Bảo hiểm nhân thọ: 60.000 tỷ đầu tư và bài toán hiệu quả!

nganha nganha @nganha

Bảo hiểm nhân thọ: 60.000 tỷ đầu tư và bài toán hiệu quả!

(ĐTCK) Sáu tháng đầu năm, khối DN bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư một lượng vốn lớn trở lại nền kinh tế và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Liệu khối này có thoát được “cái dớp” thụt lùi tỷ suất sinh lời của năm 2011?

04/08/2012 09:34 AM
2,213

    Khả năng chi trả tốt đang cho thấy năng lực tài chính khá vững của khối nhân thọ

     

    Gần 60.000 tỷ đồng tổng tiền đầu tư

    Gần 60.000 tỷ đồng, đó là tổng số tiền đầu tư ước đạt trong 6 tháng đầu năm 2012 của DN bảo hiểm nhân thọ theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (QLBH). Kết quả này cho thấy vai trò quan trọng của khối bảo hiểm nhân thọ trong việc huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của khối phi nhân thọ nửa đầu năm chỉ đạt 23.114 tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ.

    Đại diện một DN bảo hiểm lớn cho rằng, những con số trên dù mới chỉ được ước tính trên báo cáo từ DN thì cũng là điều dễ hiểu. Trên thực tế, khối DN bảo hiểm nhân thọ thu được phí là đầu tư ngay, còn với khối phi nhân thọ thì có thể phải dùng cho các hoạt động khác như tái bảo hiểm…, còn lại mới đem đi đầu tư. Đồng thời, con số này mới là chỉ ước tính 6 tháng và hiệu quả đầu tư thì “đường dài mới biết ngựa hay”.

    Với lượng vốn đầu tư như trên, tổng doanh thu từ hoạt động đầu tư trong 6 tháng của khối DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 3.432 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Cơ cấu đầu tư với khoảng 60% đầu tư vào trái phiếu chính phủ và 15% đầu tư vào tiền gửi ngân hàng, chỉ với 8% tổng giá trị đầu tư vào cổ phiếu, góp vốn, cho thấy các DN bảo hiểm đang đặt sự thận trọng, an toàn lên hàng đầu trong hoạt động đầu tư.

    Còn về lợi nhuận hoạt động đầu tư, các DN bảo hiểm nhân thọ cũng bước đầu chứng tỏ hiệu quả. Tỷ suất đầu tư (doanh thu đầu tư/tổng tài sản đầu tư bình quân) của khối này ở mức 11,8%. Việc trích lập dự phòng cũng được các DN tính toán khá kỹ. Mức lợi suất đầu tư trung bình trên thị trường hiện vào khoảng 12 - 14%/năm, nhưng các DN vẫn chỉ ước tính một cách thận trọng ở mức dưới 7%/năm.

     

    Thoát “dớp” 2011?

    Theo đánh giá của Cục QLBH, khả năng thực hiện chi trả tiền bảo hiểm tốt, đáp ứng được nhu cầu bảo vệ và san sẻ rủi ro của khách hàng tham gia bảo hiểm cũng cho thấy năng lực tài chính khá vững của khối nhân thọ. Cụ thể, toàn bộ DN bảo hiểm nhân thọ trên thị trường vẫn đang duy trì được khả năng thanh toán theo quy định.

    Sáu tháng đầu năm nay, tổng tài sản của các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 75.742 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2011. Do đặc thù của hoạt động bảo hiểm nhân thọ nên các DN bảo hiểm nhân thọ, kể cả những DN mới, luôn đáp ứng yêu cầu về khả năng thanh toán (biên khả năng thanh toán hiện cao hơn nhiều biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định).

    Mặc dù vậy, không phải không có những ý kiến cho rằng, con số nửa đầu năm mới chỉ là bước đầu và chưa thể lạc quan quá sớm. Trên thực tế, vài năm qua, khả năng sinh lời của khối DN bảo hiểm nhân thọ là chưa cao. Năm 2011, theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong khi tỷ suất sinh lời khu vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng tương đối mạnh (23%), thì khối bảo hiểm nhân thọ lại giảm mạnh (33%) so với cùng kỳ 2010. Trong khi đó, tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ chi phí đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Năm 2011, 5/14 DN bảo hiểm nhân thọ có kết quả kinh doanh thua lỗ. Vì vậy, cần thêm thời gian ít nhất là đến cuối năm nay, để khẳng định hiệu quả từ bài toán đầu tư khủng của khối bảo hiểm nhân thọ.

               

    Thị trường bảo hiểm nhân thọ đang tạm thời phân thành 2 nhóm: Nhóm 1 là các DN bảo hiểm có quy mô lớn và đã hoạt động khoảng 10 năm (Bảo Việt, Prudential, Manulife, AIA, Dai-ichi…); Nhóm 2 là các DN bảo hiểm mới thành lập (ACE, Prevóir, Great Eastern, Cathay, Korea life, Generali, VCLI, VietinAviva)…

    Nhóm 1 hiện vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đã bắt đầu thực hiện chi trả nhiều hợp đồng bảo hiểm đáo hạn, đảm bảo đúng cam kết. Đặc biệt, một số DN có kết quả hoạt động kinh doanh tốt còn thực hiện chi trả cao hơn cam kết trong hợp đồng. Ngoài ra, các DN thuộc nhóm này thực hiện chiến lược khác biệt hoá sản phẩm, do đó, không xảy ra tình trạng cạnh tranh quá gay gắt.

    Còn với nhóm 2, sau một thời gian gia nhập, các DN này cũng đã bắt đầu hoạt động ổn định hơn, tốc độ tăng trưởng số lượng hợp đồng và doanh thu tương đối cao. Do gia nhập thị trường sau nên các DN này là những nhân tố mới đem lại sự đa dạng cho thị trường qua việc nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm mới (bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm liên kết chung), các kênh phân phối mới (qua bưu điện, qua ngân hàng). Các DN mới hoạt động trên một năm như Generali, VCLI cũng đã đạt được kết quả nhất định thông qua việc triển khai sản phẩm và dịch vụ có thế mạnh của công ty mẹ như sản phẩm bảo hiểm nhóm, sản phẩm liên kết ngân hàng.

    Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng, kết quả xếp loại thành 2 nhóm DN bảo hiểm kể trên mới chỉ dựa trên tiêu chí về thâm niên hoạt động của DN. Do đó, để có cái nhìn tổng thể về “sức khỏe” DN thì phải chờ kết quả phân nhóm của Bộ Tài chính, phân các DN bảo hiểm nhân thọ thành 4 nhóm chính thức theo hệ thống chỉ tiêu, giám sát (chủ yếu liên quan đến việc có đảm bảo khả năng thanh toán hay không) cụ thể.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý