Bí mật tín hiệu vận hành guồng máy buôn lậu bên kia biên giới

mesu mesu @mesu

Bí mật tín hiệu vận hành guồng máy buôn lậu bên kia biên giới

(ĐSPL) Sau khi làm thủ tục nhập hàng xong, lái buôn thuê các đối tượng bao biên và cửu vạn tuồn hàng vào nội địa. Khi nhận được hiệu lệnh, tất cả các bộ phận vận chuyển, kiểm đếm, bảo kê bắt đầu xuất phát. Điều đó là “phát súng hiệu” cho tất cả mắt xích trong đường dây buôn lậu bắt đầu vận hành.

26/01/2015 01:13 PM
537

 - Ảnh 1Phóng to

Một cửu vạn giẫm phải mìn.

Buôn lậu cũng... “chấm công”

Việc tuồn hàng lậu từ các điểm tập kết biên giới vào Việt Nam được vận hành theo một chu trình khép kín và bí mật. Sau 2 ngày nằm vùng ở khu Lũng Vài, chúng tôi lại gọi điện cho Tuấn đem hàng về Việt Nam. Sáng sớm tinh mơ, trên các cung đường, chúng tôi trở về qua tuyến đường 06 - tuyến đường vận chuyển hàng lậu nóng bỏng nhất thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Lần này, Tuấn cũng không quên căn dặn chúng tôi những điều tối kỵ khi vận chuyển hàng lậu.

Trên suốt cuộc hành trình, chúng tôi không dám nhìn ngang, ngó dọc, thậm chí không dám rút điện thoại ra khỏi túi. Tất cả chỉ biết cúi gằm người, “cõng hàng” theo lối mòn đã định trước. Những hình ảnh con người lầm lũi “cõng” thùng hàng cao, to, nặng và che khuất toàn thân bước từng bước nặng chịch. Theo Tuấn, lực lượng cửu vạn là người phải bán mồ hôi, xương máu mình cho các ông chủ. Đã có nhiều người ngã xuống vực, gẫy chân. Thậm chí đã có người phải bỏ mạng giữa rừng.

Hơn một tiếng đồng hồ cõng hàng vượt núi, đám cửu vạn mới đem hàng đến các cửa rừng. Tại đây, hàng lậu được tập kết tại các bìa rừng. Ở khu vực bìa rừng là lãnh địa của các tay bảo kê, “chim lợn” hay chủ hàng. Tất cả các hoạt động như “chấm công” cho người gùi hàng, nhận hàng của các ông chủ; bảo vệ hàng hóa cũng như bảo kê... đều được thông báo khi có “tín hiệu” từ lực lượng chức năng. “Chỉ cần có sự xuất hiện của lực lượng chức năng thì đối tượng bảo kê sẽ thông báo cho cửu vạn vận chuyển hàng nhanh chóng hoặc chạy thoát thân. “Tại các địa điểm được coi là “trạm trung chuyển” ở bìa rừng này vẫn còn hàng loạt các tờ giấy “chấm công”, phiếu chuyển và nhận hàng đã bị xé nát”, Tuấn nói.

Bên cạnh đó theo tìm hiểu của chúng tôi, còn một số ông chủ không ngần ngại thuê xe ba bánh gắn phù hiệu thương binh giả tham gia vận chuyển hàng hóa để đối phó với cơ quan chức năng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hải Đăng, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cũng thừa nhận, có chuyện, các đối tượng lợi dụng xe ba gác để vận chuyển hàng lậu. Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng chính sách cư dân biên giới để vận chuyển hàng lậu. Cư dân có thể “cấu kết” với các lái buôn để kê khống giá cả các mặt hàng, khiến cho công cuộc kiểm tra, định giá hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn.

“Điều bất cập nhất là việc người dân dùng nhiều giấy thông hành để có thể sang bên kia biên giới “vác hàng”. Do đặc thù, ở biên giới lực lượng công an xã được cấp giấy thông hành nên không thể tránh được các đối tượng thân thiết đã tìm đến để nhờ cậy, làm nhiều giấy thông hành. Thực tế, tại địa phương đã có gia đình “sở hữu” 7-8 giấy thông hành”, ông Đăng nói.

 - Ảnh 2Phóng to

Ông Trần Hải Đăng, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn.

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng kẽ hở trong khai báo hàng hóa ở ngay tại cửa khẩu. Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi Cục Trưởng, chi cục Hải quan Hữu Nghị (Lạng Sơn) cho rằng, việc thông quan điện tử cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp buôn lậu. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc khai hải quan luồng xanh, luồng vàng để cất giấu hàng hóa trên các phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu.

Khó xử lý khi bắt được hàng lậu

Ông Lương Văn Trường, Phó Đội Trưởng đội Chống buôn lậu, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại đã bắt giữ 4 xe tải chở hơn 100 tấn hàng lậu gồm các loại quần áo, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, máy tính, xe đạp điện. Hóa đơn chứng từ nguồn gốc lô hàng không trùng khớp với số hàng hóa trên xe. Cụ thể, hóa đơn kê khống giá sản phẩm thấp bất thường như Laptop: 50.000 đồng/chiếc; xe đạp điện: 400.000 đồng/xe; tủ lạnh điều hòa không khí: 200.000 đồng/cái. Trong khi đó, giá những sản phẩm này bán trên thị trường có giá cao gấp vài chục lần giá trên hóa đơn. Mỗi lô hàng lại liên quan đến rất nhiều đối tượng nên rất khó xử lý.

Sau khi nhận hàng từ biên giới về các điểm tập kết ở trong nội địa Việt Nam. Các đối tượng sẽ tìm cách đưa hàng đến cho các “đầu nậu” bằng rất nhiều cung đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các khu vực diễn ra tình trạng buôn lậu “nóng” nhất là tại khu vực Gốc Bưởi, Hang Dơi con (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng); khu vực mốc 05, 06, bãi Gianh, thác Nước (thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc); khu vực quanh cửa khẩu Cốc Nam. Ngoài ra, còn một số khu vực khác như đường Đồi Cao (cửa khẩu Tân Thanh); đường 474, đường 386, khu vực Thác Ném, khu vực cánh gà cửa khẩu Cốc Nam (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng)... tình trạng buôn lậu cũng diễn biến phức tạp. Chúng dùng các loại xe “su cóc”, xe khách đã bỏ hết ghế chỉ để chở hàng, nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Các điểm tập kết cũng là nơi mà các đối tượng tiếp tục “phù phép” hàng lậu. Nhờ có mối quan hệ với lái buôn tên Tài ở cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi đã phát hiện các chiêu “phù phép” hàng lậu đầy tinh vi. Chúng tôi đã được xem những hóa đơn các loại mặt hàng, giày dép, điện thoại, mỹ phẩm có giá rẻ như cho. Ví dụ, giá một cái áo sơ mi là 10.000 đồng, đôi giày giá 20.000 đồng, áo khoác da giá 50.000 đồng. Khi đem sâu vào nội địa, những sản phẩm đó được bán với giá vài trăm ngàn đồng.

Các sản phẩm “made in China” tuồn lậu vào Việt Nam sẽ được hợp thức hóa thành hàng của một công ty Việt Nam nào đó. Trên nhãn mác có ghi đầy đủ tên công ty, xí nghiệp, địa chỉ và phiếu bảo hành, thậm chí là hàng nhái cao cấp của các hãng nổi tiếng. Bà Th., chủ gian hàng ở chợ Đông Kinh, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Việc gắn nhãn mác vào là để hợp thức hóa hàng lậu thành hàng có nguồn gốc xuất xứ cụ thể. Ai dại gì vào chợ Đông Kinh mua hàng chính hãng. Lái buôn từ nơi khác đến đây có thể yên tâm mua hàng nhái về xuôi bán mà không lo bị bắt giữ vì đã có hóa đơn, sổ sách, chứng từ hẳn hoi”(?!).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều đối tượng chuyên buôn hàng fake (hàng nhái cao cấp) về bán tại các shop. Theo đó, các mặt hàng được nhái một cách công phu và tỉ mẩn, y chang như hàng hiệu. Cũng cùng một sản phẩm đó mà đặt vào trong shop thì khách hàng rất khó phát hiện. Hơn nữa, các loại hàng fake này có chất lượng tốt hơn các loại mặt hàng nhái thủ công.

Loay hoay tìm cách ứng phó

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lực lượng chống buôn lậu ở Lạng Sơn gồm các ngành chức năng như: Biên phòng trực chiến ở vành đai biên giới; hải quan chốt chặn ở các cửa khẩu... Bên trong là lực lượng quản lý thị trường kiểm soát các mặt hàng lưu thông; Ngành thuế có chức năng phát hiện và báo cáo cho các cơ quan chức năng về hoạt động kê khai thuế của các cá nhân, doanh nghiệp; Công an là lực lượng tham gia phá các vụ án liên quan đến buôn lậu. Tất cả các lực lượng này đã tạo thành vành đai thép để chống hàng lậu. Thế nhưng, chẳng hiểu sao hàng lậu vẫn bằng nhiều cách tuồn vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết: “So với các năm trước, tình hình buôn lậu năm nay xuất hiện sớm hơn hai tháng. UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nên các ngành chức năng cũng tích cực vào cuộc. Tình hình buôn lậu có giảm nhưng không thể chấm dứt”. Sau những ngày trực tiếp thâm nhập thị trường, PV rất băn khoăn về tiết lộ của một cửu vạn: “Để mỗi chuyến hàng được an toàn, các chủ xe đều phải “nộp” lệ phí vận chuyển. Lệ phí lưu thông này không chỉ dừng lại ở một số chặng của tỉnh Lạng Sơn mà đã ngầm được móc ngoặc với các trạm trên suốt chặng đường vận chuyển qua nhiều tỉnh, thành. Tôi bốc vác hàng cho lão này quen rồi. Lão chỉ “làm luật” một lần mà đi được mấy xe”?! 

THẾ HOÀNG

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý