Biến đổi khí hậu: Người dân các quốc đảo sẽ phải rời quê hương

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Biến đổi khí hậu: Người dân các quốc đảo sẽ phải rời quê hương

(ĐSPL) Tại hội nghị biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Pháp, Tổng thống Mỹ cho biết, nếu không hành động mạnh mẽ để chống biến đổi khí hậu, người dân các đảo quốc sẽ phải rời bỏ quê hương.

02/12/2015 06:00 AM
342

Tin tức từ Tri Thức Trực Tuyến, ông Obama đang họp với các nhà lãnh đạo các quốc đảo chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi biến đổi khí hậu. Các nước đó bao gồm Kiribati, quần đảo Marshall, St. Lucia, Barbados và Papua New Guinea.

Cuộc gặp diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris của Pháp.

Obama nói rằng dù các quốc đảo không phải là các nước đông dân hay bị ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu, người dân của họ nằm trong số những đối tượng dễ tổn thương nhất từ hiện tượng này.

"Nếu không hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu, con người có thể buộc phải rời bỏ các quốc đảo và trở thành những người tị nạn", ông Obama nói.

 - Ảnh 1Phóng to

Tổng thống Mỹ cho biết, nếu không hành động mạnh mẽ để chống biến đổi khí hậu, người dân các đảo quốc sẽ phải rời bỏ quê hương. (Ảnh: AP)

Lãnh đạo Mỹ kêu gọi sự tài trợ toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu của các quốc đảo khi họ thích ứng với sự thay đổi của khí hậu.

Trước đó vài phút, ông Obama nêu ý kiến về khuôn khổ pháp lý đối với thỏa thuận. Theo lãnh đạo Mỹ, thỏa thuận phải có quy định minh bạch và mục tiêu cắt giảm carbon phải có tính ràng buộc pháp lý.

COP21 diễn ra trong bối cảnh Nghị định thư Kyodo sẽ hết hạn vào năm 2020. Người ta kỳ vọng các lãnh đạo thế giới thống nhất để đạt được thỏa thuận mới mang tầm quốc tế, phù hợp với điều kiện các nước và bảo vệ môi trường toàn cầu.​

Ngày 30/11, bên lề COP21, ông Obama gọi mối đe dọa toàn cầu về biến đổi khí hậu là “vấn đề cấp bách về kinh tế và an ninh mà chúng ta cần giải quyết ngay bây giờ”. Theo lãnh đạo Mỹ, nếu trái đất vẫn tiếp tục nóng lên, không lâu sau đó, con người sẽ phải “huy động nhiều hơn nữa nguồn lực kinh tế và quân sự, mà đáng lẽ chúng được dùng để phát triển cơ hội cho tất cả mọi người”.

Theo báo Tuổi Trẻ, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ là quốc gia lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong nước, ông đề xuất các chính sách nhằm giảm 32% lượng khí thải nhà kính từ mức 2005 vào năm 2030.

Ở bình diện quốc tế, ông thúc đẩy Mỹ ký nhiều thỏa thuận khí hậu song phương với các nước. Rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển lớn như Trung Quốc, sẽ không cam kết cắt giảm khí thải đáng kể nếu Mỹ, quốc gia xả khí thải lớn thứ hai thế giới, không có hành động quyết liệt.

Theo LHQ, hiện nhiệt độ trái đất đã tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu các nước không hành động để giảm khí thải nhà kính, nhiệt độ trái đất có thể tăng lên thêm 5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Các nhà phân tích cho rằng để đạt được thành công, COP21 cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng đã đến lúc thế giới phải chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các loại năng lượng tái tạo sạch hơn, xanh hơn để bảo vệ môi trường.

Đức An (Tổng hợp)

Xem thêm video tin tức:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý