Bố mẹ vô tình hại con vì cho đi bơi phản khoa học

remember1 remember1 @remember1

Bố mẹ vô tình hại con vì cho đi bơi phản khoa học

Nhiều trường hợp phụ huynh tranh thủ thời gian cho con đi bơi, hoặc cứ nghĩ con biết bơi rồi nên kệ con muốn xuống nước thế nào cũng được là rất sai lầm.

04/07/2016 09:52 AM
8,494

Rỗi lúc nào cho con đi bơi lúc đó

Cho con đi bơi và học bơi là việc làm rất đáng khích lệ của các bậc phụ huynh, nhất là trong bối cảnh tai nạn đuối nước xảy ra khá nhiều hiện nay, trong đó tỷ lệ đuối nước chủ yếu xảy ra ở những đối tượng không biết bơi. Tuy nhiên đi bơi và học bơi như thế nào, vào thời điểm nào cũng là việc các bậc phụ huynh cũng cần phải cân nhắc.

Thực tế không ít trường hợp tranh thủ ngày cuối tuần hoặc tranh thủ những lúc nhàn rỗi, bố mẹ cho con đi tập bơi, sau đó con bị ốm và phải nhập viện điều trị, như vậy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tốn kém thêm kinh phí.

Chị Thu Hoài (Đại Mỗ - Từ Liêm – Hà Nội) mỗi tuần chỉ xin nghỉ được 2 buổi chiều, tranh thủ thời gian nghỉ đó chị về sớm cho con đi học bơi. Tuy nhiên mới chỉ đi được buổi đầu tiên, con chị đã lăn ra ốm và phải điều trị mất vài ngày vì sốt và viêm đường hô hấp cấp.

Theo đó, dù trời nắng rất to nhưng do thời quỹ thời gian có ít nên 2 giờ chiều là hai mẹ con chị Hoài đã khăn gói ra bể để học bơi. Là buổi học đầu tiên và có mẹ đi cùng, nên dù đã hết thời gian 1 tiếng, nhưng con gái chị Hoài vẫn đòi chơi thêm 1 tiếng nữa.

Kết quả là, sau gần 2 tiếng học bơi và nô đùa dưới nước, cộng thêm nhiệt độ cao và trời nắng…chỉ sau 1 buồi đi học bơi, con gái chị Hoài đêm hôm đó đã sốt gần 40 độ và phải ra trạm y tế phường nhờ can thiệp lúc nửa đêm. Cũng từ đó, việc học bơi của con chị Hoài cũng gián đoạn vì sợ lại bị ốm.

Những trường hợp như chị Hoài không phải là hiếm gặp hiện nay, nguyên nhân là do các phụ huynh bị gò bó về thời gian. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia việc cho con đi bơi như vậy là phản khoa học và không mang lại hiệu quả cao.

BS Vũ Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh và Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Thể thao Việt Nam) cho rằng, thời gian lý tưởng để cho trẻ bơi lội đó là buổi sáng từ 6 giờ đến 8 giờ sáng, còn buổi chiều là khoảng 17 đến 18 giờ 30 phút. Lý do là trong khoảng thời gian này nước bể sẽ không còn nóng vì ánh nắng mặt trời chiếu xuống. Thứ hai là thời điểm đó khi đi tắm cơ thể con người ít phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, và ánh nắng lúc này không còn gay gắt nữa.

“Các bậc phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ đi tắm vào khoảng thời gian giữa trưa hay khi trời còn nắng gắt, bởi khi đó không những cơ thể bị mất nước, kiệt sức mà còn dễ bị cảm nắng, và nhiều hệ lụy khác đến sức khỏe”, BS Thủy khuyến cáo.


Trước khi cho trẻ học bơi cần tắm trắng làm quen nước.

Chủ quan với tai nạn nước giật

Một tai nạn hay nói cách khác là sai lầm nữa mà nhiều người đi tắm hoặc đi bơi ở bể bơi rất hay mắc phải đó là tình trạng nước giật. Thậm chí có người khi bị nước giật nhưng không biết mình bị làm sao.

Ví dụ như trường hợp của bạn Đinh Thành Trung khi ra bể bơi Khu Liên hợp thể thao Quốc Gia (Mỹ Đình), vẫn thói quen như mọi khi đó là thay quần áo bơi và nhảy từ trên cầu xuống nước. Tuy nhiên, hôm đó không hiểu vì lý do gì người Thành Trung cứng đơ như kiểu chuột rút toàn thân. Rất may Trung được mọi người ở bể phát hiện kịp thời và tiến hành sơ cứu, sau đó đưa vào Bệnh viện Thể thao để thăm khám lại.

Trao đổi với phóng viên về hiện tượng nước giật khi đi bơi hoặc đi tắm sông, hồ BS Vũ Thị Thu Thủy cho biết, đây là tai nạn và là một dạng ngạt nước thường hay xảy ra. Điều đáng nói tai nạn này không chỉ xảy ra đối với người không biết bơi, mà nhiều người biết bơi nhưng chủ quan nên vẫn bị như thường.

“Đây là một dạng ngạt nước (nước giật, sốc nước) do ngất khi tiếp xúc với nước. Theo đó có 3 dạng thường hay xảy ra tình trạng ngất dưới nước, đó là chấn thương do sức ép vào vùng thượng vị, nhãn cầu và vùng sinh dục. Đôi khi cũng xảy ra trong tình trạng người bơi gập hoặc ưỡn quá mức đốt sống cổ.

Thứ hai là nguyên nhân do nhiệt hoặc chênh lệch nhiệt. Ở nguyên nhân này thì chia thành hai nhóm đó là sốc nhiệt (do nhiệt độ tăng làm giảm mạch, giảm thể tích tuần hoàn) và nhóm thứ hai chính là nước giật (làm co mạch đột ngột, gây tăng đột ngột thể tích tuần hoàn về tim).

Cuối cùng là ngất do do dị ứng, loại này rất hiếm gặp và chủ yếu là những người có bệnh lý bẩm sinh hoặc do quá sợ hãi”, BS Thủy phân tích.

Để đề phòng nước giật, BS Thủy cho biết: “Cách đề phòng rất đơn gian, nhưng mọi người thường hay bỏ qua. Thứ nhất như tôi đã nói ở trên, mọi người không nên đi tắm khi nhiệt độ ngoài trời quá cao. Điều đặc biệt lưu ý là khi đi tắm ở hồ bơi hay ngoài thiên nhiên chúng ta phải tắm tráng (làm quen với nước) trước cho cơ thể thích ứng sau đó mới hoạt động bơi lội. Nếu bỏ qua giai đoạn này, nhảy thẳng xuống vùng nước sâu rất dễ bị nước giật”.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý