Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba: Con đường nhiều chông gai!

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba: Con đường nhiều chông gai!

(Công lý) “Nút thắt” to nhất ở đây chính là Quốc hội Mỹ. Bởi luật cấm vận đã được Quốc hội Mỹ thông qua, thì giờ đây, muốn dỡ bỏ, cần phải có sự thông qua của Quốc hội.

03/05/2015 10:31 AM
249

Từ cuối năm 2014, Mỹ và Cuba tuyên bố tiến tới thiết lập lại quan hệ ngoại giao. Hiện, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước hiện đang được thúc đẩy.

Đặc biệt, ngày 11/4 vừa qua, tại cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo hai nước sau gần 60 năm, trong suốt cuộc hội đàm 80 phút, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngồi trên ghế gỗ cạnh nhau và trò chuyện thân mật trong phòng họp nhỏ.  

Trong cuộc gặp gỡ lịch sử bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ tại thủ đô Panama City của Panama, Tổng thống Obama hứa sẽ “lật sang trang mới” và phát triển mối quan hệ mới giữa hai quốc gia này.

Vậy quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Mỹ - Cuba gặp những thách thức và thuận lợi gì? Và liệu việc bình thường hóa này sẽ tác động như thế nào đối với Viêt Nam?

Mời độc giả tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện với Đại sứ Phạm Tiến Tư, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cuba, về vấn đề này.

Quan hệ Mỹ - Cuba có nhiều bước chuyển biến tốt đẹp.

PV: Mỹ và Cuba có một quá trình quan hệ căng thẳng 53 năm, trong đó có thể xem Cuba như là “nạn nhân” của một loạt chính sách bao vây, cấm vận mà chính quyền Washington đã đưa ra. Việc Tổng thống Barack Obama bất ngờ ra tuyên bố khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Cuba hồi tháng 12 năm ngoái, sau đó là việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố hồi tháng 4/2015, khiến cả thế giới bất ngờ. Còn ông nghĩ gì về sự kiện này?

Đại sứ Phạm Tiến Tư: Đúng như quy luật phát triển của sự vật, sự tích lũy về lượng sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất, và dẫn tới những bước nhảy vọt.

Quan hệ Mỹ và Cuba đã 53 năm căng thẳng, nhiều người băn khoăn, tại sao lại bình thường hóa vào lúc này? Đó là bởi vì nó đã chín muồi, đã có quá trình tích lũy 53 năm, và đã đến lúc nó cần có bước nhảy vọt về chất, dẫn đến bình thường hóa với nhau. Như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng, đó là một chính sách lỗi thời, và đến 67% nhân dân Mỹ ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Điều đó có lợi cho Mỹ, và phù hợp với đặc điểm “thực tế” của người Mỹ.

Nếu nói bí mật và bất ngờ là yếu tố của thành công, thì cuộc đàm phán trong 18 tháng lấy Vatican và Canada làm trung gian hòa giải, và đến cấp cao nhất là cuộc gặp gỡ lịch sử của Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro, để rồi sau đó đưa ra những tuyên bố khiến thế giới bất ngờ. Thế nhưng, xét cho cùng, điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển như tôi đã nói ở trên.

PV: Những thách thức và thuận lợi trong quá trình thiết lập và bình thường hóa quan hệ giữa Cuba với Mỹ và các nước phương Tây hiện nay là gì, thưa ông? Hai bên đã có những động thái tích cực gì để thúc đẩy tiến trình đó?

Đại sứ Phạm Tiến Tư: Về khó khăn, từ bình thường hóa rồi đi tới dỡ bỏ bao vây cấm vận, đó là quá trình nhiều chông gai và quanh co phức tạp.

“Nút thắt” to nhất ở đây chính là Quốc hội Mỹ. Bởi luật cấm vận đã được Quốc hội Mỹ thông qua, thì giờ đây, muốn dỡ bỏ, cần phải có sự thông qua của Quốc hội.

Khó khăn nhất lúc này chính là việc Tổng thống Obama chỉ còn có 2 năm nữa sẽ hết nhiệm kỳ, và xem ra rất khó để có thể thực hiện được điều mà ông và Cuba mong muốn. Như chúng ta đã biết, Đảng Cộng hòa chiếm đa số cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ, và như vậy thì, chắc chắn việc dỡ bỏ lệnh bao vây cấm vận khó qua được “ải” này.

Tuy nhiên, với những “nút thắt” nhỏ hơn nằm trong tầm tay của quyền lực Tổng thống, chắc chắn ông Obama sẽ dùng hết quyền của mình để có thể dỡ bỏ từng bước.

Với những “nút thắt” nhỏ hơn nằm trong tầm tay của quyền lực Tổng thống, chắc chắn ông Obama sẽ dùng hết quyền của mình để có thể dỡ bỏ từng bước.

Về thuận lợi, chúng ta cần khẳng định rằng, hiện nay cả hai bên đều có thiện chí. Có một nguyên lý, trong thương lượng phải có tương nhượng, tức là có nhân nhượng lẫn nhau. Nếu bên nào cũng giữ quan điểm lập trường của mình thì sẽ không thể nào “gặp nhau” được.

Và như chúng ta đã chứng kiến, Washington và La Habana (Havana) vừa qua đã có những bước tiến. Điều này được thể hiện bằng tuyên bố ngày 17/12/2014, hai nước bình thường hóa quan hệ và tiến tới dỡ bỏ bao vây cấm vận. Tiếp đó, Mỹ quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố; rồi sau đó đi đến Hội nghị cấp cao các nước châu Mỹ ở Panama ngày 10/4/2015, Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Obama đã có cuộc hội đàm để khẳng định nỗ lực tiếp tục quá trình bình thường hóa.

Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tôi cho rằng, sẽ diễn ra thuận lợi trong thời gian tới, bởi điều kiện tiên quyết là đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố thì đã làm được.

Đây có thể coi là một bước đi, một quyết định hết sức dũng cảm của Tổng thống Barack Obama, bởi 10 đời Tổng thống trước ông đã không làm được điều đó. Một khi đã nhận thức được chính sách thù địch với Cuba trong 53 năm là lỗi thời thì không có lý do gì không thực hiện. Và điều này nói lên được thực tiễn: đối thoại đã thay cho đối đầu, biết chung sống hòa bình trong việc tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Tất nhiên sẽ vẫn còn nhiều khó khăn bởi bước đi bao vây cấm vận Cuba như thế nào, thì bước tháo gỡ “nút thắt” cũng sẽ diễn ra tuần tự chứ không thể nhanh và có những bước đột biến bất thường được.

Việc lập lại quan hệ ngoại giao và dỡ bỏ những lệnh mà do Tổng thống quyết định trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Cuba có thể từng bước được tháo gỡ. Tuy nhiên, để dỡ bỏ luật bao vây cấm vận về kinh tế, tài chính, thương mại đối với La Habana do Quốc hội đã thông qua thì sẽ cần có cả một quá trình sau đó. Song tôi khá lạc quan về tiến trình này, một khi hai bên đều kiên trì và có thiện chí với nhau.

Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa nhà lãnh đạo hai nước Mỹ và Cuba.

PV: Chỉ còn hai năm nữa ông Obama sẽ hết nhiệm kỳ Tổng thống. Liệu ông Obama có thể hoàn thành việc này trong thời gian đương nhiệm, theo ông dự báo? Và để có thể tiến tới bình thường hóa quan hệ, hai bên cần có những thay đổi gì?

Đại sứ Phạm Tiến Tư: Như trên tôi đã nói, những lệnh do Tổng thống ban hành, ông Obama sẽ có thể dỡ bỏ như luật di trú, đi lại thăm hỏi lẫn nhau, du lịch, hay một số mặt hàng xuất khẩu trao đổi với nhau mang tính chất nhân đạo như vật liệu xây dựng, thuốc men, lương thực thực phẩm…

Đạo luật Torricelli ban hành năm 1992, và luật Hell Burton ban hành năm 1996 quy định những điều kiện hết sức ngặt nghèo thì cũng sẽ được tháo gỡ từng bước để nhân dân hai nước giao lưu du lịch, văn hóa, giáo dục. Tuy nhiên, việc tháo bỏ bao vây kinh tế, thương mại và tài chính thì sẽ còn vô cùng gian khổ.

Nhưng đúng như Chủ tịch Raul Castro đã từng nói: Cuba kiên trì quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, song yêu cầu phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, 1mm Cuba cũng không nhân nhượng. Còn tất cả những vấn đề khác thì phụ thuộc vào sự thương lượng và thiện chí của hai bên.

Việc “nhân nhượng”, hiện giờ phụ thuộc vào phía Mỹ. Rõ ràng ở đây, Cuba là nạn nhân, nên không thể đánh đồng hai bên trong cuộc thương lượng này. Còn Cuba cũng cần có quá trình bởi trong 53 năm đương đầu với bao vây cấm vận, thì trong tâm lý tình cảm của người dân nước này cũng cần phải có chuyển biến dần từng bước để phù hợp với không khí chung sống hòa bình trong việc tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Song tôi tin rằng một dân tộc hết sức lạc quan và kiên cường trong đấu tranh của mình như Cuba thì xứng đáng có một cuộc sống hòa bình, và sẽ biết cách chung sống hòa bình với đất nước to lớn đã thù địch với mình suốt 53 năm qua. Xét đến cùng, đây cũng là xu thế chung và là dòng chảy chính của thời đại: hòa bình, hợp tác và phát triển.

Cái bắt tay xiết chặt đầy tin tưởng cho một quan hệ hữu nghị trong tương lai?

PV: Vậy thì Việc bình thường hóa quan hệ Cuba - Mỹ và phương Tây sẽ có tác động như thế nào đến quan hệ với Việt Nam, thưa ông?

Đại sứ Phạm Tiến Tư: Cuba, với Việt Nam, có một quan hệ hết sức đặc biệt. Quan hệ đặc biệt đó có thể được khái quát bằng tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị anh em thủy chung, trong sáng, vô tư. Đó là mối quan hệ nhất quán trong việc đoàn kết ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ, ủng hộ, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, ưu tiên, ưu đãi cho nhau theo điều kiện thực tế của đất nước mình, để cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công trên đất nước Việt Nam và Cuba.

Nếu trong chiến đấu, Cuba sẵn sàng vì Việt Nam mà “sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, thì trong thời bình, Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi để góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam 10 lần to đẹp hơn, như Bác Hồ hằng mong muốn trong di chúc gửi lại toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam.

Vì thế, cũng như nhiều người Việt Nam khác, tôi cho rằng, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ của Cuba sẽ tác động tích cực đến nước chúng ta.

Điều có thể nhìn thấy rõ nhất đó là, nếu trước đây Việt Nam mặc dù vẫn tiếp tục mối quan hệ anh em với Cuba, song cũng gặp một số khó khăn trong việc tìm nguồn tài chính, thanh toán, trao đổi với nhau. Vậy thì, khi Mỹ bình thường hóa quan hệ từng bước với Cuba, thì Việt Nam có thể thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế với cả hai nước vì mục tiêu phát triển chung.

Đành rằng việc gì cũng có hai mặt của nó. Người ta có thể cho rằng giữa Việt Nam và Cuba sẽ xảy ra cạnh tranh trong việc tìm kiếm các quan hệ đầu tư thương mại của Mỹ, song với quan hệ “hai người anh em sinh đôi như hai người lính đứng canh gác ở hai đầu cầu vì hòa bình và bình yên của thế giới như Việt Nam và Cuba, thì tôi cho là điều đó không phải là một trở ngại, vì hai bên đều coi khó khăn của bạn là khó khăn của mình để đoàn kết cùng nhau giải quyết; đều coi thắng lợi của bạn là thắng lợi của mình, không tính toán thiệt hơn trong quan hệ anh em đồng chí cùng chung lý tưởng và mục tiêu phấn đấu.

Xin cảm ơn ông!

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý