Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói về chế độ nghỉ thai sản từ 1/5

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói về chế độ nghỉ thai sản từ 1/5

(GDVN)  “Chúng tôi đề nghị là nếu những doanh nghiệp cứ cố tình thu bảo hiểm rồi mà không đóng thì phải đưa vào một trong những tội của Luật hình sự thì mới nghiêm được”.

29/04/2013 07:05 AM
3,890

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền (Ảnh: congly.com.vn)


Từ 1/5 chế độ nghỉ thai sản là 6 tháng


Bắt đầu từ ngày 1/5/2013, Bộ Luật lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực trong cuộc sống. Theo đó, hàng loạt các chính sách liên quan đến người lao động được thay đổi, như: Chính sách liên quan đến chế độ nghỉ hưu, chế độ nghỉ thai sản hay các chính sách về chế độ lương tối thiểu… 


Nói về Bộ Luật lao động sửa đổi trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” tối 28/4, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho hay: “Bộ Luật lao động sửa đổi lần này có một số nội dung liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người lao động và người sử dụng lao động. Nhiều chính sách đã đáp ứng được một phần quyền lợi mà người lao động mong muốn, cũng như giải đáp, chia sẻ được một phần khó khăn đối với những người sử dụng lao động. Cụ thể, những chính sách đối với người lao động như chế độ thai sản hiện nay là 4 tháng, thì từ 1/5 này được nghỉ 6 tháng. 


Thứ 2 là ngày nghỉ lễ, Tết… chính sách hiện hành là nghỉ 9 ngày nhưng theo luật mới thì người lao động được nghỉ thêm 1 ngày nữa là 10 ngày. Thứ 3 là về tuổi nghỉ hưu, trong Khoản 3, Điều 187 có quy định giao Chính phủ sẽ nghiên cứu quy định một số trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu so với quy định của Luật. Đó là những người quản lý, những người có trình độ cao và một số trường hợp đặc biệt. Như vậy đáp ứng được phần nào sử dụng chất xám của những người có trình độ. Thứ 2 là góp phần để giải quyết những vấn đề về bình đẳng giới và tạo điều kiện cho chị em tiếp tục có điều kiện phát triển”.


Trước ý kiến lo ngại về chính sách tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm mất cơ hội việc làm của một bộ phận lao động trẻ tuổi, Bộ trưởng Chuyền đánh giá: “Nói như vậy thì cũng không hẳn. Bởi số người mà giao Chính phủ nghiên cứu vận dụng thì có tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số lao động. Ví dụ một năm chúng ta có 1,1 triệu lao động ở độ tuổi lao động, chủ yếu là tuổi trẻ, nhưng nếu chính sách này có vận dụng thì con số này dưới 10.000. Tôi nghĩ rằng cũng không phải là con số quá lớn ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của tuổi trẻ”.


Mức lương tối thiểu mới đảm bảo được xấp xỉ 60% nhu cầu sống tối thiểu


Về mức lương tối thiểu và cơ chế điều chỉnh lương để có thể sát với thực tế cuộc sống của người lao động, bà Chuyền cho hay: “Lương tối thiểu trong quy định của Luật là phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, hiện nay theo báo cáo số liệu của thống kê thì mức lương tối thiểu mới đảm bảo được xấp xỉ 60% nhu cầu sống tối thiểu đó. Đây là việc hết sức khó khăn cho người lao động. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động nghiên cứu lộ trình tăng lương để đảm bảo đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu.


Tuy nhiên, phương án đó khó thực hiện khi kinh tế đang rất khó khăn. Hai nữa là các doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn với trả mức lương tối thiểu như hiện nay. Chính vì vậy, chúng tôi thấy rằng cần có lộ trình, với tinh thần tích cực nhất, chậm nhất đến năm 2017 phấn đấu mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, cũng phải chịu một chi phối nữa là khả năng phát triển của kinh tế đất nước, nếu vẫn khó khăn thì mục tiêu này cũng không phải dễ thực hiện”.


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm: “Lộ trình nâng lương của Chính phủ đã gắn với yếu tố lạm phát. Còn tức khắc do lạm phát mà điều chỉnh ngay lương thì doanh nghiệp rất khó, bởi họ còn có kế hoạch cân đối tiền lương và kế hoạch kinh doanh. Nếu tăng lương tối thiểu mà ảnh hưởng đến doanh nghiệp thì việc ấy cũng không thể làm được ngay”.


Nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp là hơn 4.200 tỷ đồng

Trước những bức xúc về vấn đề nợ đọng bảo hiểm, bà Chuyền cho biết: “Vấn đề nợ đọng bảo hiểm là vấn đề chúng tôi rất quan tâm, vì đây là quyền lợi của người lao động. Số liệu đến bây giờ thì số nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp đối với người lao động là hơn 4.200 tỷ đồng. Con số này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi phải chốt sổ bảo hiểm chuyển lao động đi nơi khác.


Tình trạng nợ đọng này có 3 loại. Thứ nhất, do cơ chế của chúng ta về phạt chậm trả bảo hiểm thì mức phạt còn thấp so với mức vay ngân hàng, nên có doanh nghiệp có thể có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhưng người ta tận dụng nguồn này đưa vào sản xuất kinh doanh và chịu phạt chậm nộp vì còn thấp hơn lãi vay ngân hàng. Thứ 2 là có doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm vì khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên khó thực hiện được ngay đúng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Thứ 3 thì có doanh nghiệp đã thu của người lao động, nhưng lại cố tình không đóng vì quyền lợi riêng của mình.


Tôi nghĩ trong 3 loại trên thì hướng xử lý tới phải rõ ràng. Thứ nhất, đối với những đơn vị quá khó khăn thì mình cũng phải xem xét có giải pháp hỗ trợ để cho phép người ta chậm trả. Thứ 2 là những doanh nghiệp mà có điều kiện nhưng vì do so sánh lãi suất với việc chậm trả thì phải nâng mức phạt cao hơn hiện tại. Thứ 3, đối với doanh nghiệp có điều kiện và thu của người lao động rồi mà không đóng thì phải phạt nghiêm, và hướng tới đây khi đưa vào sửa Luật Bảo hiểm xã hội trình Quốc hội vào cuối năm nay thì chúng tôi đề nghị là nếu những doanh nghiệp cứ cố tình thì phải đưa vào một trong những tội của Luật hình sự thì tôi nghĩ như vậy mới nghiêm được.


Còn đối với người lao động, do doanh nghiệp không chốt sổ cho họ mà họ phải chuyển nơi khác thì nơi nhận ấy cho người lao động được đóng bảo hiểm và doanh nghiệp cũ tiếp tục thanh toán để được nối tiếp bảo hiểm. Phần nợ và cách giải quyết đối với người lao động thì chúng tôi nghĩ là phải như vậy, và với một quan điểm là nếu doanh nghiệp có điều kiện mà không đóng thì phải xử phạt nghiêm. Còn doanh nghiệp quá khó khăn thì ta có sự chia sẻ”.


Theo Bộ trưởng Chuyền, gần đây, bằng tác động từ phía công tác tuyên truyền và trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như người lao động người ta nhận biết được quyền lợi của mình nên người ta đòi hỏi thường xuyên. Thứ 2, ngành lao động cũng như công đoàn phải phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động phải nộp bảo hiểm. Thứ 3 là khi phát hiện thì phải kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình, thì tôi nghĩ như vậy mới giảm thiểu được tình trạng nợ đọng bảo hiểm của doanh nghiệp đối với người lao động.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý