Bệnh đau dây thần kinh số 5

babyface1 babyface1 @babyface1

Bệnh đau dây thần kinh số 5

Dây thần kinh số năm (V) hay còn gọi là dây thần kinh sinh ba (gồm 3 nhánh: V1, V2, V3) chi phối cảm giác ở mặt. Nhánh V1(còn gọi là nhánh mắt) chi phối cảm giác vùng da đầu phía trước, vùng trán và mắt; Nhánh V2 (nhánh hàm trên) chi phối cảm giác vùng mi dưới, má, môi và hàm trên (xem hình bên); Nhánh V3 (nhánh hàm dưới) chi phối cảm giác vùng môi và hàm dưới. Dây V bên phải chi phối cảm giác nửa mặt phải và ngược lại, đồng thời nó chi phối vận động cho cơ thái dương hàm, cơ châm bướm trong và cơ nhai.

07/04/2012 10:23 PM
8,912

Dây thần kinh số năm (V) hay còn gọi là dây thần kinh sinh ba (gồm 3 nhánh: V1, V2, V3) chi phối cảm giác ở mặt. Nhánh V1(còn gọi là nhánh mắt) chi phối cảm giác vùng da đầu phía trước, vùng trán và mắt; Nhánh V2 (nhánh hàm trên) chi phối cảm giác vùng mi dưới, má, môi và hàm trên (xem hình bên); Nhánh V3 (nhánh hàm dưới) chi phối cảm giác vùng môi và hàm dưới. Dây V bên phải chi phối cảm giác nửa mặt phải và ngược lại, đồng thời nó chi phối vận động cho cơ thái dương hàm, cơ châm bướm trong và cơ nhai.

Đau dây thần kinh số năm(dây V), còn gọi là đau dây tam thoa, là chứng đau ở vùng da mặt, đặc trưng bởi các cơn đau ngắn, cảm giác đau dữ dội như điện giật hay dao đâm, đau chói. Đau ở một bên mặt và chỉ một phần của da mặt, ví dụ chỉ ở một bên gò má hay một bên cằm, hay thái dương và trán, không lan sang phía bên kia. Các cơn đau xuất hiện tự phát, hay do kích thích như khi sờ nhẹ vào một điểm nào đó trên da mặt hay cằm, khi nhai hoặc gặp gió lạnh... Có khi đau tới mức gần như không thể chịu đựng được. Có khi do sợ đau, bệnh nhân không dám ăn, do khi nhai sợ bị kích động gây cơn đau, do vậy bệnh nhân bị gầy sút đi. Cũng có khi có dạng đau không điển hình: đau ê ẩm nặng nề, thỉnh thoảng lại có cơn đau chói.

Đau dây V vô căn là một bệnh lý hay gặp, chủ yếu ở nữ trên 50 tuổi, tăng dần theo tuổi. Tỷ lệ mắc mới khoảng 20 ca/100.000 dân/năm.

I. TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH ĐAU DÂY THẦN KINH V:

Bệnh biểu hiện bằng những cơn đau kiểu rát bỏng hoặc như có luồng điện ở mặt xen kẽ những thời điểm không đau. Một ngày có thể có nhiều cơn, mỗi cơn kéo dài vài giây đến vài phút, trong cơn bệnh nhân rất đau, thậm trí phải ngừng tất cả mọi công việc. Càng ngày cơn đau càng mau hơn và tăng về cường độ. Cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên hoặc khi nói, nhai, hoặc khi kích thích vào một điểm (da, niêm mạc miệng). Ngoài cơn đau bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không có cảm giác tê bì hay kiến bò vùng đau, không có các tổn thương khác kèm theo.

Giai đoạn đầu thường xuất hiện đau ở một bên, hay gặp đau nhánh V2 hoặc V3, đôi khi cả hai nhánh. Ít khi đau cả ba nhánh cùng một lúc. Tổn thương nhánh V1 đơn thuần hiếm gặp.

Giai đoạn sau có thể đau lan đến vùng chi phối thuộc nhánh khác của dây V cùng bên. Hiếm khi gặp đau dây V cả hai bên.

Đau dây V vô căn cần chẩn đoán phân biệt với đau dây V triệu chứng (do các nguyên nhân như: u góc cầu tiểu não; Zona; sơ cứng rải rác; tiểu đường…) và có thể được chẩn đoán nhầm với đau đầu Migraine; viêm xoang; tăng nhãn áp; đau răng; viêm động mạch thái dương nông.

II. NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU DÂY THẦN KINH V:

Một số các nhà nghiên cứu cho rằng do sang chấn mãn tính dây V đoạn bắt đầu đi ra khỏi sọ cho đến nơi tận hết ở phần mềm làm mất đi lớp vỏ bảo vệ và dẫn truyền myelin (demyelination). Sang chấn có thể là do tai nạn hay phẫu thuật không khéo làm tổn hại dây thần kinh. Ngoài ra, còn có thể do các bệnh hệ thống như Lupus ban đỏ, xơ hóa hệ thống…

Bệnh virus, ví dụ Varicella zoster virus (bệnh zona) gây cơn đau liên tục sau khi nốt ban đỏ đã lành, khi có kích thích chạm vào thì đau tăng lên. Đau sẽ giảm dần và hết khi hết triệu chứng của zona.

Loại bệnh nhiễm trùng có thể gây hội chứng đau dây V là giang mai.

Bệnh đái tháo đường làm tổn thương các mao động mạch nuôi dưỡng dây V, làm rối loạn dẫn truyền và chết tế bào.

Một số nhà bệnh học thì cho rằng có sự thay đổi hóa sinh ở ngay trong dây thần kinh. Có thể có một mạch máu bất thường, khối u đè lên dây thần kinh.

Lo lắng hồi hộp quá mức trên một người có tổn thương thần kinh có thể là nguyên nhân.

III. ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐAU DÂY THẦN KINH V:

Điều trị nội khoa:

Carbamazepine (tegretol): Là thuốc hiệu quả tốt trong đa số các trường hợp. Thuốc ở dạng viên nén 200mg, uống với liều tăng dần đến liều hiệu quả (không quá 1.400mg/ngày), duy trì ở liều đó trong vài tháng rồi giảm dần và ngừng thuốc nếu không có cơn tái phát.

Tác dụng không mong muốn: Chóng mặt, buồn nôn lúc bắt đầu điều trị; hội chứng tiền đình tiểu não hoặc lú lẫn do quá liều; giảm nhẹ bạch cầu trung tính; rối loạn dẫn truyền tim; nhiễm độc da, viêm gan, thiểu sản tuỷ xương.

Chống chỉ định: Bloc nhĩ - thất (nhịp tim chậm).

Theo dõi thường xuyên công thức máu và chức năng gan (vào ngày thứ 7, ngày thứ 15, ngày thứ 30 và sau đó 1 tháng một lần). Ngừng thuốc ngay lập tức trong trường hợp mụn nước ngoài da, viêm gan hoặc những biểu hiện về máu nặng.

Trong trường hợp điều trị carbamazepine không hiệu quả, ta có thể dùng một trong các loại thuốc sau:

- Phenytoine (dihydan): viên nén 100mg. Liều trung bình: 300 - 400mg/ngày với liều tăng dần, uống 1 lần trong ngày. Tác dụng không mong muốn: buồn ngủ; hội chứng tiền đình tiểu não do quá liều (đi loạng choạng, chóng mặt); ngộ độc da, viêm gan do đó cần theo dõi thường xuyên chức năng gan và cần ngừng thuốc ngay lập tức trong trường hợp xuất hiện mụn mủ ngoài da hoặc viêm gan.

- Clonazepam (rivotril): Viên nén 2mg, liều tăng dần từ 1- 4mg/ngày. Tác dụng không mong muốn: ngủ gà, giảm trí nhớ (người già). Chống chỉ định trong trường hợp mẫn cảm với thuốc.

- Gabapentin (neurontin): Viên nén 300mg, liều từ 900 - 2.000mg/ngày. Tác dụng không mong muốn: ngủ gà, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi loạng choạng, run. Chống chỉ định trong trường hợp có thai hoặc cho con bú, dị ứng với thành phần của thuốc.

- Amitriptyline: Viên nén 25mg, liều từ 25 – 75mg/ngày chia 2 lần. Lúc đầu dùng liều thấp sau tăng dần.

Tác dụng phụ: hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, lú lẫn, khô miệng, run, táo bón, bí đái, tăng cân. Chống chỉ định: glocom góc đóng, u tuyến tiền liệt, loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, động kinh, không dùng cho phụ nữ có thai.

Phối hợp carbamazepine và baclofen (lioresal).

Châm cứu đôi khi có kết quả tốt.

Điều trị thuốc giảm đau thường không mang lại hiệu quả.

Điều trị ngoại khoa: Trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại, ở một số trường hợp cần can thiệp phẫu thuật.

Có nhiều kỹ thuật được áp dụng và đặc biệt là kỹ thuật “đông nhiệt” hạch Gasser (thermocoagulation du ganglion de Gasser).

Cắt chọn lọc những sợi thần kinh sau hạch Gasser.

Phẫu thuật giải phóng nếu có dấu hiệu chèn ép dây V trên phim cộng hưởng từ sọ não và mạch máu não.   

Theo Cẩm Nang Bệnh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý