“Cái chết” được báo trước từ những cuộc chơi “tay không bắt giặc”?

bexinh bexinh @bexinh

“Cái chết” được báo trước từ những cuộc chơi “tay không bắt giặc”?

(ĐSPL) Có lẽ, chưa năm nào, ngành thủy sản và bất động sản (BĐS) lại cùng “ôm nhau” chịu cảnh thê thảm như năm 2014. Hàng loạt những “ông lớn” không những phá sản, bỏ của chạy lấy người mà còn lâm vòng lao lý. Nhiều đại gia bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đẩy công ty vào con đường phá sản.

31/01/2015 10:10 PM
347

Thực tế, đây là những “cái chết” đã được dự báo từ trước khi các đại gia “làm ăn” theo kiểu “tay không bắt giặc”.

Nhiều đại gia “chết đuối”

Trước đây, khi nhắc đến thủy sản và BĐS, nhiều người phải dùng đến hai từ khát khao và thèm muốn. Bởi có một thời, đây được xem là hai trong những ngành “ho ra bạc, khạc ra tiền”, là nơi sản sinh ra nhiều đại gia tầm cỡ. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, không ít doanh nghiệp làm ăn phát đạt, được xem là “ông lớn” lại “ngã ngựa” một cách bất ngờ. Một số đại gia còn phải bỏ trốn hoặc lâm cảnh tù tội.

 - Ảnh 1Phóng to

Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận cả nước choáng váng trước những thông tin từ cơ quan công an cung cấp. Ngày 24/12/2014, cơ quan CSĐT Bộ Công an thực hiện quyết định bắt giam ông Nguyễn Tấn Hải (SN 1962, nguyên Giám đốc công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Thuỷ hải sản Việt Hải) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việt Hải là công ty một thời gian dài được xem là “tượng đài” của ngành thủy sản BĐSCL và làm mưa làm gió ở tỉnh Tiền Giang. Được biết, đến thời điểm ông giám đốc bị bắt, người dân mới tá hỏa khi phát hiệt ra rằng, công ty này có vốn điều lệ 15 tỉ đồng nhưng đã vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Minh Hải (VDB Minh Hải) 120 tỉ đồng, lãi treo 50 tỉ đồng. Hợp đồng vay tiền của ông Hải được cho là tín chấp khống. Công ty này đã ngừng hoạt động, hiện còn nợ tiền lương của công nhân.

Trước đó không lâu, trung tuần tháng 11/2014, ngành thủy sản cũng chứng kiến sự việc tương tự tại xí nghiệp Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Ngọc Sinh. Khi đó, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng triển khai quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Đặng Thị Ngợi, nguyên Giám đốc xí nghiệp vì về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh, cơ quan công an đã khởi tố bị can đối với Phan Xuân Minh, nguyên Giám đốc công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Châu. Nhưng trước khi bị công an “sờ gáy”, ông Minh đã nhanh chân bỏ trốn và để lại một khoản nợ khổng lồ. Và, chắc hẳn nhiều người còn nhớ, vào tháng 9/2013, ông Lâm Ngọc Khuân, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty thực phẩm Phương Nam cũng đã phải “cao chạy xa bay”, bỏ lại sau lưng khoản nợ 1.700 tỉ đồng cho các tổ chức tín dụng “tự xử lý”.

Cùng chung số phận với các “ông lớn” ngành thủy sản, nhiều đại gia địa ốc cũng “tán gia bại sản”, gặp đại hạn trong năm vừa qua. Cách đây chưa lâu, bộ Công an cũng đã khởi tố vụ án, bắt giam đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Địa ốc An Khang - Ngô Thị Minh Phượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi đó, với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Phượng đã chỉ đạo nhân viên huy động và sử dụng vốn trái phép, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng mua đất tại dự án với số tiền lên đến 390 tỉ đồng. Tháng 3/2014, giới BĐS rúng động trước thông tin ông Hà Văn Sơn, 30 tuổi, Tổng giám đốc công ty cổ phần Bất động sản Việt Nam (VN Land) bị bắt về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hay trường hợp của ông Hoàng Ngọc Sáu, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Địa ốc dầu khí (PVL), cũng về hành vi trên. Cơ quan điều tra phát hiện ông Sáu có nhiều sai phạm tại các dự án BĐS ở TP.HCM, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng của Nhà nước, ông Hà Văn Sơn là đồng phạm về hành vi này.

Ai “giúp sức” cho những “chúa chổm” thời hiện đại

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: “Từ trước đến nay, trong khi BĐS được xem là ngành để đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế thì ngành thủy sản lại là nơi sản sinh ra rất nhiều đại gia lớn. Chúng ta có thể thấy, ở các tỉnh ĐBSCL, việc xuất hiện không ít những người siêu giàu là nhờ việc nuôi trồng, chế biến thủy sản. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp được xem là uy tín, giàu có của hai ngành này lâm cảnh “sống dở chết dở”, treo biển “sập tiệm”, thậm chí các ông chủ phải trả giá bằng việc bị khởi tố trước pháp luật. Đây cũng là một trong những cái kết mà nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo trước”.

 - Ảnh 2Phóng to

TS. Lê Đăng Doanh.

Vị TS. này giải thích, mặc dù là hai ngành kinh doanh ở hai lĩnh vực khác nhau nhưng một số doanh nghiệp BĐS và thủy sản đều thích làm ăn theo kiểu “tay không bắt giặc”. “Đáng lẽ ra trong thời điểm kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phải đi tìm hướng đi mới, cẩn trọng trong từng hành động thì họ lại làm điều ngược lại. Để có tiền kinh doanh, không ít “đại gia” tìm cách “gõ cửa sau” và móc nối với các cán bộ ngân hàng. Mặc dù tài sản thế chấp không có hoặc rất nhỏ nhưng do đã được nhận tiền lót tay, được hứa hẹn quyền lợi, cán bộ ngân hàng làm đủ cách để doanh nghiệp được vay với số vốn lớn. Thậm chí doanh nghiệp BĐS còn huy động vốn của khách hàng một cách vô tội vạ để đầu tư dàn trải. Cứ thế, nợ xấu theo thời gian tăng lên theo cấp số nhân và đó chính là khởi điểm cho việc các “ông lớn” mất cả chì lẫn chài”, TS. Lê Đăng Doanh phân tích.

Nói đến sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp thủy sản, BĐS, ông Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc công ty Uvip Việt thẳng thắn: “Cũng cần phải nói rằng, việc một số đại gia thủy sản, BĐS thê thảm như hiện nay cũng một phần nguyên nhân gián tiếp từ sự lỏng lẻo của các ngân hàng. Hầu hết, chủ doanh nghiệp vỡ nợ, bỏ trốn, bị khởi tố thì các cán bộ ngân hàng trực tiếp cho vay cũng cùng chung số phận. Tôi được biết, trong vụ việc ông Lâm Ngọc Khuân bỏ trốn, cơ quan công an cũng đã khởi tố đến 25 nguyên cán bộ ngân hàng về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, có nhiều người là lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Có lẽ sẽ chẳng ai quên được vụ một công ty thủy sản ở Bạc Liêu dùng 52kg tôm vay được 128 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, hay chính vụ vỡ nợ của công ty cổ phần thực phẩm Phương Nam. Doanh nghiệp này đã dùng một kho tôm đông lạnh để “dắt mũi” 5 ngân hàng và vay được số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao các ngân hàng dễ dàng bị qua mặt đến vậy. Phải chăng, có sự “đi đêm” giữa ông chủ của Phương Nam với cán bộ tín dụng. Bởi, chẳng ngân hàng nào “ngớ ngẩn” đến mức giải ngân hàng trăm tỉ đồng mà lại không kiểm tra tài sản thế chấp của con nợ”.               

Gần đây nhất, dư luận cả nước lại thêm một cơn “địa chấn” khi ĐBQH Châu Thị Thu Nga (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, Chủ tịch công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất) bị bắt. Ngày 7/1, “bà nghị” này bị cơ quan CSĐT bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng giống như nhiều “ông lớn” BĐS khác, bà Nga cũng dùng chiêu thức “tay không bắt giặc” để lừa dối khách hàng. Theo đó, công ty của bà Nga đã huy động từ khách hàng số tiền hàng trăm tỉ đồng để thực hiện các dự án từ năm 2007 nhưng cho đến nay vẫn chưa triển khai hoặc chưa thể giao nhà cho khách. Đơn thư phản ánh của khách hàng cho biết đóng tới 90% giá trị nhà nhưng dự án chỉ mới làm xong phần móng rồi bỏ hoang phế.

“Chết đứng” vì đầu tư ngoài ngành

Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với doanh nghiệp thủy sản, việc nhiều đại gia “vỡ trận” là do quá hám lợi trước mắt. Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp thủy sản thò tay sang đầu tư vào BĐS để mong lấy lãi kép mặc dù họ không có bất cứ một chút chuyên môn nào về địa ốc. Đến khi BĐS đóng băng, cả khối tiền vay từ ngân hàng đổ vào đó không thể thu hồi được, họ đành dùng đến chiêu “vặt mũi bỏ miệng”. Nghĩa là các doanh nghiệp lấy tiền từ thủy sản mang sang trả nợ ngân hàng thay cho BĐS hoặc vay tiền của một ngân hàng A để trả ngân hàng B.. Và rồi, chính cái lĩnh vực đầu tư “tay trái” đó đã kéo cả cơ ngơi của họ xuống bùn đen.

VƯƠNG CHÂN

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý