Bảo vệ phụ nữ trong các vụ tranh chấp quyền lợi về hôn nhân-gia đình: Ngày càng phức tạp, khó khăn

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Bảo vệ phụ nữ trong các vụ tranh chấp quyền lợi về hôn nhân-gia đình: Ngày càng phức tạp, khó khăn

Thiếu hiểu biết về luật pháp, không có thói quen và khả năng sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của bản thân và các con là nguyên nhân dẫn đến việc chị em phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong các vụ án ly hôn, tranh chấp tài sản, quyền nuôi con.

11/02/2014 09:17 AM
802

Theo đánh giá của cán bộ hội LHPN các cấp và Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn, trong tình hình hiện nay, công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em ngày càng khó khăn, phức tạp.

Chị Đỗ Thị Thu Hường ở ngõ 447 phố Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội) kết hôn và có 2 con chung với anh Đặng Trung Thành, là bị đơn trong vụ án ly hôn do TAND quận Long Biên thụ lý. Lần đầu được tòa mời đến làm việc nhưng con ốm nên chị Hường xin vắng mặt. Lần thứ hai tòa chuyển giấy mời thì chị không nhận được. Sau đó ít lâu, được tổ trưởng dân phố gọi đến trao quyết định giải quyết ly hôn vắng mặt, chị mới biết mình đã "được" xử ly hôn và không được quyền nuôi con. Chị đã tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn, Hội đồng Tư vấn hôn nhân - gia đình của Hội LHPN TP Hà Nội xin giúp đỡ. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị, Hội đồng Tư vấn hôn nhân - gia đình đã kiến nghị với TAND TP Hà Nội, đề nghị xem xét lại quá trình giải quyết vụ án của chị Hường. Rất may, sau phiên tòa phúc thẩm, chị Hường được nuôi cả hai con, được sử dụng ngôi nhà chung. Đây là một trong số hơn 100 vụ việc về pháp luật hôn nhân - gia đình mà Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn, Hội đồng Tư vấn hôn nhân - gia đình của Hội LHPN thành phố can thiệp hiệu quả, bảo vệ thành công quyền lợi hợp pháp cho chị em trong năm 2013.

Phụ nữ cần được bảo vệ quyền lợi trong việc tranh chấp hôn nhân.

Không riêng tại Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn, ngay tại cơ sở và cấp quận, huyện, thị xã, cán bộ hội LHPN các cấp cũng đang phải trực tiếp cùng chị em đối đầu với các vụ tranh chấp quyền lợi trong hôn nhân - gia đình. Chủ tịch Hội LHPN quận Hai Bà Trưng Phùng Bích Nga cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ và trẻ em trong các vụ tranh chấp liên quan đến hôn nhân - gia đình ngày một nhiều. Đáng chú ý nhất trong số đó là vụ tranh chấp quyền lợi giữa bà Vũ Thị L. ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng với hai con gái của bà. Mẹ chồng bà Vũ Thị L. là chủ sở hữu nhà và đất, mà gia đình bà L. đang ở, đã làm di chúc chia toàn bộ tài sản này cho hai cháu nội (là con gái bà L.). Để sở hữu phần tài sản được thừa kế, hai người này quyết định bán ngôi nhà chia nhau. Không có nơi ở, bà L. làm đơn kêu cứu tới hội phụ nữ. Nhờ kiên trì giải thích, cán bộ Hội LHPN quận Hai Bà Trưng đã giúp hai người con bà L. nhận ra lỗi lầm, hàn gắn vết rạn tình cảm mẹ - con. Theo các cán bộ tư vấn pháp luật của hội phụ nữ các cấp và Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn, Hội đồng Tư vấn hôn nhân - gia đình, công việc này hết sức khó khăn, vừa phải bảo đảm đúng luật, nhưng cũng phải bảo vệ các giá trị tinh thần, tình cảm, đạo đức và văn hóa truyền thống…

Trong khi đó, theo một cán bộ TAND TP Hà Nội, năm 2013, TAND TP Hà Nội tiếp nhận hơn 11.000 vụ án, tăng 9,72% so với năm 2012; số vụ án hôn nhân - gia đình đang gia tăng, chiếm 42% tổng số các vụ án. Đáng buồn hơn, số vụ ngày càng nhiều hơn đi liền với công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em cũng thêm khó hơn. Về nguyên nhân, rõ ràng việc giáo dục và phổ biến pháp luật để chị em ý thức được về quyền lợi cũng như những quy định của pháp luật bảo vệ họ là vô cùng cần thiết nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các giá trị đạo đức bị biến đổi, các hình mẫu truyền thống về tình cảm không còn được trân trọng, giữ gìn như trước. Trong khi đó, chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, nhiều chị em vẫn sống theo mẫu hình truyền thống, sẵn sàng quên mình vì chồng, con, gia đình, mà quên mất quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân. Đặc biệt là phụ nữ nông thôn, nghèo, ở vùng sâu, vùng xa… ít có điều kiện tiếp cận nâng cao nhận thức về pháp luật nên thường phải chịu thiệt thòi. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân và gia đình, chị em phụ nữ phải nâng cao nhận thức, sống và làm việc theo pháp luật. Bên cạnh đó, hội LHPN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đổi mới các hình thức hỗ trợ tư pháp, giúp chị em nâng cao nhận thức, biết tự bảo vệ mình và con em, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của mỗi mái ấm gia đình.

Theo Hà Nội mới

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý