Bĩ cực, mẹ dứt ruột mong gửi con vào trung tâm bảo trợ

mesu mesu @mesu

Bĩ cực, mẹ dứt ruột mong gửi con vào trung tâm bảo trợ

(Xã hội) “Chỉ thương con kém may mắn, số phận hẩm hiu. Cứ nghĩ đến việc phải đem gửi con cho người khác, lòng mình lại không đành…” chị Đào nghẹn lời.

28/08/2014 01:12 PM
806

Căn nhà mới thuê chật hẹp, ẩm thấp, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 10 m2 nằm sâu trong khu nhà trọ dành cho người nghèo ở Văn Điển (Hoàng Mai, Hà Nội) của chị Lê Thị Đào, 33 tuổi (Chân Lý, Lý Nhân, Hà Nam) khiến bất kỳ ai thoạt nhìn cũng cảm thấy ái ngại. Tài sản đáng giá nhất có lẽ là mớ áo xống cũ đã 2 năm nay không dám mua thêm.

Nhiều người khi bước vào trong ngôi nhà nhỏ ấy cũng không thể tránh khỏi sự ái ngại, rộn lên xúc cảm ngậm ngùi khi tận mắt chứng kiến một đứa trẻ đang nằm co quắp trên giường, miệng ú ớ chảy đầy nước miếng, không sao thốt lên lời.

Thấy có khách lạ đến nhà, cháu Hoa ráo mắt ngơ ngác nhìn quanh rồi cười phá lên khiến ai nấy đều phải giật mình. Tâm sự về bệnh tình của con mình, thi thoảng câu chuyện bị ngắt quãng, trầm ngâm khi chị hướng ánh mắt về phía con tội nghiệp của mình.

Thoáng đôi mắt đỏ hoe chị Đào ngậm ngùi kể lại: "Lúc hai vợ chồng mình đi siêu âm thì thai nhi vẫn phát triển bình thường. Ai ngờ đâu đến ngày trở dạ phải sinh non tại bệnh viện, hai vợ chồng mình như sững người, chết lặng khi nghe bác sĩ bảo cháu Hoa bị bại não thể liệt cứng".

"Lúc ấy cả thế giới như sụp đổ trước mắt mình. Con cái là của để dành của cha mẹ, là tất cả tương lai, hi vọng của mình. Con bị như thế, thì tương lai phía trước mình có còn gì đâu?" - chị Đào tâm sự.

Do sinh non nên Hoa phải nằm gần 1 tháng trong lồng kính bệnh viện nhi. “Nhiều lúc, nhìn con mình nằm thở thoi thóp trong lồng kính, đang phải gồng mình lên chống chọi với bệnh tật để duy trì sự sống khiến cổ họng mình như nghẹn ứ, thương con vô ngần… ” chị Đào nói.

Biết con mình có bệnh, hễ cứ nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi là hai vợ chồng lại tất tả lo tiền nong đưa cháu đi thăm khám với hy vọng chữa khỏi bệnh. 12 năm cũng là từng ấy thời gian chưa khi nào chị ngừng hy vọng để chữa khỏi bệnh cho đứa con thơ bệnh tật của mình.

Thế nhưng dường như số phận nghiệt ngã trêu đùa hồng nhan, chị càng hi vọng bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu khi tiền bạc cứ đội nón ra đi sau mỗi lần chạy chữa mà bệnh tình con chị cũng không khá hơn là mấy. Cháu Hoa vẫn mãi ngô nghê như đứa trẻ lên 3, ê a không biết gì.

Mô tả ảnh.

Đã 12 tuổi nhưng cháu Hoa vẫn như đứa trẻ lên 3.

Bản thân cháu Hoa không thể tự vận động được toàn thân nên mọi sinh hoạt ăn uống hàng ngày đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của mẹ. Mỗi bữa cháu chỉ ăn được lưng bát cơm, nước uống phải tự tay mẹ rót, bón từng thìa vào miệng. Nhiều đêm cả nhà đang ngủ bỗng giật mình vì tiếng la hét liên tục do hệ thần kinh yếu. Nhìn con như vậy, người mẹ chỉ biết ôm con vào lòng rưng rức khóc, rồi dỗ dành như đứa trẻ lên ba.

Do bị cứng lưỡi nên việc ăn uống của Hoa cũng trở nên khó khăn hơn như bao đứa trẻ bình thường khác, miệng lúc nào cũng trào ra nước miếng khiến nhiều lần đang ăn cơm bị sặc sụa, khóc nấc lên từng hồi.

Nhìn khuôn mặt ngây ngô, hốc hác của cháu Hoa khiến nhiều người chua xót, không cầm được lòng khi tiếp xúc. Hiện cháu chỉ nặng  13 cân, tay chân gầy guộc xanh xao mỗi ngày.

Cũng vì chuyện con cái bị bệnh tật mà nhiều năm nay, chồng chị thêm chán nản chuyện gia đình. Mâu thuẫn, xích mích thường xuyên xảy ra trong tổ ấm vốn chật chội, bé nhỏ. Cộng thêm chi phí điều trị cho con ngày một lớn nên đã bao năm qua, vợ chồng không những không để ra được đồng nào mà còn mắc thêm nợ nần.

Từ ngày ly hôn mỗi người một nơi, chị Đào một nách hai con, tảo tần sớm hôm kiếm sống. Chị cho hay, trước kia cũng có một người bà con hàng xóm hảo tâm, nhận trông các cháu tàn tật trong xóm không lấy chút tiền nào. Cứ sáng đi làm chị lại đem con sang gửi, tối lại đón về. "Nhưng từ khi bà ấy bị gãy tay nên không còn nhận chăm sóc giúp nữa, nên thành ra 3 mẹ con cứ trông nhau thôi" - chị Đào nói.

Không thể nhờ cậy họ hàng, chị liều mình đưa hai con lên Hà Nội thuê trọ với vài đồng bạc lẻ “giắt lưng” ở một nơi xa lạ, phồn hoa. Chị vốn không nghề nghiệp ổn định nên nguồn thu nhập để lo cho cuộc sống ba mẹ con cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. May thay, qua sự chỉ bảo của bạn bè chị cũng kiếm được chút ít tiền trước mắt cho bữa cơm hàng ngày từ việc bán bánh mỳ cạnh nhà.

Hơn một tháng nay, một mình chăm lo cuộc sống của hai con với hàng bánh mỳ nhỏ lẻ bán ngoài đầu ngõ. Không có ai chăm sóc con mình nên vừa bán ngoài ngõ chốc lát, chị lại chạy về nhà ngó cháu xem thế nào. Cuộc sống của ba mẹ con hàng ngày chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi đó, bấu víu vào nhau.

Hai con còn nhỏ tuổi, đứa cả lại bị trọng bệnh như thế nên thời gian bán bánh mỳ với chị cũng trở nên khó khăn hơn những người bình thường. Dạy từ sáng sớm tinh mơ, rồi lại lật đật tranh thủ chạy ra ngoài tiệm sản xuất bánh mỳ cất hàng về bán. Căn phòng ở hiện tại, chị thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Chị Đào cho biết, số tiền kiếm được hàng ngày cũng chỉ được từ 40-60 nghìn nên việc cân bằng thu chi trong gia đình cũng “thiếu trước hụt sau”.

Mô tả ảnh.

Mọi sinh hoạt cá nhân hàng ngày của cháu Hoa đều phải có sự giúp đỡ từ mẹ.

“Tiền kiếm được cũng chẳng đủ để ổn định cuộc sống, tiền thuốc thang đều đặn hàng tháng cho bé Hoa cũng “ngốn” quá nửa. Năm nay, cháu út Huyền lại chuẩn bị đi học rồi nên cũng không biết có đủ xoay sở không nữa…” nói đoạn, ánh mắt chị bất chợt nhìn ra ngoài cửa xa xăm, vô định.

Được biết, cháu Hoa được hưởng chế độ tàn tật loại 2 với số tiền trợ cấp hơn 300 ngàn đồng/tháng. Số tiền đó cũng chẳng đủ mua đồ vệ sinh, thức ăn hàng ngày cho cháu. Con gái út của chị là cháu Huyền cũng chuẩn bị vào lớp mẫu giáo nên việc lo cho cuộc sống các con lúc này khó khăn trăm bề.

“Nhiều đêm nằm khóc vì con,  xót xa cho số phận của con mình. Những lúc nằm bên con lại nghĩ bụng, sao ông trời lại bắt tội con mình đến thế. Nhìn con ngủ chập chờn, thi thoảng giật mình lại thấy tủi phận, xót xa cho số phận con mình. Rứt ruột, mang nặng đẻ con ra mà nó lại không lớn lên như bao đứa trẻ khác…” cố kìm nén lưng chòng nước mắt, chị tâm sự.

Đã nhiều lần chị có ý định muốn gửi con đến trung tâm bảo trợ xã hội phục hồi chức năng nhưng không ai nhận vì phải có hộ khẩu ở Hà Nội nên chị lại ngậm ngùi đưa con về.

“Ai làm mẹ cũng đều thương con cả, dù đói hay khổ thì nó cũng là máu mủ ruột rà của mình. Nhưng khó khăn hiện tại, mình không đủ điều kiện để nuôi cháu được nữa nên muốn gửi con vào một trung tâm bảo trợ nào đó để có điều kiện chăm sóc cho cuộc sống của cháu được tốt hơn. Chứ ở với mình, khó khăn như thế, được hôm nay không có ngày mai thì khác nào làm khổ con?”, chị Đào rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý