Bí ẩn vụ hài cốt Bao Công bị mất tích lần thứ hai

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Bí ẩn vụ hài cốt Bao Công bị mất tích lần thứ hai

Được phát hiện đúng vào thời điểm xã hội Trung Quốc biến động, hài cốt Bao Công chẳng những không được yên thân mà sau đó lại bị mất tích một lần nữa.

24/03/2015 07:51 PM
475

Như trong bài trước chúng tôi đã trình bày, phần mộ của Bao Công đã được tìm thấy và khẳng định ở ngoại ô thị trấn Hợp Phì tỉnh An Huy qua cuộc khai quật năm 1973. Tuy nhiên, câu chuyện đến đó vẫn chưa kết thúc. Số là sau khi tìm được và xác định bộ di cốt là của tiền nhân dòng họ mình, hậu duệ đời thứ 34 của Bao Công là Bao Tôn Nguyên đã quyết định dùng 11 bộ quan tài để mang về an táng tại quê gốc - gò Long Sơn, thôn Đại Bao, xã Văn Tập, huyện Phì Đông, tỉnh An Huy.

 - Ảnh 1

Tranh vẽ Bao Công theo tưởng tượng.

Nhưng khi về đến quê cũ thì Bao Tôn Nguyên lại nhận được thông báo rằng không cho phép mai táng Bao Công tại đây. Một cán bộ địa phương nói rằng: “Đang trong thời gian đặc biệt, cần xóa bỏ các tàn tích của phong kiến, mà Bao Chửng là phái bảo hoàng của triều Tống, đất thôn Đại Bao này không thể dùng để an táng một con người như vậy được” đồng thời yêu cầu : “ lấy về từ đâu thì mang về nơi đó, nếu không sẽ buộc phải bị tiêu hủy”.

Bao Tôn Nguyên chạy vạy khắp nơi nhưng việc an táng vẫn không được giải quyết. Sau đó Bao Tôn Nguyên đành phải thuê một vị bô lão trong làng đặt di cốt Bao Công vào một chiếc tiểu rồi lại mang về Hợp Phì, An Huy và xây dựng một ngôi nhà nhỏ ở nơi đây để làm nơi an nghỉ cho tiền nhân.

Hai năm trôi qua nhưng Bao Tôn Nguyên vẫn luôn mong muốn có thể đưa tiền nhân về quê cũ an giấc ngàn thu.

Ở thôn Đại Bao quê cũ, một hậu bối khác dòng họ Bao là Bao Tiên Chính cũng luôn đau đáu một nguyện vọng như Bao Tôn Nguyên. Ngày 23/12/1975, Bao Tiên Chính và con rể đã nhờ một chiếc xe lừa tới Hợp Phì chở thức ăn gia súc. Ở đây, ông đã bàn bạc với Bao Tôn Nguyên về chuyện bí mật di dời di cốt Bao Công về quê nhà. Bao Tiên Chính nói rằng : “ Nhân lúc gió đã giảm bớt, đây là một cơ hội tốt, hay là mình lén đưa di cốt về an táng. Nhưng nếu muốn đưa cả 11 quan tài trở về thì hơi lộ liễu quá, phải tìm một cách hợp lí hơn.”

Cuối cùng, họ quyết định ngoại trừ cái tiểu đựng di cốt của Bao Công là không động đến, những chiếc còn lại sẽ được đưa vào hai cái quan tài khác rồi bí mật đưa về quê cũ.

Nửa đêm gió tuyết nổi lên nhưng không ngăn cản được đoàn người bí mật đưa di cốt Bao Công trở về Long Sơn mai táng. Để không bị người khác phát hiện, mộ của Bao Công chỉ nhô lên chưa đầy 2 thước so với mặt đất. Và sau khi đoàn người bí mật an táng di cốt của Bao Công rời đi tuyết đã dần phủ trắng toàn bộ ngôi mộ.

 - Ảnh 2

Tranh vẽ Bao Công.

Sau khi cuộc Cách mạng văn hóa kết thúc, lãnh đạo địa phương đề nghị được trùng tu nâng cấp mộ của Bao Công và đã nhận được sự ủng hộ của Chính Phủ Trung Quốc.

Quần thể mộ phần Bao Công và từ đường Bao Công được xây dựng lại hoành tráng tại bán đảo Bao Hà với tiêu chí phải phục chế như nó vốn có. Như vậy có thể giúp nhiều người được tưởng nhớ và thắp nén hương cho vị quan liêm chính trong sạch, cả đời vì nước vì dân.

Năm 1982, thành viên của Bảo tàng lịch sử thành phố Hợp Phì đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về con người và cuộc đời Bao Công, Trình Như Phong đã tìm tới gia đình Bao Tiên Chính và nhờ tới sự giúp đỡ của ông. Dưới sự hướng dẫn của Bao Tiên Chính, đoàn phụ trách đã tìm được mộ của Bao Công ở Long Sơn.

Ngày 4/4/1986, khi khai quật ngôi mộ được cho là ngôi mộ thực của Bao công thì một chuyện bất ngờ đã xảy ra: Hai chiếc quan tài thì không thấy đâu nhưng lại phát hiện ra tổng cộng 11 chiếc vò gốm. Những chiếc vò gốm này được bố trí theo bố cục từ trên xuống dưới: trên cùng là 1 cái, dưới là 2 cái, dưới tiếp nữa có 4 cái được bày thành 2 hàng nhưng khi mở những chiếc vò này ra thì bên trong hoàn toàn trống rỗng.

Vậy rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra? Khi tìm lại hỏi Bao Tiên Chính thì ông đã qua đời hai năm trước đó. Trình Như Phong vội vã tìm vợ và con của Bao Tiên Chính để hỏi chuyện nhưng ai nấy đều bảo không biết. Năm đó, đại sự của gia tộc họ Bao này được giao cả cho Bao Tiên Chính thực hiện, ông một mực giữ bí mật mọi thứ liên quan, sống không nói cho ai, chết mang theo bên mình.

Lúc này, Trình Như Phong nhớ đến 35 mảnh xương của Bao Công được gửi đi giám định tại Khoa Nghiên cứu Cổ nhân loại học và động vật có xương sống của Học viện Khoa học trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh vào năm 1973.

Thật may mắn, những mẫu xương này vẫn còn được lưu giữ ở nơi đây. Sau khi nhận lại được toàn bộ những người có trách nhiệm đã quyết định để 20 trong số 35 mảnh xương đưa vào quan tài bằng gỗ nam mộc đặt trong mộ huyệt của Bao Công, 15 mảnh xương còn lại được trưng bày trong Nhà Bảo tàng tỉnh An Huy. Hiện nay mọi người đều biết đó là tất cả những gì còn sót lại của di thể Bao Thanh Thiên. Đây thực sự là điều đáng tiếc nhưng nó không làm giảm đi lòng kính trọng và sự tưởng nhớ của người dân Trung Quốc với vị quan thanh liêm, cương trực này.

Phạm Xuân Lộc (Theo Tân Hoa Xã)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý