Bầu Đức bị nghi ngờ khi bán đường giá 'siêu rẻ'

ban ban @ban

Bầu Đức bị nghi ngờ khi bán đường giá 'siêu rẻ'

Đầu tư vào nông nghiệp từ năm 2008, tính tới nay, chỉ riêng mía đường, bầu Đức đã đổ vốn ngót ngét 90 triệu USD (hơn 1.800 tỷ đồng).

05/03/2015 07:45 AM
741

Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức có dám bán đường với giá 4000 đồng/kg ở Việt Nam?

Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú có bài viết “Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam”, trong đó có đưa ra một số luận điểm về thực tiễn ngành mía đường Việt Nam hiện nay và so sánh giá thành, kỹ thuật công nghệ giữa Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với các doanh nghiệp trồng mía trong nước, ngày 3.3, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã có văn bản phản bác lại ý kiến của Thứ trưởng Tú.

"Trước hết, cám ơn ông Thứ trưởng đã có nhiệt tình và “phát biểu một cách có trách nhiệm về những nội dung liên quan”, chúng tôi không biết là Thứ trưởng nhận định, đánh giá và góp ý hay là đưa ra ý kiến của mình để điều hành ngành mía đường với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công thương.

Chúng tôi nghĩ, có lẽ do thiếu thông tin hay chỉ nghe thông tin một chiều chưa được kiểm chứng tính chính xác, từ đó Thứ trưởng dẫn chứng và đưa ra lý luận, ngoài một số điểm chúng tôi đồng tình thì có nhiều điểm chúng tôi xin có ý kiến để làm rõ tính chính xác của lý luận bổ sung thêm cho rõ, nhằm có giải pháp để “khẩn trương đổi mới ngành đường Việt Nam” mà chúng ta đang mong mỏi...", Hiêp hội Mía Đường Việt Nam bày tỏ.

Theo đó, Hiệp hội Mía Đường cho rằng, việc Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú coi đường của HAGL sản xuất tại Lào cũng giống như đường sản xuất của Việt Nam là không hợp lý. Hiệp hội này đặt giả thiết ngược lại: Việt Nam có hơn 4 triệu Việt kiều trên khắp thế giới, họ cũng mở sản xuất, công nhân cũng là Việt kiều thì vậy có xem đó là sản xuất như trong nước không?

"Tổ chức thương mại thế giới WTO và các Hiệp định đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia ký kết có quy định như quan điểm của Thứ trưởng nêu không?

 - Ảnh 1

. (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, theo Quyết định 26/2007/QĐ-TTg ngày 15.02.2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Quyết định 124/QĐ-TTg ngày 02.2.2012 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đều không cho phép xây dựng thêm nhà máy đường mới. Nếu coi nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai mới xây dựng ở Lào như là nhà máy đường Việt Nam thì có đúng với 2 Quyết định này không?", Hiệp hội Mía Đường Việt Nam nêu quan điểm.

Cùng với đó, Hiệp hội này cũng cho rằng, nếu giá đường của HAGL tại Lào thấp như HAGL công bố thì tiêu thụ ở đâu cũng dễ dàng, chứ không cần đưa về tiêu thụ tại Việt Nam. Tại sao HAGL không xuất khẩu trực tiếp vào các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia nhập khẩu đường hàng năm với số lượng gấp hàng trăm lần sản lượng của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất?

"Phải chăng bên sau tiềm lực mạnh mẽ của sản phẩm đường của HAGL còn có điều gì chưa ổn? Nếu đường của HAGL với giá thành thấp như thế, có một số ý kiến cho rằng nhập đường này về để dân Việt Nam được ăn đường giá rẻ, liệu HAGL có bán đường giá rẻ như ý kiến mong đợi đó cho dân Việt Nam không? Hay là bán theo giá của thị trường Việt Nam?", Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết.

Từ đó, Hiệp hội này cho rằng, đối với đường của bầu Đức tại Lào nếu cho nhập về Việt Nam thì phải áp dụng như đường các nước trong khối ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam trong lượng hạn ngạch thuế quan hằng năm và áp dụng thuế nhập khẩu theo ATIGA và hiệp định song phương giữa Việt Nam và Lào là đã được ưu đãi nhiều so với xuất xứ các nước khác trong khối ASEAN, chứ không thể xem đó là đường sản xuất trong nước.

Bầu Đức kiểm trăm tỷ từ mía đường

Dường như bầu Đức đầu tư vào ngành nào là ngành đó xôn xao. Từ bất động sản, cao su tới mía đường và gần đây nhất là “chăn bò”, bầu Đức đều nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận vì độ “chịu chơi”. Ở bất cứ ngành nào đã đầu tư, bầu Đức cũng mạnh tay rót cả trăm, ngàn tỷ đồng vào.

Trong khi bất động sản mới đang hứa hẹn bội thu, cao su rục rịch cho trái ngọt thì mía đường đã mang về hàng ngàn tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai (HAG).

 - Ảnh 2

Dường như bầu Đức đầu tư vào ngành nào là ngành đó xôn xao.

Từ năm 2013, mía đường đã trở thành “cứu cánh” cho HAG. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2013 của HAG đạt 950 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2012. Trong năm 2013, doanh thu ngành bất động sản chỉ ở mức khiêm tốn 247 tỷ đồng. Trong khi đó, ngành mía đường đóng vai trò cứu cánh khi mang về doanh thu 838 tỷ đồng và khoản lãi gộp 552 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng.

Tới quý 1/2014, mía đường tiếp tục hái trái ngọt cho HAG. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tại HAG đạt 924,84 tỷ đồng, tăng 202,54 tỷ đồng, tương ứng 28,04% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng lưu ý, doanh thu từ mía đường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của HAG. 3 tháng đầu năm, doanh thu từ mía đường đạt 492,29 tỷ đồng, tăng 161,57 tỷ đồng, tương ứng 48,85% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 50,06% tổng doanh thu của HAG

Điều đó cho thấy mía đường đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu và lợi nhuận của HAG. Trong năm 2014, mía đường còn hứa hẹn giúp HAG có nhiều bứt phá mạnh mẽ khi Tập đoàn này đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2013.

Dù chỉ là “lính mới” nhưng HAG vẫn hứa hẹn trở thành thế lực lớn trong ngành mía đường.
Ngay từ quý 1, HAG không hề thua kém so với “ma cũ”. Doanh thu từ quý 1/2014 của HAG là 492,29 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngoài Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà (BHS) có doanh thu vượt trội đạt 628,309, đa số các “ông lớn” còn lại đều kiếm được số tiền tương đương HAG.

Cụ thể, doanh thu của Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) là 485,53 tỷ đồng, của công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) là 429,184 tỷ đồng, của công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa (NHS) là 400,5 tỷ đồng.

Trước đó, như báo Giáo dục VN đưa tin, Thông tin Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất 0% liên tục nhận nhiều ý kiến trái chiều. Trả lời trên VTV ông Đỗ Thành Liêm - Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng ngành đường Việt Nam đang tồn kho cung đang vượt cầu.

Cụ thể theo VSSA vụ mía đường 2014-2015 dự báo tổng nguồn cung là 2 triệu tấn chưa kể đường nhập khẩu không chính thức, đường nhập lậu trong khi mức tiêu thụ năm 2015 khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Như vậy lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên 600.000 tấn.

“Nếu 50 nghìn tấn đường này về trong thời vụ đang sản xuất của mía đường hiện nay là vụ mía năm 2015 đang là vụ mùa sản xuất chính, nếu về với thuế suất bằng 0 thì nó tăng thêm nguồn cung nên sức ép rất lớn đến việc giảm giá bán đường trong nước”, ông Liêm nói.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Công thương đề xuất cho doanh nghiệp được nhập khẩu đường từ Lào. Ở niên vụ trước, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có đề xuất chính phủ xin nhập 30.000 tấn đường về Việt Nam để tái xuất. Thời điểm đó VSSA cũng có nhiều ý kiến phản đối cho rằng cho nhập đường từ Lào sẽ gây khó cho doanh nghiệp đường trong nước.

Tuy nhiên cách làm của Hoàng Anh Gia Lai chỉ là nhập đường để tinh luyện xuất sang Trung Quốc. Sở dĩ Bầu Đức đưa đường từ Lào về Việt Nam tinh luyện thứ nhất tạo thêm việc làm cho nhân công, người lao động thứ hai đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam.

Thực tế giá thành 1 tấn mía đường của Hoàng Anh Gia Lai nhập từ Lào chỉ là là 240.000 đồng, trong khi Việt Nam sản xuất là 800.000 đồng. Giá đường của Hoàng Anh Gia Lai chỉ ở mức 4.000 đồng/kg, trong khi các nhà máy của Việt Nam bán là 16.000 đồng và đến tay người tiêu dùng là 23.000 - 25.000 đồng.

Từ lý giải của VSSA về việc mía đường trong nước đang cung vượt cầu theo lý đó giá mía đường trong nước phải rẻ hơn tuy nhiên thực tế lại khác. Lo ngại việc không cho nhập khẩu đường giá thấp từ Lào có thể người tiêu dùng Việt Nam phải mua đường giá cao như hiện nay.

Vấn đề đặt ra tại sao giá mía đường trong nước lại cao gấp 4 lần giá mía đường được Hoàng Anh Gia Lai nhập về? Và việc mía đường Hoàng Anh Gia Lai nhập về có ảnh hưởng tiêu cực như lo ngại của VSSA?

Thực tế câu chuyện Hoàng Anh Gia Lai xin nhập đường từ Lao về Việt Nam để tinh luyện xuất khẩu sang Trung Quốc không ảnh hưởng thị trường mía đường trong nước. Bởi dù giá thành rẻ hơn rất nhiều so với giá mía đường trong nước nhưng Hoàng Anh Gia Lai không bán đường ở thị trường trong nước.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý