Ca cổ với tiếp viên trong quán nhậu ở miền Tây

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Ca cổ với tiếp viên trong quán nhậu ở miền Tây

Để thu hút khách, hầu hết quán ca cổ đều tuyển tiếp viên không chỉ xinh đẹp mà phải biết hát để vừa nhậu vừa song ca mùi mẫn.

13/09/2014 07:17 PM
1,410

Lời ca trầm bổng, ngọt ngào của các "đào" làm dân Sài Gòn, Hà Nội mỗi lần đến Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đều rủ bạn bè đi ca cổ từ trưa đến tối mịt vẫn chưa chịu về.

"Lan - Điệp" trong phòng nhậu

Tại TP Cà Mau, đường Bùi Thị Trường và Nguyễn Du được mệnh danh là "con đường ca cổ" với nhiều quán mang tên nghệ sĩ địa phương như Tuấn Liêm, Hồng Chi, Minh Sang, Kim Nga, Bảo Ngọc… Trước đây các quán đặt bàn nhậu gần nhau trong cùng một phòng lớn, khách đăng ký bài rồi chuyền micro hát xoay vòng cho cả quán nghe. Nay quán hiện đại hơn với nhiều phòng máy lạnh, xây tường cách âm.

 - Ảnh 1

Không chỉ chọn ngoại hình, các tiếp viên phải có giọng hát ngọt ngào.

Trong những phòng hát riêng biệt, nữ tiếp viên ngồi cạnh khách nam song ca, "được" quàng vai bá cổ. Khi bia, mồi dọn ra, thầy đờn bước vào, chủ quán cũng vào theo một lúc để hát giúp vui vài bài trong lúc chờ tiếp viên trang điểm.

Một trong những quán đông khách ở Cà Mau là Hồng Chi - tên nữ nghệ sĩ nổi tiếng một thời của đoàn cải lương Hương Tràm. Nữ chủ quán này tuy lớn tuổi nhưng giọng ngọt ngào, hát tặng khách nhiều bài khiến người nghe quên cả đường về, trong đó hay nhất phải kể đến bài Minh Hải tươi sắc nắng với lời ngâm "Minh Hải dịu dàng tươi sắc nắng/Quanh vòng tay mẹ lắm phong trần…". Vừa dứt lời ngâm, Hồng Chi vang câu vọng cổ "Đầm thấm những con sông lắng trong buồn vui mơ ước…" khiến khách buông ly vỗ tay rần rần. Gần đây, giọng hát ngọt ngào ấy đã đến quê hương "Hắc Công tử" khi nữ nghệ sĩ mở thêm quán ca cổ tại Bạc Liêu.

Thông thường chủ quán góp vui 1-2 bài rồi ra khỏi phòng. Lúc này khách vô tư cùng các đào nhập vai "Lan - Điệp" mùi mẫn trước mặt bạn nhậu. Theo tiếp viên, các cô được chủ quán ký hợp đồng lao động hẳn hoi để đủ thủ tục khi cơ quan chức năng kiểm tra nhưng không có lương, nếu có chỉ 300.000-500.000 đồng/tháng, không đủ mua son phấn.

"Thu nhập của tụi em là tiền bo, tháng nào đắt khách mỗi đứa được 5-6 triệu đồng. Hát trong phòng không tránh khỏi chuyện khách quá đà ôm hôn, sờ mó nên chị em dặn nhau phải giữ mình, không cho các anh mơn trớn quá mức", một cô gái trẻ quê huyện Cái Nước (Cà Mau) chia sẻ.

 - Ảnh 2

Quán ca cổ của vợ chồng nghệ sĩ từng gắn bó với đoàn cải lương Chuông Vàng.

Tại Sóc Trăng, khi đoàn cải lương Chuông Vàng tan rã, nhiều nghệ sĩ như Linh Tuấn, Vương Tuấn, Kiều Loan… mở quán nhậu mưu sinh. Ban đầu, Linh Tuấn cùng vợ là nghệ sĩ Thanh Kim Hiền thuê đất gần chợ Khánh Hùng ở phường 2, TP Sóc Trăng mở quán ca cổ với nhiều bàn nhậu đặt cạnh nhau, xen giữa là những chậu cây cảnh. Sau nhiều năm ăn nên làm ra, vợ chồng này mua đất xây nhà, dời quán nhậu sang phường 7. Tại đây, Linh Tuấn cho xây nhiều phòng cách âm, tuyển tiếp viên trẻ đẹp biết ca hát, chủ yếu đến từ Đồng Tháp - quê hương của nghệ sĩ Thanh Kim Hiền.

Gần quán Linh Tuấn, nghệ sĩ Kiều Loan cũng mở quán nhậu 9999. Quán này trước đây thuê mặt bằng ven quốc lộ 1A, nay dời về gần cống Xà Lan với nhiều phòng được cách âm, nữ tiếp viên vừa uống bia cùng khách vừa nhập vai "Lan - Điệp" tình tứ.

Lay lắt "kiếp cầm ca"

Gắn bó với nghiệp cải lương hơn nửa thế kỷ nhưng đồng lương không giúp được nghệ sĩ Minh Sang nuôi sống gia đình. Cũng như các đồng nghiệp khác ở đoàn cải lương Hương Tràm, nghệ sĩ gần 70 tuổi này mở quán nhậu mang tên mình để mưu sinh nhưng thời gian gần đây khách thưa thớt, nợ nần bủa vây khiến ông bỏ quán vào U Minh trồng rừng, nuôi cá.

Trong lần trò chuyện với báo chí, nghệ sĩ Minh Sang nhận định dân miền Tây đa số biết đờn ca vọng cổ. Có người tuy hát không hay nhưng cũng đủ làm thương hiệu cho vùng sông nước. Vì vậy, khi các đoàn cải lương chuyên nghiệp lần lượt giải tán hoặc hoạt động lay lắt như bông tràm vùng U Minh thì nghệ sĩ phải tự cứu gia đình mình bằng cách mở quán nhậu ca cổ.

"Nghệ sĩ nào có danh tiếng, được khán giả và bạn bè ủng hộ thì khách vào quán đông nhưng cũng không bền lâu vì ca hát riết cũng "ngán". Vài năm nay quán tôi ế lắm, có ngày chỉ được vài bàn khách, lãi không đủ chi phí", nghệ sĩ già chia sẻ.

 - Ảnh 3

"Lan - Điệp" bên bàn nhậu trong quán ca cổ.

Cùng quan điểm này, nghệ sĩ Linh Tuấn cho biết để duy trì hoạt động của quán, ngoài việc kinh doanh đàng hoàng, không chặt chém, vợ chồng anh luôn biết sống có trước có sau với bạn bè, đồng nghiệp, chang hòa cùng láng giềng bởi "kiếp cầm ca" có trai gái bên nhau trong phòng nhậu dễ bị người đời dị nghị. Để tăng thu nhập, vợ chồng Linh Tuấn tranh thủ tham gia thu âm, ghi hình của các đài truyền hình với thù lao 3-4 triệu đồng cho 2-3 ngày ca hát.

Đối với nghệ sĩ hài Tuấn Bình, do không có vốn mở quán ca cổ nên anh thuê mặt bằng sống với nghề hớt tóc gần nhà máy bia Sóc Trăng. Để có tiền cho con ăn học, hôm nào khách thấy anh buông tay kéo là biết đang chạy sô đám tiệc, cố duy trì "kiếp cầm ca" nhưng sau 2 ngày hát khan cả cổ chỉ được nhận thù lao 400.000-500.000 đồng.

"Nhiều đồng nghiệp muốn gây dựng lại đoàn hát nhưng lực bất tòng tâm vì không ai đủ vốn. Khó nhất là mất nhiều thời gian đào tạo lại dàn diễn viên trẻ nên tụi tôi cứ bám lấy quán nhậu mà sống", một nghệ sĩ chia sẻ.

Theo Tri Thức trực tuyến

Xem thêm video clip : Dân phòng văng tục, mắng nhiếc người tham gia giao thông

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý