Báo động trẻ em mắc bệnh tan máu bẩm sinh tại TP HCM

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Báo động trẻ em mắc bệnh tan máu bẩm sinh tại TP HCM

(ĐSPL) Theo Bệnh viện Truyền máu Huyết học mỗi năm TP HCM có khoảng 1000 trẻ em sinh ra mắc bệnh tan máu.

30/11/2015 12:22 PM
438

Theo báo Người đưa tin, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học cho biết, số người đang mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (còn được gọi là bệnh Thalassemia) trên cả nước là 10 triệu người. Trong đó, có 20.000 bệnh nhân đang cần được điều trị và cứ mỗi năm, TP. HCM có 1.000 trẻ em mắc mới bệnh tan máu bẩm sinh.

Theo bác sĩ Dũng, trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất do cha hoặc mẹ sinh con nhưng trong người có sẵn gen bệnh hoặc cặp vợ chồng không được tầm soát bệnh trước thai kỳ. Do nguồn gốc của bệnh là di truyền nên việc tầm soát và điều trị ở trẻ sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh.

 - Ảnh 1Phóng to

Việt Nam là nước đứng đầu có số trẻ em mắc bệnh tan máu trên thế giới. (Ảnh: Người đưa tin)

 “Khi trẻ được 6 tháng tuổi thì gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện làm các xét nghiệm về huyết học để phát hiện sớm trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh nhằm có hướng điều trị thích hợp. Đối với trẻ mắc bệnh ở thể nặng thì sẽ được điều trị truyền máu và thải sắt. Đối với trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ và thể trung gian thì có thể sinh sống bình thường và chỉ cần đưa trẻ đi xét nghiệm mỗi năm 1 lần để theo dõi. Nếu được truyền máu và điều trị đầy đủ, tuổi thọ của người bệnh có thể lên tới 50 năm”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Tan máu bẩm sinh là bệnh di truyền do gen làm hồng cầu vỡ sớm hơn so với người bình thường, khiến người bệnh liên tục bị thiếu máu. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể do mỗi lần vỡ, hồng cầu sẽ giải phóng một lượng sắt để cơ thể hấp thu trở lại. Do cơ thể phải hấp thu và tái sử dụng liên tục nhiều sắt nên các cơ quan nội tạng sẽ là nơi trú ngụ của sắt. Khi đó, sẽ gây ra các biến chứng khác như: suy tim, sơ gan, suy thận,…

Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, các dân tộc thiểu số chiếm nhiều nhất với con số lên tới 48 - 49% dân số mang gen bệnh nguy hiểm này. Và nếu không được phát hiện, những người mang gien bệnh tan máu bẩm sinh gặp nhau, kết hôn, sinh con… thì tỉ lệ người mắc bệnh tan máu bẩm sinh sẽ tăng theo cấp số nhân. Khi đó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến giống nòi, chất lượng dân số Việt Nam.

Nếu hai người bị bệnh mức độ nhẹ kết hôn với nhau khi sinh con có 25% khả năng con bị bệnh tan máu bẩm sinh mức độ nặng; 50% khả năng con bị mức độ nhẹ hoặc sẽ là người mang gen và 25% khả năng con bình thường. Tại TPHCM, có tới hơn 1/3 dân số đến khám và mắc mới bệnh tan máu bẩm sinh.

Cũng theo bác sĩ Phù Chí Dũng, căn bệnh nguy hiểm này hiện nay đã có phương pháp điều trị dứt điểm đó là ghép tủy. Tuy nhiên, lứa tuổi phù hợp nhất để ghép tủy là từ 4 đến 7 tuổi. Nếu để đến khi trưởng thành thì tỉ lệ thành công của ca phẫu thuật sẽ rất thấp (50 – 60%). Do vậy, tầm soát sớm cho trẻ, điều trị đầy đủ, đúng quy trình sẽ giúp người bệnh có cơ hội bảo đảm sức khỏe, cuộc sống như người khỏe mạnh.

Tin tức từ báo Tuổi Trẻ, mỗi năm thế giới có chừng 15.000 trẻ mới sinh mắc bệnh tan máu bẩm sinh, 2.000 bé trong số này là trẻ em Việt Nam. Đây là một con số đáng báo động cần phải có những biện pháp phòng tránh kịp thời. Điều đáng nói là căn bệnh này cứ âm thầm, lặng lẽ gây họa.

Đức An (Tổng hợp)

Xem thêm video tin tức:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý