Bệnh rối loạn tiêu hóa do nhiễm nấm Candida

babyface1 babyface1 @babyface1

Bệnh rối loạn tiêu hóa do nhiễm nấm Candida

Rối loạn tiêu hóa có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm; do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Nhiễm nấm Candida là một trong các nguyên nhân đó. Trước khi dùng thuốc kháng nấm, cần xác định có phải do nhiễm Candida đường tiêu hóa hay không.

16/04/2012 10:33 PM
6,459

Rối loạn tiêu hóa có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm; do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Nhiễm nấm Candida là một trong các nguyên nhân đó. Trước khi dùng thuốc kháng nấm, cần xác định có phải do nhiễm Candida đường tiêu hóa hay không.

1. Các yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển

Có nhiều yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và gây bệnh của nấm, tuy nhiên để gây bệnh trên hệ thống tiêu hóa, thì thường có một số yếu tố thuận lợi sau:

Yếu tố sinh lý: trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ có thai...

Yếu tố bệnh lý: đái đường, suy dinh dưỡng, ung thư, bệnh máu ác tính, nhiễm HIV/AIDS, suy giảm miễn dịch...

Thuốc: dùng kháng sinh phổ rộng kéo dài diệt hết các vi khuẩn, phá vỡ thế cân bằng sinh thái tại chỗ, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Thuốc corticoid, thuốc ức chế miễn dịch làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

2. Vài nét về nấm Candida

Có nhiều loại nấm có thể gây bệnh cho người, tuy nhiên nấm gây bệnh cho các cơ quan nội tạng nói chung và gây bệnh cho hệ thống tiêu hóa nói riêng, thường gặp nhất là nấm Candida.

Nấm Candida thuộc họ Cryptococcaceae, là nấm men, hình cầu hoặc hình oval, thỉnh thoảng dạng hình ống, kích thước 3,5-6 x 6-10µm, sinh sản bằng mọc chồi. Candida có khoảng 300 loài, thường hội sinh ở một số cơ quan tiêu hóa, hô hấp và trên da, một số có thể gặp trong môi trường tự nhiên.

Khi gặp điều kiện thuận lợi thì trở thành tác nhân gây bệnh, hay gặp nhất là Candida albicans. Nấm đường tiêu hóa gặp nhiều trong những trường hợp miễn dịch của cơ thể bị suy giảm (AIDS), ở những bệnh nhân sau ghép tạng dùng các thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép, dùng corticoid kéo dài, tuổi già, đái tháo đường, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, bệnh ác tính, lạm dụng kháng sinh nhất là các kháng sinh phổ rộng, điều trị hóa chất…

Bệnh nấm ở người thường là do Candida Albicans, nhưng cũng có thể gặp Candida Tropicalis, Candida parasilosis, Candida guilliermondii, Candida glabrata, Candida krusei và một số chủng nấm khác.

3. Biểu hiện lâm sàng

Có thể gặp bệnh do nấm ở toàn bộ hệ thống tiêu hóa, ở mỗi vị trí sẽ có biểu hiện lâm sàng khác nhau:
Viêm thực quản do nấm (oesophageal candidiasis): thường gặp ở bệnh nhân AIDS, suy giảm miễn dịch nặng, điều trị bệnh ung thư, thường kèm nhiễm Candida ở miệng. Viêm thực quản có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết hay bệnh lan toả. Bệnh nhân thấy đau, cảm giác bỏng cháy sau xương ức, nuốt đau, buồn nôn và nôn, nội soi thực quản thấy niêm mạc viêm đỏ và có các mảng trắng.

Bệnh ở dạ dày - ruột (gastrointestinal candidiasis): thường xuất hiện trên bệnh nhân bạch cầu cấp hoặc bệnh máu ác tính có thể có nhiều ổ loét ở dạ dày, tá tràng, ruột, thủng ruột có thể dẫn tới viêm phúc mạc, có thể lan theo đường máu tới gan, các cơ quan khác. Sự phát triển và xâm nhập của nấm ở dạ dày hoặc niêm mạc ruột thường dẫn tới thải rất nhiều nấm ở phân, có thể phát hiện được ở phân.

Viêm đại tràng do nấm: biểu hiện lâm sàng nghèo nàn, có thể thấy mệt mỏi, đau bụng; rối loạn tiêu hóa, đi ngoài lúc lỏng lúc táo kéo dài; đầy bụng, sôi bụng; có thể có sốt.

Viêm phúc mạc (peritonitis): nấm xâm nhập theo catheter dùng trong thẩm phân phúc mạc hoặc thủng dạ dày - ruột do loét, viêm đại tràng, phẫu thuật hoặc u trong ổ bụng. Bệnh thường giới hạn ở vùng bụng trừ khi bệnh nhân có suy giảm miễn dịch nặng.

Để chẩn đoán nấm ở hệ thống tiêu hóa, người ta có thể nội soi lấy chất nhày để nuôi cấy, sinh thiết và làm xét nghiệm mô bệnh học hoặc lấy phân để soi tươi, nuôi cấy, phân lập và định danh các chủng nấm bằng các phương pháp hiện đại.

4. Cách điều trị

Để điều trị bệnh cần dùng một trong số các loại thuốc sau:

Nystatin:

Khi bệnh nhẹ, không có sự bội nhiễm nên chọn dùng nystatin. Đây là thuốc kháng nấm chiết từ môi trường nuôi cấy Streptomyces nourseri có phổ kháng nấm hẹp, chủ yếu trên nấm Candida và Crytococcus.

Nystatin liên kết với ergosterol của màng tế bào sợi nấm, làm rối loạn chuyển hóa kali của nấm rồi diệt nấm mà không gây hại cho người. Mặt khác, do nystatin không thấm qua màng ruột, chỉ có tác dụng chữa bệnh ở trong ruột mà không thấm vào để gây độc nên dùng đường ruột có tính an toàn cao.

Ketoconazol:

Khi bệnh ở mức vừa, có dấu hiệu bội nhiễm chọn dùng ketoconazol. Ketoconazol là thuốc kháng nấm phổ rộng, kháng Candida nội tạng cũng như kháng các nấm nội tạng khác như Paracoccidioses, Coccidioses, Histoplasma, Blastomyces. Ngoài ra, Ketoconazol còn kháng vi khuẩn gram dương (+).

Ketocionazol ức chế enzym alphademethylase (enzym tham gia vào tổng hợp ergosterol), ngăn cản sự tổng hợp ergosterol, làm thay đổi lipid của màng tế bào sợi nấm, ức chế chức năng, ức chế sự phát triển của nấm. Dùng liều thấp có tác dụng kìm nấm; dùng liều cao, có tác dụng diệt nấm.

Một vài lưu ý khi dùng: Không được dùng cùng lúc ketoconazol với thuốc trực tiếp trung hòa acid (nabicarbonat hay alluminium hydroxyt trong viên maalox), các thuốc ức chế bơm proton kháng tiết acid (cimetidin, omeprazol) vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Nếu cần phải dùng phối hợp thì phải dùng ketoconazol trước hoặc sau đó 2-3 giờ mới dùng các thuốc trên. Ketoconazol có thể gây ra buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa...

Fluconazol:

Khi bệnh nặng hơn, có tình trạng bội nhiễm nấm nhiều, chọn dùng kháng nấm phổ rộng mạnh Fluconazol. Fluconazol bài tiết qua thận (80%), khi chức năng thận suy giảm, phải giảm liều. Khi dùng thuốc nếu có biểu hiện tróc vảy, hoại tử nhiễm độc da cần báo cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử trí kịp thời.

Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào sự cải thiện bệnh. Cần chú ý, khi khỏi bệnh (lâm sàng) nhưng Candida ở đường ruột vẫn còn (nhưng số lượng ít hơn) chứ không phải đã sạch hẳn.

5. Cách phòng ngừa

Nấm là một bệnh lý cơ hội, thường chỉ xảy ra khi có sự suy giảm miễn dịch hoặc sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút; do đó để hạn chế bệnh lý do nấm gây ra, trước hết mỗi chúng ta cần có ý thức trong việc sử dụng thuốc, đặc biệt không được tự ý sử dụng hay lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, các loại thuốc gây suy giảm miễn dịch cho cơ thể như corticoid. Mặt khác chúng ta cần có ý thức hơn trong ăn uống, sinh hoạt và lao động để có một cơ thể khỏe mạnh, tránh mắc phải các bệnh mạn tính dễ tạo điều kiện cho bệnh nấm phát triển

Theo Bệnh học

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý