Bộ Công Thương khuyến khích đưa vải thiều vào Nam

nhidong nhidong @nhidong

Bộ Công Thương khuyến khích đưa vải thiều vào Nam

Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đặc biệt các tỉnh phía Nam, là giải pháp giúp loại trái cây nổi tiếng này có đầu ra ổn định lâu dài, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

17/06/2014 04:36 PM
1,899

Tại hội nghị "Vùng Đông - Tây Nam Bộ về tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều" được tổ chức tại TP HCM chiều 16/6, đa số đại diện các tỉnh - thành và bộ, ngành liên quan đều cho rằng vải là trái cây ngon nhưng đầu ra không ổn định. Lâu nay, loại trái cây nổi tiếng này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước chỉ chiếm một lượng nhỏ so với sản lượng thu hoạch.

Hiện nay vải thiều bắt đầu vào vụ thu hoạch. Với tổng diện tích trồng khoảng 43.000 ha, sản lượng đạt khoảng 190.000 tấn, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương được xem là cái nôi của thải thiều. Bộ Công Thương cho hay hiện thị trường xuất khẩu gồm Trung quốc, Lào, Campuchia và các nước châu Âu (chiếm khoảng 40% sản lượng). Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của vải thiều với 95% tổng sản lượng xuất khẩu (tương ứng 50.000 tấn) vải thiều của Bắc Giang tập trung vào thị trường Trung Quốc.

"Thương lái Trung Quốc về tận vườn thu mua, đưa đến Bắc Kinh. Đến nay tại Bắc Giang có 85 điểm thu mua của thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, giá bán vào thị trường này không ổn định", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Vải thiều đang vào mùa thu hoạch.

Năm 2013, giá bán của các doanh nghiệp ký hợp đồng với phía Trung Quốc ở mức 20.000-27.000 đồng một kg. Còn giá bán với những cư dân biên giới mang sang trao đổi chỉ dao động ở mức 10.000-20.000 đồng. Năm nay, giá vải thiều vào thị trường này cũng chỉ dao động ở mức 10.000-27.000 đồng một kg.

Ông Bùi Văn Hạnh - Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang (địa phương có sản lượng vải thiều lớn nhất nước) cho rằng, không phải thị trường xuất khẩu lúc nào cũng ổn định về giá và lượng cho sản phẩm. Thị trường nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro nên rất nguy hiểm. Vì vậy, cần xúc tiến thị trường trong nước, bởi vì tiềm năng của thị trường trong nước rất cao và ổn định.

"Để người tiêu dùng tin tưởng chất lượng vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo nhà vườn cũng như doanh nghiệp hạn chế mức thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật, nghiêm chỉnh với quy trình bảo quản”, ông Hạnh khẳng định.

Theo đại diện các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, thị trường nội địa tiêu thụ rộng khắp toàn quốc, trong đó chủ yếu tại các tỉnh lân cận phía Bắc và các tỉnh phía Nam chiếm khoảng 60% sản lượng, tương ứng khoảng 80.000 tấn. Vì vậy, để quả vải phát triển mạnh ở thị trường nội địa các Bộ, ngành liên quan cần phối hợp với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương cùng các tỉnh thành tìm giải pháp đưa quả vải thiều tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa.

Đồng quan điểm, ông Đoàn Xuân Hòa - Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, nông dân đang thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, quản lý tốt hơn nhằm kéo dài được thời gian thu hoạch vải trong vòng 2 tháng và thu rộ một tháng. Tuy nhiên, muốn tăng giá trị gia tăng cho quả vải cần thay đổi tổ chức sản xuất, công nghệ, thị trường. Đặc biệt, nên trú trọng phát triển thị trường trong nước.

Chất lượng vải thiều Bắc Giang được đánh giá là "có một không hai".

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, cho rằng vải thiều đang được xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, Lào, Campuchia, châu Âu... nhưng các tỉnh, thành trong nước cũng cần phối hợp để sản phẩm này được phân phối rộng khắp cả nước. "Song song với việc phát triển thị trường nội địa cho quả vải thiều đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng quả vải, kéo dài thời gian sử dụng bằng việc áp dụng công nghệ bảo quản hiện đại nhằm tăng giá trị gia tăng", bà Thoa nói.

Để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phía Nam, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan mà trước tiên là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa triển khai các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường. Đồng thời, thường xuyên tổ chức với quy mô rộng hơn Chương trình kết nối cung - cầu để kết nối giữa vùng sản xuất nông sản với hệ thống phân phối như: hệ thống siêu thị, chuỗi các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản và các chợ đầu mối...

Cùng với phát triển thị trường trong nước, sắp tới Bộ Công Thương còn có kế hoạch đàm phán song phương và đa phương để tiếp tục mở rộng thị trường thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Khu vực mậu dịch tư do Châu Âu (EFTA), Hiệp định Thương mại tự do - Liên minh hải quan gồm 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan...

Theo Vnexpress.net

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý