Bí mật người thuyết phục Bảo Đại thoái vị

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Bí mật người thuyết phục Bảo Đại thoái vị

Giữa lúc phong trào cách mạng sục sôi khắp nước thì trong hoàng cung, một cuộc vận động khuyên hoàng đế sớm thoái vị cũng được một số triều thần tiến hành khẩn trương.

29/08/2014 10:01 AM
1,737

Ngày 19/8, cách mạng giành chính quyền ở Hà Nội và liên tiếp những ngày sau đó, nhiều địa phương, chính quyền về tay nhân dân. Tin tức bay về Huế dồn dập đồng thời ngay tại Huế, quần chúng mít tinh rầm rập trên đường, các đội tự vệ ngày đêm luyện tập. Huế đã sắn sàng giành chính quyền.

Sức ép ngày càng gia tăng

Ngày 21/8, quần chúng cách mạng Huế bắt đầu hành động với việc hạ cờ của triều đình và thay bằng cờ đỏ sao vàng. Lá cờ màu vàng trên có ba gạch hình quẻ ly (một quẻ trong bát quái) tượng trưng cho quyền lực triều đình lâu nay vẫn ngạo nghễ trên cột cờ cao ở kỳ đài của hoàng thành thì hôm nay đã được thay bằng lá cờ của cách mạng, màu đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa. Trong cuốn sách “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam”, tác giả Daniel Grandclément miêu tả sự kiện này: “Những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ ở chân kỳ đài có mặt lúc đó chẳng những không làm gì để ngăn cản mà lại còn phụ giúp những người cách mạng kéo lá cờ đỏ sao vàng lên. Việc này làm Bảo Đại đau khổ và suy sụp hơn là tuyên bố sẵn sàng thoái vị”.

 - Ảnh 1

Minh họa cảnh vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện Việt Minh trong lễ thoái vị ở Huế.

Các tin tức cách mạng trên cả nước cùng với hoạt động của quần chúng ngay tại Huế ngày càng gia tăng sức ép lên suy nghĩ của hoàng đế Bảo Đại. Không chỉ có hạ cờ của triều đình, ngày 23/8, hàng chục vạn dân tỉnh Thừa Thiên dưới sự lãnh đạo của Việt Minh tỉnh Thừa Thiên (mang mật danh Nguyễn Tri Phương) kéo về thành phố Huế biểu tình. Cuộc biểu tình tuần hành vũ trang được tổ chức để chào mừng việc Nhật trao trả Nam Kỳ nhưng đã nhanh chóng biến thành một cuộc khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng tại thành phố Huế. Trong lúc hàng chục vạn dân các phủ, huyện trong tỉnh Thừa Thiên và nội thành Huế, cờ biển rợp trời, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, nườm nượp kéo về sân vận động Huế thì một tối hậu thư, lời lẽ cương quyết được gửi cho Triều đình. Chính Nhà vua đã tự tay mở thư đọc.

 - Ảnh 2

Giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19/8.

Tối hậu thư do Việt Minh Thừa Thiên Huế gửi tới triều đình Huế viết: “Lực lượng cách mạng Việt Nam khắp cả nước và ở Thừa Thiên-Huế đã sẵn sàng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Quân Nhật đã đầu hàng không có quyền lực gì ở Việt Nam và chính quyền Nam triều càng không thể tồn tại được nữa. Yêu cầu chính quyền Nam Triều phải giải tán và vua Bảo Đại phải tuyên bố thoái vị ngay. Chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân tuyên bố bảo đảm tính mệnh và tài sản cho Hoàng gia và toàn thể nội các, kể cả gia đình họ. Đối với lăng tẩm của các vua ngày truớc cách mạng vẫn giữ nguyên vẹn, không làm gì hư hại. Hạn trả lời chậm nhất là 13 giờ 30 ngày 23 tháng 8 năm 1945. - Ông Phạm Khắc Hòe được Việt Minh chỉ định làm người liên lạc giữa Nhà vua và chính quyền cách mạng”.

Bức điện của Việt Minh cùng những lời hô hào vang như sấm dậy của mấy chục vạn quần chúng đang biểu tình khắp thành phố khiến tâm trạng vua Bảo Đại rối bời. Đọc xong bức điện, Bảo Đại thấy mình đơn độc. Ông bực dọc đứng dậy quay vào trong nhà nói: "Thôi mặc kệ các ông, các ông muốn làm chi thì làm”.

Tác dụng của những câu sấm truyền

Biết rằng trước khí thế cách mạng như thác đổ, triều đình phong kiến không thể tồn tại được nữa. Tuy vậy, tâm trạng để mất cơ nghiệp của tổ tiên trong tay mình khiến Bảo Đại khó có thể dửng dưng. Chính trong lúc đó, những câu sấm truyền dân gian đã khiến ông vua này nhanh chóng đi đến quyết định thoái vị mà không do dự.

Cụ Phạm Khắc Hòe, nguyên là tổng lý ngự tiền văn phòng trong nội các của vua Bảo Đại, trong cuốn hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” kể lại: “Trong ngày 19 tháng 8, Bảo Đại bốn lấn gọi tôi qua hỏi đã biết được lãnh tụ Việt Minh là ai chưa. Sáng ngày 20, sau khi đi ra phố xem và biết chắc rằng những lời đồn đại về một bức thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mới được dán lên ở nhiều nơi công cộng, tôi liền báo cáo việc ấy với Bảo Đại và nói thêm: - Theo lời lẽ của bức thư, thì chắc chắn nhà Cách Mạng nổi tiếng ấy là người cầm đầu Việt Minh. Rồi tôi vừa hỏi, vừa gợi ý xem Bảo Đại có hiểu biết gì về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không, thì ngoài chuyện Con Rồng Tre đả kích Khải Định ra ông ta không biết gì cả.

Tôi bèn kể cho Bảo Đại nghe việc sớm đi các nước phương Tây của nhà Cách Mạng Nguyễn Ái Quốc theo hiểu biết rất hạn chế của tôi lúc đó. Nhưng cảm thấy câu chuyện của mình không hấp dẫn Bảo Đại lắm, tôi chuyển sang chuyện một câu sấm được lưu truyền ở vùng Nghệ Tĩnh đã từ lâu và qua đó nhiều người đã thần thánh hóa nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Đó là câu sấm " Đụn Sơn phân giải; Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh Thánh ". nghĩa là : Núi Đụn Sơn tự phân chia ra , khe Bò Đái mất tiếng kêu đi thì đất Nam Đàn sẽ có thánh ra đời . Vì Đụn Sơn và Bò Đái đều nằm trong địa phận huyện Nam Đàn.

Nhân dân địa phương thường kể rằng: Câu sấm đó là do nhà tiên tri Trạng Trình phán ra từ thế kỷ thứ 16. Đến cuối thế kỷ thứ 19, thì núi Đụn Sơn xưa kia là một hòn nguyên vẹn đã bị chia ra làm hai bằng một đường rạn nứt ở giữa, và khe Bò Đái xưa kia nước chảy ầm ầm ngày đêm thì đã không nghe tiếng nữa. Như thế tức là đã đến lúc đất Nam Đàn có Thánh ra đời.... Thánh đó là ai? Lúc đầu, người ta cho đó là nhà cách mạng Phan Bội Châu, nhưng khỏang năm 1920 trở đi, người ta lại cho đó là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà hoạt động cách mạng ở Pháp đã bắt đầu vang dội vào trong nước. Câu chuyện nhuốm màu sắc thần bí ấy được tôi kể với niềm tin lúc đó đã được Bảo Đại lắng nghe một cách thích thú, say sưa hơn nhiều so với những mẩu chuyện thật tôi kể lúc đầu.

Sáng hôm sau, vua Bảo Đại tuyên bố ông sẽ thoái vị nếu người đứng đầu Việt Minh là Nguyễn Ái Quốc. Viết về sự kiện này, tác giả Daniel Grandclément đã bình luận: “Sự mê tín, như thường thấy ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong những giờ phút quyết định. Phạm Khắc Hòe không ngừng nhắc lại câu sấm truyền: Nam Đàn sinh thánh. Thánh đó có thể là nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhưng Phan Bội Châu không thành công và đã mất năm 1940. Từ những năm 1920 người ta lại giải thích ông thánh cứu nước chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc cùng quê Nam Đàn với Phan Bội Châu ở Nghệ An. Chính câu sấm truyền ấy cùng với dư luận đồn đại, theo ông Hòe kể lại sau này, đã khiến Nhà vua đi đến quyết định cuối cùng”.

Trần Vũ

Xem thêm video clip : Clip: Cuộc giải cứu con tin Foley không thành của đặc nhiệm Mỹ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý