Bi kịch của chữ kỳ 16: Những ngày dài bi phẫn

daikieu daikieu @daikieu

Bi kịch của chữ kỳ 16: Những ngày dài bi phẫn

(ĐSPL) Kỳ báo này, trở lại hình ảnh những ngày dài, Việt nằm trong trại tạm giam.

27/05/2016 07:49 AM
19

(ĐSPL) - Kỳ báo trước, nhà báo Việt kể lại câu chuyện đàn anh giang hồ Hậu “Aka” lần thứ hai đối mặt với con “ma nữ” trong ngôi nhà cổ và chuyện y bị “ngáo đá” đâm người thành thương. Kỳ báo này, trở lại hình ảnh những ngày dài, Việt nằm trong trại tạm giam.

Bản quyền tiểu thuyết tự truyện “Bi kịch của chữ” thuộc về tác giả Nguyễn Việt Chiến, mọi sao chép về tự truyện này (nếu có) trên các báo, các trang mạng, các báo điện tử khác… đều phải được sự đồng ý của tác giả, nếu tác giả không cho phép, đề nghị các báo không được sử dụng vì sẽ vi phạm bản quyền cuốn tiểu thuyết tự truyện này.

...Trong suốt 6 tháng nằm ở khu biệt giam, Việt hầu như không ngủ. Đầu óc cứ lan man toàn chuyện bi phẫn và mộng mị. Người cùng buồng cứ nghĩ là Việt ngủ được. “Anh đêm nào chẳng ngáy đến rung cả sàn”- cậu ta nói thế.

Bi kịch của chữ kỳ 16: Những ngày dài bi phẫn, những đêm dài mất ngủ - Ảnh 1Phóng to

Ảnh minh họa.

Thật ra, ngay từ khi nhập trại, bị nhét vào cái phòng biệt giam hôi hám, bẩn thỉu này, ngay lập tức mũi Việt bị đặc tịt lại. Không hiểu đấy có phải là phản ứng nhạy cảm của một cơ thể trong lành trước sự ô nhiễm lưu cữu của trại tù hay đấy là dấu hiệu của việc thiếu ô-xy trong phòng biệt giam. Biệt giam là cách gọi một khu giam đặc biệt, nơi tù nhân suốt ngày phải ở trong buồng kín (mỗi buồng chỉ giam một hoặc hai người) trừ những lúc bị dẫn đi hỏi cung.

Và, họ quanh năm suốt tháng không được tiếp xúc với nắng trời. Do hệ thống hô hấp có vấn đề và mũi bị đặc tịt, ban đêm Việt thường chỉ thở được một bên mũi và thở khá to, làm cho người bên cạnh cứ tưởng anh ngủ ngáy khá ngon lành. Ngày nào cũng thế, tiếng chim vào lúc rạng sáng chính là chiếc đồng hồ báo thức khua dậy cả khu biệt giam.

Các tù nhân chui ra khỏi màn, lục sục đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh. Khoảng 6h sáng, một người quản giáo giám sát hai người tù tự giác vào khu biệt giam. Một người tù đến từng phòng, thu nhặt các túi rác vứt từ bên trong ra, còn người kia gánh hai thùng nước nóng chia cho khắp lượt buồng giam. Mỗi tù nhân được chia một bát nước nóng để ăn mỳ lót dạ vào buổi sáng.

Mỳ ăn liền do gia đình gửi vào hay do tù nhân mua bằng tiền lưu ký gửi trại. Một số ít tù nhân gia đình ở xa, không được người nhà gửi đồ ăn tiếp tế và không có tiền gửi lưu ký, thường phải nhịn ăn sáng. Họ là những người tù đáng thương nhất, vì cả ngày chỉ trông chờ vào hai bữa cơm nhạt của trại.

Cơm tù theo tiêu chuẩn của trại chỉ có hai bữa trưa và tối, mỗi bữa được một tô cơm hẩm và lưng bát canh rau muống dai nhách hoặc canh bí lõng bõng, nhạt thếch. Mỗi tuần, trại cho tù nhân ăn tươi một lần vào thứ tư, mỗi người được dăm miếng thịt mỡ rang lèo nhèo hoặc một miếng cá tanh lòm toàn xương.

Việt may mắn được gia đình tiếp tế đồ ăn và gửi tiền 2 tuần một lần, nên không phải kham khổ lắm. Một tháng, trại cho mỗi tù nhân được mua đồ ăn, thức uống 3 lần tổng cộng không được quá 500.000 đồng. Việt và bạn tù cùng phòng thường gửi mua trứng và hoa quả để ăn dần trong tuần. Tuy bị giam cầm khắc nghiệt, nhưng họ sống cũng không đến nỗi nào.

Ngay trong ngày đầu tiên ở trại giam, căn bệnh trĩ đã hành hạ Việt, máu ra bê bết, máu loang đỏ bồn cầu. Thậm chí, khi bị dẫn đi hỏi cung, anh phải nhét cả một nắm giấy vệ sinh vào quần lót để thấm máu. Việt nhớ tối hôm trước, khi chia tay nhau ở cửa toà soạn, người bạn Phó Tổng biên tập báo ôm lấy Việt, nói thầm: “Anh cố gắng sau một tuần mới khai ra chuyện về vị trung tá cung cấp tin, để anh em ở ngoài còn lo một số chuyện...”.

Vị trung tá là điều tra viên của Ban chuyên án, người đã thường xuyên đến toà soạn báo cung cấp tin liên quan đến tiến trình điều tra vụ án tham nhũng cực kỳ nghiêm trọng cho các nhà báo. Trong suốt hơn một năm bị cơ quan điều tra triệu tập, xét hỏi về các nguồn tin viết báo trong vụ án này, Việt đã giấu kín sự thật về vị trung tá này.

Phần vì thương anh ta cung cấp thông tin cho phóng viên không vì vụ lợi mà chỉ xuất phát từ chỗ quen biết, quý mến nhau. Phần vì, trong số những sếp có trách nhiệm mà Việt từng tiếp xúc, khai thác thông tin để viết các bài báo về vụ án tham nhũng này thì vị trung tá chỉ là sỹ quan cấp dưới, còn lại là tướng lĩnh cấp trên.

Trước thời điểm bị bắt, Việt và toà soạn báo nơi anh làm việc đã cung cấp cho cơ quan điều tra một số băng ghi âm các cuộc trao đổi, phỏng vấn của Việt với một số sếp của cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan đến việc điều tra vụ án tham nhũng để chứng minh các nguồn tin sử dụng để viết báo.

Việt nghĩ, anh có khai ra thì họ cũng chẳng sao bởi lẽ họ làm việc và cung cấp tin cho báo chí với nhiệt tâm chống tham nhũng, mặt khác, ở cương vị của họ, cơ quan điều tra không thể làm khó dễ. Việt cũng biết, tại thời điểm ấy, nếu anh khai vị trung tá này ra thì cơ quan điều tra sẽ bắt ngay anh ta. Nhưng Việt cũng biết rằng, đến thời điểm anh bị khởi tố bị can và bắt giam, theo quy định của luật pháp Việt Nam, anh bắt buộc phải chứng minh nguồn tin đã thu thập để viết báo và phải khai ra người cung cấp nguồn tin.

Vấn đề chỉ còn là khai sớm hoặc khai muộn. Việt biết, ngay sau khi anh bị bắt, anh em trong toà soạn sẽ bí mật tiếp xúc với vị trung tá này để lo mọi chuyện. Vậy trong những ngày đầu tại trại giam, Việt sẽ không khai báo gì vội và anh đã làm đúng như thế. Sau này Việt mới biết, Phó Tổng biên tập báo của anh đã tìm cách tiếp cận với vị trung tá, vận động anh ta ra khai báo với cơ quan điều tra về việc đã cung cấp một số thông tin điều tra vụ án tham nhũng nghiêm trọng này cho Tòa soạn báo.

Trong một lần gặp gỡ, vị trung tá đã sụt sùi nói về nhà báo Việt: “Anh ấy thương em lắm, nên thời gian qua, anh ấy không khai ra em, việc này để em tính đã...”. Một tuần liền sau ngày bị bắt, Việt vẫn tiếp tục bị ra máu do trĩ. Anh nói với điều tra viên hoãn các cuộc hỏi cung vì sức khoẻ bị suy sụp do mệt mỏi. Khi Việt móc trong quần lót ra nắm giấy vệ sinh đỏ ngầu máu cho xem, họ lắc đầu chán hẳn. Anh được đưa vào phòng y tế của trại giam để khám bệnh và được một nữ bác sỹ nghe tim phổi, đo huyết áp, bắt mạch.

Chị này khá dễ chịu và dịu dàng, vừa khám vừa hỏi han Việt về bệnh tật. Anh nói với chị bác sỹ về một số căn bệnh kinh niên mà mình đang mắc phải như: Thiểu năng tuần hoàn não, trĩ cấp, những cơn đau co thắt ngực và bệnh mất ngủ. Việt đề nghị chị ta cho mang vào phòng giam một số loại thuốc điều trị bệnh mà anh đã mang theo từ nhà.

Nữ bác sỹ đồng ý cho anh mang vào, bất chấp sự soi mói của người khác. Việt cũng bộc bạch với chị ta về chuyện của mình. Chị ta động viên: - Đành phải chấp nhận số phận thôi, vào đây, anh phải xác định giữ gìn sức khoẻ, không nên nghĩ ngợi gì nhiều. Anh có ăn, ngủ được không? -Thưa bác sỹ, làm sao ăn, ngủ được, suốt đêm tôi cứ chong chong thao thức trong đầu một câu hỏi: Vì sao mình lại bị bắt giữ? Chị ta cười nhẹ nhàng như vỗ về, rồi phát cho Việt mấy viên thuốc cầm máu và mấy viên thuốc bổ.

Trong suốt 8 tháng bị giam giữ, có lẽ hình ảnh dễ chịu nhất về cảnh sát trại giam còn đọng lại trong ký ức của Việt chính là hình ảnh về nữ bác sỹ này. Chồng của chị ta cũng là lính canh gác trong trại. Gương mặt sáng sủa đầy nữ tính của nữ bác sỹ này làm cho khung cảnh trại giam bớt u ám hơn. Dáng chị ta thanh mảnh như một cây vỹ cầm và Việt cảm nhận được ở đâu đó, một vài nốt nhạc còn sót lại của thời thanh xuân đang ngân lên trong một giai điệu mơ hồ nào đấy.

Khi Việt còn đang mơ màng trong cảm nhận nói trên thì một giọng nói khô cằn cắt ngang: “Anh đi theo tôi!”. Việt lầm lũi đi theo viên quản giáo lên tầng trên. Họ đưa anh vào một căn buồng có khá nhiều thiết bị phục vụ cho việc chụp ảnh, lăn tay làm hồ sơ tội phạm. Một thợ ảnh của ngành điều tra làm công việc đó một cách cần mẫn và tỉ mỉ.

Cứ nghĩ tới việc từ nay trở đi, hình ảnh, nhân dạng và dấu vân tay cả mười ngón của mình bị lưu giữ trong tàng thư tội phạm cùng với bọn lưu manh, trộm cắp, giết người và những bị can tham nhũng trong vụ án mà tờ báo của Việt cùng nhiều tờ báo khác đã phanh phui là máu trong người anh lại như sôi lên. Việt cố gắng kìm nén cảm xúc để mọi chuyện qua mau.

Tay thợ ảnh không hiểu vì sao cứ chụp đi, chụp lại và nhiều lần phải lăn tất cả mười ngón trên hai bàn tay anh vào mực dấu đen nhẻm để có được bản in rõ nhất. Sau khi lăn tay, chụp ảnh, họ dẫn Việt trở về buồng giam. Nhìn hai bàn tay đen ngòm mực của Việt, người bạn tù cùng buồng cười giễu nhưng cũng lấy nước giúp anh rửa ráy. Thế là hết một ngày. Cánh cửa sắt buồng giam đóng lại...

Còn tiếp...

Tiểu thuyết tự truyện của nhà thơ, nhà báo NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý