Bị bắt quả tang đi chơi với em dâu, chồng chém vợ bại liệt 2 chân

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Bị bắt quả tang đi chơi với em dâu, chồng chém vợ bại liệt 2 chân

Khi phát hiện thấy chồng đưa em dâu đi chơi mãi đến khuya cũng không về nhà, người vợ đi tìm và bắt gặp quả tang hai người đang ngồi trên cầu. Sau vài câu chửi mắng, người vợ bị chồng dùng dao chém.

06/07/2015 08:11 PM
380

Câu chuyện về Phạm Văn Thông (SN 1972), trú tại bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), vì dan díu với em dâu mà đánh đập, chém vợ rồi vứt xuống suối sâu hòng che giấu tội lỗi, sau một thời gian lắng xuống đã lại rộ lên suốt mấy ngày nay, khi TAND tỉnh Quảng Bình đưa vụ án ra xét xử vào ngày 25/6 vừa qua.

Điều đáng nói, không chỉ mình Thông mà cả “đồng phạm”, cũng là nhân vật chính gây ra bất hòa sâu sắc giữa hai vợ chồng, thị chính là Hồ Thị Cúc (SN 1986) cũng bị điều ra trước vành móng ngựa với tội danh không tố giác tội phạm.

   - Ảnh 1

Phạm Văn Thông và Hồ Thị Cúc tại phiên tòa xét xử.

Sát hại vợ bất thành vì quan hệ với em dâu

Chuyện xảy ra vào đêm ngày 16/9/2014. Tối cùng ngày, Phạm Văn Thông ngồi nhậu với đám bạn cùng làng ở ngay tại nhà riêng của mình ở bản Cáo, đến khoảng 19 giờ cùng ngày thì men rượu đã mềm môi, chẳng biết tình cờ hay có ý từ trước mà em dâu của Thông là Hồ Thị Cúc đi ngang qua.

Thấy vậy, đám bạn nhậu ngoắc Cúc vào làm vài xị, nguyên do là từ trước đến nay, làng trên xóm dưới vốn đã xì xầm nhỏ to chuyện về mối quan hệ thân thiết trên mức bình thường của anh Thông và chị Cúc. Nay thấy chị này xuất hiện thì gọi vào, mục đích là để trêu đùa, gán ghép cho cuộc nhậu thêm tưng bừng.

Ngồi với nhau được một lúc, lấy cớ phải đưa em dâu về nhà, Phạm Văn Thông đã rời bàn nhậu rồi đi cùng Cúc. Hai người đi đâu, làm gì sau đó chẳng ai biết được, nhưng mãi đến nửa đêm vẫn chưa thấy chồng về nhà.

Lúc này, vợ của Thông là chị Hồ Thị Tây mới sinh nghi nên trở dậy đi loanh quanh khắp bản để tìm chồng. Khi đi đến khe Cạn, chị Tây phát hiện chồng và em dâu đang ngồi tình tứ trên cầu, thấy chị Tây, cả hai vội xuống đường và đi theo chiều ngược lại với chị Tây để về nhà.

Vừa bực tức, máu ghen tuông lại nổi lên nên, chị Tây không kìm chế được, đã buông lời chửi mắng cả hai người vì cho rằng Cúc và chồng mình đã dan díu với nhau. Bị vợ xúc phạm, Thông đã xông đến kẹp cổ vợ, sau đó dùng tay đánh vào vùng đầu, gáy và dùng chân đá, đạp vào bụng liên tục khiến chị Tây ngã khụy xuống đường.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi thấy vợ ngã xuống và liên tục kêu la, khóc thét cứu mạng, Phạm Văn Thông đã dùng dao chém một nhát vào đầu làm chị này bất tỉnh nhân sự.

Nghĩ vợ đã chết, Thông bế vợ lên cầu rồi thản nhiên vứt xuống suối từ độ cao khoảng 3,3m. Gây án xong, cả hai thản nhiên đi về nhà nằm ngủ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hồ Thị Cúc là người đã chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra, nhưng khi nghe Thông dặn không được nói cho bất kỳ ai biết nên đã im lặng.

Về phần chị Tây, sau đó may mắn được người dân phát hiện, tri hô và đưa đi cấp cứu nên đã giữ lại được tính mạng.

Tuy nhiên, theo giám định pháp y thì chị Tây bị chấn thương đốt sống cổ, gãy móng gai, vỡ thân đốt sống. sau thời gian tích cực điều trị, chị Tây đã được về nhà nhưng hoàn toàn không đi lại được, liệt hai chân với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 87%.

Ngay sau đó, Phạm Văn Thông đã bị bắt giữ, Hồ Thị Cúc cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên đới nhưng cho phép tại ngoại. Sự việc xảy ra đã khiến cho người dân xã Lâm Hóa xôn xao, bởi đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra lần đầu tiên trên địa bàn.

Nỗi đau dai dẳng

Bà Cao Thị Lâm, Trưởng bản Cáo, xã Lâm Hóa, cho biết tin tức: Sự việc xảy ra khiến mọi người hết sức bàng hoàng, bởi từ trước đến nay gia đình Phạm Văn Thông và chị Hồ Thị Tây được biết đến là một mái ấm tương đối hạnh phúc. Hai vợ chồng có 5 người con đều đã khôn lớn và đỡ đần được công việc trong gia đình.

Trong khi đó, chị Hồ Thị Cúc hoàn cảnh khá éo le, chồng mất, để lại 4 đứa con thơ cho chị này nuôi dưỡng.

“Trong một thời gian cũng có nghe bà con xì xầm chuyện anh Thông quan hệ không lành mạnh với chị Cúc, nhưng mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở tin đồn chứ không thấy phía chị Tây hay bên công an viên của bản báo cáo lại. Về phía chính quyền, cũng nghĩ đơn giản chuyện em trai mất đi, anh chồng đỡ đần em dâu trong công việc gia đình, âu cũng là lẽ thường tình, không ngờ sự việc lại đi quá xa như vậy”.

Ông Trương Quang Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa, cho biết thêm, người dân Lâm Hóa phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (người Mã Liềng) nên dân trí thấp, nhận thức cũng có nhiều hạn chế nên dẫn đến những hệ lụy buồn. Chuyện anh Thông với chị Cúc có quan hệ như thế nào cũng chẳng ai nắm được chính xác, song sự việc xảy ra đã làm cho gia đình tan nát.

Chị Tây vừa mất một khoản tiền khổng lồ để chạy chữa tại bệnh viện, giờ chồng lại vướng vòng lao lý, nỗi đau chồng chất nỗi đau. Từ một người đàn bà mạnh khỏe, giờ chị phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có sự trợ giúp từ con cái.

Trở lại với phiên tòa xét xử Phạm Văn Thông và Hồ Thị Cúc về hai tội danh giết người và không tố giác tội phạm diễn ra vào sáng ngày 25/6 vừa qua, tại chốn công đường chỉ lèo tèo vài người dự khán, mọi người chú ý nhiều hơn đến hai đứa trẻ, là hai con gái của bị cáo Phạm Văn Thông. Vì mẹ nằm liệt giường không đến dự được nên phải ủy quyền cho hai đứa. Để có mặt, chúng phải đi xe đò, xe ôm hơn 150 cây số và quà cho bố là một thùng mì tôm, số tiền duy nhất còn lại sau chặng hành trình vất vả lần đầu tiên xuống núi.

Với giọng tiếng Việt bập bẹ, một trong hai đứa con của bị cáo là em Phạm Thị Khánh (19 tuổi) kể tại phiên tòa rằng, mẹ vẫn còn giận bố, nhưng đã tha thứ mọi lỗi lầm, chỉ mong bố sớm cải tạo tốt để về với các con. Chính mẹ đã dặn dò hai đứa mua quà tặng để động viên bố trong những ngày cải tạo tại trại giam. Em Khánh cũng cho biết, mấy đứa cũng không còn giận bố nữa.

“Mẹ bảo với tư cách là đại diện cho bị hại trong vụ án, xin tòa giảm nhẹ hình phạt để bố có cơ hội sớm trở về đoàn tụ với gia đình”, giọng bé Khánh hồn nhiên khiến cả phiên tòa lặng đi vì xúc động.

Bị cáo Phạm Văn Thông, dường như cũng đã nhận ra sai lầm của mình, suốt phiên xét xử cúi gầm mặt, chẳng dám nhìn các con, dù chỉ một lần.

Tại phiên tòa, cả hai đối tượng nói trên đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hội đồng xét xử cũng khẳng định cả hai bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, hạn chế hiểu biết về pháp luật, mù chữ, sau khi phạm tội đã ăn năn hối cải thành khẩn khai báo. Phạm Văn Thông bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 8 năm tù giam.

Hành vi của Hồ Thị Cúc bị xét xử về tội “Không tố giác tội phạm” và bị tuyên phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Về trách nhiệm dân sự, do phía bị hại không yêu cầu nên, Tòa không xem xét.

Phiên tòa khép lại, kẻ thủ ác cũng đã phải đền tội, song nỗi đau để lại cho đời thì còn đeo đẳng mãi. Phạm Văn Thông phải đánh đổi bằng 8 năm mất tự do, nhưng bản án nghiêm khắc hơn có lẽ là bản án lương tâm, chỉ vì nhận thức hạn chế, suy nghĩ nông nổi mà gã đã gây ra tai họa khủng khiếp còn hơn cả cái chết cho chính người vợ bao năm đầu ắp, tay gối của mình.

Chị Hồ Thị Tây là người phụ nữ vị tha, nhưng hậu quả mà chị gánh chịu là phải nằm một chỗ đến hết đời. Nỗi đau ấy, chị đã và đang phải từng ngày gánh chịu.

Hồng Hà

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý