Bắt nhóm nữ quái chuyên dùng giấy tờ giả lừa vay tiền

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Bắt nhóm nữ quái chuyên dùng giấy tờ giả lừa vay tiền

(ĐSPL)  Công an quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) vừa bắt giữ nhóm nữ quái chuyên dùng sổ đỏ, sổ hồng cạo sửa và làm giả chứng minh thư nhân dân để nhiều lần vay tiền của một phụ nữ.

31/01/2015 04:35 PM
393

Các nghi can gồm: Phạm Thị Na (SN 1965, ngụ quận Thủ Đức), Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1968) và Phạm Thị Kính (SN 1955, cùng ngụ huyện Củ Chi).

Theo điều tra ban đầu, vào tháng 3/2014, bà P.T.K.D. (ngụ quận Thủ Đức) đến cơ quan công an trình báo việc Phạm Thị Na giới thiệu 7 người đến gặp bà D. thế chấp giấy tờ nhà đất, chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu để vay tổng cộng 340 triệu đồng.

Sau đó, bà D. phát hiện toàn bộ giấy tờ đều có vấn đề nên tố giác. Qua điều tra, Công an quận Thủ Đức xác định trong số bảy người đó có Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phạm Thị Kính. Tại cơ quan công an, hai người này đã thừa nhận hành vi thế chấp giấy tờ giả để vay tiền.

 - Ảnh 1Phóng to

Ba nghi can có biểu hiện lừa đảo bị bắt giữ.

Theo lời khai ban đầu, Tâm được ông N.T.L. (ngụ Thuận An, Bình Dương) nhờ vay 15 triệu đồng và thế chấp chứng minh thư nhân nhân, hộ khẩu, giấy tờ đất của mẹ ông là bà T.T.C..

Tâm liên hệ với Na và Na gọi điện thoại cho bà D. đề nghị mượn tiền. Tuy nhiên, do giấy tờ không chính chủ nên Tâm bàn với Kính đóng giả bà C. và làm giả chứng minh thư nhân dân dán ảnh Kính. Khi gặp bà D., Tâm dàn kịch để mượn 40 triệu đồng.

Bà D. đồng ý cho vay 40 triệu đồng với lãi suất 7%/tháng. Sau đó Tâm cho ông L. vay lại 15 triệu đồng, đưa Na lấy 6 triệu đồng tiền hoa hồng, cho Kính 500.000 đồng. Số tiền còn lại Tâm giữ hết.

Đến tháng 1/2014, Tâm tiếp tục nhờ Na hỏi bà D. vay tiền với việc thế chấp chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Trần Thị Kim. Dù biết các giấy tờ này không phải của Tâm nhưng Na vẫn nói với bà D. tên thật là Trần Thị Kim, còn hình ảnh trên giấy chứng minh thư nhân dân không giống do ảnh chụp đã lâu. Cả hai đã thuyết phục được bà D. cho vay 50 triệu đồng, với lãi suất 8%/tháng. Trong "phi vụ" này Tâm cho Na 9 triệu đồng.

Sau khi bị bắt, Tâm thú nhận số giấy tờ mang tên Trần Thị Kim đều giả mạo do một người khác thế chấp cho Tâm để vay 20 triệu đồng.

Sau đó, Tâm đem "hàng giả" cầm lại cho bà D. với ý định lấy tiền rồi lánh mặt luôn. Trong các "phi vụ" nêu trên, đối tượng Na là người môi giới, hưởng lợi khá cao. Còn Tâm, Kính... đóng vai là chủ sở hữu của các bất động sản có sổ đỏ mang đi cầm cố. Sau khi vay được tiền, các đối tượng chia nhau tiêu xài.

Cơ quan điều tra làm rõ, các đối tượng nói trên dùng sổ đỏ từ nhiều nguồn khác nhau như: Trộm cắp, gia chủ bị thất lạc... hay từ chính gia chủ mang cầm cố cho chúng. Sau đó chúng cạo sửa, cập nhật thêm thông tin sang nhượng, rồi dùng kỹ thuật in ấn để làm giả con dấu, chữ ký. Cuối cùng chúng dán ảnh vào chứng minh thư nhân dân, làm hộ khẩu giả rồi mang đến cầm cố cho bà D. lấy tiền. Hiện cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc trên.

Báo Đời sống và Pháp luật giới thiệu bài viết của tác giả Cao Miên (đại học Quốc gia Hà Nội) bình luận về thủ đoạn lừa đảo tinh vi của nhóm nữ quái nói trên.

Các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức

Xem xét nội dung vụ việc, có thể nhận thấy, đây là "phi vụ" lừa đảo được dàn dựng tinh vi và có tổ chức. Các đối tượng thực hiện đồng thời nhiều hành vi phạm tội để thỏa mãn mục đích cuối cùng của mình là chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của pháp luật, các hành vi đó cấu thành độc lập, do vậy, nhóm nữ quái có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc phạm nhiều tội.

Trước mắt, hành vi của các đối tượng đã đủ dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Theo đó, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối ở đây chính là việc sử dụng giấy tờ giả. Lợi dụng sự cả tin của các nạn nhân, nhóm nữ quái đã thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Theo nội dung vụ việc, đối tượng Na, Tâm, Kính hoạt động phạm tội theo một kịch bản tinh vi và có tổ chức. Chúng đã lợi dụng lòng tin của bà D., dùng giấy tờ giả để lấy tiền của nạn nhân nhiều lần. Lần đầu tiên, chúng lấy trót lọt 40 triệu đồng.

Lần thứ 2, vẫn với kịch bản tương tự, chúng tiếp tục "qua mặt" bà D. và thuyết phục bà này đưa cho chúng vay 50 triệu đồng. Điều này cho thấy, việc thực hiện hành vi lừa đảo được lên kế hoạch chi tiết và các đối tượng tiến hành rất "khớp" khiến nạn nhân nhanh chóng bị rơi vào "tròng".

Cơ quan điều tra cũng cần làm rõ, liệu nạn nhân có phải chỉ riêng bà D. hay còn nhiều người khác chưa trình báo công an. Việc xác định được số lượng cũng như tình trạng thiệt hại của các nạn nhân cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính chất và mức độ của vụ án.

Trong vụ việc này, Cơ quan điều tra mới bắt giữ ba nghi can là Phạm Thị Na, Nguyễn Thị Thanh Tâm và Phạm Thị Kính. Việc điều tra, mở rộng vụ án là hết sức cần thiết, bởi rất có thể 3 nghi can còn những đồng phạm khác.

Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng bước đầu khai nhận, trong những "phi vụ" nêu trên, đối tượng Na là người môi giới, hưởng lợi khá cao, còn Tâm, Kính... đóng vai là chủ sở hữu của các bất động sản có sổ đỏ mang đi cầm cố.

Tuy nhiên, theo các quy định pháp luật, lời khai của các nghi can chỉ là một trong các chứng cứ vụ án, vì vậy để có thể xác định trách nhiệm hình sự của từng nghi can, cần phải có quá trình điều tra xác định được sự thật vụ án.

Tình huống đặt ra, nếu kết quả điều tra cho thấy, nghi can Na hoàn toàn không biết các nghi can khác có động cơ lừa đảo bà D., mà chỉ đóng vai trò môi giới, giới thiệu các nghi can đến vay tiền để lấy công (hoa hồng) thì nghi can Na không phạm tội.

Bởi trong tình huống này, nghi can Na không ý thức được hành động của mình là đang giúp sức cho tội phạm. Tuy nhiên, nếu Cơ quan điều tra xác định được nghi can Na là người đạo diễn, các nghi can còn lại thực hiện các hành vi lừa đảo theo chỉ đạo của Na và sau đó chuyển tiền lừa đảo được cho Na, hoặc chia tiền theo yêu cầu của Na, thì đối tượng Na là đầu vụ. Do đó, đối tượng này có thể đóng vai trò chủ mưu, các nghi can khác là đồng phạm. Bên cạnh đó, người nào trực tiếp thay ảnh trong chứng minh thư nhân dân, chữa tên trong sổ đỏ, mặc dù không tham gia đi vay tiền, cũng là đồng phạm trong vụ án này.

Cũng theo Điều 139 Bộ luật Hình sự, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trong vụ việc này, các đối tượng gây án có tổ chức với những tình tiết tăng nặng. Do đó, cần nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

CAO MIÊN

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý