Bạo lực học đường: Không thể chỉ gửi gắm vào ngành giáo dục

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Bạo lực học đường: Không thể chỉ gửi gắm vào ngành giáo dục

“Vấn đề bạo lực học đường nếu chỉ gửi gắm vào ngành giáo dục đào tạo thì là khó. Quan điểm của tôi trong vấn đề này, tam giác gia đình – nhà trường xã hội phải là tam giác đều.

02/04/2015 09:14 AM
263

PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống nói gì trước tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày một nhiều và có tính chất phức tạp? PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

Việc các em xô xát, đánh nhau là có thể hiểu được

Ông Nguyễn Hiệp Thống cho rằng, ở lứa tuổi học sinh THPT, THCS, các em còn bồng bột, thích thể hiện, khẳng định mình. Nhưng do không có hướng đi đúng đắn, nên dễ va chạm, dễ có hành động iêng hùng, gây mất trật tự an ninh cho xã hội. Đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội. Người lớn nói chung làm sao định hướng cho các em có cách hành xử đúng đắn, văn minh trước những mâu thuẫn gặp phải. Vấn đề này cần được đưa vào cảnh báo trong dạy học nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường gần đây không chỉ đơn thuần là đấm đá mà còn có tính chất làm nhục với hành vi hung hãn, côn đồ. Như vụ nữ sinh bị đánh ở Trà Vinh, thậm chí có cả cán bộ lớp tham gia. Đây là lời cảnh báo sâu sắc đối với các cơ quan giáo dục, các lực lượng xã hội…

 - Ảnh 1

PGĐ Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội: "Tam giác gia đình – nhà trường - xã hội phải là tam giác đều. Một ngày 24h, các em chịu sự giáo dục của thầy cô giáo ở trường nhiều nhất là 8h. Còn lại là ở gia đình và xã hội".

Ngoài ra, theo ông Thống, các vụ bạo lực học đường có tần suất nhiều hơn, tính chất nghiêm trọng hơn. Đặc biệt còn có người cổ súy, kích động rồi đưa lên mạng. Việc đưa các video bạo lực học đường lên mạng có thể giúp phát hiện được những vụ bạo lực học đường đang diễn ra gần đây. Tuy nhiên, mặt trái của nó là góp phần cổ xúy cho bạo lực học đường. Nhiều người xem hỉ hả, xem chúng như xem một cuốn phim chưởng .

Gia đình - nhà trường- xã hội phải là 'tam giác đều'

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, vấn đề bạo lực học đường nếu chỉ gửi gắm vào ngành giáo dục đào tạo thì rất khó. Đặc biệt, 'tam giác' gia đình – nhà trường - xã hội phải là tam giác đều. Bởi một ngày 24h, các em chỉ chịu sự giáo dục của thầy cô giáo ở trường nhiều nhất là 8h. Còn lại là ở gia đình và xã hội.

Ông Thống nhấn mạnh rằng, vai trò của gia đình cần được đề cao: "Người ta vẫn nói, người mẹ, người cha là người thầy đầu tiên. Trong gia đình, nếu bố mẹ không gương mẫu, ông bà không mực thước, hàng xóm không chan hòa sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến các em".

Đồng thời, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định rằng, riêng trong nhà trường, không một nhà giáo nào dạy học sinh các điều xấu xa, tiêu cực.

"Nhà trường là một xã hội thu nhỏ, dù trong trường thầy cô có dạy hay đến đâu, học sinh tiếp thu tốt đến mấy, khi ra ngoài cổng trường, nhìn tấm gương người lớn đi xe máy va chạm cái là văng tục chửi bậy, đánh lộn… thử hỏi, sao có làm gương cho con em. Rồi game online với đầy đủ tệ nạn, bạo lực trong các trò chơi… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách các em" - ông Thống bày tỏ quan điểm.

Nói về việc giáo dục nhân cách cho các em học sinh, ông Thống cho rằng, nhiều truyện ngắn, cực ngắn có tính giáo dục thì chưa được truyền tải cho các em học sinh, thanh niên. Trong khi đó, trên mạng tràn lan những tin tức mang tính chất bạo lực như: đánh nhau, đánh ghen, trộm chó, giết chó, ngồi lên mộ xúc phạm mồ mả tổ tiên, vong linh liệt sĩ...

"Dễ nhận thấy, trong thế giới phẳng thông qua internet, người ta đưa cả tinh túy và cả rác rưởi. Trong khi đó, không phải học sinh nào cũng có khả năng tiếp nhận, chọn lọc thông tin cho mình" - ông Thống bày tỏ.

Ông cũng cho rằng, một xã hội cần phải có pháp luật, nếu không các em sẽ khủng hoảng niềm tin khi thấy người làm sai không bị phạt, làm đúng không được khen. Nếu như vậy, thì rất khó để có thể giáo dục các em.

Ngoài ra, ông tỏ ra lo lắng vì việc cổ vũ tấm gương người tốt trên các phương tiện báo chí – truyền thông hiện nay có tần suất thấp, mật độ chưa cao và cách truyền đạt chưa sâu sắc.

Mộc Miên

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý