Bình Phước: Dư hàng trăm giáo viên, vẫn tuyển thêm 300 hợp đồng!

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Bình Phước: Dư hàng trăm giáo viên, vẫn tuyển thêm 300 hợp đồng!

Dù dư hàng trăm biên chế, nhưng vì “bầu sữa ngân sách” quá bao la, nên lãnh đạo các trường và các huyện tại tỉnh Bình Phước vẫn “vô tư” tuyển thêm hàng trăm giáo viên khác. Mỗi năm ngân sách bị lãng phí hàng chục tỉ đồng.

14/07/2014 08:06 PM
1,951

Lãng phí gần 50 tỉ đồng/năm học

Dựa vào chỉ tiêu biên chế được giao mỗi năm học, Ban giám hiệu (BGH) nhiều trường Trường trung học phổ thông (THPT), phổ thông cấp 2-3, Trung tâm thường xuyên… trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã dùng chiêu thức hạ sĩ số học sinh tại mỗi lớp học xuống mức quá thấp nhằm tăng thêm lớp học, để từ đó “xà xẻo” bầu sữa ngân sách Nhà nước. Chưa kể từ đây nảy sinh các hệ lụy phải “chung chi” khi xin việc, xin chuyển trường về gần nhà hoặc xin trụ lại trường để khỏi bị điều chuyển!

Mới đây, Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước có cáo kiểm tra “Công tác quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm học 2013-2014 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Theo đó, chỉ với 11 trường được đưa ra để minh chứng, gồm THPT và phổ thông cấp 2-3, với tổng cộng 918 biên chế, dạy 321 lớp nhưng đã dư 213 biên chế và 76 lớp học!

Làm sao tính ra con số lãng phí vì dư biên chế, một công tác lâu năm trong ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Phước, cho biết: “Điều lệ các trường THPT, quy định mỗi lớp không quá 45 học sinh. Nên BGH nhiều trường đã hạ sỉ số học sinh xuống còn từ 23-30 học sinh/lớp, để từ đó tăng số lớp học, lấy biên chế! Đơn cử theo báo cáo của Sở GD-ĐT, trường Phổ thông cấp 2-3 Đăng Hà có 33 lớp, 86 biên chế, được cấp ngân sách năm 2014 trên 6,9 tỉ đồng. Sở Nội vụ kiểm tra cho ra báo cáo cũng 33 lớp, mỗi lớp chỉ có 23 học sinh.

Nhưng thực tế tại trường này chỉ có 28 lớp (18 lớp cấp 2 và 10 lớp cấp 3)! Với 759 học sinh, nếu bố trí 35 học sinh/lớp, thì chỉ còn 22 lớp của cả 2 cấp, số thực cần chỉ 61 biên chế (giáo viên, BGH, và tổ chức), giảm được 25 người, tiết kiệm khoảng 2 tỉ đồng/năm! Hay trường Phổ thông cấp 2-3 Đa Kia có 1095 học sinh được chia thành 40 lớp (27 học sinh/lớp) được giao 104 biên chế và ngân sách 8,4 tỉ đồng. Nếu nâng bình quân 1 lớp 35 học sinh thì trường này chỉ còn 33 lớp với 85 biên chế và nhà nước tiết kiệm được trên 1,5 tỉ đồng/năm! Hoặc trường THPT Đăk Ơ có 529 học sinh được chia thành 23 lớp (23 học sinh/lớp), nhưng được giao 68 biên chế với trên 7,4 tỉ đồng năm 2014. Nếu thực hiện tăng sỉ số, trường này còn 15 lớp với 46 biên chế, tiết kiệm trên 2,3 tỉ đồng/năm!

“Như vậy, chỉ với 11 trường: Phổ thông cấp 2-3 Đồng Tiến, Đăng Hà, Đa Kia, Võ Thị Sáu, các trường THPT thị xã Phước Long, Thanh Hòa, Nguyễn Khuyến, Đăk Ơ, Thống Nhất, Chu Văn An và Lê Quý Đôn, với con số 213 biên chế được xem là “thừa” đã tiêu tốn một cách vô bổ nguồn ngân sách Nhà nước mỗi năm lên trên 15 tỉ đồng. Riêng 70 lớp học, chỉ cần tính toán theo dự toán đầu tư mỗi phòng tương đương 500 triệu đồng, quy ra đã lãng phí tương đương 30 tỉ đồng, và chỉ riêng ngành GD-ĐT tỉnh đã lãng phí ngân sách Nhà nước gần 50 tỉ đồng/năm”, vị giáo viên, bức xúc nói.

 - Ảnh 1

Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) được cấp 6,758 tỉ đồng cho 82 biên chế, nhưng thực tế dư tới 20 biên chế và gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước trên 1,6 tỉ đồng/năm!

Tuyển thêm 300, dù dư trên 200 biên chế!

Mặc dù đã dư hàng trăm biên chế như đã phân tích, thế nhưng theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, hiện đang trực tiếp quản lý 3.106 biên chế thuộc các khối trường cao đẳng sư phạm, phổ thông Dân tộc nội trú, các Trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường THPT. Đến thời điểm tháng 2-2014, đã tuyển 2.948 biên chế, còn 158 đã hợp đồng chờ tuyển! Phải chăng do nguồn tiền chi trả cho số biên chế “dôi dư” là tiền được chi từ nguồn ngân sách Nhà nước được thu từ thuế của người dân nên Sở GD-ĐT tỉnh này “vô tư xà xẻo”?

Chưa kể số biên chế sự nghiệp giáo dục (BCSNGD) thuộc khối huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước tăng đến mức kinh khủng! Cụ thể, tại huyện Đồng Phú còn 27 biên chế so với số biên chế tạm giao năm 2012-2013, nhưng các trường đã hợp đồng chờ tuyển 70 người! Hay huyện Bù Đăng, còn lại 95 BCSNGD so với số tạm giao 2012-2013, nhưng đã hợp đồng chờ tuyển tới… 212 giáo viên (dư thêm 117 người).

Đối với huyện Bù Gia Mập, các trường học của huyện đã được hợp đồng chờ tuyển vượt chỉ tiêu tạm giao năm học 2012-2013 là 84 người, huyện Hớn Quản vượt chỉ tiêu 34 người. Huyện Chơn Thành đến thời điểm kiểm tra, tổng biên chế sự nghiệp giáo dục của huyện so với số tạm giao năm 2012-2013 còn lại 6 biên chế nhưng đã hợp đồng chờ tuyển là 34 người và vượt chỉ tiêu tạm giao là 28 người. Đặc biệt tại huyện này, khi kiểm tra các trường trực thuộc huyện chưa trình phòng GD-ĐT duyệt bảng lương mà chỉ thông qua phòng tài chính của UBND huyện. Vì vậy thực hiện sai quy trình duyệt lương quy định làm cho phòng GD-ĐT không nắm rõ diễn biến nhân sự và tiền lương tại các trường nên gặp khó khăn trong tham mưu giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên và nhân viên của ngành.

Còn Đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước, khẳng định: “Một số trường tổ chức giãn lớp, bố trí số lượng học sinh quá ít trên mỗi lớp (dưới 30 học sinh) đã làm tăng số lượng lớp học dẫn đến tăng nhu cầu biên chế không cần thiết, gây lãng phí khá lớn cho ngân sách nhà nước”.

Lãng phí vẫn xây thêm trường!

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, năm học 2013-2014, cả trường Phổ thông cấp 2-3 Đồng Tiến chỉ có 1.008 học sinh, được chia thành 36 lớp học với 108 biên chế và được ngân sách cấp 9 tỉ đồng. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế trường này chỉ có… 30 lớp (cấp 2 có 18 lớp, cấp 3 chỉ 12 lớp, sỉ số bình quân 32 học sinh/lớp), số biên chế thừa ra trên 30 giáo viên, mỗi năm trường này gây lãng phí cho ngân sách trên 2 tỉ đồng.

Mới đây, trường Phổ thông cấp 2-3 Đồng Tiến (H. Đồng Phú) được tách ra. Vì vậy ngân sách Nhà nước phải bỏ ra thêm 40 tỉ đồng để xây dựng trường THPT Đồng Tiến với quy mô 1 trệt 1 lầu, gồm: 24 phòng học, 8 phòng bộ môn, khu hiệu bộ (BGH, các phòng – ban, nhà để xe, sân) trên diện tích 3,6 ha. Trong khi đó năm học 2013-2014, số học sinh cấp 3 tại trường này chỉ khoảng 390 em! “Liệu việc xây dựng trường mới, trong khi trường Phổ thông cấp 2-3 vẫn còn tốt phải chăng để tiếp tục xà xẻo tiền ngân sách đã được cấp?”, một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước tâm tư.

Lê Anh

Xem thêm video clip : 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý