Bôi thuốc chữa bệnh cam, loét miệng: Nhiều trẻ bị viêm não cấp

ez ez @ez

Bôi thuốc chữa bệnh cam, loét miệng: Nhiều trẻ bị viêm não cấp

BV Nhi TƯ liên tiếp nhận những ca cấp cứu nghi sốt cao, viêm não cấp.

28/11/2011 09:50 AM
28,134

Bệnh nhi Đỗ Phương Anh đang điều trị tại BV Nhi TƯ vì ngộ độc thuốc cam. Ảnh: P.T

Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ xác định bệnh nhân ngộ độc các loại thuốc gia truyền chữa cam, loét miệng. Hầu hết bệnh nhi đều dưới 1 tuổi.

Mất con vì mẹ liều bôi thuốc

Nằm tại Khoa Thần kinh, BV Nhi TƯ, cháu Nguyễn Bá Tùng, 5 tháng tuổi ở Đan Phượng - Hà Nội vào viện đã một tuần nay. Cháu Tùng được đưa vào viện trong trạng thái thiếu máu trầm trọng, da xanh, hay lên cơn co giật. Chị Hoàng Thị Chúc - mẹ cháu Tùng cho biết, thấy mỗi khi con bú đều bị trắng lưỡi, nghe mọi người mách bôi thuốc cam thì lưỡi cháu sẽ đỡ, chị đã mua thuốc cam của một thầy lang gần nhà về bôi cho con.
 
Sau khi bôi mấy ngày, cháu có hiện tượng sốt, ho, gia đình đưa cháu đi khám thì bác sĩ bảo chỉ bị viêm họng cấp tính. Về nhà, cho cháu uống thuốc nhưng vẫn không đỡ, chị tiếp tục bôi thuốc cam cho cháu ba ngày liên tục thì cháu nôn và lên cơn co giật, thậm chí có ngày giật tới 7 lần. Gia đình vội đưa cháu vào BV Nhi TƯ cấp cứu. Các bác sĩ xét nghiệm cho thấy, chỉ số men gan cao, định lượng chì cao hơn 200 microgam/100ml (người bình thường là dưới 20microgam/100ml).

Khi được hỏi có biết thành phần thuốc không, chị Chúc nói: Khi mua thuốc cam, thầy lang chỉ dặn là dùng 3 lần một ngày trong vòng 1 tuần. Thuốc được gói thành gói nhỏ trong giấy báo, ở dạng bột, có 2 loại, màu cam và màu xanh. Thuốc không có bất kỳ thông tin gì về thành phần cũng như xuất xứ.

Chị Chúc buồn bã cho biết thêm: "Trước cháu Tùng, tôi có một cháu nữa cũng bị bệnh y như vậy. Khi cháu bị tưa lưỡi, tôi cũng bôi thuốc cam nhiều lần cho cháu. Cứ ai mách mua thuốc cam ở đâu là tôi mua về thử bôi cho cháu xem có đỡ không nhưng cháu không đỡ mà bị nôn, co giật. Đưa vào viện khám mấy lần nhưng xét nghiệm ra không biết bệnh gì. Điều trị một thời gian thì cháu mất năm 2010 khi mới 22 tháng tuổi. Tôi nói chuyện với các bác sĩ thì bác sĩ bảo có thể cháu mất do bị ngộ độc chì".

Cùng chung tình trạng với bé Tùng là bé Đỗ Phương Anh (5 tháng tuổi, ở Bình Giang - Hải Dương). Vào viện điều trị gần hai tuần, đến nay cơ thể cháu Anh vẫn chằng chịt dây vì phải truyền nước. Phương Anh nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, co giật, ho liên tục.
 
Mẹ của cháu Phương Anh cho biết:  Thấy con bị tưa lưỡi, liền mua thuốc cam về bôi cho cháu. Thuốc này là thuốc gia truyền và hầu như nhà nào có con nhỏ bị nhiệt miệng, tưa lưỡi đều đến lấy về dùng. Mỗi gói thuốc giá 50.000 đồng. Tôi bôi cho cháu liên tục trong 10 ngày, mỗi ngày 3 lần nhưng cháu vẫn không đỡ mà có hiện tượng nôn suốt, gia đình vội đưa cháu đi khám ở phòng khám tư nhân ở quê nhưng không phát hiện ra. Về nhà cháu càng bị nôn nhiều hơn, da xanh xao, co giật, lúc ấy, gia đình mới tá hỏa đưa cháu lên BV Nhi TƯ. Vào viện, các bác sĩ kết luận cháu bị ngộ độc chì.

Trẻ co giật vì nhiễm độc chì từ thuốc cam

Theo các y tá trực tại Khoa Thần kinh, trong vòng hai tuần gần đây, Khoa tiếp nhận 5 cháu (từ 2 tháng rưỡi đến 8 tháng) có biểu hiện co giật, thiếu máu nặng. Đặc biệt, một bệnh nhi bị suy hô hấp nặng, phải thở máy. Không chỉ trẻ nhỏ bị nhiễm độc chì mà mẹ của bệnh nhi cũng bị nhiễm chì do bôi thuốc cam cùng với con. Đấy là trường hợp của mẹ cháu Minh ở Phú Thọ, kết quả xét nghiệm cho thấy lượng chì cao gấp ba lần cho phép. Hiện các ca được xác định ngộ độc chì tại bệnh viện đều lấy thuốc các cháu dùng gửi sang Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phân tích. Kết quả cho thấy, nhiều mẫu thuốc hàm lượng chì chiếm tới 10% - 20%.

Theo TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội): Ngộ độc chì đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính. Khi chì đi vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên, khiến trẻ bị co giật, rối loạn hành vi, có thể gây mất trí nhớ, giảm sút trí tuệ, cơ bắp bị ảnh hưởng có thể dẫn đến bại liệt.
 
Nếu lượng chì tồn tại trong cơ thể quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh... Chì nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Nhiễm vào xương gây ngộ độc xương làm xương không phát triển vì không có khả năng tổng hợp các chất canxi trong máu. Với những trẻ dưới 6 tuổi, hệ thần kinh còn non yếu và khả năng thải độc chất của cơ thể chưa hoàn chỉnh, nguy cơ nhiễm độc chì là rất cao.
 
TS. Thịnh cảnh báo, khi trẻ em bị nhiễm độc chì với nồng độ cao thì dù có điều trị đào thải hết cũng để lại di chứng khiến ảnh hưởng sự phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ.
 

Cảnh giác với các loại thuốc Nam hàm lượng chì cao

Theo ThS. Lê Quang Thuận, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, với ngộ độc chì ở trẻ em, thường có bi���u hiện tổn thương não như viêm não do chì (vô cảm, rối loạn ý thức, có thể có co giật), đôi khi có biểu hiện của bệnh cảnh tăng áp lực nội sọ. Ngộ độc chì cấp tính ít gặp, thường là cơn đợt cấp của ngộ độc chì mạn tính, xuất hiện khi bệnh nhân uống phải một lượng chì lớn. Biểu hiện sau 2 - 48 giờ, thường là các dấu hiệu và triệu chứng do tổn thương gây độc tế bào đối với nhiều cơ quan, đặc biệt là về hệ tiêu hóa: Chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón.

Ngộ độc chì mạn tính cũng biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng ở nhiều hệ cơ quan. Về tiêu hóa, hay gặp là đau bụng và táo bón, trong trường hợp điển hình xuất hiện cơn đau bụng dữ dội, tiến triển bởi những cơn kịch phát kèm theo nôn (có thể nhầm với bụng ngoại khoa), bệnh nhân không có sốt, không có phản ứng thành bụng, không có tụt huyết áp, X-quang ổ bụng không có dấu hiệu ngoại khoa.

ThS. Thuận cho biết, ngộ độc chì cấp thường do hấp thu chì qua đường tiêu hóa, ở nước ta rất hay gặp do uống các thuốc Nam, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc như: Mẫu đơn, Chu sa, Thần sa (trong thành phần có kim loại nặng hàm lượng cao)... Ngộ độc chì mạn chủ yếu do tiếp xúc với các yếu tố môi trường (không khí, nước, thực phẩm) và nghề nghiệp.

Cũng theo ThS. Thuận, khi nồng độ chì trong máu trên 40 mg/dL bắt đầu xuất hiện các biểu hiện thương tổn thần kinh trung ương, đầu tiên là rối loạn các hoạt động cao cấp như giảm trí nhớ, kém tập trung, khó ngủ, kích thích, lo âu, suy nhược. Khi chì máu cao trên 70 mg/dL sẽ có biểu hiện sảng, co giật và hôn mê do tổn thương mô não, phù não... Các biểu hiện khác hay gặp là liệt-giả thần kinh quay (các ngón tay và bàn tay không duỗi được), thường là tổn thương vận động, ít gặp tổn thương cảm giác, giảm tốc độ dẫn truyền các dây thần kinh trụ, giữa và quay; đôi khi gặp bệnh cảnh giống như xơ cột bên teo cơ.   
 
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý