Bí mật vụ đặt máy nghe lén trong phòng ngủ Mao Trạch Đông

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Bí mật vụ đặt máy nghe lén trong phòng ngủ Mao Trạch Đông

Nhiều chuyên gia lịch sử nhận định rằng, mặc dù nói rằng mọi chuyện đã kết thúc, song kể từ sau sự kiện này, Mao Trạch Đông không còn tin tưởng Lưu Thiếu Kỳ cũng như Ban Bí thư nữa.

03/11/2014 03:04 PM
1,934

Tháng 2/1963, chiếc xe lửa riêng của Mao Trạch Đông trên đường tuần du phương Nam tới thành phố Trường Sa, thủ phủ tình Hồ Nam, quê hương của Mao Trạch Đông. Cùng đi trên tàu lần đó với Mao Trạch Đông còn có Bộ trưởng Công an La Thụy Khanh và Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Thượng Côn.

Chiếc tàu của Mao đậu tại ga tàu phía Bắc thành phố. Đây vốn là ga tàu chuyên vận tải hàng hóa, nằm rất xa trung tâm thành phố nên rất tiện việc bảo vệ. Các chuyến tàu của Mao Trạch Đông hoặc các lãnh đạo khác của Trung Quốc thời bấy giờ khi đến Hồ Nam đều dừng tại ga này. Trước khi tàu vào ga, toàn bộ ga tàu đã được giới nghiêm, không có bất cứ hoạt động thông thường nào được phép tiến hành.

Tuy nhiên, vào đúng thời điểm Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam khi đó là Trương Bình Hóa lên tàu gặp Mao Trạch Đông trên chiếc tàu đặc biệt này thì ngay trên tàu xảy ra một ‘vụ án’ vừa khó xử vừa gây kinh động. Chính ‘vụ án’ này được cho là đã làm thay đổi tiến trình của lịch sử Trung Quốc khi nó tạo ra một ‘bước ngoặt’ theo chiều hướng xấu trong mối quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ, hai người đứng đầu Trung Quốc thời bấy giờ. Nhiều người thậm chí còn nhận định, nó chính là nguyên nhân sâu xa khiến Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa nhằm loại trừ Lưu Thiếu Kỳ và những người cùng phe khỏi chính đàn Trung Quốc.

 - Ảnh 1

Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Theo những tài liệu còn lưu lại thì khi Mao Trạch Đông bắt đầu cuộc “tiếp kiến” Trương Bình Hóa, các nhân viên phục vụ trên tàu đều phải rời khỏi toa tàu, xuống sân ga ‘tản bộ’. Lúc đó, một cán bộ quản lý thu phát tín hiệu vô tuyến điện bước tới gần một nữ nhân viên phục vụ ghé vào tai nói nhỏ: “Anh nghe thấy tiếng của em từ trong phòng ngủ của Mao Chủ tịch”. Với sự tinh nhạy của một cán bộ trung thành, nữ nhân viên phục vụ vội vàng chạy quay trở lại toa tàu, báo cáo với Mao Trạch Đông: “Có người nghe lén! Có người nghe lén trong phòng ngủ của Chủ tịch!”.

Mao Trạch Đông nghe nói, hỏi đi hỏi lại mấy lần nữ nhân viên vì sao lại biết chuyện này. Nữ nhân viên thành thật kể lại việc cán bộ thu phát tín hiệu vô tuyến tiết lộ với mình. Ngay lập tức, Mao Trạch Đông cho Trương Bình Hóa ra về rồi gọi Dương Thượng Côn và La Thụy Khanh, những người được giao phụ trách an toàn cho chuyến đi này tới phòng mình để “hỏi cho ra nhẽ”. Dương và La biết rằng, sự việc đã tới mức này không thể giấu thêm được nữa nếu không muốn mang họa vào thân vì vậy đã thành thật báo cáo.

Dương Thượng Côn nói: “Từ năm 1958 khi tiến hành “Đại nhảy vọt” tới nay, Chủ tịch triển khai rất nhiều ý kiến, tiếp nhiều đồng chí trong khi lại không cho phép các thư ký ghi chép lại. Vì thế, Ban Bí thư sau khi cân nhắc kỹ lưỡng đã quyết định đặt máy nghe trên tàu riêng dành cho Chủ tịch nhằm ghi lại tất cả những chỉ thị, ý kiến của Chủ tịch”.

Mao Trạch Đông khi đó đã rất tức giận nhưng vẫn kiềm chế, vừa nói vừa cười: “Các cậu tốn nhiều công sức vì công việc của đảng, tôi không trách. Thiết bị mua ở đâu?”. Dương Thượng Côn đáp: “Thiết bị được nhập khẩu từ nước ngoài dưới danh nghĩa của văn phòng Trung ương đảng”.

Mao Trạch Đông châm một điếu thuốc cho mình rồi mời Dương và La mỗi người một điếu. Lúc này, Mao Trạch Đông đã hoàn toàn trấn tĩnh trở lại, hỏi đầy hứng thú: “Tiên tiến quá nhỉ? Máy được lắp đặt từ khi nào?”. Dương Thượng Côn đáp: “Từ tháng 1 năm 1959”. Mao Trạch Đông nghe xong, cười lớn, nói: “Đã 2 năm rồi đấy. Các anh thật biết giữ bí mật. Vậy những nhân viên của tôi có biết không?”. La Thụy Khanh nói: “Các thư ký đều biết cả. Tuy nhiên, yêu cầu họ phải tuân thủ kỷ luật, giữ bí mật tuyệt đối”.

Mao Trạch Đông nghe xong lại cười lớn, nói: “Mọi người đều biết thì còn gì gọi là “cơ mật” nữa? Cũng không thể nói là mưu kế nữa”. La Thụy Khanh vội vàng bổ sung: “Chỉ có các nhân viên phục vụ là không biết. Họ thường xuyên được luân chuyển nên không tiện…”. Mao Trạch Đông trầm ngâm rồi hỏi: “Nói như vậy thì Thiếu Kỳ và Tiểu Bình cũng đều biết chuyện này?”. Dương Thượng Côn nói: “Họ đều đồng ý. Ban Bí thư Trung ương đã có nghị quyết nội bộ”. Mao Trạch Đông lại hỏi: “Vậy Chu Ân Lai thì sao? Còn Uông Đông Hưng nữa, họ có biết không?”. Dương Thượng Côn đáp: “Thủ tướng thì biết, còn chỉ thị đây là việc vì lợi ích của toàn đảng, không được gây hiểu lầm. Uông Đông Hưng thì không đồng ý nhưng vẫn tuân thủ theo quyết định của Trung ương”.

Rời cuộc ‘thẩm vấn’ nói trên, Dương Thượng Côn lạnh toát hồ hôi, điện thoại ngay cho Lưu Thiếu Kỳ. Ngay sau đó, vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ lập tức đáp máy bay đến gặp Mao Trạch Đông để trình nghị quyết của Ban Bí thư tháng 12/1958 về việc đặt máy ghi âm tại buồng ngủ của Mao trên xe lửa. Lưu giải thích việc này chỉ nhằm “bám sát, học tập chỉ thị của Mao không có ý gì khác”. Lưu cũng đề nghị giao cho Uông Đông Hưng kiểm tra, tiêu hủy toàn bộ số băng ghi âm cùng các bản chỉnh lý lưu trữ tại phòng bảo mật của văn phòng Trung ương. Lưu Thiếu Kỳ nói tuy đây là chủ kiến của Ban Bí thư, nhưng Lưu đã “tán thành cho làm, nên ông xin lỗi Mao Trạch Đông và sẵn sàng chịu kỷ luật”.

Mao Trạch Đông nghe Lưu Thiếu Kỳ giải thích, cười lớn rồi nói: “Thiếu Kỳ à, các anh tốt bụng nhưng lại làm một việc không tốt lắm. Nhưng sự việc đã giải thích rõ coi như kết thúc đi. Quan trọng là biết rút kinh nghiệm. Từ nay về sau, trong đảng không ai được nhắc tới chuyện này nữa. Tôi cũng không đề nghị Trung ương xử lý bất kỳ ai. Việc trước mắt quan trọng là đoàn kết…”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Mao Trạch Đông bàn với Lưu Thiếu Kỳ việc thuyên chuyển công tác của Bộ trưởng Công an La Thụy Khanh. Mao nói rằng, muốn để La làm Bộ trưởng Công an quá lâu là rất phí, nên muốn chuyển La sang Quân ủy Trung ương làm Tổng Tham mưu trưởng, “bồi dưỡng thành người kế thừa”.

Lưu Thiếu Kỳ nghe Mao Trạch Đông nói liên tục gật đầu song kỳ thực trong đầu rất mông lung. Điều Lưu Thiếu Kỳ quan tâm nhất là Mao Trạch Đông sẽ “xử trí” Dương Thượng Côn, người phụ trách công việc đặt máy nghe lén này như thế nào. Sau một hồi ca tụng những thành tích của Dương Thượng Côn, Mao Trạch Đông đề nghị đưa Dương vào Ban Bí thư Trung ương và nói: “Chỗ của tôi có Uông Đông Hưng là đủ rồi. Nghỉ ngơi vài ngày rồi anh đưa cậu ta (Dương Thượng Côn) về đi”.

Bề ngoài, cả La Thụy Khanh lẫn Dương Thượng Côn đều được thăng chức nhưng thực tế là Mao Trạch Đông muốn ‘loại bỏ’ họ ra khỏi đội ngũ của mình. Nhiều chuyên gia lịch sử nhận định rằng: mặc dù nói rằng mọi chuyện đã kết thúc, song kể từ sau sự kiện này, Mao Trạch Đông không còn tin tưởng Lưu Thiếu Kỳ cũng như Ban Bí thư nữa. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới bi kịch của Lưu Thiếu Kỳ sau này.

Hà Phương (Hôn nhân Pháp luật)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý