, nếu để cháu cho mẹ đẻ nuôi dưỡng thì chị rất bận tâm. Cả gia đình chị đều biết chồng mới của mẹ cháu bé là người không được đàng hoàng tử tế, nếu phải giao cháu về ở với mẹ và người cha dượng như vậy thì gia đình không yên lòng.

“Tôi là mẹ kế, có thể sẽ không đối xử tốt với cháu bằng mẹ đẻ. Nhưng tôi nghĩ rằng, thà để cháu ở với mẹ kế vẫn còn tốt hơn ở cùng cha dượng. Nhất là trong trường hợp của con tôi, cháu đang có một cuộc sống êm đềm bên cha, giờ phải chuyển đến sống cùng mẹ và cha dượng quả là sự thay đổi chẳng dễ dàng gì. Ai dám chắc cháu ở cùng cha dượng sẽ không xảy ra hiểm họa và bất trắc? Tôi rất muốn giữ cháu ở lại với vợ chồng tôi nhưng e ngại không biết tôi có được quyền làm điều đó trong vụ án tranh chấp nuôi con riêng của chồng mình và vợ cũ hay không?”, chị Loan băn khoăn.

Lắng nghe câu chuyện của chị Loan, bà thẩm phán thực sự cảm thông và xúc động. Là người từng thụ lý, giải quyết nhiều vụ án về tranh chấp quyền nuôi con, bà hiểu vì sao trong cuộc ly hôn 3 năm trước, Tòa án lại quyết định giao cháu bé cho cha cháu nuôi dưỡng chứ không phải là mẹ cháu bé như lẽ thường đối với những bé gái dưới 9 tuổi. Điều này chứng tỏ vào thời điểm đó, Tòa án đã cân nhắc kỹ lưỡng và nhận thấy cháu bé ở với cha tốt hơn nên đã quyết định giao bé cho cha cháu nuôi. Thực tế cũng đã chứng minh điều đó, cháu đã có một cuộc sống tốt đẹp nhất trong điều kiện có thể bên cha và mẹ kế, cháu cũng đã chấp nhận người sẽ thay thế mẹ mình bằng việc gọi chị bằng tiếng “mẹ” thiêng liêng.

Bà Thẩm phán phân tích: Trong vụ án giành quyền nuôi con giữa chồng chị Loan với người vợ cũ, chị không phải là đương sự nên không được giành quyền nuôi cháu bé. Tuy vậy, chị vẫn có quyền xin bày tỏ quan điểm trước Tòa về việc muốn cháu bé tiếp tục sống với vợ chồng mình. Điều quan trọng nhất là tình yêu thương của chị dành cho cháu, bù đắp cho cháu những mất mát, thiệt thòi khi thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của mẹ từ tấm bé. Sẽ vất vả hơn cho chị nhưng chắc chắn điều đó sẽ khiến tình cảm vợ chồng chị càng thêm mặn nồng bởi ngoài tình yêu, anh ấy còn dành cho chị lòng biết ơn chân thành vì đã yêu thương con mình.

Tất nhiên, Tòa án mới là người có quyền quyết định sẽ giao cháu bé cho ai nuôi, trên cơ sở xem xét quyền lợi mọi mặt của cháu bé và có xét đến nguyện vọng bé muốn ở với ai. Nhưng vị Thẩm phán tin chắc rằng, tình cảm chân thành của chị sẽ thuyết phục được Hội đồng xét xử, mong muốn tiếp tục được nuôi dưỡng cháu bé của vợ chồng chị sẽ được Tòa án chấp nhận.

Vậy mới thấy, đâu phải tất cả những người mẹ ghẻ, mẹ kế… đều không thể yêu thương con riêng của chồng. Trong xã hội vẫn còn rất nhiều tấm gương, hình mẫu tốt đẹp đáng để chúng ta học hỏi, quan trọng không phải là ta có rứt ruột đẻ ra chúng hay không mà là cách ta yêu thương con trẻ như thế nào.

* Tên nhân vật đã thay đổi

QUỲNH BÙI

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý