Bắt chồng lấy vợ hai chỉ vì... kiếm 'người chống gậy'

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Bắt chồng lấy vợ hai chỉ vì... kiếm 'người chống gậy'

Sau một cơn bạo bệnh, để giữ lại tính mạng, bà đành phải cắt bỏ buồng trứng của mình. Lúc này, vợ chồng bà đã có 3 cô con gái. Thương chồng, bà tình nguyện để ông đi bước nữa.

27/05/2015 10:05 AM
2,471

Tuy nhiên, yêu cầu này của bà bị ông cự tuyệt. Không cam lòng, chính bà đã nhiều lần vượt hàng trăm km từ Nghệ An ra Thanh Hóa tìm người chịu làm… vợ hai cho chồng. Chấp nhận chia chồng, bà đem tình yêu của mình dồn vào công việc. Đến nay, gần cuối cuộc đời, bà mãn nguyện với những gì mình đã làm...

Quyết tâm hỏi vợ cho chồng

Trong căn nhà khang trang giữa làng, bà Bùi Thị Kiệm (87 tuổi) trú tại xóm 8, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang sống cuộc sống đầm ấm bên con cháu. Tiếp chúng tôi, bà Kiệm hiền từ mời trà và bắt đầu kể về cuộc sống của mình.

Theo đó, như nhiều thôn nữ khác, đến tuổi lấy chồng, bà Kiệm nên duyên với ông Hồ Văn Cát, người cùng xã. Ngày ấy khó khăn chồng chất nhưng vợ chồng bà vẫn yêu thương nhau. Những đứa con ra đời khiến gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai đôi vợ chồng trẻ. Sinh con đến lần thứ 3, nhìn ánh mắt của chồng, bà biết ông mong có thằng cu chống gậy nhưng bà lại sinh toàn con gái.

Quyết tâm tiếp tục sinh cho kỳ được thằng con trai luôn nung nấu trong suy nghĩ của bà. “Sau khi sinh con gái thứ 3 không bao lâu thì tôi bị bệnh nặng, để giữ lại tính mạng cho mình đành phải cắt bỏ buồng trứng”, bà Kiệm cho biết. Sau biến cố bệnh tật, bà vẫn áy náy về việc chưa sinh được con trai cho chồng. Đề nghị chồng ly hôn để ông lấy vợ mới để có con trai nói dõi tông đường nhưng chồng bà không đồng ý.

Kể lại thời gian này, bà Kiệm chia sẻ: “Tôi rất khổ tâm khi suy nghĩ mình không sinh được con trai cho chồng là chưa làm tròn trách nhiệm của một người vợ. Biết suy nghĩ của tôi, ông ấy khuyên tôi không nên lo lắng, con gì cũng là con, chỉ cần các con khỏe mạnh là được. Ông ấy hiền lành, yêu thương vợ con nên tôi thấy được động viên rất nhiều. Tuy nhiên, ông ấy càng đối xử tốt với tôi bao nhiêu tôi lại quyết tâm giúp ông ấy có người con trai thờ phụng bấy nhiêu”.

Theo bà Kiệm, gia đình, họ hàng cũng mai mối cho vài mối nhưng ông Cát một mực từ chối vẫn thủy chung với vợ. Có nhiều người khuyên ông ra ngoài kiếm con riêng nhưng ông đều lắc đầu. Bởi thế, bà đã lên kế hoạch và âm thầm đi tìm vợ cho chồng. Bà nhờ mấy người quen tìm mối cho mình.

“Năm đó, tôi mới 35 tuổi, còn trẻ vậy mà đã nhờ người ta tìm vợ cho chồng khiến nhiều người ngạc nhiên. Không ít người còn chửi tôi bị điên nên mới làm vậy. Tôi biết, suy nghĩ của thời đó không thoáng như bây giờ, vấn đề trọng nam khinh nữ hay kiếm người chống gậy còn rất quan trọng. Được chồng yêu thương, nhà chồng đối xử tốt thì tôi tình nguyện chia chồng cũng không sao”.

Sau khi nghe tâm sự của bà Kiệm, một người chú họ đi buôn ngoài Thanh Hóa đã chỉ cho bà một người phụ nữ tên là Hồ Thị Hôn (năm nay 71 tuổi). Bà Hôn là người quá lứa lỡ thì đang sống với mẹ già ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Bà Kiệm xin lại địa chỉ cụ thể, giấu chồng khăn gói lên đường đi hỏi vợ cho chồng.

“Để giấu chồng ra Thanh Hóa, tôi đã phải nói dối mình theo chú đi buôn thì ông ấy mới đồng ý. Thời điểm đó, phương tiện đi lại hết sức khó khăn, phải mất mấy ngày trời tôi mới tìm đến được nhà người phụ nữ mà chú giới thiệu. Qua gặp mặt, thấy bà ấy cũng là người hiền lành chất phác nên tôi cảm thấy quý.

Khi nghe tôi tâm sự về ý định của mình, gia đình họ nhất quyết từ chối. Một người xa lạ tự nhiên đến hỏi vợ cho chồng, họ nghĩ tôi như đi buôn người vậy. Họ bảo con họ quá lứa lỡ thì nhưng cũng không đến mức độ phải đi làm vợ lẽ của người khác. Hơn nữa gả chồng xa như vậy họ không thể an tâm được”, bà Kiệm kể về quá trình mình đi hỏi vợ cho chồng.

   - Ảnh 1

Bà Hôn và bà Kiệm coi nhau như chị em gái và cùng chung sống hòa thuận với nhau.

Tất cả vì… một đứa con trai

Hai tuần ròng rã thuyết phục, bà Hôn mới chịu theo bà Kiệm về Nghệ An chung sống. Th��y vợ đưa người phụ nữ lạ về nhà, ông Cát hết sức ngạc nhiên. Ông không thể tưởng tượng được vợ mình lại chấp nhận hy sinh cho gia đình chồng. Thương vợ, thương con và không chấp nhận lấy thêm vợ hai nữa nên ông Cát một mực đuổi bà Hôn về quê.

Thấy ông Cát lạnh nhạt, bà Hôn vùng vằng bỏ về. Bà Kiệm phải “năn nỉ” mãi bà Hôn mới chịu ở lại chờ bà Kiệm thuyết phục chồng. Sau gần 10 ngày chung sống, cuối cùng bà Kiệm cũng thuyết phục được chồng… cưới vợ hai.

Năm 1975, một đám cưới nhỏ ấm cúng được bà Kiệm đứng ra tổ chức cho chồng. Mới đầu, khi nghe đến câu chuyện của gia đình ông Cát, ai cũng xì xào bàn tán. Bỏ qua những lời dị nghị của hàng xóm, hai người đàn bà này cố gắng vun vén gia đình thêm hạnh phúc.

“Sở dĩ chấp nhận về làm vợ lẽ của ông ấy, ban đầu không phải vì tôi yêu ông ấy đâu mà là tôi nể đức hy sinh của chị Kiệm. Thấy chị ấy vất vả vì gia đình chồng như vậy, tôi thật sự ái mộ. Từ tình cảm đó, tôi mới quyết định về làm vợ hai của ông Cát”, bà Hôn chia sẻ.

Đời sống của một người đàn ông cùng hai người phụ nữ tưởng chừng sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng rất đầm ấm và vui vẻ. Không lâu sau ngày cưới, bà Hôn có thai và sinh con gái. Không nản lòng, bà Kiệm lại ân cần chăm nom và động viên bà tiếp tục sinh con. Thế nhưng, cũng giống như bà Kiệm, bà Hôn sinh một lèo 3 người con gái. Nhà nghèo, đông con, cuộc sống chật vật. Lúc này, bà Hôn có ý định không sinh thêm nữa nhưng bà Kiệm không đồng ý. Trong cuộc họp gia đình, bà Kiệm yêu cầu bà Hôn cứ sinh con, còn việc nuôi nấng là do mình đảm nhận. Mủi lòng trước tấm chân tình của bà Kiệm, bà Hôn tiếp tục mang thai. Năm 1985 bà Hôn cũng hạ sinh được một người con trai đặt tên là Hồ Văn Đức.

Ngày bà Hôn sinh được “quý tử” bà Kiệm đã khóc òa lên như một đứa trẻ. Bà Kiệm chiều chuộng hai mẹ con bà Hôn giống như em gái ruột của mình. Mọi công việc nặng nhọc trong nhà, bà cả đều giành làm hết.

“Chúng tôi thật sự khâm phục trước sự hy sinh cao thượng của bà Kiệm. Là người phụ nữ không ai muốn sống kiếp chung chồng nhưng bà Kiệm đã vì gia đình dòng tộc mà chấp nhận như vậy. Từ khi lấy bà hai về làng xóm chưa hề nghe gia đình họ cãi vã nhau bao giờ”, bà Lê Thị Lạc (55 tuổi), hàng xóm, cho biết.

Như là chị em

Có lẽ thời gian đã đem đến câu trả lời xác đáng nhất cho tấm lòng của hai người phụ nữ trong gia đình ấy. Dù hạnh phúc của họ phải san sẻ cho nhau, nhưng suốt mấy chục năm qua, họ luôn nhường nhịn, cư xử có trên có dưới, cùng nhau chăm lo cho đàn con nhỏ, coi chúng đều là con chung chứ không của riêng ai. Đến bây giờ, những người con của họ đều đã trưởng thành, xây dựng gia đình và có hiếu nghĩa, nhưng tất cả đều không phân biệt mẹ ruột hay mẹ “hai”. Hiện tại hai bà đang sống chung cùng với vợ chồng người con trai út.

Anh Đức chia sẻ về hai người mẹ của mình: “Tôi rất tự hào vì mình có hai người mẹ. Họ đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi mấy anh em tôi khôn lớn. Hai mẹ sống với nhau rất tình cảm, có trước có sau, điều đó làm tôi rất cảm phục. Tuy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng tôi hứa sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt để không phụ công nuôi dưỡng của hai người mẹ của mình. Nhiều người cười chê nhưng mặc họ, vợ chồng tôi bây giờ cảm thấy mình thật may mắn. Chính đức tính hi sinh, thương yêu của mẹ cả là điều chúng tôi cần phải học hỏi để yêu thương nhau nhiều hơn”.

Ông Cát đã mất hơn 10 năm nay, bà Kiệm và bà Hôn cũng đã có tuổi. Hàng ngày, hai người phụ nữ này sống cùng nhau trong căn phòng nhỏ nhưng ấm áp. Nói về quyết định cưới vợ hai cho chồng, bà Kiệm giãi bày: “Tôi chưa bao giờ ân hận, ngược lại tôi thấy mình đã quyết định đúng. Nhờ quyết định này mà tôi có thêm một người bạn tâm giao, một cô em gái, có thêm những đứa con biết yêu thương, chia sẻ cùng bố mẹ”.

Ông Hồ Văn Hiệu, Xóm trưởng xóm 8, cho biết: “Lúc bà Kiệm đi hỏi vợ hai cho chồng, tôi cũng chỉ tầm 6 tuổi. Điều chúng tôi cảm phục nhất là họ đã sống thực sự hạnh phúc trong 40 năm qua. Người dân nơi đây vẫn kể về họ với thái độ trân trọng và cảm phục. Họ đã vi phạm luật hôn nhân gia đình, nhưng xét về tình cảm, đó là một câu chuyện đẹp, giàu tính nhân văn”.

Thanh Ngọc

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý