Bi kịch của chữ Kỳ 7: Chim sẻ đất và mối tình xuyên đêm

mesu mesu @mesu

Bi kịch của chữ Kỳ 7: Chim sẻ đất và mối tình xuyên đêm

Kỳ báo trước, tác giả đã tường thuật diễn biến trong ngày nhà báo Việt bị khởi tố, bắt giữ. Trong kỳ báo này, tác giả kể về những đêm mất ngủ trong trại giam

06/05/2016 09:19 PM
26

(ĐSPL)- Kỳ báo trước, tác giả đã tường thuật diễn biến trong ngày nhà báo Việt bị khởi tố, bắt giữ.

Trong kỳ báo này, tác giả kể về những đêm mất ngủ trong trại giam của nhà báo Việt. Trong đó có cuộc đối thoại thâu đêm của một đôi phạm nhân-tình nhân không hề biết mặt nhau với thứ ngôn ngữ thô thiển, sống động của người nằm “dưới đáy” xã hội.

(Bản quyền tiểu thuyết tự truyện “Bi kịch của chữ” thuộc về tác giả Nguyễn Việt Chiến, mọi sao chép về tự truyện này (nếu có) trên các báo, các trang mạng, các báo điện tử khác... đều phải được sự đồng ý của tác giả, nếu tác giả không cho phép, đề nghị các báo không được sử dụng vì sẽ vi phạm bản quyền cuốn tiểu thuyết tự truyện này)

... Ngày đầu tiên trong tù, Việt dậy thật sớm. Thật ra có ngủ được đâu mà dậy. Tiếng chim ban mai kêu ói ả trên giàn cây trước cửa buồng giam. Hình như ngoài ấy nhiều chim lắm, tiếng hót cứ như tơ nhện chăng đầy khắp không gian. Anh thầm nghĩ, không hiểu vì sao ở nơi tối tăm này lại có nhiều chim đến thế. Những con chim sẻ lông màu nâu xám, bay đánh võng từ nóc nhà bên kia trại tù sang với họ. Thậm chí, có mấy con chim còn bạo dạn tới mức bay vào các khe thông gió trên hành lang trại giam, nhẩn nha tìm nhặt những hạt cơm vương vãi mà các tù nhân vừa ném cho chúng. Những kẻ mất tự do ngày nào cũng để dành cơm để đãi chim trời.

Ở nơi này, tù nhân và chim chóc đã trở thành những người bạn khá thân thiện. Tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng họ tỏ ra khá hiểu nhau. Dường như chim cũng hiểu được nỗi cô đơn tù túng của con người và con người cũng hiểu được sự mong muốn gần gũi và chia sẻ nơi loài chim thân thiết. Tiếng hót hồn nhiên, líu lo của chim chóc khiến cho đời sống hàng ngày đơn điệu của người tù bớt mệt mỏi hơn. Từ buồng giam, họ nhìn qua các ô cửa hẹp, theo hút những cánh chim đang vẫy vùng trong khoảng không đầy gió tươi và nắng ấm. Họ thèm khát được một lần tự do như chim, được bay trên đôi cánh của chính mình trở về ngôi nhà xa vắng, nơi người thân của họ đang héo hon trong đợi chờ vô vọng.

Khoảng hai tháng trước ngày Việt bị bắt, anh đọc được bài thơ in trên một tờ tạp chí văn nghệ có tựa đề: “Chim sẻ đất không học cách chết của rượu” với những câu thơ sau: “Chiều nay/ những con chim sẻ đất không còn được bay/ chúng đang phải nằm trên chiếc bàn/ của những người uống rượu/ còn những con sẻ đất suốt ngày phải vỗ cánh ngoài kia/ chợt thấy mình cũng sắp bị quay/ Vì thế/ chim sẻ đất phải bay/phải lánh xa những bợm rượu say khướt/ họ không thể không uống/ bởi mỗi ngày qua đi/ họ thấy mình bị cướp mất không hai mươi bốn giờ/ nên họ phải học cách bay của chim sẻ/ học cách chết của rượu để tìm lại thời đã mất/ Những bợm rượu suốt đời ấm ức/ Vì không có đôi cánh của chim sẻ đất để ngợi ca tự do/ nhưng tự do đôi khi/ chỉ là một khái niệm mơ hồ/ bởi chim sẻ đất/ luôn luôn bị những kẻ khao khát tự do đòi vặt cánh/ Chim sẻ đất/ những con không còn bay/ nằm cạnh những người đang còn say/ rượu đang xơi họ trên cùng một chiếc bàn/ Nhưng chim sẻ đất không thể học cách chết của rượu/ để lãng quên”.

Khi đọc những câu thơ trên, không hiểu sao Việt lại liên tưởng nghĩ về những cánh bay của chim sẻ đất và niềm khao khát ngợi ca tự do của chúng. Bài thơ này bị ám ảnh bởi một điều gì đó xuyên suốt, như sự thương cảm những cánh chim trời đang trở thành mồi nhậu ở những quán rượu. Khi ấy, với rượu, vô tình con người ta trở nên thậm tệ khi nhai nuốt rau ráu những con chim sẻ quay. Họ hau háu nhai nuốt sự sống và tự do của loài chim yếu đuối. Những con sẻ đất không có cách gì tự vệ ngoài đôi cánh mệt mỏi, suốt ngày phải trốn tránh đám thợ săn cùng những mẻ lưới quét vét. Kiểu người độc ác ấy, đôi khi cũng muốn học cách bay của chim sẻ để thoát khỏi mặt đất tù túng, nhưng họ lại học cách chết của rượu để tìm lại một thời đã mất và để lãng quên. Bài thơ này như một tiếng thở dài u ám, bế tắc và Việt không thể ngờ rằng nó lại như một điềm báo trước chuỗi ngày tai hoạ sắp đến với anh.

Chỉ hai tháng sau đó, qua ô cửa nhà tù, Việt khao khát hướng về bầy chim sẻ đất có bộ lông màu nâu xám. Ngày nào chúng cũng ríu rít hồn nhiên trong khuôn viên trại giam như những người bạn thân. Sau một đêm dài nặng nề trong ngục tối, hễ cứ nghe thấy tiếng chim gọi nhau là người tù lại nhận ra trong ánh ban mai đùng đục như sữa, một ngày mới đã sang trang. Buồng giam của Việt chỉ nhốt hai người. Người tù cùng chung buồng với anh tên là Hậu - một tay chơi giang hồ thứ thiệt...

Trong khu biệt giam, Hậu thường thức rất khuya. Hai, ba giờ sáng hắn mới chợp mắt. Khi ấy, anh nhà báo vừa bị bắt vào mà hắn phải theo dõi, đã ngủ ngáy tự bao giờ. Đêm nào Hậu cũng rủ rỉ tâm sự với một nữ tù nhân ở cách xa hắn hai buồng. Tuy hai người không biết mặt mũi nhau “đầu xuôi đuôi ngược” thế nào, nhưng họ đã là một cặp. Một cặp yêu đương rất mùi mẫn và ăn ý. Ở tù đã lâu, Hậu rất thèm đàn bà, thèm hơi hướng, thèm giọng nói, thèm cái mùi của “giống cái” phảng phất trong bóng đêm hôi hám ở cái địa ngục trần gian tối tăm này. Hắn có một cái mũi rất đặc biệt, thính hơn cả chó săn. Hắn có thể ngửi thấy mùi đàn bà cách xa hơn chục mét, phân biệt được đâu là mùi mồ hôi ngực, đâu là mùi mồ hôi tiết ra từ da thịt gái thanh tân hay gái nạ dòng.

Chẳng thế mà một hôm, cô nàng bị giam ở cách Hậu hai buồng, đã tỏ ra phục lăn khi hắn ghếch mũi lên chấn song xà lim, hít hà một lúc như con chó dái đánh hơi con chó cái, rồi hắn thông báo cho cô nàng bên ấy biết, cô vừa đi tiểu nhưng quên lau chùi nên mùi “xạ hương” cứ len lén bay sang bên này, làm hắn thèm thuồng không chịu nổi.

“Em ơi, cái mùi của em làm anh đang ngây ngất thèm muốn chết đây. Cái mùi ấy làm anh rạo rực y hệt như cái lần anh ân ái với người tình trẻ của anh ngay dưới gốc cây ven đường Láng. Nàng vừa đi làm về, hai đứa nhảy vào quán cơm bụi, ăn qua quýt cho xong bữa tối. Rồi đưa nhau ra hàng cây cổ thụ ven đường, ngắm trăng đêm và hít bụi. Hôn hít, sờ soạng nhau một lát. Cũng chẳng kịp rửa ráy gì, anh dúi cô nàng vào gốc cây. Làm luôn một cái “tầu nhanh”. Rồi nàng són tiểu. Cái mùi nồng nàn quyến rũ ấy, đêm nay anh lại thấy từ da thịt em. Em ơi! Thế là em giết anh rồi, em nghĩ cách gì cứu anh đi chứ!”, Hậu thì thào nói vọng sang buồng bên kia.

Đôi uyên ương đang líu lo tỏ tình để giết thời gian thì một tiếng quát như sấm bỗng vang lên: “Chuyện trò cái giề mà thâu đêm, suốt sáng vậy! Tôi kỷ luật anh, chị bây giờ, có ngủ đi không thì bảo?”. Hóa ra ông quản đi tuần đêm dọc khu biệt giam.

Tiếng quát làm anh nhà báo giật thót mình. Riêng Hậu thì không. Hắn chờ ông quản đi khỏi, liền ghếch môi lên chấn song sắt buồng giam, khe khẽ hót một giọng chim mồi gọi mái. Sau một khoảng thời gian yên ắng vừa đủ, đôi uyên ương lại líu lo tỏ tình đến gần sáng. Họ không hề biết mặt nhau, chỉ mê giọng hót của nhau. Và đêm xuống, khu biệt giam trở thành cái nôi tình yêu của họ với chuỗi ngày tù dài đằng đẵng trong đời mỗi người. Họ phải sống và họ tìm cách giết thời- gian-cơ-học bằng những mối tình xuyên song sắt, xuyên qua các vách tường giam bịt bùng với những đối thoại đầy ẩn ức dục cảm.

Hậu thú thật với anh nhà báo, khi ấy đã thức giấc: “Trong khi áp giải lên phòng lấy cung, em chỉ duy nhất có một lần thoáng trông thấy nàng, nhưng không thấy rõ mặt, lúc ấy nàng đang tắm, đang khỏa thân. Em nhìn trộm qua ngách thông hơi cắt nghiêng phía sau buồng biệt giam, chỗ bể nước tắm. Lúc ấy em chỉ thoáng nhìn thấy cái mông và cặp đùi trắng lốp, nàng đang ngồi xổm tắm bên bể nước. Em chịu không nổi, đêm ấy bọn em thổn thức đến tận sáng...”.

Trong khi Việt phải âm thầm hướng về cái đẹp cứu rỗi trong ngôn ngữ thi ca cho riêng mình để vượt qua thời gian u ám, thì người bạn tù lại chọn thứ ngôn ngữ đời sống nhục cảm khác để giết thời gian trong quãng ngày tối tăm. Thật trớ trêu nhưng cũng chẳng sao, người làm thơ thì luôn mơ mộng, còn kẻ không văn chương thì lại chọn thứ ngôn ngữ đời sống khác. Mỗi người một cách để vượt qua bóng đêm thời gian của sự cô đơn tận cùng dưới đáy xã hội...

Tiểu thuyết tự truyện của nhà thơ, nhà báo NGUYỄN VIỆT CHIẾN

(Còn tiếp...)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý