Bùa yêu xứ Mường và những điều bí ẩn

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Bùa yêu xứ Mường và những điều bí ẩn

(ĐSPL) Đó là lời cảnh báo của những thầy Trượng cao tay nhất đối với tất cả những người có ý định lợi dụng bùa thiêng vào mục đích xấu xa. Bởi họ tin rằng, mọi lá bùa đều được làm ra dưới sự giám sát của các vị thần(?)...

25/04/2015 08:32 PM
372

Học phép trong mơ?

Những người trẻ ở thôn Bãi Xe (Nam Thượng, Kim Bôi, Hòa Bình) có thể không hay, nhưng rất nhiều người già trong vùng đã từng chứng kiến một sự lạ xảy ra trước đó mấy chục năm. Trong lễ tang của một gia đình nọ, khi thầy Mo đang làm lễ cho người chết về ăn bữa cơm cuối cùng với con cháu thì bỗng đâu, một cậu bé ở bên ngoài chạy vào nói thầy Mo hát sai. Mới đầu, cả thầy Mo lẫn gia chủ đều tỏ ra rất tức giận, quát mắng, đuổi cậu bé ra ngoài. Sau, một người già ngăn lại, hỏi lý do tại sao cậu lại nói như vậy. Không ngờ, cậu bé không những chỉ rõ được thầy Mo kia đã hát sai ở chỗ nào mà còn hát luôn một bài mo về lời dặn dò của người chết trước lúc đi xa mãi mãi dài hai tiếng đồng hồ khiến ai nấy đều cảm động, rưng rưng nước mắt. Đáng kinh ngạc hơn, cậu bé còn thuộc nhiều bài mo khác và hát không thua kém bất cứ một thầy Mo nào.

 - Ảnh 1Phóng to

Theo quan niệm dân gian, thầy Trượng được cho là sứ giả của ba cõi Mường Trời, Mường Trần và Mường Âm.

Sau lần ấy, người làng bắt đầu bàn tán xôn xao về cậu bé 7 tuổi có khả năng kỳ lạ. Không ai hiểu lý do tại sao một đứa trẻ chưa từng học mo một ngày nào lại có thể thuần thục nhiều bài mo như vậy. Khi được hỏi, cậu bé hồn nhiên trả lời rằng, đêm nào cậu cũng nằm mơ thấy một cụ già hiện về dạy mình hát Mo. Không những thế, cậu còn được dạy tất cả các nghi lễ cúng tế cầu an, trừ tà, làm phép... Câu chuyện nghe có vẻ hoang đường, nhưng nhiều người tin rằng, cậu chính là người được chọn, người được thần linh chỉ định để trở thành sứ giả giữa ba cõi Mường Trời, Mường Trần và Mường Âm(?).

Cậu bé trong câu chuyện khó tin trên chính là thầy Trượng, nghệ nhân Mo Mường Quách Công Thương. Tuy được tiền nhân truyền dạy bí kíp Mo Mường trong những giấc mơ kỳ lạ nhưng ngày đó, ông Thương chỉ thích đi học chữ, nuôi ước mơ trở thành giáo viên dạy học, chứ không thích ở nhà làm thầy Mo, thầy Trượng. Năm 17 tuổi, mặc dù đang đi học nhưng rất nhiều người trong làng đến nhờ thầy Thương đi mo, làm lễ cầu an, giải hạn, mát nhà… cho gia đình mình. Theo quan niệm của người Mường, đó là việc làm phúc, người ta đã nhờ thì không thể từ chối cho nên ông Thương lại phải tranh thủ làm giúp sau giờ học. Ngay cả khi đã đi học cao đẳng Sư phạm ở Thái Nguyên, người dân còn tìm lên tận trường mời ông Thương về làm lễ cho mình.

Nhiều người khuyên ông: “Sao phải học làm gì cho nó khổ? Làm giáo viên, lương ba cọc ba đồng chả đủ nuôi thân. Ở nhà, làm thầy Mo có phải sướng hơn không?”. Tuy nhiên, ông Thương đã không từ bỏ ước mơ thời thơ bé của mình. Hiện, ông đang là giáo viên của trường THCS Cuối Hạ (thuộc xã Nam Thượng) và nhiều năm là giáo viên dạy giỏi của trường.

Trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Mường, thầy Mo, thầy Trượng, bà Mưỡu... là những người rất được coi trọng. Bởi vậy, nhiều người không quản gian nan, cố công tầm sư học đạo cốt học cho được nghề này. Tuy nhiên, người Mường tin rằng, chỉ những người được thần linh chỉ định mới có thể làm tốt công việc này(?). Bởi vậy, nhiều người học cả đời vẫn chưa có kết quả; trong khi một số khác không học ngày nào cũng làm được thầy Mo. Theo lời kể của ông Thương, trong hơn chục năm qua, ông đã nhận truyền dạy kinh nghiệm cho bốn người nhưng chưa ai học được. Đệ tử hiện tại của ông đã theo học được hơn một năm, nhưng mới chỉ biết sắp lễ, chứ chưa thuộc nổi một bài Mo nào!

Hại nhân, nhân hại…

Được cho là nắm giữ trong tay những bí mật của thánh thần, có thể làm những việc mà người bình thường không sao làm được, nhưng các thầy Trượng luôn luôn phải chịu sự giám sát nghiêm khắc của thần linh. Đó là một sự ràng buộc vô hình nhưng vô cùng bền chắc, không gì có thể phá vỡ được. Không tiết lộ bí mật và không làm việc thất đức là hai điều cấm kỵ mà bất cứ thầy Trượng nào cũng phải khắc cốt ghi tâm, nếu không muốn bị trừng phạt thê thảm.

Nói về điều này, ông Thương cho biết, đó là một lời thề liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Trước đây, có một thầy Trượng vì tham tiền hám của đã giúp một kẻ xấu làm bùa ém chết con trâu duy nhất của một ông lão nghèo. Nguyên nhân chỉ vì, con trâu của ông lão đã vô tình… ị ngay trên đoạn đường đối diện cửa nhà anh ta. Kết quả là con trâu vừa chết hôm trước, thì hôm sau ông thầy Trượng không biết điều hay lẽ phải kia cũng lăn đùng ra chết. Sau này, gia thế ông ta cũng lụn bại dần, con cháu không ai thành đạt. Ông ta đã bị thần linh trừng phạt vì vi phạm lời thề.

Một nguyên tắc bất di bất dịch trong giới bùa ngải của người Mường là mỗi thầy Trượng chỉ được truyền dạy những lời thiêng dùng để làm phép của mình cho một đệ tử duy nhất. Đó phải là một người được lựa chọn kỹ càng qua các thử thách về tài và đức. Mặc dù khá dè dặt trong việc chia sẻ các vấn đề liên quan đến bùa ngải, ông Thương vẫn tiết lộ thêm cho tôi một bí mật khác. Đó là, những thầy Trượng cao tay có thể phế bỏ những gì mình đã dạy cho đệ tử nếu cảm thấy người đó không xứng đáng.

“Khi truyền dạy lời thiêng, thầy Trượng và đệ tử sẽ ngồi đối diện nhau trong một khoảng cách đủ gần để nghe những lời chỉ được nói ở mức thì thầm. Nhưng vì lời thiêng là một thứ ngôn ngữ đặc biệt, không giống với bất cứ một thứ ngôn ngữ nào nên rất khó nhớ. Người học phải thật nhập tâm mới có thể lĩnh hội được. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chỉ khi thầy Trượng vỗ hai tay vào nhau như một tiếng trống tuyên thệ lời thiêng đã được truyền dạy cho người xứng đáng, người kia mới thực sự ghi nhớ được câu thần chú đó. Ngược lại, nếu thầy Trượng nắm cổ tay của mình lại thì toàn bộ những gì truyền dạy cho kẻ đó sẽ theo gió mà bay đi hết, không còn một chút gì đọng lại trong tâm trí”, ông Thương giải thích.

Bùa yêu xuất phát từ mục đích tốt

Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Huy Vọng, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán dân tộc Mường đạt giải thưởng của hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định: Bùa yêu là một sự thật có trong văn hóa người Mường. Nhưng các thầy làm bùa luôn phải xuất phát từ mục đích tốt chứ không phải muốn làm thế nào cũng được. Nó giống như một lời nguyền thiêng liêng mà bất cứ kẻ nào cố tình làm trái, làm bậy đều sẽ phải trả giá đắt. Ngày xưa, chỉ có con nhà nghèo hoặc quá xấu không có điều kiện lấy được chồng/vợ mới phải cầu đến bùa yêu. Và họ cũng không thể làm cho một người phản bội vợ/chồng của mình để đi yêu một người khác, điều đó là cấm kỵ.

Muốn làm thầy Trượng phải có căn duyên?

 - Ảnh 2Phóng to

Trước khi làm phép, thầy Trượng luôn phải làm lễ thỉnh các vị thần linh về chứng giám.

Là một người con xứ Mường, TS.Bùi Văn Thành (vụ Giáo dục dân tộc, bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: “Trước đây, khi còn là giáo viên dạy văn ở Hòa Bình, tôi đã từng biết đến hai trường hợp đặc biệt không đi học nghề thầy Mo, thầy Trượng nhưng bỗng dưng lại có khả năng này. Cả hai đều là học sinh cũ của tôi. Chẳng ai thấy chúng đi học Mo, học Trượng ngày nào nhưng lại thuộc những bài mo hát năm đêm, bảy đêm không cạn lời… Điều này rất khó giải thích. Nhiều người cho rằng đó là căn duyên và phải có căn duyên mới làm được công việc này”.

(Còn nữa)

 DƯƠNG DUNG

 

Xem thêm clip: Cảnh báo: Mê tín dị đoan, chữa bệnh bằng bùa ngải


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý