Bình Thuận: Ngàn hộ dân phải bơi sông để canh tác

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Bình Thuận: Ngàn hộ dân phải bơi sông để canh tác

Sống ở bên này sông Dinh, nhưng “cái ăn” lại nằm bên kia sông, mỗi ngày có đến cả ngàn hộ dân xã Tân Hà (huyện Hàm Tân) phải tìm đủ mọi cách, từ đi xuồng, đi thuyền thúng, đến việc phải bơi qua sông Dinh để canh tác hoa màu và chăn nuôi.

25/08/2014 03:35 PM
814

Và để có được cái ăn đó, trong 7 năm liên tiếp, đã có 13 người thiệt mạng do bị lũ cuốn trôi, trong đó có cả những cháu học sinh ra đồng để giúp cha mẹ. Bến Cây Gáo - nơi đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm do nước cuốn trôi - đã được người dân đổi tên thành bến “đau thương”.

Bến đau thương…

Bến Cây Gáo là bến sông nằm ở thôn Suối Máu, xã Tân Hà. Mùa khô, khúc sông Bến Gáo phẳng lặng và cạn dòng, người dân có thể lội qua sông. Còn vào mùa mưa, con sông Dinh hung dữ đến cuồng nộ, đột ngột kéo lũ từ thượng nguồn về, cướp đi sinh mạng của 13 người dân xấu số ở 2 thôn Suối Máu và Đông Thanh của xã Tân Hà.

Đã tròn 9 năm ngày ông Trần Bá Kim (60 tuổi, ngụ thôn Đông Thanh, xã Tân Hà) mất đi 2 người con gái là Trần Thị Diệu Huyền (SN 1985) và Trần Thị Thùy Trang chỉ trong vòng một ngày. Trong lúc cố gắng lội vượt sông vào lúc trời nhập nhoạng tối thì một cơn lũ bất ngờ từ thượng nguồn đổ ập xuống, khiến cả hai bị cuốn trôi trong chớp mắt. Ông Kim nói rằng, để lo có cái ăn, cái mặc, bà con chỉ còn cách “chống chèo” cố gắng qua lại.

Năm 1999, một cơn lũ lớn đã cuốn trôi hai vợ chồng nông dân khi đang băng qua sông Dinh. Năm 2003, ba mẹ con bà Huỳnh Thị Mỹ Lệ tranh thủ lúc nước cạn đánh xe bò lội qua sông thì bất ngờ lũ trên thượng nguồn đổ xuống, đánh lật úp và cuốn trôi chiếc xe bò cùng bà Lệ và người con gái Phan Thị Lý Huỳnh.

Ông Kim nhận phần cơm từ con trai để đưa sang bên kia sông cho vợ

Cần lắm một con thuyền!

Hiện nay, phương tiện đi lại, canh tác của người dân hai thôn Suối Máu và Đông Thanh đều là tự túc, chỉ có một vài người dân có thuyền thúng để băng sông, một số khác thì đi xuồng của ông Phạm Đức Thành tự đóng. Gần 14 năm lái đò trên bến Cây Gáo, vì chứng kiến nhiều cái chết quá thương tâm nên ông đã vay tiền từ ngân hàng và bỏ thêm một ít để mua cái xuồng. Người già và trẻ nhỏ ông chở miễn phí, ai có tiền đưa bao nhiêu ông nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi.

Ông Nguyễn Quang Hoàng – cán bộ địa chính xã Tân Hà - cho biết: Xã Tân Hà có khoảng 1.300 hộ dân thì có đến 70% các hộ dân phải sang bên kia sông để canh tác, trung bình mỗi hộ có 2-3 người. Ông Trần Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân - cho biết: Trước đây, huyện đã đầu tư một chiếc xuồng gỗ làm phương tiện đi lại qua sông, nhưng chỉ được 7 năm thì đã bị mục nát, hư hỏng.

Tỉnh Bình Thuận đã xin ngân sách được 10 tỉ đồng để xây dựng cầu qua sông Dinh, mọi thủ tục để triển khai dự án đã chuẩn bị xong thì “đùng” một cái nguồn vốn 10 tỉ đồng này lại được chuyển qua để mua xe cứu thương phục vụ hệ thống bệnh viện tuyến huyện. Tỉnh phải đổi phương án tự xây dựng cầu. Phương án ban đầu là sẽ xây dựng một chiếc cầu treo “bề thế” cho người dân, nhưng số tiền vận động quá lớn nên chuyển qua việc xây dựng một chiếc cầu bêtông có mặt cắt 4-5m, số tiền thực hiện cây cầu này cũng khoảng 7 tỉ đồng.

UBND huyện Hàm Tân cũng đang “đau đầu” trong việc tìm nguồn kinh phí. Trước mắt, người dân cần là một chiếc thuyền bằng chất liệu composite trong khi đợi xây cầu. Một chiếc thuyền như thế có thể từ 70 – 100 triệu đồng, chưa kể mua áo phao. Khi có thuyền rồi, chúng tôi sẽ cử ông Thành đi học lái tàu và giao phương tiện cho ông quản lý, bảo quản”.

Theo Laodong.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý