Bộ trưởng Thăng: 'Đi tàu hỏa, sáng ăn phở Hà Nội tối cà phê Sài Gòn'

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Bộ trưởng Thăng: 'Đi tàu hỏa, sáng ăn phở Hà Nội tối cà phê Sài Gòn'

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, đường sắt Bắc Nam đang được nâng tốc độ lên 80 90 km/h, đồng thời với việc xây dựng khổ đôi với tốc độ 160 200 km/h.

19/11/2014 08:30 AM
1,605

Ngày 18/11, báo cáo mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, với mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”, Bộ sẽ triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tiếp tục thực hiện năm “An toàn giao thông 2015”.

Để nâng cao chất lượng công trình, từ đầu năm nay, Bộ đã xử lý 14 nhà thầu thi công, 5 nhà thầu tư vấn thiết kế, 10 nhà thầu tư vấn giám sát và 4 ban quản lý dự án vi phạm chất lượng, tiến độ.

Trước chất vấn của đại biểu Bạch Thị Hương Thủy về hiệu quả của đường cao tốc so với quốc lộ cũ, và việc thu phí được quy định ra sao, có làm tăng cước, Bộ trưởng Thăng cho biết, mức thu phí theo quy định của Bộ Tài chính; không phải muốn thu bao nhiêu cũng được.

 - Ảnh 1

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời chất vấn. Ảnh: Ngọc Thắng.

Về hiệu quả của các tuyến cao tốc, Bộ trưởng Thăng cho hay, cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau khi làm xong đã thu hút rất lớn người tham gia giao thông, buộc ngành đường sắt phải khai thác thêm việc vận chuyển hàng hóa, thay vì chỉ chở người như trước đây.

“Đi đường cao tốc êm ru, có thể nghe nhạc và làm thơ. Thậm chí có nhạc sĩ khi đi trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã sáng tác bài hát”, Bộ trưởng Thăng nêu ví dụ.

Và người đứng đầu ngành Giao thông cho biết thêm, sắp tới toàn bộ hệ thống quốc lộ sẽ được thu phí tự động, xe chạy qua không cần dừng, giúp lưu thông nhanh hơn và khi đó các nhà đầu tư BOT cũng sẽ không giấu được doanh thu.

Cần 12.000 tỷ đồng làm gần 8.000 cầu treo ở 50 tỉnh, thành

Chia sẻ về khó khăn trong việc đi lại của người dân vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, do bị cách trở sông suối, nhiều nơi người dân phải đu dây qua sông, qua sông bằng túi nylon. Bộ đã xây dựng đề án phát triển cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh trên cả nước.

Qua khảo sát và rà soát, cả nước cần xây dựng khoảng hơn 7.800 cây cầu. Bộ đã báo cáo Chính phủ và đầu tư 186 cây cầu, ứng vốn 2015 để thực hiện, hoàn thành vào 30/6/2015. Để làm được số cầu này cần gần 12.000 tỷ, Bộ Giao thông dự kiến huy động nhiều nguồn vốn khác nhau.

Lo lắng về an toàn ở dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn: "Tuyến đường này sử dụng công nghệ của quốc gia nào, cũ hay mới. Vì sao tuyến độ quá chậm, đội vốn quá cao?"

Đại biểu này cho biết thêm, từ hôm rơi bó thép làm chết người, ông và nhiều cử tri đi trên tuyến đường này rất lo ngại. "Nếu tàu rơi xuống đất sẽ là thảm họa. Vậy Bộ trưởng có cam kết khi đưa tàu này vào khai thác có an toàn 100% hay không?", ông Đương hỏi.

 - Ảnh 2

Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn tại hội trường. Ảnh: Ngọc Thắng.

Đánh giá đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm, Bộ trưởng Thăng chia sẻ, dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công, sử dụng công nghệ của Trung Quốc, nhưng là công nghệ mới nhất. Tốc độ bình quân 40 km/h, tối đa 60 km/h.

"Sau sự cố hết sức đáng tiếc vừa qua, Bộ đã xử lý trách nhiệm các bên có liên quan và cho dừng để kiểm tra từng hạng mục một, nơi nào an toàn mới cho thi công. Bộ đã quán triệt phải nghiệm thu theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi đưa vào khai thác, chúng tôi bảo đảm yếu tố an toàn là số một, sau đó mới là hiệu quả", ông Thăng cam kết.

Chi phí làm cao tốc Việt Nam thấp hơn Nhật Bản, Hàn Quốc

Trước nhiều ý kiến cho rằng, suất đầu tư mỗi km đường ở Việt Nam rất cao, có những đoạn đường đắt nhất hành tinh, đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị Bộ trưởng Thăng "công khai cho nhân dân biết về chi phí đầu tư cho 1 km đường".

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thông tin suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam cao nhất thế giới là chưa chính xác. Một suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam tương đương Trung Quốc nhưng thấp hơn Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Cũng còn tùy theo dự án mà mức đầu tư cũng khác nhau. Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên giá 4,19 triệu USD/km, nhưng có những đoạn phải đi qua nền đất yếu chi phí đội lên rất cao, như đoạn Bến Lức - Long Thành là 25,8 triệu USD/km vì có hai cầu lớn là Bình Khánh và Phước Khánh", ông Thăng nêu ví dụ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch về việc đường thiết kế tối đa 120 km/h nhưng hạn chế tốc độ 80 km/h khiến người dân bức xúc, ông Thăng thông tin, sau phản ánh của đại biểu và người dân, Bộ đã rà soát tất cả biển báo trên toàn quốc và loại bỏ những biển bất hợp lý để phù hợp với thiết kế của đường và theo thông lệ quốc tế.

“Chúng ta bỏ tiền ra làm để chạy được 120 km/h, nếu chỉ chạy tối đa 80 km/h là lãng phí”, Bộ trưởng Thăng nói.

Đi tàu hỏa, sáng ăn phở ở Hà Nội, tối uống cà phê ở Sài Gòn

Cùng mối quan tâm về dự án đường sắt, đại biểu Phùng Văn Hùng nêu cảm nhận: “Tôi đã đi tàu hỏa và thấy chất lượng vô cùng kém, nhất là dịch vụ vệ sinh, nếu đi tàu đêm thì không thể ngủ được vì rung lắc. Bao giờ có hệ thống đường sắt ngang tầm với các nước?”. Còn đại biểu Trần Du Lịch nêu lại mong muốn về tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM chỉ mất 10 giờ.

Bộ trưởng Thăng cho biết trong chiến lược tái cơ cấu ngành giao thông vận tải đã có cả việc tái cơ cấu ngành đường sắt. Trước mắt, Bộ Giao thông sẽ hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam, nâng tốc độ từ 50-60 lên 80-90 km/h; đồng thời xây dựng đường sắt khổ đôi với công suất từ 160 đến dưới 200 km/h để "sáng ăn phở ở Hà Nội, tối có thể uống cà phê ở TP.HCM".

Theo báo Tri thức trực tuyến

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý