Bột ngọt Ajinomoto liên tục bị hàng Trung Quốc "đội lốt": Nguy hại khôn lường

baybykiu baybykiu @baybykiu

Bột ngọt Ajinomoto liên tục bị hàng Trung Quốc "đội lốt": Nguy hại khôn lường

(ĐSPL) Bột ngọt Trung Quốc giá rẻ sau một vài công đoạn sẽ được hô biến thành  bột ngọt Ajinomoto rồi bán ra thị trường với giá... như hàng thật.

28/08/2015 07:11 PM
218

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ làm giả bột ngọt (mì chính) Ajinomoto với quy mô lớn. 

Gần đây nhất là ngày 20/6/2015, Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) cho biết, đã bắt giữ Nguyễn Tất Hùng (39 tuổi, trú tổ 5, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) và Nguyễn Tất Hay (65 tuổi, cha ruột của Hùng, cùng trú địa chỉ trên), về hành vi sản xuất hàng nhái, hàng giả.

Qua kiểm tra, Công an thị xã Hương Thủy bắt quả tang đối tượng Hay đang vận chuyển gần 50kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và bột nêm Knorr vào TP Huế tiêu thụ. Tiến hành khám xét nhà riêng, cơ quan Công an phát hiện Hùng đang làm giả bột ngọt Ajinomoto và bột nêm Knorr; thu giữ 1 máy dán ép bao bì, 3 cái cân, 35kg bao bì giả các loại nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto, Knorr và một ôtô dùng vận chuyển hàng giả đi tiêu thụ.

Hùng thừa nhận, từ tháng 2/2015 đến nay, đã nhập nguyên liệu bột ngọt Trung Quốc giá rẻ để sản xuất được 1,7 tấn hàng giả nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto và bột nêm Knorr bán ra thị trường. 

Bột ngọt Ajinomoto liên tục bị hàng Trung Quốc "đội lốt": Nguy hại khôn lường - Ảnh 1Phóng to

Hàng nhái xuất xứ Trung Quốc làm giả thành bột ngọt bị phát hiện. Ảnh: Công an Nhân dân.

Trước đó vào chiều ngày 16/1, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Bắc Từ Liêm) phát hiện đối tượng Trương Đức Hiếu (23 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội), đang vận chuyển 200 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto có trọng lượng 500gram/gói (tương đương 100kg).

Tiến hành kiểm tra, cảnh sát phát hiện số bột ngọt này nghi là hàng giả nên đưa về trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm làm rõ. Qua xác minh, cơ quan công an xác định số bột ngọt trên là hàng giả nhãn hiệu Ajinomoto.

Khi bị bắt, Hiếu khai nhận, bản thân chỉ là người làm thuê cho đối tượng Vũ Văn Quyết (27 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất cung ứng thực phẩm ODC Vũ Quyết).

Cơ quan công an tiến hành khám xét khẩn cấp Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất cung ứng thực phẩm ODC Vũ Quyết, thu giữ máy móc, nguyên liệu và thành phẩm bột ngọt mang nhãn Ajinomoto. Tổng trọng lượng nguyên liệu thu giữ hơn 400kg mì chính.

Quyết khai, hành vi làm giả bột ngọt mang nhãn hiệu Ajinomoto của công ty đã hoạt động được gần 1 năm nay. Để sản xuất bột ngọt giả, Hiếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về, rồi thuê nhân công đóng gói giả nhãn hiệu Ajinomoto rồi bán ra thị trường. Thị trường chủ yếu của Quyết là vùng nông thôn.

Đóng gói sản phẩm do Nguyễn Văn Sơn (25 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) phụ trách. Trương Đức Hiếu phụ trách khâu phân phối sản phẩm.

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Đội CSĐT Tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (Công an quận Bắc Từ Liêm) để xử lý theo thẩm quyền.

Tiếp nhận vụ án, ngày 18/1, Đội CSĐT Tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ đã tống đạt lệnh bắt khẩn cấp Vũ Văn Quyết cùng hai nhân viên công ty là Trương Đức Hiếu và Nguyễn Văn Sơn.

Hay như vụ "hô biến" bột ngọt Trung Quốc thành bột ngọt Ajinomoto vào ngày 26/10/2014. Với thủ đoạn mua bột ngọt đóng bao mang nhãn hiệu Trung Quốc về sang triết thành những túi nhỏ mang nhãn hiệu Ajinomoto, cơ sở của bà Trần Thị Khuyên (66 tuổi, ngụ tại 214 Nguyễn Văn Cừ, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc) đã “phù phép” hàng trăm kg bột ngọt kém chất lượng thành bột ngọt có thương hiệu.

Thông tin này được Thượng tá Lê Văn Dinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết vào chiều 16-10.

Hiện, Công an TP Bảo Lộc đang tiếp tục mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ để khởi tố bà Khuyên về tội “Sản xuất và buôn bán hàng giả”.

Trước đó, Công an TP Bảo Lộc bất ngờ kiểm tra và bắt quả tang cơ sở sản xuất của bà Khuyên đang sang chiết và đóng gói bột ngọt.

Tang vật thu giữ gồm: 22 bao bột ngọt mang nhãn hiệu Trung Quốc loại 25kg/bao và hơn 550 túi bột ngọt có trọng lượng từ 100 gr đến 1 kg đã được sang chiết vào các bao bì mang nhãn hiệu Ajinomoto.

Công an đã lập biên bản và thu giữ toàn bộ số bột ngọt này với trọng lượng 776 kg.

Tại cơ sở này, công an còn thu giữ nhiều bao bì các loại dùng để sang chiết bột ngọt và một máy ép bao bì, một bàn cân.

Theo điều tra bước đầu, bà Khuyên khai nhận sang chiết và phân phối lại loại bột ngọt giả này từ đầu năm 2014.

Nguồn hàng bột ngọt mang nhãn hiệu Trung Quốc được bà mua tại Chợ Lớn (TP.HCM).

Bột ngọt Ajinomoto liên tục bị hàng Trung Quốc "đội lốt": Nguy hại khôn lường - Ảnh 2Phóng to

Số bột ngọt giả thành phẩm thu giữ tại cơ sở của bà Khuyên.

Ăn mì chính giả dễ bị ngộ độc

Với cách thức đội lốt hàng trong nước không biết bao nhiêu bột ngọt Trung Quốc không rõ nguồn gốc đã đàng hoàng len lỏi vào mâm cơm của nhiều gia đình. Thêm nữa, các cơ sở chế biến thực phẩm hay những hàng ăn đường phố cũng thường xuyên chọn lựa những loại bột ngọt này, những người bán cũng chọn hàng nhái để bán kiếm lời lớn.

Qua khảo sát các gian hàng tại chợ dân sinh, đặc biệt những chợ tại các khu công nghiệp, ngoại thành Hà Nội, nhiều cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ đều bày bán những loại bao mì chính nhỏ 5 lạng. Theo giải thích của các chủ cửa hàng, đó là hàng công ty trong quá trình sản xuất, không thể tránh khỏi những sai sót như vụn, vỡ. Hàng này xấu hơn hàng được đóng gói bao bì cẩn thận, công ty không sử dụng để bán nhưng chúng tôi gom được nên bán với giá rẻ hơn.

Với cách thức đội lốt hàng trong nước không biết bao nhiêu bột ngọt Trung Quốc không rõ nguồn gốc đã đàng hoàng len lỏi vào mâm cơm của nhiều gia đình. Thêm nữa, các cơ sở chế biến thực phẩm hay những hàng ăn đường phố cũng thường xuyên chọn lựa những loại bột ngọt này, những người bán cũng chọn hàng nhái để bán kiếm lời lớn.

Theo số liệu thống kê của cục Hải quan, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2014, đã có gần 5.000 tấn mì chính, bột ngọt Trung Quốc nhập vào Việt Nam với giá rẻ bất ngờ. Mới đây, theo công bố của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi các cục hải quan địa phương cảnh báo hiện tượng một số lô hàng mì chính, giả mạo các thương hiệu như Ajinomoto, Miwon, Vedan, nhập lậu vào Việt Nam.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), việc sử dụng những loại gia vị như bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhẹ thì gây ra ngộ độc cấp tính với biểu hiện đau đầu, chóng mặt..., còn về lâu dài, những ngộ độc mãn tính do các chất độc tích tụ lại trong cơ thể có thể gây ra những chứng bệnh nan y như ung thư. Các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội cũng cảnh báo: Sử dụng bột ngọt không rõ nguồn gốc là nguyên nhân của không ít trường hợp phải rửa ruột vì ngộ độc.

PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, hiện nay, mì chính được sử dụng phổ biến trong bếp ăn của hầu hết mọi gia đình. Tuy nhiên, không phải người nội trợ nào cũng hiểu hết về gia vị này.

Mì chính, thực chất là một hóa chất với tên gọi Monosodium Glutamat “MSG”. Tại các công ty mì chính VeDan, Ajino Moto…, người ta áp dụng công nghệ vi sinh để trước hết tạo ra axit glutamic, sau đó dùng NaOH ở nồng độ cao sản xuất ra mì chính (là chất muối của acid glutamic). Mì chính được sử dụng để cải thiện vị, điều vị, tạo ra “ảo giác” làm hương vị các thức ăn kém vị ngọt trở nên ngọt ngào, hấp dẫn hơn.

Nhưng mì chính không hề có giá trị dinh dưỡng, thậm chí còn gây hại nếu bị lạm dụng. Nhiều người nội trợ gần như không dùng mì chính trong nấu ăn, bởi khi sử dụng, họ thường gặp các biểu hiện như căng thẳng, hoa mắt, nhức đầu, buồn nôn… Đây cũng được coi như là phản ứng dị ứng với bột ngọt. Đặc biệt, đối với trẻ em, người già, phụ nữ mang thai nên hạn chế tối đa sử dụng bột ngọt trong khẩu phần ăn.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, việc sử dụng chất điều vị là được phép nhưng phải có giới hạn nhất định. Nếu cho bột ngọt vào thức ăn chỉ được chiếm tỉ lệ 10g/1kg sản phẩm, tức 1% mà thôi. Mặc dù chưa có số liệu thống kê số trường hợp bị ảnh hưởng từ mì chính nhưng việc hạn chế lạm dụng mì chính để tạo ngọt là cần thiết. Bởi bản chất của bột ngọt là sản phẩm của phản ứng hóa học.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý